Con quyết luôn theo Ngài.

Con quyết luôn theo Ngài.

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Theo thánh sử Mác-cô ghi lại, thì: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (x.Mc 1, 14-15)

“Tin Mừng của Thiên Chúa”, như lời Đức Giê-su truyền dạy trước khi về trời, rằng: phải được loan báo “khắp tứ phương thiên hạ”, vì thế nói theo ngôn ngữ nhà binh, Ngài đã mở một “chiến dịch” tuyển chọn các môn đệ, để tiếp nối sứ vụ của mình.

Có bốn người, được cho là đầu tiên, đã được Ngài tuyển chọn. Bốn vị này có tên là: An-rê, Si-môn, Gia-cô-bê và Gio-an. Sự kiện đáng nhớ này, được ghi  rất chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 1, 14-20)

** 

Theo lời thánh sử Mác-cô ghi lại:  Hôm đó, khi  “Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: Các anh hãy theo tôi…”

Đức Giê-su gọi hai vị này “theo tôi” để làm gì? Thưa, Ngài nói:  “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Nghe Đức Giê-su gọi và nói như thế, chuyện kể tiếp rằng: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

Rồi, sau khi gọi hai vị này, thánh sử Mác-cô cho biết: “Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-dê, và người em là Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, và đi theo Người”.

Một, chỉ một lời mời gọi và quá nhanh cho một hành vi đáp trả. Tại sao vậy! Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Thế nhưng, chúng ta có thể suy luận rằng, đã có một cuộc “hội ngộ” giữa Đức Giê-su và các ông, trước đó.

Đúng, đã có một cuộc hội ngộ chân tình giữa các ông và Đức Giê-su. Tin Mừng thánh Gio-an cho chúng ta biết về cuộc hội ngộ này. Chuyện kể rằng, hôm ấy, “khi ông Gio-an (tẩy giả) đang đứng với hai người môn đệ của mình. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su”. Hai vị này chẳng những đã đi theo, mà còn “ở lại với Người ngày hôm ấy”. (x.Ga 1, 35-41)

Trong cuộc hội ngộ này, rất có thể hai ông đã tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của mình. Một trong hai ông, ông An-rê, còn dẫn em mình là ông Si-môn “đến gặp Đức Giê-su”.

Thế nên, hôm nay, người  mà  ông An-rê đã cất tiếng chào “Thưa Ráp-bi”, nay đang đứng trước con thuyền của các ông, và gọi đích danh các ông, thì chẳng có gì xa lạ đối với các ông.

Vâng, hôm đó, bốn chàng ngư phủ không “đến mà xem” nơi ở của Đức Giê-su, nhưng  đã đáp lời mời gọi, nói theo cách nói của thánh sử Luca, các ông “bỏ hết mọi sự và đi theo Người.” (Lc 5, 11)

***

Đức Giê-su đã “khai mạc công việc rao giảng” của mình, như thế đó. Và, hôm nay, Giáo Hội cũng tiếp tục sứ vụ  của Ngài. Giáo Hội vẫn tiếp tục mời gọi mọi người, rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Thực ra, phải nói rằng, đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh như là điều kiện tiên quyết để được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tấm gương dân thành Ni-ni-vê  được “cứu” là một minh chứng hùng hồn về sự “sám hối”.

Kinh Thánh có ghi lại một câu chuyện như sau: Dân thành Ni-ni-vê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao”. Thế nhưng, nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giô-na, lời cảnh cáo rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ”. 

Nghe thế, từ vua quan cho tới dân chúng, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8).

Và rồi, khi “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10).

Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu thành Roma, có lời dạy rằng: ““Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (x.Rm 3, 23-24)  

Lời dạy là thế đấy! Và, có ai trong chúng ta lại không phạm tội! Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần, phạm tội “trong tư tưởng, lời nói, việc làm”!? Thế nên, đừng để quá muộn cho việc sám hối. Bởi vì, “Ngày của Chúa gần kề, kìa Người ngự đến cứu chúng ta…”

Ni-ni-vê có bốn mươi ngày. Còn chúng ta, thì sao! Thưa, Đức Giê-su cho chúng ta câu trả lời, rằng: “chính giờ phút anh em không ngờ”.

****   

Bốn vị:  An-rê, Si-môn, Gia-cô-bê và Gio-an đã: “Đáp lời mời gọi và đi theo Ngài.” Bốn vị ngư phủ không còn là những kẻ “lưới cá”, nhưng đã trở thành những kẻ “lưới người”.

