Đức Thánh Cha Phanxicô đang hướng đến Năm Thánh 2025 với tư cách là “người lữ hành hy vọng”. Trong sứ điệp Ngày lễ Giáng sinh “Urbi et Orbi” (một bài diễn từ thường niên “gửi thành Rôma và thế giới”), ngài đã đề cập đến Năm Thánh và bày tỏ hy vọng rằng năm 2024 sẽ là “thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh” và là “cơ hội để hoán cải những con tim, từ bỏ chiến tranh và đón nhận hòa bình, cũng như để hân hoan đáp lại tiếng Chúa mời gọi”.
Trong giờ Kinh Chiều cuối năm tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 12, Ngài lại nói về Năm Thánh, khiến người ta nghĩ rằng sự kiện đó có thể được coi như “ngôi sao dẫn đường” của ngài trong năm mới. Mặc dù Đức Phanxicô hiện đã 87 tuổi và là một trong những vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo lớn tuổi nhất trong lịch sử, nhưng nhìn thoáng qua chương trình nghị sự của ngài cho năm 2024, người ta thấy rằng ngài không có ý định chậm lại hoặc giảm bớt các cam kết của mình. Ngược lại, ngài đã chia sẻ với quý thân hữu rằng “càng gần vạch cán đích thì càng phải đi nhanh hơn”. Về việc từ nhiệm, ngài nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngài chưa cân nhắc ý định này.
Sức khỏe của Đức Thánh Cha
Đức Phanxicô tiếp tục gặp vấn đề về khả năng vận động do các vấn đề ở hông và đầu gối bên phải đang được điều trị, nhưng không giống như năm ngoái, giờ đây ngài có thể đi bộ những đoạn ngắn. Theo bác sĩ Sergio Alfieri, bác sĩ phẫu thuật đã mổ cho ngài tại bệnh viện Gemelli ở Rôma vào tháng 7 năm 2021 và tháng 6 năm 2023, thì ở độ tuổi ấy, ngài là người có sức khỏe tốt. Bác sĩ cho báo chí biết sau ca phẫu thuật tháng 6, về phần tim, phổi và bụng, thì “Ngài không có bệnh gì”.
Tiến sĩ Alfieri nói thêm rằng khả năng trí tuệ của Đức Thánh Cha là khả năng “của một người đàn ông 60 tuổi”. Một số người đã gặp Đức Phanxicô sau khi ngài bị viêm phế quản vào cuối tháng 11 và trong những tuần gần đây đã nói với tạp chí America rằng Đức Giáo hoàng đã bình phục. Vì vậy, nếu không gặp rủi ro hoặc suy sụp, ngài dường như đã sẵn sàng cho một năm hoạt động trọn vẹn.
Khai mạc năm mới
Vị Giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ Latinh đã khai mạc năm mới bằng việc chủ sự Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng 1, lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, trước sự hiện diện của các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và một cộng đoàn khoảng 7.000 người từ khắp nơi trên thế giới. Ngài đã xuất bản sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới, trong đó ngài tập trung vào chủ đề quan trọng là “Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình”.
“Mặc dù Đức Phanxicô hiện đã 87 tuổi và là một trong những vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo lớn tuổi nhất trong lịch sử, nhưng nhìn thoáng qua chương trình nghị sự của ngài cho năm 2024, người ta thấy rằng ngài không có ý định chậm lại.” (tweet)
Vào ngày 6 tháng 1, Đức Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ Hiển Linh, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và vào ngày 7 tháng 1, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ngài sẽ rửa tội cho trẻ em, chủ yếu là con của các nhân viên Vatican, trong Thánh lễ tại nhà nguyện Sistine.
Ngày hôm sau, 8 tháng 01, Đức Phanxicô sẽ tiếp kiến các đại sứ từ 184 quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh và gửi lời chúc mừng Năm Mới tới họ cũng như các chính phủ mà họ đại diện. Nhân dịp đó, ngài sẽ có bài diễn từ về tình hình thế giới nhìn từ góc độ của Tòa thánh. Dự kiến, ngài sẽ lặp lại lời kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến tranh hiện đang diễn ra, đặc biệt là cuộc chiến của Nga chống Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và các quốc gia khác.
Vị thánh nữ đầu tiên của Argentina
Vào ngày 11 tháng 02, Đức Phanxicô sẽ tuyên thánh cho thánh nữ đầu tiên của Argentina, María Antonia de Paz y Figueroa, thường được gọi là “Mẹ Antula” và được coi là “mẹ của dân tộc”. Sinh ra ở Santiago del Estero ở miền bắc Argentina vào năm 1730, bà đã gặp và bắt đầu làm việc với các tu sĩ Dòng Tên ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi dòng này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và các thuộc địa ở châu Mỹ vào năm 1767, bà đã duy trì linh đạo I-nhã sống động trên khắp đất nước, khi đi bộ 3.000 dặm đến thủ đô Buenos Aires, nơi bà thành lập các chương trình bác ái dành cho phụ nữ và trẻ em và một ngôi nhà linh thao trước khi qua đời năm 1799. Bà cũng thúc đẩy ý tưởng về một nước Argentina độc lập, xuất hiện vào năm 1816.
