Anh em hãy sám hối…

Anh em hãy sám hối…

Ngày 14/02/2024 (vừa qua) là thứ tư. Với người đời, đây là ngày Valentine. Nhưng với người Công Giáo, đó là ngày “Lễ Tro”. Lễ tro, hay còn gọi là thứ tư lễ tro, là ngày khởi đầu cho Mùa Chay.

Mùa Chay, không tính các ngày Chúa Nhật, thường được kéo dài với khoảng thời gian 40 ngày, trước lễ Phục Sinh. Trọng tâm của mùa chay không chỉ là chay tịnh, nhưng còn là nhắc nhở chúng ta hướng về một thực tại, đó là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”, về cái chết hy tế và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho muôn người.

Vào ngày thứ tư lễ tro, sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc. Từng đoàn người tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế, trong tiếng nhạc thâm trầm du dương, với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro… ”.

Tro sẽ được rắc lên đầu hoặc vẽ lên trán hình thánh giá, cho mỗi người tín hữu. Việc sử dụng tro đã xuất hiện từ thời Cựu Ước và được xem đó như là một dấu hiệu của sự sám hối.

Sách Giô-na có ghi, rằng: “Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố còn bốn mươi ngày nữa NiNive sẽ bị phá đổ. Dân Ninive tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninive, vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro”.

Vâng, ăn chay và sám hối – sám hối và ăn chay cũng chính là điều Đức Giê-su đã thực hiện và mời gọi. Những sự việc này, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 1, 12-15)

**

Tin Mừng thánh Mác-cô tường thuật, rằng: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.”

Thánh sử Mác-cô, không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ của Đức Giê-su. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Sa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài.

Chúng ta, chúng ta có thể tin, vì nếu Đức Giê-su sa vào chước cám dỗ của Satan, thì sẽ chẳng có chuyện “có các thiên sứ hầu hạ Người.” Thánh sử Mác-cô đã ghi lại rõ ràng, như thế.

Sau khi hoàn tất việc chay tịnh, Đức Giê-su rời hoang địa, với sức mạnh của Thần Khí, một sức mạnh đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tại sông Gio-dan: “Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.”

Tại đây, Ngài đã lớn tiếng mời gọi mọi người, rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (x.Mc 1, 15)

***  

Đức Giê-su đã ăn chay. Hôm nay, bước vào mùa chay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay. Đức Giê-su ăn chay bốn mươi ngày. Ngày nay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay hai ngày. Thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh.

Chỉ có hai ngày! Thế mà, có không ít người lại quên giữ chay! Có tệ lắm không? Thưa, có. Tệ hơn nữa, đó là có người ăn chay mà như thể không ăn chay. Họ “kiêng thịt” theo đúng luật Giáo Hội đề ra. Nhưng họ lại ăn những loại “thịt” không được xem là thịt bị cấm sử dụng, đại loại như: tôm hùm, cua biển, trai, sò, rùa những loại lưỡng cư v.v… mà ngày nay, chỉ có những người “khá giả” mới có tiền mua được.

Ăn chay theo kiểu đó, có đúng cách không? Thưa, không ít linh mục đã “phàn nàn”  về cách ăn chay này.

Chúng ta ăn chay, hãy ăn chay đúng cách. Điều này, Giáo Hội dạy rồi. Những người ăn chay “không đúng cách”, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời phán rằng: “Các ngươi lại ăn chay không đúng cách… (Ăn chay) như thế mà gọi là ăn chay, trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” (Is 58, …4…5)

Thiên Chúa, cũng qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời truyền dạy, rằng: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích… là thế này: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc. Là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục…” (Is 58, 6-8)

Có quá khó cho cách ăn chay này? Thưa, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, đó là cách “Chúa ưa thích”.

“Theo Điều 1252 của Bộ Giáo Luật hiện hành, luật ăn chay buộc tất cả mọi người Kitô hữu, từ tuổi thành niên (nghĩa là trọn 18 tuổi) cho đến khi bắt đầu được 60 tuổi (nghĩa là cho đến hết 59 tuổi).” (nguồn: internet)

“Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước. Đối với chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai trái, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm… ‘lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng’. Do đó, nếu Giáo hội không buộc, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này, hơn là để đền tội ‘cách nặng’ trong luyện ngục đời sau!”

Vâng, Linh mục Đoàn Quang, trong bài viết “Ăn Chay, Kiêng Thịt Trong Giáo Hội Công Giáo”, đã có lời khuyên dạy, như thế. Thế nên, vâng lời Giáo Hội, chúng ta hãy ăn chay. Và, nên ăn chay theo cách “Thiên Chúa ưa thích”.

****  

Ngoài việc ăn chay, chúng ta còn phải sám hối. Đó là điều chúng ta được nghe Đức Giê-su mời gọi. (đã nêu trên)

Vâng, đừng nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra  tội lỗi, nên không cần ăn năn,  tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối!

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân.

Hãy xét mình, có ai trong chúng ta mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: “ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, say sưa…”?!

Thánh Thần Chúa, qua môi miệng tông đồ Phao lô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Vua David, một vị vua được xem là “vua thánh”, thế mà cũng đã diễn tả rõ nét thân phận “phàm nhân” đầy tội lụy của mình, như sau: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”! Người xưa, chẳng phải là đã có lời nói rằng: “Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn”, đó sao!

Vì thế, bốn mươi ngày chay thánh, không quá dài để chúng ta chần chờ, để chúng ta chậm chân trở về trong tâm tình sám hối.

Đức Giê-su đã nói, chúng ta biết rồi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Tin vào Tin Mừng là tin vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. (Ed 33, 11)

Thật vậy, Thiên Chúa đã  cứu vớt nhiều tội nhân, khi người ấy “ăn năn sám hối”. Lịch sử Cựu Ước, qua câu chuyện sa ngã của vua David, là một bằng chứng điển hình.

Vua David, dù đã “sa chước cám dỗ”, dù đã phạm tội tà dâm và sát nhân, nhưng, nhờ biết sám hối, nhận mình “đắc tội với Đức Chúa”, tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Tin và cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn tội nhân sám hối. Và một khi người tội nhân thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy người ấy thoát ra khỏi điều mà họ đã bị cám dỗ, để đứng lên trở về.

Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã có một quyết định, đó là “đứng lên đi về cùng cha.” (x.Lc  15, 20)

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hôm nay, mùa chay năm nay, chúng ta đừng thờ ơ, phớt lờ lời mời gọi này. Hôm nay, chúng ta hãy “xé lòng” mình ra và hãy “nhét” lời mời này vào tâm lòng chúng ta. Bởi vì, Chúa Giê-su… Chúa Giê-su ưa thích điều này.

Thiên Chúa, Người đã làm tất cả. Người chờ đợi chúng ta  đón nhận lời mời. Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã cho chúng ta biết rằng: dù tội chúng ta “có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải diều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18)

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta sẽ sám hối và tin vào Tin Mừng? Thánh Cyprian  có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót (của) Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Vâng, vẫn rộng mở với lời mời gọi đầy lòng thương xót: “Anh em hãy sám hối.”

Petrus.tran