Chiếc lưới… chiếc lưới mà các ngài đã sử dụng, không phải là loại lưới “làm hoàn toàn thủ công từ khâu se sợi tơ, sợi gai rồi đan lại với nhau”, nhưng là được làm bởi “ơn Thánh Thần”. Có Ơn-Thánh-Thần, mẻ “lưới người” đầu tiên mà các ông đã thu hoạch, có số lượng “khoảng ba ngàn người” (x.Cv 3, …41)

Con thuyền được các ngài sử dụng để ra khơi, không phải là những con thuyền mang số hiệu hay ký hiệu, mà thế gian thường dùng để nhận dạng đó là con thuyền vận tải quốc tế hay vận tải nội địa, nhưng là con thuyền mang ký hiệu “Giáo Hội”.

Nói về hai chữ Giáo Hội, Lm.Charles E.Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, có lời ngỏ rằng: “Chúng ta gọi Giáo Hội là Công Giáo vì nó mang tính phổ quát. Giáo Hội trải dài qua mọi thời đại ngược về thời Đức Ki-tô và sẽ tồn tại cho tới ngày Ngài lại đến trong vinh quang.”

Chưa hết, ngài Lm. còn có lời tiếp rằng: “Mặc dầu được khai lập tại Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội không phải của người Do Thái. Tuy Tòa Thánh hiện đặt tại Roma, không có nghĩa Giáo Hội là của người Ý. Mặc dầu được trải rộng ra khắp thế giới nhờ công sức của các nhà truyền giáo Châu Âu, Giáo Hội không phải của người châu lục này. Giáo Hội mang tính phổ quát, toàn cầu.”

Như vậy, dù là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta cũng là một trong những thủy thủ đoàn của con thuyền mang “ký hiệu Giáo Hội”. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, chúng ta cũng là “những kẻ lưới người”.  

Mà, cớ gì chúng ta không phải là những-kẻ-lưới-người, khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhỉ!  Vâng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là người đứng trong hàng ngũ những-kẻ-lưới-người.

Đừng sợ điều mà chúng ta sẽ phải thực hiện, đó là: bỏ-hết-mọi-sự-và-đi-theo-Chúa. Không! Không nhất thiết chúng ta phải bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa, như Nhóm Mười Hai các môn đệ, ngày xưa đã thực hiện. Hoặc như các linh mục, tu sĩ ngày nay, đã và đang thực hiện.

Điều chúng ta phải “từ bỏ”, đó là từ bỏ “những việc do tính xác thịt gây ra”. Những việc đó,  “Ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén…” (x. Gl 5, 19).

Nói tắt một lời, đó là chúng ta phải từ bỏ những đam mê, những quyến rũ của thế gian là những nguyên nhân dẫn chúng ta xuống hố sâu vực thẳm của cái chết đời đời.

Còn… còn một điều hết sức quan trọng. Đó là, chúng ta phải “trang bị” cho mình một chiếc lưới mang nhãn hiệu “Thánh Thần Chúa”. Đây là một chiếc lưới được đan-lại-với-nhau bằng nhưng sợi gai, sợi tơ: “bác ái, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. Với chiếc lưới này, không khó để chúng ta “thu phục người ta”.

Trở lại với sự-từ-bỏ. Một ngày nọ, niên trưởng Phê-rô, cũng vì ám ảnh chuyện phải  “từ bỏ mọi sự”, nên đã hỏi Đức Giê-su, rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Đây, hãy ghi khắc trong con tim mình, lời Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử… Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29). 

“Được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” Vâng, Đức Giê-su đã nói rất minh bạch. Nhóm Mười Hai (ngoại trừ Giu-đa), đã tin và đã “đáp lời mời gọi và đi theo Ngài”.

Còn chúng ta! Chúng ta tin và đáp lời mời gọi! Nếu tin và đáp lời…  Hãy, hãy quỳ dưới chân Thánh Giá Chúa Ki-tô mà cất lên lời ca nguyện, ca nguyện rằng: “Con xin theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời, để đáp ân tình Ngài thương ban cho từ lâu. Con xin tha thiết thốt lên một lần nữa, là con quyết luôn theo Ngài.” (trích nhạc phẩm: Theo Chúa – tác giả: Lm.Thành Tâm)

Vâng, hãy tha thiết nói với Chúa, rằng: “Con quyết luôn theo Ngài”

Petrus.tran