Ngày 04-11-2023
Thứ Bảy tuần 30 Mùa Thường niên
Lời Chúa: Lc 14,1.7-11
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
++++++++++++
Memorial of Saint Charles Borromeo, Bishop
Gospel: Lk 14:1.7-11
On a sabbath Jesus went to dine at the home of one of the leading Pharisees, and the people there were observing him carefully. He told a parable to those who had been invited, noticing how they were choosing the places of honor at the table. “When you are invited by someone to a wedding banquet, do not recline at table in the place of honor. A more distinguished guest than you may have been invited by him, and the host who invited both of you may approach you and say, ‘Give your place to this man,’ and then you would proceed with embarrassment to take the lowest place. Rather, when you are invited, go and take the lowest place so that when the host comes to you he may say, ‘My friend, move up to a higher position.’ Then you will enjoy the esteem of your companions at the table. For everyone who exalts himself will be humbled, but the one who humbles himself will be exalted.”
Gợi ý suy niệm
Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lĩnh Biệt phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực khách để cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời cảm thấy khó chịu, vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng tự đánh giá mình, hãy để cho người ta đánh giá và định đoạt… Và giáo huấn của Ngài được kết tụ trong câu: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”.
Nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều cảnh “tranh giành ngôi thứ”, đòi “ăn trên ngồi trốc”, nhưng trong cách tranh giành người ta đã tự “hạ mình xuống” với hậu ý là để được cất nhắc lên. Người ta tự xưng là kẻ hèn hạ, là người không ra gì, không có gì, thậm chí là người tội lỗi nữa, với dụng ý là để người ta khen ngợi, ca tụng họ là khiêm tốn, nhu mì, thánh thiện. Đó là một tiểu xảo.
Ở đây Đức Giêsu không có ý dạy chúng ta như thế, mà là chân thành nhìn nhận giá trị thực sự của mình. Nói rõ hơn, hạ mình xuống là khiêm nhường, mà khiêm nhường thực sự là biết mình, biết sự thật về ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình. Vì thế, “hạ mình xuống” là sửa lại những phóng đại lệch lạc cho đúng sự thật, đúng với chân giá trị của mình cũng như của người khác.
Từ câu chuyện bữa ăn ấy, Đức Giêsu đưa ra bài học nhằm vào những người biệt phái vốn là những người ưa cậy dựa vào nhân đức của mình để huênh hoang, tự đắc và khinh bỉ người khác. Ngài nói với họ: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Với câu châm ngôn ấy, Đức Giêsu muốn nói lên giá trị đích thực của con người trước mặt Thiên Chúa. Càng nhận ra thân phận thụ tạo bất toàn và giới hạn của mình trước mặt Thiên Chúa, con người càng nên cao trọng, càng dốc cạn những hào nhoáng bên ngoài và những vướng bận trong tâm hồn, con người càng được tự do.
Sống ở đời, người tín hữu luôn bị giằng co giữa hai lối sống: lối sống thế gian và lối sống của người môn đệ Đức Giêsu. Lối sống thế gian tìm kiếm danh dự và tự đề cao mình; còn lối sống người môn đệ Đức Giêsu đòi hỏi phải khiêm nhường, yêu thương và hy sinh.
Thật vậy, Đức Giêsu luôn đề cao sự khiêm nhường. Khiêm nhường là biết mình, là hạ mình và phục vụ người khác. Ai sống khiêm nhường thì được Thiên Chúa cất nhắc. Trái với khiêm nhường là kiêu ngạo, tự tôn, là thái độ khiến cho nguyên tổ loài người mất tình nghĩa với Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, thân phận con người trước nhan Chúa chỉ là thụ tạo đối với Đấng Tạo Thành, là giới hạn đối với vô hạn, là kẻ yêu đuối lỗi lầm đối với Đấng Chí Thánh. Ai tưởng mình là thánh thiện, người đó thật ảo tưởng.
Khi con đòi hỏi Chúa phải ban ơn như ý con, là lúc con quên thân phận thụ tạo của mình.
Người kiêu căng tự phụ thật vô duyên trước mặt Chúa.
Con không thể quên hình ảnh người biệt phái lên đền thờ vênh vang kể công đức của mình và coi thường anh em, và đã bị Chúa Giêsu chê trách.
Con muốn là người khiêm tốn để được Chúa thương mến.
Người khiêm tốn là người biết nhận đúng về thân phận mình và cậy trông vào Chúa.
Con nhìn về gương Mẹ Maria nhận mình là tôi tớ Chúa, phó thác cậy trông để Chúa dẫn dắt cuộc đời Mẹ.
Chúa đã dẫn dắt Mẹ đi vào con đường làm Mẹ Thiên Chúa đầy đau khổ, nhưng cũng đầy bình an và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin giúp con biết sống khiêm tốn và phó thác, đừng than thân trách phận làm phiền lòng Chúa, Đấng đã vì thương mà tạo dựng nên con.
Xin cho con biết sống khiếm tốn trước mọi người: biết tôn trọng, nhường nhịn, phục vụ nhau, biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi khi con có lỗi với anh chị em.
Con tin rằng khi con khiêm tốn phó thác cậy trông vào Chúa, như con thơ trong tay Cha nhân lành, Chúa sẽ dẫn dắt đời con tới bến bờ bình an và hạnh phúc.
Amen.