Truyện ngắn: Đức Bà “Hai-Ba”

Chiếc đồng hồ treo tường đã đổ chuông báo một rưỡi trưa, cũng là lúc tôi tiễn bà Hạnh ra cửa nhà xứ. Người phụ nữ có dáng vẻ ốm yếu, thiểu não ấy vào kể chuyện gia đình và xin tôi cầu nguyện, vì chồng chị vừa bị tai nạn lao động đang cấp cứu ở bệnh viện. Tôi trở về phòng, đặt lưng xuống giường mà tâm trí miên man với câu hỏi “Sao nhiều người khổ quá?”; bỗng có tiếng gõ cửa dồn dập.

“Lại chuyện gì nữa đây!” – Tôi nghĩ thầm và thở dài mỏi mệt, nhưng cũng kịp hít một hơi thật sâu rồi ngước lên cây Thánh giá treo trước cửa: “Lạy Chúa, mệt thật đấy, nhưng con là linh mục mà! Con hạnh phúc vì được là linh mục”.

“Thưa cha! Ông Đức đang hấp hối. Ông xin gặp cha ạ!”– Ông trùm vừa thở vừa nói, khi thấy tôi mở cửa.

“Ông Đức nào nhỉ?”– Tôi nhíu mày.

“Thì…ông Đức ‘hai-ba’ ấy cha”- Ông trùm mỉm cười trả lời.

Đức “hai-ba” là cái tên tôi đặt cho ông sau buổi gặp ở hang đá Đức Mẹ. Từ khi về nhận xứ này, đã nhiều lần tôi thấy một người đàn ông chăm chỉ cầu nguyện trước hang đá vào buổi sáng sớm và lúc chiều tà, hình như không có ngày nào là vắng mặt. Nhưng lạ kỳ là tôi chưa thấy ông ấy xuất hiện trong nhà thờ bao giờ. Hỏi mới biết, thì ra ông Đức là người ngoại đạo trong làng.

“Cháu chào ông! Cháu là linh mục coi ở xứ này”– Tôi mỉm cười chào ông vào một buổi sáng nọ. Ông cũng lễ phép chào lại tôi như một bổn đạo.

“Cháu thấy ông thường đến đây, ông đến để ngắm hang đá à?”- Tôi mỉm cười chờ đợi ông sẽ tâm sự.

“Dạ! con đến để cầu nguyện với Đức Mẹ, cha à!”– Ông nói rồi giơ tràng chuỗi Mân Côi lên.

“Nhưng…nhưng…ông không theo Đạo mà, sao lại biết cầu nguyện với Đức Mẹ?”- Tôi ngạc nhiên hỏi.

Ông đáp lại bằng một nụ cười tỏ rõ vẻ hạnh phúc: “Thưa cha, có lẽ là cái duyên”.

“Trước đây khi còn bé, con thường chăn trâu ở đằng sau dãy nhà ngang của nhà thờ mình. Thế rồi một lần kia, con nghe người ta tập hát có bài “Đức Bà Hai Ba”…

“Bà Hai Ba?”- Tôi hỏi lại cho rõ điều ông vừa nói. Chuyện gì mà lạ lùng như thể vừa nghe tin Tòa Thánh bổ nhiệm tôi làm giám mục vậy!

“À! Đấy là con tự đặt tên vì con thấy người ta hát như vậy. Để con hát cha nghe một đoạn”– ông gãi đầu.

“Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông (hai-ba) kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông (hai-ba) đẹp như mặt trăng (hai-ba) rực rỡ như mặt trời (hai-ba). Oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận, bà là ai? (hai-ba)”.

Tôi không thể nhịn cười mỗi khi ông hát “hai-ba”: “Ông ơi! hai-ba là cách người ta hô để giữ nhịp cho ca đoàn thôi”.

“Vậy hả cha! ha ha! Thế mà bao lâu nay con vẫn cứ hát y như vậy, sau khi con cầu nguyện với Đức Mẹ. Trời đất!”– Ông lắc đầu cười về sự ngây ngô của chính mình.

Ông tiếp: “Nhưng chính câu hát cuối cùng ‘Bà là ai?’ cứ theo đuổi con. Tâm trí con không thể yên khi không tìm cho biết Bà ấy là ai. Cuối cùng con cũng phải đi hỏi những người có Đạo ở trong làng. Họ nói đấy là Đức Mẹ, Mẹ Ma-ri-a”.

“Nhưng cha biết không, khi nghe đến từ “mẹ”, con như muốn khóc. Vì con mồ côi từ nhỏ, sống với ông bà. Con chưa được nhìn thấy và gọi một tiếng ‘mẹ’” – Đôi mắt ông dưng dưng, hàng lệ trực tuôn ra.

“Mẹ! mẹ ơi! Chẳng lẽ Đức Mẹ đã dẫn lối tôi đi tìm Người ư? Liệu Mẹ có là mẹ của tôi không? Trong đầu con lúc đó là những suy nghĩ như vậy cha ạ. Và quả thật, Mẹ cũng là mẹ của con, cha ơi. Con hết mồ côi rồi! Có mẹ cuộc đời mới ấm áp. Không có mẹ, khổ sở và tủi thân lắm cha à! Chỉ ai mất mẹ mới hiểu được thôi”– Ông rơi lệ khi nói những cảm xúc này với tôi.

Tôi vội vơ lấy chiếc túi có đựng Sách Các Phép và dầu thánh, nhưng rồi chợt nghĩ, ông Đức này đã rửa tội đâu mà xức dầu nhỉ? Nhưng không biết ông xin gặp mình làm gì? Thôi kệ! Cứ khoác theo. Tôi đến nơi đã thấy rất nhiều người vây quanh giường của ông, bà vợ thì đang lấy khăn lau mặt cho ông. Tôi ra dấu chào, vì thấy ông đang thở ô-xy. Ông mỉm cười. Bất chợt, ông khua tay dữ dội, khiến mọi người sợ hãi nghĩ rằng ông sẽ qua đời.

“Cha ơi! Cha đứng xích ra một chút ạ. Cha đứng đấy che mất ảnh Đức Mẹ với cỗ tràng hạt của chồng con rồi”.

Bà vợ có lẽ đã quá quen nên nhận ra ngay điều bất thường ấy, nên giải thích. “Tấm ảnh Đức Mẹ và tràng hạt là điều quý giá nhất với ông nhà con, là sức sống của ông ấy đấy cha ạ. Không ngày nào là ông ấy không đứng hồi lâu trước tấm ảnh, và lẩm bẩm đọc mấy lời ngắn gọn ‘kính mừng Mẹ Ma-ri-a’”.

“Ông nhà con muốn gặp cha để xin rửa tội! Ông ấy muốn được gặp Đức Mẹ sau khi qua đời”– Bà vợ nghẹn ngào.

Bất chợt, ông quơ tay giằng ống ô-xy ra để có thể nói chuyện với tôi với cái giọng thều thào: “Cha ơi, xin rửa tội cho con. Con sẽ được gặp Mẹ chứ cha?”.

“Con chỉ có một mong ước là được gặp Mẹ….Mẹ sẽ ôm con như một đứa con bé bỏng, phải không cha?”. Những giọt lệ lăn dài trên khóe mắt.

“Chắc chắn rồi, ông sẽ được gặp Mẹ, và còn hơn thế nữa, ông sẽ được gặp Thiên Chúa là Cha, Đấng thương yêu ông vô cùng. Nhưng ông có tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần không?”– Tôi mỉm cười nói với ông.

“Con tin! Đức Chúa của Mẹ cũng là Đức Chúa của con. Thiên Chúa mà Mẹ tin yêu con cũng một lòng yêu mến”– Tôi thấy thật cảm động trước tình yêu của ông với Đức Ma-ri-a, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa.

Ông Đức “hai-ba” đã được rửa tội và chết lành hai ngày sau đó, đúng lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Tôi tin rằng, lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cùng với lời kinh “Kính Mừng” đơn sơ sẽ đưa ông Đức về với Chúa. Giờ này ông không còn phải hát “Bà là ai?hai-ba” nữa vì đã được gặp diện đối diện và được Mẹ ôm vào lòng.

 “ Có mẹ, cuộc đời mới ấm áp!…

Người ta vẫn bảo thế giới này đầy sự lạnh lẽo của vô cảm, của thứ cá nhân chủ nghĩa. Thế nên, cũng có quá nhiều bạo lực và bất công. Có lẽ vì nó đã thiếu đi hơi ấm của một người mẹ. Thế giới này cần một người mẹ, đó là Đức Ma-ri-a. Nhưng trước tiên, chính mỗi cá nhân và gia đình cần sự chăm sóc từ bàn tay ân cần dịu dàng từ mẫu của Mẹ Ma-ri-a. Hãy siêng năng lần hạt mân côi mỗi ngày, để xin trái tim hiền mẫu của Mẹ xoa dịu nhưng nỗi đau, những thương tổn của thế giới này. Hãy siêng đọc kinh Mân Côi để hơi ấm của Mẹ xua tan sự lạnh lẽo băng giá trong lòng thế giới mồ côi này.”– Tôi đã giảng với đầy sự xác tín trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi năm ấy.

Nắng Tháng Ba

Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 8 (tháng 9 năm 2023)

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org