“Mẹ Antula được coi là mẹ của đất nước,” Đức Giám mục Santiago Olivera của Argentina, người chịu trách nhiệm về án tuyên thánh của bà, nói với hãng tin OSV. “Bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, can cảm và có niềm tin vào Argentina. Bà đã tận tâm phục vụ đất nước này và tin rằng việc biết Chúa Kitô sẽ biến đổi xã hội.”
Một số người dự đoán tân Tổng thống Argentina, Javier Milei, có thể sẽ tham dự lễ tuyên thánh ở Rôma và có cuộc gặp đầu tiên với Đức Thánh Cha Phanxicô. Các ngài đã nói chuyện qua điện thoại ngay sau khi ông nhậm chức, và Tổng thống sau đó đã chính thức mời Đức Phanxicô về thăm quê hương.
Tông du nước ngoài
Đức Phanxicô đã viếng thăm 61 quốc gia trong 44 chuyến hành trình bên ngoài nước Ý kể từ khi trở thành Giáo hoàng. Trong cuộc phỏng vấn với Telam, một hãng thông tấn của Argentina, vào ngày 16/10 và đài truyền hình N+ của Mexico vào ngày 12/12, ngài cho biết dự định tiếp tục các chuyến tông du nước ngoài vào năm 2024 và tiết lộ mong muốn được đến thăm Bỉ, Argentina và Papua New Guinea.
Ngài dự định đến Bỉ, đất nước mà ngài đã đến thăm khi còn là tu sĩ Dòng Tên, để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công giáo Louvain. Trong khi Vatican vẫn chưa công bố ngày cụ thể, một nguồn thông tin nói với tạp chí America rằng có thể là vào cuối tháng 7.
Tạp chí America cũng được biết rằng các kế hoạch cũng đang được tiến hành cho chuyến thăm 10 ngày vào cuối tháng 8 tới bốn quốc gia ở châu Á — Indonesia, Singapore, Timor Leste và Papua New Guinea nói trên. Đức Phanxicô đã lên kế hoạch cho chuyến tông du châu Á vào năm 2020 nhưng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19. Timor Leste là quốc gia có nhiều người Công giáo nhất ở châu Á — 97% trong số 1,4 triệu dân của nước này là người Công giáo — trong khi 26% trong số 10 triệu dân của Papua New Guinea là người Công giáo. Đức Phanxicô từ lâu đã muốn đến thăm cả hai quốc gia này ở vùng ngoại biên của thế giới. Mặt khác, Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới và Singapore cũng đang rất nỗ lực xin một chuyến thăm.
Người ta đã mong đợi Đức Phanxicô cuối cùng sẽ về thăm Argentina, quê hương của ngài trong năm nay, nhưng tình hình kinh tế và chính trị phức tạp trong nước dưới thời tân Tổng thống đã khiến chuyến đi đó còn bỏ ngỏ.
Cũng có khả năng Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam trong năm nay, vì mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam đã có tiến triển đầy ý nghĩa. Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, năm ngoái chính phủ Việt Nam đã cho phép Tòa thánh mở một văn phòng và có vị Đại diện thường trú tại nước này. Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm Đức Thánh Cha vào tháng 7 năm ngoái và vào tháng 12 có thông báo rằng ông đã chính thức gửi thư mời Đức Giáo hoàng Phanxicô đến thăm đất nước này.
Các nguồn tin cho biết Đức Phanxicô muốn nhận lời mời của vị Chủ tịch nước, nhưng Vatican còn muốn chuyến thăm của Đức Thánh Cha được diễn ra sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập đầy đủ. Một nguồn tin cấp cao của Vatican nói với tạp chí America rằng quan hệ ngoại giao có thể diễn ra nhanh chóng nếu chính phủ Việt Nam mong muốn như vậy, như đã xảy ra với Myanmar, nơi những mối quan hệ như vậy được thiết lập vài tháng trước khi Đức Phanxicô đến thăm quốc gia đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Đức Phanxicô đến Paris để dự lễ mở cửa Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng trở lại vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ nhận lời mời này.
