Nhân tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu từ ngày 18 đến 25/01, Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu đã có những suy tư về quan hệ Công giáo – Chính thống giáo sau 60 năm cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras.
Ngày 5 và 6/01 năm nay kỷ niệm lần thứ 60 cuộc gặp gỡ diễn ra tại Giêrusalem giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một Giáo hoàng và một Thượng phụ Đại kết sau cuộc gặp gỡ diễn ra trong Công đồng Ferrara (1438-1439) giữa Đức Giáo Hoàng Eugene IV và Thượng phụ Joseph II. Ngày kỷ niệm quan trọng này là một cơ hội tốt để trước hết nhìn vào quá khứ đau thương của các mối quan hệ giữa hai Giáo hội, hiểu rằng cách duy nhất để hành động là thanh tẩy ký ức lịch sử và tha thứ. Tuy nhiên, mục đích chính của việc nhìn lại các sự kiện trong quá khứ là ghi lại với lòng biết ơn những gì đã đạt được kể từ năm 1964 và hướng tới các bước mới trong tương lai.
Sự trở lại bác ái với sức mạnh pháp lý
Cuộc gặp gỡ tại Giêrusalem đã có một tác động trên lịch sử, trước hết vì cái ôm huynh đệ đó đã đóng dấu ý muốn của cả hai Giáo hội trong việc tái khôi phục lòng bác ái giữa hai bên. Cử chỉ này như một biểu tượng lâu dài của mong muốn hòa giải. Vì thế, trong sứ điệp gửi tới Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomeo I nhân dịp lễ Thánh Anrê trong năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng hành trình hướng tới hòa giải bắt đầu “bằng một cái ôm, một cử chỉ thể hiện một cách hùng hồn sự công nhận lẫn nhau về tình huynh đệ Giáo hội”.
Cái ôm huynh đệ này mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Vì Tiệc Thánh Thể và cái ôm huynh đệ thể hiện mục đích và nghi thức hiệp nhất Thánh Thể, mục tiêu của hành trình bắt đầu ở Giêrusalem phải là tái lập sự hiệp thông Thánh Thể.
Cuộc gặp gỡ ở Giêrusalem chuẩn bị nền tảng cho cuộc gặp gỡ ngày 7/12/1965, tại nhà thờ Thượng phụ Thánh George ở Phanar của Constantinople và trong Đền thờ Thánh Phêrô, các đại diện cao nhất của hai Giáo hội đã gỡ bỏ vạ tuyệt thông cho nhau từ năm 1054.
Với hành động lịch sử này, vạ tuyệt thông và biểu tượng của sự chia rẽ đã được thay thế bằng biểu tượng bác ái. Theo lời của thần học gia Joseph Ratzinger lúc bấy giờ, “mối quan hệ bác ái nguội lạnh, của sự chống đối, ngờ vực và đối kháng, đã được thay thế bằng mối quan hệ bác ái và tình huynh đệ, được tượng trưng bởi cái ôm huynh đệ”. Với việc huỷ bỏ vạ tuyệt thông, Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinople một lần nữa có thể nhìn nhận nhau là các Giáo hội chị em, một thực tế thậm chí còn quan trọng hơn nếu chúng ta nghĩ rằng những vị bảo trợ của hai Giáo hội, Thánh Phêrô và Thánh Anrê, là anh em ruột thịt.
Cuộc đối thoại bác ái phục vụ hòa giải
Những biến cố đáng nhớ này đã trở thành điểm khởi đầu của cuộc đối thoại đại kết bác ái, vốn được đào sâu trong những năm tiếp theo qua sự trao đổi các chuyến thăm. Cuộc đối thoại bác ái đã được thể hiện rõ ràng trước hết trong truyền thống tốt đẹp của các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa Giáo hội Constantinople và Giáo hội Roma nhân dịp các lễ bổn mạng của hai Giáo hội hoặc các biến cố đặc biệt quan trọng khác.
