Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, kêu gọi viết lại Tuyên ngôn “Fiducia supplicans”, Lòng tín thác khẩn cầu, theo giáo huấn thần học rõ ràng và Công giáo.
Tuyên ngôn vừa nói do Bộ Giáo lý đức tin công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023, cho phép chúc lành ngoài phụng vụ cho các cặp bất hợp lệ, trong đó có các cặp đồng tính luyến ái.
Đức Hồng y Müller đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Raymond Arroyo, trong chương trình The World Over của Đài truyền hình “Lời Vĩnh Cửu” ở Mỹ, truyền đi hôm 27 tháng Giêng vừa qua. Đức Hồng y nói: “Tôi nghĩ toàn văn kiện này là một dự án bị thất bại”. Theo Đức Hồng y, ý hướng của văn kiện này là để “bao gồm những người bị gạt ra ngoài lề”, đó là điều tốt, “nhưng những phương pháp sử dụng ở đây không tốt… Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thức du nhập những người ở ngoài lề bằng cách truyền Tin mừng cho họ, để dẫn họ vào con đường của Chúa Giêsu Kitô, thống hối tội lỗi và lắng nghe Tin mừng, đến với các bí tích”.
“Chúa Giêsu hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta và thập giá của Chúa Giêsu Kitô cũng như sự sống lại của Chúa là những con đường cứu độ chúng ta, chứ không phải là một ý tốt đối với mọi người, những người theo bè Tam Điểm nói về tình huynh đệ đối với mọi người mà không có nghĩa vụ, không có hoán cải, không có thay đổi cuộc sống và không noi gương Chúa Giêsu Kitô”.
Đức Hồng y Müller nói thêm rằng: “Trong hôn phối, chính Chúa chúc lành cho đôi vợ chồng, và chúng ta trong tư cách là linh mục, đại diện Chúa Kitô là thủ lãnh của Giáo hội, chúng ta phải theo Chúa chứ không gieo rắc sự lẫn lộn hoang mang cho mọi người trên thế giới”.
Về phương diện này, Đức Hồng y than phiền rằng vì Tuyên ngôn Fiducia supplicans, Giáo hội “đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết”.
Trong số các giám mục không chấp nhận tuyên ngôn, đặc biệt có 57 Hội đồng Giám mục Phi châu phản đối và quyết định không áp dụng văn kiện này. Đức Hồng y Müller nhận định rằng: “Nay các Giáo hội Công giáo tại Phi châu là những người lãnh đạo trong việc sửa chữa văn kiện bị thất bại này. Tôi nghĩ chúng ta không thể nói Giáo hội Phi châu chống đối, vì văn hóa của họ không chấp nhận… Về khía cạnh này, văn hóa của họ tốt hơn văn hóa sa đọa ở Tây phương. Đây là lúc rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội người Phi châu đang đi vào vị trí và lãnh nhận việc lãnh đạo Giáo hội Công giáo, và đó là điều rất tốt họ đang làm”.
(lifesitenews.com 27-1-2024)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA