Ngày 08-01-2024, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, lễ kính

Ngày 08-01-2024, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, lễ kính

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 1,7-11 )

Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Suy niệm

Hôm nay kết thúc mùa Giáng sinh và bắt đầu mùa thường niên. Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khởi đầu cho mùa thường niên này.

Việc Chúa Giêsu nài ép Gioan làm phép rửa cho mình khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ngài là Đấng “vô tội” tại sao lại xin chịu phép rửa sám hối như một tội nhân? Ngài làm như vậy là vì ngay từ đầu đời sống công khai, Ngài đã thực hiện trọn vẹn ý Cha, như người “Tôi Tớ vâng phục” mà các tiên tri đã loan báo. Ngài sẵn sàng vâng phục chấp nhận cái chết trên thập giá. Phép Rửa bằng máu này dẫn tới và thánh hiến phép rửa bằng nước.

Việc làm của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa Phép Rửa tội của chúng ta. Nhờ phép rửa tội, chúng ta được nhận lại làm con Chúa, được thừa hưởng Nước trời. Do đó, chúng ta phải dấn thân trọn vẹn để sống với Chúa trong tình hiệp nhất yêu thương, sống trọn vẹn tình con đối với Cha, sống sao cho xứng danh Kitô hữu để làm vinh danh Cha trên trời.

Ý NGHĨA VIỆC CHỊU PHÉP RỬA

1. Phép rửa của Gioan và của Đức Giêsu: Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu. Phép rửa của Gioan chỉ là dấu hiệu của sự ăn năn sám hối. Người Do thái đến cho Gioan làm phép rửa là để được ăn năn các tội mình để được ơn tha thứ. Còn Chúa Giêsu Kitô, con người vô tội, không thể lãnh nhận Phép rửa với hướng đó. Vậy Ngài đến xin rửa không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Ngài chịu phép rửa là nói lên, từ nay, Ngài chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Ngài và cuộc đời này chỉ hoàn tất với phép rửa cuối cùng, của sự chết, vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã, và là số phận bi đát nhất.

Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa “tái sinh”. Nó ban cho mọi người một đời sống toàn vẹn. Giải thích về đời sống mới này, thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu vừa mới được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô”

2. Lý do Đức Giêsu chịu phép rửa: Việc Đức Giêsu tự nguyện đến xin chịu phép rửa của Gioan không nhằm ăn năn sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Ngài là Đấng vô tội. Nhưng qua hành động này, Ngài muốn chia sẻ thân phận yếu hèn và cảm thông với các tội nhân, để sau này sẽ chịu chết đền tội thay cho họ. Đàng khác, việc toàn thân Chúa Giêsu được Gioan dìm xuống nước sông Giođan, chính là hình bóng của phép rửa mà Ngài sẽ phải chịu trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh sau này. Và từ mầu nhiệm phục sinh, Chúa Giêsu thiết lập bí tích rửa tội, để nhờ đó tái sinh các tín hữu và đổi mới họ nhờ nước và Thánh Thần. Đây cũng là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa.

Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến xin chịu phép rửa của Gioan còn là cơ hội, để ông thi hành sứ mệnh tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng cho Ngài Ngài chịu phép rửa của Gioan để làm cho phép rửa bằng nước trở thành bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần và lửa.

3. Ý nghĩa Bí tích rửa tội: Trước khi về trời, Đức Giêsu lập bí tích rửa tội khi Ngài nói với các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Chúng ta xem lại phép rửa của Gioan Tiền hô: phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xoá tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh. Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lỗi nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời.

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh ra và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu, để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được tái sinh làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo hội. Vì thế, Giáo hội coi bí tích rửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Khi được chịu phép rửa tội, chúng ta được gọi là Kitô hữu. Danh xưng Kitô hữu là chỉ một người thuộc về Chúa Kitô, là người được mang danh Chúa Kitô, là Kitô khác, là Chúa Kitô nối dài. Để sống xứng đáng với danh hiệu đó, chúng ta phải có nhiều nỗ lực, nhiều khi phải đau khổ, hy sinh, nhục nhã, chịu nhiều phiền toái, thua thiệt… nhưng đó là giá phải trả để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa. Được làm con Thiên Chúa là một tước hiệu vô cùng cao quý, một hồng ân lớn lao Chúa ban cho con người. Nhưng chúng ta đã sống thế nào với hồng ân cao quý ấy? Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không?

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Vậy Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không? Chúng ta đã trở thành con Chúa và được mang danh hiệu là Kitô hữu, vì vậy, nỗ lực của chúng ta là phải luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu ấy để được Chúa hài lòng với chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến sông Gio-đan xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình như một người môn đệ. Và từ vị thế của một môn đệ, Chúa đã từ từ thu hút một số các môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy hơn cả Thánh Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả càng mờ nhạt. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng ngài đã vui mừng vì đã đóng trọn vai phụ của mình. Đặc biệt thánh Gioan đã khơi dậy niềm vui và quy hướng mọi người về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, con cũng cần tiếp tục vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại: nhỏ lại trong muôn vàn những khuynh hướng xấu đang lôi kéo con vào vòng tội lỗi. Con cần nhỏ lại trong sự tham lam ích kỷ của mình để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của con. Con cần nhỏ lại trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ. Và khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con.

Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sáng Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác. Xin sức sống của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày, để con biết hy sinh chính mình, cho Chúa lớn lên trong anh chị em con. Amen.