Cuộc đối thoại bác ái phải được tiếp tục và đào sâu, hôm nay và trong tương lai, cũng bởi vì trong tiến trình lịch sử, các linh đạo khác nhau ở phương Đông và phương Tây đã gây ra sự xa cách ngày càng tăng giữa các Giáo hội và phần lớn đã góp phần vào sự rạn nứt sau đó. Sự phát triển này phần lớn được giải thích bởi thực tế là trong thế giới Kitô giáo phương Tây và phương Đông, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô ngay từ đầu đã được đón nhận theo một cách khác và đã được sống và truyền lại trong các truyền thống và hình thức văn hóa khác nhau. Mặc cho những khác biệt này, thế giới Kitô giáo của thiên niên kỷ đầu tiên ở phương Đông và phương Tây sống trong một Giáo hội duy nhất. Tuy nhiên, các Kitô hữu dần dần xa cách nhau và bắt đầu ít hiểu nhau.
Dưới ánh sáng của những phát triển lịch sử này, chúng ta phải tự hỏi liệu chúng ta có thể thực sự nói về một sự chia rẽ trong Giáo hội giữa Đông và Tây hay không. Cái gọi là “chia rẽ” thường được liên kết với năm 1054, khi việc rút phép thông công giữa Constantinople và Roma được tuyên bố. Tuy nhiên, đây là một ngày mang tính biểu tượng hơn là một ngày lịch sử, hơn thế nữa vì không có sự ly giáo theo đúng nghĩa của từ Đông và Tây trong Giáo hội, và không có sự lên án lẫn nhau chính thức nào diễn ra vào năm 1054 hoặc vào bất kỳ ngày nào khác. Do đó, chúng ta không được nói về sự ly giáo, nhưng là sự xa cách ngày càng tăng trong Giáo hội giữa Đông và Tây. Sự xa cách này, vốn đã dẫn đến những hiểu lầm và tranh cãi trong suốt lịch sử, chỉ có thể được khắc phục bằng sự kiên nhẫn và, trên hết, với lòng bác ái, chân thành đến với nhau.
Cuộc đối thoại bác ái đã làm cho chúng ta có thể tái khám phá giữa Công giáo và Chính thống giáo về “tình huynh đệ” mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi là một trong những hoa trái quan trọng nhất của dấn thân đại kết. Cuộc đối thoại bác ái trước hết là góp phần vào sự hòa giải giữa các Giáo hội, được thể hiện cụ thể trong lời cầu xin tha thứ cho những tội lỗi đã phạm trong quá khứ.
Cuộc đối thoại sự thật tìm kiếm một đức tin chung
Trong thời gian xa cách nhau, các vấn đề thần học cũng đã được đưa ra. Một đàng, cuộc đối thoại bác ái đòi hỏi phải đối thoại sự thật, nghĩa là, việc xây dựng thần học nghiêm túc về những khác biệt thần học vẫn còn là nguồn gốc của sự chia rẽ, để làm cho sự hiệp thông Giáo hội và Thánh Thể có thể thực hiện được. Mặt khác, đối thoại bác ái có thể tạo môi trường trong đó cuộc đối thoại về sự thật có thể phát triển. Hai cuộc đối thoại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cũng như bác ái và sự thật. Các cuộc đối thoại đại kết chỉ dẫn đến tương lai nếu chúng được đi kèm với tình yêu đối với sự thật của đức tin chứ không chỉ đơn giản bởi các lợi ích chính trị của Giáo hội. Cốt lõi sâu xa nhất của mọi nỗ lực đại kết nằm trong việc nhìn nhận và đào sâu đức tin tông truyền, được truyền lại và trao phó cho mỗi thành viên mới của Thân thể Chúa Kitô qua Bí tích Thánh tẩy.
Sự khởi đầu đối thoại thần học về sự thật đã được công bố với một tuyên bố chung nhân dịp chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Đức Thượng phụ Đại kết Dimitrios I vào lễ Thánh Anrê ở Constantinople năm 1979. Đối thoại thần học có thể bắt đầu với ghi nhận đáng khích lệ rằng Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống có một nền tảng chung rộng lớn về đức tin. Vì lý do này, đối thoại đại kết đã có thể tập trung vào việc củng cố nền tảng chung của đức tin. Cơ sở chung rộng lớn này do thực tế là, trong tất cả các Giáo hội Kitô giáo và các cộng đoàn Giáo hội, người Công giáo và Chính thống giáo là những người gần gũi nhất. Thực tế, cả hai bên đã bảo tồn cùng một cơ cấu Giáo hội cổ xưa, nghĩa là, cơ cấu Bí tích Thánh Thể và Giám mục của Giáo hội, theo nghĩa là trong cả hai Giáo hội, sự hiệp nhất trong Bí tích Thánh Thể và thừa tác vụ Giám mục được coi là cấu thành của Giáo hội.
