Nếu trong xã hội Châu Âu, đầu năm là thời gian để mỗi người nghỉ ngơi, vui chơi thì trong truyền thống Á Châu, Tết là dịp của sum họp, của đoàn viên và của tình thân gia đình. Dường như, càng lớn thêm về tuổi tác, người ta lại càng phong phú hơn trong kinh nghiệm về sự gặp gỡ và chia xa, về gắn bó và kỉ niệm.
Từ ngày nhỏ, trong mỗi Thánh lễ thiếu nhi ngày thứ Năm hàng tuần, chúng tôi hay véo von: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…” mà không hiểu hết ý nghĩa của lời bài hát. Chỉ đến khi rời nhà, đến những “chốn xa”, tôi mới thấy thật thấm thía.
Tết này, bạn về đâu? Còn tôi, Tết này, tôi về nhà…
Khi nhắc đến “nhà”, người ta thường liên tưởng đến một không gian xác định, một nơi chốn hay địa điểm, con người cụ thể. Có lẽ hơn thế, nhà không chỉ là kết quả của một phép cộng thuần túy những yếu tố vật chất hữu hình, nhưng còn là nơi hiện diện của tình yêu, của bình yên và hạnh phúc. Nhà là nơi đầy ắp tiếng cười giòn tan của trẻ thơ dù cuộc sống gia đình không mấy sung túc đủ đầy, là nơi mà nước sôi cũng phải reo lên niềm hạnh phúc bởi chứng kiến sự hy sinh mà các thành viên dành cho nhau. Nhà đơn giản là nơi để trở về!
Trong từ điển, “nhà” là hạn từ không đồng nghĩa với từ “bình yên”, nhưng khi “nhà” trái nghĩa với bình yên thì nó là khởi đầu cho sự bất hạnh. Do ảnh hưởng của lối sống tục hóa và chủ nghĩa cá nhân, “nền móng nhà” – những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình dường như đang đứng trước một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, thời thế có thể thay đổi nhưng những gì là chân giá trị sẽ luôn trường cửu, bởi có ai dám vỗ ngực khẳng định mình có thể sống mà không cần cộng đoàn, mà trong đó gia đình là cộng đoàn đầu tiên? Triết gia Aristotle đã khẳng định: “Ai mà không thể sống đời sống chung hoặc không cần đến cộng đồng vì tự mình làm đủ, người đó hoặc là thần thánh hoặc là quái vật”.
Do vậy, khái niệm “nhà” có lẽ phải được hiểu trong cái nhìn rộng và bao quát hơn. Nhà không chỉ giới hạn nơi tôi sinh ra, nhưng còn là lớp học tôi đang theo, là giáo xứ mà tôi đang sinh hoạt, là công ty tôi đang làm việc, hay là cộng đoàn mà tôi dấn thân phục vụ… Để xây dựng cộng đoàn như một “gia đình”, thật không đơn giản! Nó cần trách nhiệm và sự hy sinh của tôi trong tư cách là một thành viên. Và đôi khi, niềm vui không đến từ những công việc đao to búa lớn, nhưng xuất phát từ việc hoàn thành những công việc bổn phận nho nhỏ hàng ngày, như lời khẳng định của thi sĩ Tagore:
“Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là Niềm vui
Tôi thức giấc và nhìn thấy cuộc đời là Bổn phận
Tôi hành động và, ô kìa, Bổn phận chính là Niềm vui”.
Bổn phận của tôi, lúc này đây, là dấn thân hết khả năng vun đắp cho “căn nhà” của mình trở thành nơi hiện diện của tình yêu và là nơi đáng sống. Đừng đợi đến khi ta “qua là bao chốn xa” rồi mới thấy mình nhớ thương và nuối tiếc nó, vì biết đâu, đến khi ấy ta chẳng thể nào trở về chốn xưa được nữa…
HHQ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org