Hướng tới lễ phong thánh cho Chân phước sẽ được cử hành vào ngày 11/02/2024, Vatican đã có buổi giới thiệu sách “Mẹ Antula. Đức tin của một phụ nữ bất khuất”.
Theo nội dung của cuốn sách, Maria Antonia sinh năm 1730 tại Silipica của thành phố Santiago del Estero trong một gia đình giàu có, và đã nhận được một nền giáo dục tôn giáo, đời sống thiêng liêng và văn hoá tốt. Khi còn trẻ Maria Antonia đã tiếp xúc với linh đạo I-nhã.
Năm 1745, thực hiện lời khấn riêng và bắt đầu sống đời sống cộng đoàn cùng với các phụ nữ thánh hiến khác, đồng thời dưới sự hướng dẫn của cha Dòng Tên Gaspar Juárez, Maria Antonia đã cống hiến hết mình cho việc giáo dục trẻ em, chăm sóc người bệnh và cứu trợ người nghèo
Sau đó, vào năm 1767, theo lệnh của vua Charles III, các cha Dòng Tên bị trục xuất khỏi lãnh thổ, Maria Antonia nảy sinh ý định tiếp tục tông đồ linh thao với ý tưởng mở một ngôi nhà. Với sự đồng ý của cha giải tội và Giám mục của Santiago del Estero, Maria Antonia đã thực hiện dự án. Vị Chân phước đi nhiều nơi để truyền bá linh đạo I-nhã và lập thêm những ngôi nhà mới để thực hành linh thao.
Mong muốn “đi đến những nơi mà Chúa chưa được biết đến” đã dẫn Maria Antonia đến Uruguay, Cologne và Montevideo. Tại Buenos Aires, Maria Antonia đã xây Nhà Linh thao ở đại lộ Avenida Independencia. Chân phước qua đời năm 1799, thọ 69 tuổi.
Ước tính có khoảng 70 ngàn người đã nhận được ơn ích từ trải nghiệm linh thao của Thánh I-nhã nhờ sự dấn thân của Maria Antonia. Hài cốt của Chân phước ngày nay được an nghỉ tại nhà thờ Đức Mẹ Thương Xót ở Buenos Aires.
Một phụ nữ can đảm và nổi loạn
Tại buổi giới thiệu sách, ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News nhấn mạnh về lòng dũng cảm của vị Chân phước, và cũng chính vì đức tính này đã làm cho vị thánh tương lai có những hành vi “nổi loạn”. Ông nói: “Trong thời đại phụ nữ không có tiếng nói, Maria Antonia đã quyết định không tuân theo các quy tắc của gia đình và xã hội của Argentina thuộc địa, Chân phước đã vi phạm mệnh lệnh của nhà cầm quyền để duy trì hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên, vốn bị quyền bính dân sự trục xuất thô bạo khỏi vùng đất Nam Mỹ”.
Một vị thánh loan báo Tin Mừng cho các dân tộc
Cũng có mặt tại buổi giới thiệu sách, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông nhấn mạnh về sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc của Chân phước. Trích một bài viết trên báo Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo, ông Ruffini nói Mẹ Antula thuộc trong số những người quyết tâm ra đi tìm kiếm. Sự tìm kiếm này không được thúc đẩy bởi tính cách, nhiệm vụ thiêng liêng nhưng vì khi ngước mắt nhìn, Mẹ thấy một đám đông như đàn chiên không người chăn dắt, và động lòng cảm nhận tình thương của Vị Mục Tử Nhân Lành đã hiến mạng sống vì đàn chiên.
Nhấn mạnh lòng dũng cảm của Mẹ, Bộ trưởng Bộ Truyền thông nhắc lại vị Chân phước này đã sống trong giai đoạn Dòng Tên bị trục xuất khỏi đất nước, và đã tiếp tục duy trì các buổi linh thao để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho dân chúng. Để có thể giúp cho hơn 70 ngàn người thực hành các bài tập linh thao trong ngôi nhà Mẹ thành lập vào năm 1795 tại Buenos Aires, vị thánh tương lai đã phải đi chân đất vượt qua 4.000 km đầm lầy, rừng cây, những ngọn đồi của vùng Pampas và vùng đồng bằng vô tận của quê hương.
Phép lạ tiến tới việc phong thánh
Đức ông Lucio Adrián Ruiz, Tổng Thư ký Bộ Truyền thông tập trung vào phép lạ được công nhận để tiến đến việc phong thánh. Phép lạ liên quan đến một giáo viên, ông Claudio Perusini, 66 tuổi. Năm 2017, giáo viên này được đưa đến bệnh viện Santa Fe trong tình trạng rất nguy kịch do đột quỵ, cơ hội trở lại cuộc sống bình thường rất ít. Sau đó, một linh mục là bạn của ông Perusini đã trao cho vợ ông một lời cầu nguyện xin sự chuyển cầu của Chân phước. Từ đó cả gia đình đã cầu nguyện theo lời kinh này. Sau vài ngày, tình trạng sức khoẻ của người bệnh đã được cải thiện, và sau vài tháng vật lý trị liệu ông Perusini đã có thể tự làm được mọi sự và trở lại cuộc sống bình thường.
Đức ông Ruiz kể một chi tiết quan trọng về mối liên hệ giữa vị thánh tương lai của Argentina, ông Perusini và Đức Thánh Cha Phanxicô. Thực tế, trước đó khi còn là học sinh trung học, ông Perusini đã gặp Giám tỉnh Dòng Tên ở Santa Fe là cha Jorge Bergoglio, vị Giáo hoàng tương lai. Lúc đó Perusini gia nhập Dòng Tên và đã bắt đầu chương trình Nhà tập, nhưng một lần, cha Jorge Bergoglio vỗ vai tập sinh này và khuyên nên tìm một con đường khác và nói chắc chắn sẽ rửa tội cho các con của Perusini. Đức ông Ruiz kết luận: “Điều ông Perusini không bao giờ tưởng tượng là người đã cho ông lời khuyên lại trở thành Giáo hoàng và sẽ phong thánh cho Mama Antula, đấng đã cầu bầu cho ông phép lạ để ông tiếp tục sống”.