Trong bối cảnh này, Giáo hội Công giáo, với Công đồng Vatican II, đánh giá cao đặc biệt đối với các Giáo hội Đông phương, nhìn nhận các Giáo hội này là một phần của sự hiệp thông nền tảng “giữa các Giáo hội địa phương như các Giáo hội chị em” vì các Giáo hội cung cấp thừa tác vụ Giám mục trong việc kế vị tông đồ và tất cả các bí tích hợp lệ, đặc biệt Thánh Thể, do đó tạo nên tất cả các yếu tố Giáo hội thiết yếu để cấu thành nên các Giáo hội đặc thù.
Giáo hội Thánh Thể: hội tụ và khác biệt
Vấn đề quan trọng phải được thảo luận thêm trong cuộc đối thoại đại kết để tái lập sự hiệp thông Giáo hội là sự hiểu biết khác nhau về thừa tác vụ của Giám mục Roma.
Chính thống giáo công nhận Đức Giáo Hoàng là “người đầu tiên trong số những người bình đẳng” nếu sự hiệp nhất được phục hồi, công thức cơ bản theo quan điểm Công giáo còn đi xa hơn, nói rằng: “Đức Giáo Hoàng là vị đầu tiên và cũng có những chức năng và nhiệm vụ cụ thể”. Nếu chúng ta nhìn vào sự khác biệt này kỹ hơn, chúng ta nhận ra rằng đằng sau vấn đề thừa tác vụ Phêrô cũng có một sự khác biệt trong Giáo hội, vì trong cơ cấu của Giáo hội xưa mà Chính thống giáo và Công giáo đã bảo tồn, vấn đề thừa tác vụ của Đức Giáo hoàng đại diện cho yếu tố vẫn còn được coi là gây tranh cãi.
Trong thần học Công giáo, mỗi Giáo hội địa phương là Giáo hội, ngay cả khi không phải là toàn thể Giáo hội: “Giáo hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong các cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp. Những cộng đoàn này vì hiệp nhất với các mục tử, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo hội” (Lumen Gentium, 26). Do đó, Giáo hội Công giáo sống trong mối tương quan giữa tính đa dạng của các Giáo hội địa phương và sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ. Theo cách giải thích của Công giáo, chiều kích phổ quát không có nghĩa là đối nghịch với Giáo hội học Thánh Thể. Thật vậy, Giáo hội Công giáo hiểu quyền tối thượng của Giám mục Roma không phải là một yếu tố pháp lý độc quyền, hay chủ yếu như một yếu tố pháp lý và chỉ đơn thuần là bên ngoài Giáo hội Thánh Thể, nhưng đúng hơn là một thực tại bắt nguồn từ nó.
Quyền tối thượng của Giám mục Roma là một tính ưu việt của bác ái, nhằm mục đích cho sự hiệp nhất của Giáo hội vốn cho phép và duy trì sự hiệp thông Thánh Thể và ngăn chặn việc dựng lên một bàn thờ chống lại bàn thờ khác.
Mặt khác, Giáo hội Thánh Thể trong thế giới Chính thống được liên kết với một Giáo hội học rất mạnh mẽ của Giáo hội địa phương. Khi nói đến Giáo hội, chúng ta muốn nói đến cộng đoàn đức tin, tụ họp quanh Giám mục, cử hành Thánh Thể với ngài. Đó là lý do tại sao mọi cộng đoàn Thánh Thể đều là Giáo hội trọn vẹn.
