Ánh sáng cho dân lần bước trong tăm tối

Ánh sáng cho dân lần bước trong tăm tối

ÁNH SÁNG CHO DÂN LẦN BƯỚC TRONG TĂM TỐI
(Suy tư Do Thái giáo về Giáng Sinh 2023)

Rabbi Abraham Skorka (1)

Theo truyền thống rabbi (b. Rosh Hashanah 17b), Thiên Chúa có mười ba thuộc tính. Các rabbi đã lấy chúng từ sách Xuất Hành 34, 6 tt: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín!”. “Nhân nghĩa”  được dịch từ hesed trong tiếng Do Thái, không có từ cùng gốc trực tiếp nào trong các ngôn ngữ khác. Nó đã được thể hiện bằng nhiều cách, gồm các ý niệm nhân nghĩa, lòng yêu thương nhân từ, lòng thương xót, ân sủng, món quà bất ngờ, và tình yêu thương giao ước.

Chúng tôi tìm thấy trong văn bản Talmul b. Sukkah 49b: “Các nhà hiền triết đã dạy rằng hành động hesed cao hơn hành động bác ái [tzingakah, cũng có thể được coi là công chính hoặc công bình] vì ba lý do: Bác ái chỉ có thể được thực hiện bằng tiền của một người, trong khi hành động hesed có thể được thực hiện bằng con người và tiền bạc của một người. Bác ái được thể hiện đối với người nghèo, trong khi hành động hesed được thực hiện cho cả người nghèo lẫn người giàu. Cuối cùng, bác ái được trao cho người sống, trong khi hành vi hesed được dành cho cả người sống lẫn kẻ chết”.

Các rabbi cũng mô tả tính cách của một người thể hiện hesed của Thiên Chúa. Một người như vậy được gọi là hasid. Rabbeinu Yonah Gerondi trong cuộc thảo luận Talmul của ông về Pirkei Avot (2:5:1; 2:8:5), cũng như Rabbi David Kimchi trong chú giải về Thánh Vịnh (4, 4), giải thích rằng một hasid là một người nối kết với mọi người vượt ra ngoài giới hạn của công lý theo sách vở và tìm cách bắt chước các nhân đức nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo ý kiến của một nhà hiền triết khác, trở thành một hasid có nghĩa là đạt được những thuộc tính cao nhất của Chúa (b. Avodah Zarah 20b). Vì vậy, trong Giêrêmia 3,12, thay mặt Thiên Chúa, vị ngôn sứ tuyên bố: “Ta sẽ không sầm nét mặt trên các ngươi vì Ta nhân nghĩa [hasid] – sấm của Yavê – Ta sẽ không mang hờn mãi mãi” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn)

Là người Do Thái, Đức Giêsu hiểu tầm quan trọng của hesed như một nhân đức thần linh. Chẳng hạn, điều này được thấy rõ trong Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót (Mt 18, 21-35), trong câu nói của Ngài: “Hãy hoàn thiện như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48), và trong câu Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (Mt 6, 12). Những suy nghĩ này hiện lên trong tâm trí khi tôi thấy các bạn hữu Kitô giáo của mình đang chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của Đấng mà theo niềm tin của họ, đã mang Tin Mừng hesed của Thiên Chúa đến với thế giới bao la rộng lớn hơn.

Rủi thay, cả hesed lẫn tzingakah – lòng nhân nghĩa và lòng bác ái/công bằng – đều không phải là đặc điểm của thế giới chúng ta ngày nay. Hận thù và bạo lực làm mù quáng tâm trí và tinh thần của nhiều người, và thái độ hòa bình và hòa giải không thắng được sự điên loạn mang tính hủy diệt. Sự man rợ của thời đại chúng ta đã đầu độc tâm trí và làm tê liệt trái tim. Sau một đại dịch đau đớn giết chết hàng triệu người, bóng tối và sự bi quan dường như đã bao trùm nhân loại. Chính thiên nhiên dường như cũng phản đối sự thiếu quan tâm và thiếu tôn trọng của con người đối với nó.

Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong thời đại đòi hỏi tất cả những ai trân trọng các thuộc tính thần linh hesed và tzingakah phải cùng nhau loan báo một thế giới mà trong đó vũ khí được đặt sang một bên và công lý hòa bình là cột trụ của hiện hữu.

Có một đoạn trong sách ngôn sứ Khabacúc mà các rabbi sau này trong b. Makkot 24a cho rằng đó là yếu tính luân lý của Kinh Thánh Do Thái (Cựu Ước). Câu đó, cũng là điều quan trọng trong Tân Ước Kitô giáo, có nội dung là: “người công chính [tzadik, từ tzedakah] thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình” (Khabacúc 2, 4). Ngôn sứ Isaia cũng nói về “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (9, 1[2]). Những tiếng hô này của các ngôn sứ thời xưa nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong thời kỳ đen tối, về tầm quan trọng của việc đi theo đường lối của lòng nhân hậu và công lý đầy lòng thương xót của Đấng luôn thành tín, Đấng ban sự sống cho chúng ta. Ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng đường đi, chỉ cần chúng ta quay về hướng ánh sáng.

Cầu mong ánh sáng của Lễ Hanukkah (2) và Lễ Giáng sinh được thắp lên trong tháng này truyền cảm hứng cho các dân tộc để canh tân sự dâng tặng của chúng ta cho thế giới về một hesed đã được các ngôn sứ hình dung và Đức Giêsu loan báo.

Chúc mừng Giáng Sinh!

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: L’Osservatore Romano.va (ngày 7/12/2023)

Nguồn: gpquinhon.org

(1) Rabbi Abraham Skorka là Giáo sư Georgetown’s Center for Jewish Civilization (CJC), Washington DC

(2) Hanukkah (tiếng Hípri: חנוכה), có nghĩa là “dâng tặng”, là một lễ hội truyền thống kéo dài tám ngày của dân Do Thái. Lễ hội bắt đầu vào ngày thứ 25 của tháng Kislev, vốn có thể rơi vào bất kỳ lúc nào giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 dương lịch. Hanukkah còn có tên gọi là Lễ hội Ánh sáng. Đặc điểm nổi bật của lễ hội là người dân sẽ thắp một ngọn đèn vào mỗi đêm của lễ hội, cho đến đêm thứ 8 sẽ có 8 ngọn đèn được thắp sáng (theo Wikipedia).