Thánh Stêphanô – Tử đạo tiên khởi (26/12)

Thánh Stêphanô - Tử đạo tiên khởi (26/12)

Tất cả những gì chúng ta biết được về cuộc đời, phiên xử, và cái chết của thánh Stêphanô, thì được tìm thấy trong Chương 7, sách Công vụ các Tông đồ. Trong toàn bộ lịch sử tử đạo suốt hai ngàn năm qua, câu chuyện tử đạo của thánh Stêphanô vẫn là câu chuyện cảm động nhất, và đáng ghi nhớ nhất.

Dù ngài mang tên Hy lạp, nhưng Stêphanô là một người Do Thái. Tên Stêphanô có nghĩa là “Triều Thiên”. Chắc là ngài sinh ra ở ngoài đất Paléttin, tại vùng chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Hy Lạp. Tân ước không kể cho ta hay hoàn cảnh nào đã đưa ngài đến việc theo Kitô giáo. Có vẻ như liền sau cái chết của Chúa Kitô, được nhìn nhận như Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa Xức dầu, Stêphanô đã giữ một vị trí trổi vượt giữa các Kitô hữu tại Giêrusalem, và đã sử dụng tài năng của ông để chiếm sự tin theo của các người Do Thái nói tiếng Hy Lạp hiện đang cư trú trong Thành Thánh.

Lần sớm nhất mà tên ngài được nhắc tới chính là dịp chọn 7 vị lo công việc quản trị các bữa ăn chung. Chúng ta hãy nhớ lại rằng các Kitô hữu tiên khởi đặt của cải của họ dưới sự quản trị chung, người giàu có chia sẻ của cải mình với những người nghèo; và vào thời đó, giống như trong những thời kỳ sắp xảy ra chiến tranh, có rất nhiều ”những người di dân“ đang cần tới lòng bác ái nâng đỡ cho họ. Chúng ta đọc được rằng các người Hy Lạp, tức là các Kitô hữu nói tiếng Hy Lạp, đã nghĩ rằng những người phụ nữ góa trong số họ đã bị phân biệt đối xử trong những bữa ăn chung. Các Tông đồ được cho biết về những sự phàn nàn này, nhưng các ngài quá bận để có thể đứng ra giải quyết vấn đề đó. Do đó các ngài đã chọn bảy vị tốt lành và khôn ngoan để quản trị các bàn ăn chung. Bảy người này được trình lên cho các Tông đồ. Các Tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên họ, phong chức phó tế chăm lo bàn ăn chung cho họ. Stêphanô đứng đầu danh sách bảy phó tế, vì ông là con người giàu đức tin và Thần khí Chúa. Chúng ta có thể kể ra tên của những người khác, như ông Philíp, người diễn giải Tin Mừng, ông Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas, và Nicôla: Tất cả họ đều mang tên Hy Lạp. Danh phận của họ là phó tế. Nhưng chữ phó tế thực ra trong tiếng Hy Lạp là “diaconos” có nghĩa là những người lo việc phục vụ. Những người này phục vụ cộng đoàn trong các sự việc phần đời và bác ái; sau này họ cũng đảm nhận thêm những chức vụ nhỏ khác trong các lễ nghi Kitô giáo.

Vậy khi đó, Stêphanô, đã giữ vai trò lãnh đạo; ông đã bắt đầu  “lên tiếng công khai cách rất có duyên và mạnh mẽ. Đồng thời ông thi hành những điềm thiêng và dấu lạ giữa dân chúng.” Cũng vào thời gian đó một số các người tư tế của đạo Do Thái đã trở lại với đức tin mới, nhưng họ còn giữ những truyền thống và các phong tục xưa đã được luật Môsê qui định. Stêphanô được chuẩn bị tốt khi tham gia vào các cuộc tranh luận với họ, và rất hăm hở  nêu lên cách minh nhiên rằng theo như Thầy Chí Thánh, thì luật cũ đã bị thay thế rồi. Ông liên tục trích dẫn lời của Chúa Giêsu và của các vị ngôn sứ để làm sáng tỏ rằng các phong tục bên ngoài và các nghi tiết xưa không còn quan trọng gì cả so với tinh thần sống đạo mới; thậm chí ngay cả đền thờ cũng có thể bị phá hủy đi, như nó đã từng bị phá hủy trong thời cũ, mà không gây nên thiệt hại gì cho đạo thật và đạo vĩnh cửu. Chính cái lối nói như vậy, cùng với các lời lên tiếng cũng như các dư luận đồn thổi, dù là cố tình hay vô tình, quả thực đã khiến cho Stêphanô trở thành đối tượng của cơn giận dữ của giới tư tế Do Thái.

Stêphanô tranh cãi gay gắt với nhóm những đối thủ Do Thái của ông có biệt danh là “Những người tự do, và những người có dấn gốc tại các miền Kyrô, Alexandria và vùng Kilikia, cùng tỉnh Tiểu Á”. Có lẽ họ đã không hiểu ông; dẫu sao đi nữa, nhưng người tranh luận với ông đã không có câu trả lời nào để đáp lại những câu hỏi ông đã nêu lên, và do đó họ quyết định hạ ván ông. Họ đút lót tiền thuê người tố giác Stêphanô là đã nói những lời phạm thượng chống lại luật  ông Môsê và luật của Thiên Chúa. Giới niên trưởng cùng giới tư tế bị khuấy động mạnh mẽ và họ đã đưa ông ra trước tòa Công nghị, là tòa án tôn giáo cao nhất của Do Thái, mang cả hai thứ quyền hành, một là dân sự, hai là tôn giáo.

Những chứng tá giả thay nhau tố cáo các Tông đồ và các tín hữu mới. Stêphanô đã bảo vệ chính mình khỏi các tố cáo đó một cách rất thành công; sau cùng việc bảo vệ của ông biến thành một lời buộc tội chua chát. Ông đã kết luận:

 “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.  Các ông là những người đã lãnh nhận lề luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”

Khi nghe những lời ấy, các đối thủ của ông lòng giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông STêphanô. Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Vào thời đó người Do Thái có quyền thi thố án tử hình bằng cách hè nhau ném đá người đó cho đến chết. Ông Stêphanô “tràn đầy ân sủng và sự mạnh mẽ” cho tới giờ phút chót, đã đối diện với cơn thử thách đó mà không hề hãi sợ. Ông cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

00Trong số những người có mặt và ủng hộ việc giết Stêphanô này, có một người Do Thái có tên là Saulô. Ông ta chính là thánh Phaolô, vị Tông đồ rao giảng Chúa Giêsu cho muôn dân sau này: Ông nắm giữ áo cho tất cả những kẻ toan tính giết Stêphanô để họ dễ dàng hành động. Nhưng chỉ sau đó vài tháng ông đã trở lại Kitô giáo.

Lm. Đaminh Xuân Uyển SDB

Nguồn: ditimchanly.org