Hòa giải đại kết giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng
Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng về việc làm thế nào có thể đạt được sự hội tụ thần học lớn hơn trong việc giải thích khái niệm Giáo hội giữa người Công giáo và Chính thống giáo. Nhóm làm việc Chính thống-Công giáo, trong tài liệu nghiên cứu có tựa đề Phục vụ Cộng đoàn, đã đưa ra định hướng sau đây: “Các Giáo hội phải nỗ lực để đảm bảo đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội, qua việc củng cố các cơ cấu hiệp hành trong Giáo hội Công giáo và thông qua việc Giáo hội Chính thống chấp nhận một số tính ưu việt trong sự hiệp thông thế giới của các Giáo hội”.
Do đó, để tiến triển theo chiều hướng này trong cuộc đối thoại đại kết, việc học hỏi về phía cả hai Giáo hội là cần thiết. Một đàng, Giáo hội Công giáo phải thừa nhận rằng Giáo hội vẫn chưa phát triển mức độ hiệp hành có thể và cần thiết về mặt thần học trong cuộc sống và trong các cơ cấu Giáo hội, và việc đánh giá cao và củng cố tính hiệp hành cũng là một đóng góp quan trọng cho việc công nhận đại kết về quyền tối thượng của Giám mục Roma. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng những nỗ lực thần học và mục vụ được thực hiện để xây dựng một Giáo hội hiệp hành cũng có tác động mạnh mẽ đến đại kết và đặc biệt là vấn đề về quyền tối thượng của Thánh Phêrô có thể được làm sáng tỏ đầy đủ hơn trong một Giáo hội hiệp hành.
Mặt khác, chúng ta hy vọng rằng Giáo hội Chính thống sẽ sẵn sàng suy nghĩ lại nguyên tắc tự trị theo cách cho phép cởi mở hơn đối với chiều kích phổ quát của Giáo hội, và do đó, có thể nhận ra sự cần thiết thần học của quyền tối thượng ở cấp độ phổ quát. Theo nghĩa này, đặc biệt thần học gia Chính thống Ioannis Zizioulas đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một thừa tác vụ hiệp nhất ở cấp độ phổ quát của Giáo hội không hề trái ngược với Giáo hội Thánh Thể, nhưng tương hợp với nó.
Ủy ban Quốc tế Hỗn hợp về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính thống cũng đã nhắm đến một sự cân bằng tốt hơn giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng. Đặc biệt, trong Phiên họp toàn thể Ravenna năm 2007, Ủy ban đã thông qua một tài liệu quan trọng, khẳng định rằng tính hiệp hành và quyền tối thượng phụ thuộc lẫn nhau và mối tương quan này được thực hiện ở tất cả các cấp độ của Giáo hội, địa phương, khu vực và phổ quát.
Những nỗ lực đại kết này nhằm mục đích khôi phục sự hiệp thông Giáo Hội để Giáo hội Chính Thống và Giáo hội Công giáo không tiếp tục sống như hai Giáo hội riêng biệt nhưng sống như một Giáo hội duy nhất ở Đông và Tây, do đó phản ánh sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô. Nhưng Thân thể Giáo hội có khuynh hướng vượt xa hơn chính nó, hướng tới sự hiệp thông ràng buộc trong Thân Mình Thánh Thể của Chúa, đó là lý do tại sao sự hiệp nhất được phục hồi của Giáo hội sẽ dẫn đến việc tái cơ cấu sự hiệp thông Thánh Thể. Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras đã diễn tả tầm nhìn này từ năm 1968: “Giờ của lòng can đảm Kitô giáo đã đến. Chúng ta yêu thương nhau; chúng ta tuyên xưng cùng một đức tin chung; chúng ta hãy cùng nhau bước đi hướng tới vinh quang của bàn thờ chung thánh thiêng, để làm theo ý Chúa, để Giáo hội có thể tỏa sáng, thế giới có thể tin, và sự bình an của Thiên Chúa có thể đến trên tất cả mọi người”. Trong cái nhìn này, ý nghĩa sâu xa của cái ôm huynh đệ tại Giêrusalem 60 năm trước và vẫn tiếp tục kết hợp người Công giáo và Chính thống giáo trong một sự dấn thân chung nay trở thành hiện thực.
Nguồn: Vatican News