Con đến để thực thi ý Ngài

Con đến để thực thi ý Ngài…

Con đến để thực thi ý Ngài

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam có một câu tục ngữ, có thể nói rằng, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần nghe đến. Đó là câu tục ngữ: “Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.”

Vâng, không khó lắm để chúng ta hiểu được câu tục ngữ này. Nói thì phải “nói năng chín chắn, có ý thức và chịu trách nhiệm về lời mình nói.” Hiểu một cách sâu xa hơn, đó là “không hứa suông, đã hứa thì phải làm”.

Nói-lời-mà-không-giữ-lời là nói phét, nói xạo. Hứa mà không giữ lời hứa là hứa suông, hứa hão, hứa hươu, hứa vượn v.v… Nói không đi đôi với việc làm, hứa nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, có vẻ như đang trở thành một căn bệnh trầm kha trong xã hội, ngày nay. Ngày nay, khi nói tới lời hứa, không ít người “cười ruồi” và nói: “Quân tử nhất ngôn, quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại, quân tử khôn”.

Ai dại ai khôn! Vâng, theo lời dạy của Kinh Thánh, những kẻ “nói đi nói lại”, họ “chẳng khác nào có mây có gió mà chẳng có mưa” (x.Cn 25, 14). Đối với Đức Giê-su, những kẻ “Biết bao lần (thốt lời) hứa. Hứa cho nhiều rồi lại quên”, Ngài mạnh mẽ lên án họ là “những kẻ giả hình”.

Trong bối cảnh các thượng tế và kỳ mục “bực bội” trước việc Đức Giê-su giảng dạy nơi Đền Thờ, và họ đã đặt vấn đề rằng, Ngài “lấy quyền nào mà làm các điều ấy”. Một cuộc tranh luận giữa họ và Đức Giê-su đã xảy ra. Kết quả đã không như ý họ muốn.

Không như ý họ muốn là bởi, Đức Giê-su nhìn thấu suốt tâm can của họ, tâm can của những-kẻ-giả-hình, những kẻ mà Ngài đã công khai tuyên bố rằng: “Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.” (x.Mt 23, 15).

Vâng, vấn đề không phải là “quyền nào”, nhưng là “nói lời phải giữ lấy lời”, là sự vâng phục, là “thi hành ý muốn” của Gia-vê Thiên Chúa.

Hôm ấy, để cho quý ông thượng tế và kỳ mục (tất nhiên cả chúng ta nữa) nghiệm ra điều này, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn hai người con” (x.Mt 21, 28-32).

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Một người kia có hai con trai”. Một hôm, “ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (x.Mt 21, 28).

Với người con này “Nó đáp: Con không muốn đâu!”. Rồi khi “Ông đến gặp đứa thứ hai và cũng bảo như vậy”. Nó đáp, rất trịnh trọng, rằng: “Thưa ngài. Con đây!”.

Nếu đọc tới đây, rồi chúng ta gấp quyển Kinh Thánh lại và để cho trí tưởng tượng của mình làm việc, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng, người con thứ hai, là người đi làm vườn nho.

Thế nhưng, sự thật thì ngược lại. Người con thứ nhất, không “hứa” nhưng sau đó, lại đi. Tại sao anh ta lại đi? Thưa, đó là, khi anh ta “nghĩ lại” lời nói của mình với người cha, anh ta “hối hận, nên lại đi.” (Mt 21, …29).

Còn người con thứ hai thì sao! Thưa, trước hết, ta nên đặt cho anh ta một cái tên. Tên gì nhỉ? Tên là “Hứa”, được chăng! Vâng, cứ tưởng rằng, với lời nói lịch thiệp và khả kính “Thưa Ngài”, anh-ba-hứa, một cách nào đó, hứa với cha mình sẽ đi. Rồi, khi anh-ba-hứa nói: “con đây”, có ai lại không nghĩ rằng, một trăm phần trăm anh ta sẽ thi hành ý muốn của cha mình!