Một người mẹ tinh thần của người dân Argentina
Bà Maria Fernanda Silva, Đại sứ Argentina cạnh Toà Thánh bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Antula và Đức Thánh Cha vì lễ phong thánh sắp tới. Bà nhấn mạnh lòng sùng kính mạnh mẽ của người dân Argentina dành cho vị thánh tương lai, người đã tận hiến hết mình cho những người rốt cùng trong dân tộc mình.
Bà Silva nói: “Là mẹ của dân tộc chúng tôi, một người mẹ tinh thần, một phụ nữ đặc biệt. Giờ đây toàn thể Giáo hội hoàn vũ sẽ nhận hồng ân mà Mẹ sẽ đại diện lãnh nhận, đức tin và mẫu gương lòng nhiệt thành tông đồ của Mẹ”.
Và nếu đúng Mẹ Antula đã dành trọn cuộc đời cho những người rốt cùng, người da đỏ, cho những người bị thực dân Tây Ban Nha bắt làm nô lệ, thì bà Đại sứ nhấn mạnh rằng trong Nhà của Chân phước, các buổi linh thao được mở rộng cho mọi người. Và xung quanh bà một cộng đoàn đức tin và quan phòng thực sự đã được thiết lập. Đối với bà Đại sứ, Mẹ Antula là mẫu gương của một hành trình hy vọng và đây là thông điệp Mẹ để lại cho Argentina và thế giới.
Can đảm chọn lựa của Maria Antonia
Nunzia Locatelli, một trong hai tác giả của sách “Mẹ Antula. Đức tin của một phụ nữ bất khuất”, khẳng định rằng từ khi còn nhỏ Maria Antonia đã chứng kiến sự ngược đãi mà người da đỏ và nô lệ phải chịu, và dần dần Mẹ Maria Antonia không thể chịu đựng được nỗi đau của những người này. Chân phước cảm thấy họ như là anh chị em của mình và muốn chịu đau khổ với họ.
Ở tuổi 15, thiếu nữ đã quyết định rời bỏ những tiện nghi của gia đình và chọn một số phận không lường trước cho tầng lớp xã hội của mình, đoạn tuyệt với gia đình. Thực tế, Maria Antonia đã quyết định tham gia vào đời sống của một giáo dân tận hiến trong một cộng đoàn do các tu sĩ Dòng Tên thiết lập. Vị Chân phước ở đó 22 năm và nhận được một nền giáo dục vững chắc, biết tổ chức các buổi linh thao.
Năm 1767 khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất, người dân cảm thấy mất phương hướng, thì ánh sáng duy nhất, niềm an ủi còn lại là Maria Antonia. Vì thế, mặc dù nguy hiểm Mẹ Antula bắt đầu tổ chức các buổi linh thao theo những gì đã được học, quy tụ nhiều người trong khu vực gần đó và các khu vực khác.
Linh thao để cứu các linh hồn
Người phát biểu sau cùng của buổi giới thiệu sách là tác giả thứ hai của cuốn sách Cintia Daniela Suárez. Bà nói rằng những đau khổ đã trải qua và những trở ngại phải đối diện của Mẹ Antula là để thực hiện sứ vụ cứu các linh hồn.
Tác giả giải thích: “Vào thời đó, các tầng lớp xã hội không hoà hợp với nhau. Giới thượng lưu và trung lưu đi theo một hướng, và hướng bên kia là nông dân, nô lệ và người nghèo. Trong ngôi nhà của mình, Mẹ Antula đã tìm cách hoà trộn các tầng lớp xã hội lại với nhau, không có sự phân biệt, tách biệt, trái lại là sự hài hoà. Đây là điểm mới lạ, dấu hiệu đặc biệt của Maria Antonia. Quả thực, Mẹ Antula là mẹ tinh thần của Argentina.
Bà Suárez kết luận: “Trong các tài liệu được thu thập, Mẹ Antula được coi là vị ngôn sứ và thẩm phán. Những vị lãnh đạo trong Giáo hội và quyền bính dân sự đã hỏi ý kiến Mẹ khi gặp vấn đề khó khăn. Những vị cha đẻ của Argentina, các thành viên của chính phủ đầu tiên đã đi qua Nhà của Mẹ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một phụ nữ quý giá
Trong cuốn sách có một đoạn nhắc lại những lời ca ngợi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho vị thánh đầu tiên của Argentina. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ Mẹ Antula trong lần gặp Thống đốc thành phố Santiago del Estero, ông Gerardo Zamora. Thống đốc cho biết trong lần gặp Đức Thánh Cha cách đây vài năm, ngài đã nói rằng “hãy chú ý, đó là một phụ nữ vàng”. Nhận xét về những lời này, ông Zamora nói: “Điều này đánh dấu một điểm trước và sau. Phụ nữ này thực sự là ai? Mỗi câu trả lời đều có nghĩa là tái khám phá Mẹ Antula và tái khám phá chính mình, bởi vì ở Mẹ Antula chúng ta tìm thấy những giá trị của căn tính chúng ta. Lòng dũng cảm tuyệt vời đã tạo nên một hình mẫu cho các thế hệ tương lai noi theo, với một hành trình dài của đức tin và phục vụ mà mỗi chúng ta đến hôm nay vẫn còn ngưỡng mộ”.
Nguồn: Vatican News