Quan hệ với Trung Quốc
Một câu hỏi quan trọng mà Đức Phanxicô phải quyết định trước tháng 10 năm 2024, liên quan đến thỏa thuận tạm thời Trung Quốc – Vatican đã được ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc đại lục. Tòa Thánh và Trung Quốc đã tái lập thỏa thuận này vào năm 2020 và 2022. Năm nay, hai bên sẽ phải quyết định xem có nên làm mới lại thỏa thuận thêm hai năm nữa hay không, để nâng lên mức bền vững lâu dài hay đưa ra những điều chỉnh.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí America vào ngày 22 tháng 11 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung Quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Nó chậm, có những thất bại, có những thành công, nhưng tôi không thể tìm ra cách nào khác.” Ngài nói thêm rằng “người ta đối thoại đến chừng nào còn có thể”.
Thượng Hội đồng về hiệp hành
Trong thời điểm đỉnh cao của 10 năm nỗ lực cải cách và lãnh đạo Giáo hội Công giáo với 1,3 tỷ thành viên trên con đường truyền giáo mới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì phiên họp thứ hai và cũng là cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10 năm 2024. Trong khi phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 kéo dài gần bốn tuần, một số người ở Rôma kỳ vọng phiên họp thứ hai này sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, tạp chí America được biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về độ dài của Thượng hội đồng.
Các bổ nhiệm ở Vatican và các Giám mục mới
Trong 12 tháng tới, Đức Phanxicô dự kiến sẽ thực hiện một số thay đổi quan trọng về nhân sự trong Giáo triều Rôma và các giáo phận trên toàn thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ. Những thay đổi ở cấp cao của Giáo triều Rôma bao gồm việc bổ nhiệm vị Trưởng Tòa Ân giải Tối cao để kế vị Đức Hồng Y người Ý Mauro Piacenza, người sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 15 tháng 9, và ngày 15 tháng 10, và một vị Tổng trưởng mới của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ để thay thế Đức Hồng Y người Brazil João Braz de Aviz, người sẽ bước sang tuổi 77 vào ngày 24 tháng 4. Vị Hồng Y người Brazil này gần như sẽ được kế vị bởi Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Ángel Fernández Artime, S.D.B., Bề trên Tổng quyền đương nhiệm của Dòng Salêdiêng. Những thay đổi khác cũng được mong đợi ở một số vị trí cấp trung trong Giáo triều, bao gồm cả trong Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên.
Đức Phanxicô cũng sẽ bổ nhiệm các Giám mục cho nhiều giáo phận trên toàn thế giới, bao gồm một số Tổng Giáo phận quan trọng, bao gồm Boston, nơi Đức Hồng Y Seán O’Malley tròn 80 tuổi vào ngày 29 tháng 6, và Bombay (Mumbai), Ấn Độ, nơi Đức Hồng Y Oswald Gracias tròn 80 tuổi vào ngày 24 tháng 12. Cả hai vị đều là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn của Đức Thánh Cha kể từ khi ngài thành lập cơ quan này ngay sau khi được bầu. Dự kiến, ngài sẽ bổ nhiệm hai Hồng Y mới vào Hội đồng gồm chín thành viên này.
Đức Giáo Hoàng cũng sẽ bổ nhiệm các sứ thần – các đại sứ của ngài – đến các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa Thánh tại ít nhất 10 quốc gia trong năm tới.
Một công nghị khác
Đức Phanxicô đã triệu tập các Công nghị để phong Hồng Y mới, diễn ra gần như mỗi năm kể từ khi ngài được bầu, và ngài có thể quyết định triệu tập công nghị lần thứ 10 trước cuối năm 2024, có lẽ vào khoảng thời gian diễn ra Thượng Hội đồng tháng 10 hoặc dịp khai mạc Năm Thánh. Tổng số Hồng Y dưới 80 tuổi, có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo, sẽ giảm xuống ít nhất còn 119 vị vào tháng 12 năm 2024, ngay dưới mức trần 120 vị do Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập cho mật nghị. Vì 13 vị cử tri sẽ bước sang tuổi 80 vào năm 2025, nên Đức Thánh Cha có thể bổ nhiệm số cử tri đó hoặc nhiều hơn nếu ngài muốn trong năm nay.
Năm Thánh
Đức Phanxicô dự kiến sẽ bắt đầu Năm Thánh 2025 ngay trước lễ Giáng Sinh bằng việc mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong một nghi thức có từ năm 1500. Ngày mở cửa chính xác vẫn chưa được công bố. Đây sẽ là đại lễ Năm Thánh thứ hai của ngài; Đầu tiên là Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường, được ngài khai mạc tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi đang bị chiến tranh tàn phá, vào ngày 29 tháng 11 năm 2015. Các nhà tổ chức Năm Thánh 2025 của Vatican kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 30 triệu khách hành hương đến thành phố vĩnh cửu để tham gia sự kiện này và để chuẩn bị chào đón họ, nhiều công việc đang được thực hiện ở thành Rôma.
Đình Chẩn
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (03.01.2024)
Nguồn: tgpsaigon.net