Hóa ra, “con đây”… con chỉ là “con ma nhà họ Hứa”, con đến chỉ là để “trình diện” với cha thôi! Chuyện đi làm vườn nho ư! Còn khuya! Đúng vậy. Dụ ngôn ghi vắn tắt rằng: “nhưng lại không đi”.

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su đã đưa ra một câu hỏi, hỏi rằng: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Hôm ấy, không đợi tới ba mươi giây, họ đáp: “Người thứ nhất”.

Với câu trả lời như thế, cứ tưởng rằng Đức Giê-su sẽ nói một vài câu khen ngợi, khen ngợi về sự nhận định đúng của những người được Ngài hỏi. Trái lại, ngay lập tức, Đức Giê-su đã cất lên những lời cảnh báo, cảnh báo rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

***
Đừng nghĩ rằng, qua lời cảnh báo nêu trên, Đức Giê-su quá “lạnh lùng” với quý ông thượng tế và kinh sư. Chính quý ông thượng tế và kinh sư mới là những kẻ lạnh lùng.

Thật vậy, khi ông Gioan Tẩy giả cảnh báo rằng: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”, thế mà quý ông thượng tế và kinh sư (lúc ấy) vẫn cứ bàng quan “lạnh lùng sương rơi heo may, (nhìn) ngơ ngác bóng chim bay”.

Đức Giê-su, hôm ấy, đã “cảnh tỉnh” các ông và nói: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận và tin ông ấy.” (Mt 21, 32).

Tông đồ Mát-thêu, như chúng ta được biết, đang là “cán bộ thu thuế”, một công việc béo bở đến thế, nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi “hãy theo tôi”, ông nhận ra ngay đây chính là một lời mời gọi, lời mời gọi đi vào “đường công chính”, thế là, ông bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.

Và làm sao quên được ông Dakêu! Ông ta, đang là một tay “cán gộc” trong ngành thuế vụ. Một công việc hái ra tiền. Ấy thế mà, khi nhận ra “đường công chính”, một con đường dẫn đến “Vườn Nho của sự Công Bình”, ông ta sẵn sàng lên đường. Hành trang của ông ta, đó là: đem “phân nửa tài sản… cho người nghèo, và sẽ đền gấp bốn” cho những ai đã bị ông ta chiếm đoạt tài sản.

Họ đã “hối hận” như người con thứ nhất trong dụ ngôn đã hối hận. Nói cách khác, họ đã vâng nghe và thực thi lời mời gọi “hãy đi làm vườn nho”.

Đó là lý do Đức Giê-su đã có sự phân định rõ ràng giữa quý ông thượng tế, kinh sư và những ông thu thuế cùng các cô gái điếm, rằng ai sẽ là “người vào Nước Thiên Chúa trước”.

Một chi tiết chúng ta cần biết, khi Đức Giêsu nói, “người vào Nước Thiên Chúa trước”, thì đừng nghĩ rằng sẽ có “người vào Nước Thiên Chúa sau” Đừng có mơ! Theo ngôn ngữ sêmit chữ “trước” không được hiểu theo nghĩa “trước – sau”. Nó được hiểu theo nghĩa “được – mất”. Hiểu như thế, mới thấy sự nguy hiểm của việc “nói mà không làm”. Thế nên, một khi chúng ta “Hứa” thì lời hứa đó phải đi đôi với việc làm. Bởi đó là lời Thiên Chúa đã truyền dạy: “lời con phải trước sau như một” (Hc 5, …10).

****
Hứa phải làm. “Lời con phải trước sau như một”. Vâng, tất nhiên Đức Giê-su chính là mẫu mực để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, còn một người nữa chúng ta cũng cần phải noi theo, đó chính là Đức Maria, thân mẫu của Ngài.

Nếu nơi Đức Giê-su – Ngài đã đáp lời Cha Thiên Thượng “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, tại Vườn Nho Golgotha. Thì với Đức Maria – Mẹ cũng đã đáp lời truyền của Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-el, rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (x.Lc 1, 38).

