Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.( Mt 2,1-12)
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Gợi ý suy niệm:
Chúa Hiển Linh nghĩa là Thiên Chúa như ánh sáng rực rỡ tựa bình minh tỏ ra cho mọi dân mọi nước như ngôn sứ Isaia đã loan báo bằng hình ảnh: Dân ngồi trong tăm tối sẽ được nhìn thấy ánh sáng chói lòa” (Is 9,2). Qua đó, ngài công bố chiều kích phổ quát của ơn cứu độ.
Đức Kitô Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian như vì sao lạ tỏa sáng với tư cách là Thiên Chúa, Con Người và là Vua qua lễ vật của các đạo sĩ dâng cho Chúa Hài nhi: “với mộc dược thì đó là Đấng phải chết và chịu mai táng vì nhân loại phải chết; với vàng thì đó là Vua mà triều đại của Ngài không bao giờ chấm dứt; với nhũ hương thì đó là Thiên Chúa được nhìn nhận ở xứ Giuđê đồng thời cũng là Đấng tỏ mình cho những ai không tìm thấy Ngài”
Các nhà đạo sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay đã để lại cho chúng ta một bài học rất quí giá. Đó là bài học về niềm tin. Nếu đặt câu hỏi: “Thế nào là đức tin?” thì rất khó giải đáp hoặc chỉ có thể nhận được một định nghĩa trừu tượng. Nhưng nếu đặt câu hỏi cách khác: “Người có đức tin thường có thái độ nào?” thì có thể trả lời khá dễ dàng và câu trả lời sẽ trở nên cụ thể. Cuộc hành trình của các đạo sĩ tới Bêlem minh họa rất rõ thái độ đức tin đó.
1. Khao Khát Và Tìm Kiếm: Thời Chúa Giêsu giáng sinh, trong khi mọi người xa gần đều lãnh đạm, mải miết với công việc của mình thì chỉ có các đạo sĩ có lòng khao khát và chờ đợi Đấng Cứu thế. Thái độ của các đạo sĩ trái ngược hẳn với thái độ của Hêrôđê. Ông này mải mê theo đuổi giàu sang và quyền lực. Đấng Cứu thế sinh ra cách Jêrusalem không xa, nhưng ông chẳng hay biết gì. Trong Sách Thánh có lời sấm về Đấng Cứu Thế, nhưng ông không đọc. Đến khi sự việc xảy ra thì ông mới vội triệu tập các giáo trưởng và luật sĩ để dò hỏi. Bài học đầu tiên có thể rút ra là: Không khao khát thì không bao giờ được đáp ứng, không tìm thì không bao giờ thấy.
2. Lên Đường Thực Hiện Cuộc Tìm Kiếm: Nguyên khao khát chưa đủ. Khao khát mà ngồi yên để chờ thì không phải là khao khát thật. Các đạo sĩ không ngồi chờ thụ động. Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Trái lại các giáo trưởng và các luật sĩ biết rất rõ lời sấm, biết cả địa điểm Đấng Cứu tinh sẽ sinh ra. Địa điểm ấy lại rất gần nhưng họ đâu có lên đường. Sự tương phản giữa hai thái độ trên cho thấy đức tin không phải là một ước mơ lãng mạn, một nhận thức suông. Trái lại, tin là hành động, là thực hiện.
3. Không Bỏ Cuộc Khi Gặp Thử Thách: Trong suốt hành trình các đạo sĩ đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn. Nhưng thử thách lớn nhất đối với họ xảy ra khi ngôi sao dẫn đường biến mất. Dầu vậy họ đã không nản lòng, cứ tiếp tục lên đường và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích. Như vậy, con đường đức tin đòi hỏi sự trung kiên.
4. Nhận Ra Thiên Chúa Qua Tấm Màn Che Lấp Ngài: Khi tới bên máng cỏ các đạo sĩ chỉ thấy một trẻ sơ sinh. Họ đi tìm một Thiên Chúa vinh quang nhưng chỉ gặp một hài nhi nghèo khó. Họ tưởng sẽ gặp được một vị Ấu nhi nằm trên giường vàng nệm bạc, nhưng chỉ thấy một hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ trong một hang bò lừa cô tịch giá lạnh giữa mùa đông. Họ tưởng rằng, sẽ gặp được ông hoàng bà Chúa bên cạnh Đức Vua mới nhưng chỉ thấy hai ông bà nhà quê nghèo khó. Nhưng họ được Thánh Thần soi sáng nên đã nhận ra đó chính là Con Thiên Chúa và họ quỳ xuống sụp lạy rồi mở bảo tráp ra dâng cho Ngài những lễ vật, những lễ vật này chỉ dành để dâng tiến cho các bậc quân vương! Đây chính là thực chất của đức tin. Tin không phải là nhìn thấy bằng con mắt thế xác, nhưng bằng đôi mắt tâm hồn.
5. Để Cho Cuộc Đời Biến Đổi: Sau khi ở Bêlem về, các đạo sĩ đã sống một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Cuộc gặp gỡ với Hài nhi ở Bêlem đã đánh dấu một khúc quặt vừa bất ngờ vừa triệt để. Nếu không có cuộc đổi đời kèm theo cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa thì tin chỉ là một thái độ tài tử, một chuyện huyền hoặc, chứ không phải là một niềm xác tín đưa tới phó thác và dấn thân. Những thái độ nói trên không thể thiếu nơi người có và sống đức tin.
Hôm nay vẫn luôn còn đó những lời mời gọi, những ánh sao trong cuộc đời. Soi sáng và mời gọi chúng ta tiếp bước đi tìm Chúa, xuyên qua mọi tầng lớp, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, như Đức Kitô đã kêu mời “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Dù là ai, chúng ta cũng được mời gọi tìm về bên Bêlem…
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.