Nói theo cách nói của người con thứ hai trong dụ ngôn, Đức Maria đã lên tiếng nói rằng: “Thưa Ngài, con đây!” Con đây, con sẽ đi làm vườn nho, nơi mà Cha đã tuyển chọn con.

Vâng, hành trình của Đức Maria được khởi đầu “từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Be-lem.” Tại đây, Đức Maria đã “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm đươc chỗ trong nhà trọ” Quả là thật nghiệt ngã cho “Con Thiên Chúa”.

Ấy thế mà Đức Maria vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình. Rồi để thoát khỏi sự truy sát của Hê-rô-đê, Mẹ đã phải đem Con Thiên Chúa trốn qua Ai Cập. Kế đến là Nazareth ba mươi năm có lẻ với những lời đàm tiếu về con yêu dấu của mình “ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?”

Nghiệt ngã chồng chất nghiệt ngã là thế ! Nhưng Đức Maria vẫn một lòng “phó thác đường đời cho Chúa”. Vẫn đặt niềm tin vào Thiên Chúa – “Đấng toàn năng đã làm… biết bao điều cao cả”. Vẫn vững bước tiến về Golgotha với bàn tay ôm trái tim nghẹn ngào nhìn Giê-su con yêu của mình: “chỉ vì tình yêu (đã phải) nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi.”

Tại Ga-li-lê miền Na-da-rét, Đức Maria đã hứa. Tại Golgotha Mẹ đã thực thi trọn vẹn vai trò “người nữ tỳ trong Vườn Nho của Đức Chúa Trời”.

*****
Giáo Hội, như một truyền thống đẹp, đã dành riêng tháng mười hàng năm, để “Tôn sùng Mẫu Tâm” vả khuyên người tín hữu “hãy năng lần hạt Mân Côi” (hay còn gọi là Chuỗi Mân Côi).

Đã có rất, rất nhiều linh mục nói về Chuỗi Mân Côi. Có người nói, chuỗi Mân Côi như là một bản Tin Mừng rút gọn. Có người nói, lần chuỗi Mân Côi như một cách chúng ta tiếp tục sứ vụ thăm viếng Đức Maria của sứ thần Gáp-ri-en, năm xưa: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.” v.v…

Thánh Bênađô nói: “Kinh Kính Mừng làm cho quỉ dữ trốn chạy, hỏa ngục run sợ”. Tuyệt vời chưa!

Vâng, rất nhiều ơn phúc khi chúng ta tiếp tục thăm viếng Đức Maria, qua việc lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, những ơn phúc đó chỉ đến với chúng ta khi chúng ta biết “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”. Nói cách khác, đó là chúng ta phải biết xin vâng, như xưa kia Đức Maria cất lời xin vâng.

Cất-lời-xin-vâng, nói theo bối cảnh câu chuyện dụ ngôn, đó là chúng ta phải có sự lựa chọn mình là ai? Là ai, giữa người con thứ nhất và người con thứ hai?

Là người con thứ nhất ư? Tốt, rất tốt. Chính các vị thượng tế và kỳ mục cũng chọn “người thứ nhất”. Là người con thứ hai? Thì đã sao!

Trong thực tế của đời sống đức tin, biết bao lần chúng ta đến với Chúa và cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta chẳng phải là “Lạy Chúa, con chẳng đáng”, đó sao!

Vâng, chúng ta đừng ngại đến với Chúa với lời cầu nguyện “Thưa Chúa, con đây!” Con đây! Con đến để “thi hành ý muốn của Chúa” chứ không phải yêu cầu “Chúa thực hiện ý muốn của con”.

Đừng quên, một ngày nọ, Đức Giê-su có lời tuyên phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7, 21).

Hôm nay, Chúa không kêu một hay hai người đi làm vườn nho, nhưng là kêu rất nhiều người. Người được kêu từ tảng sáng. Người được kêu giờ thứ ba. Người được kêu giờ thứ sáu, thứ chin. Người được kêu giờ mười một. Tất nhiên là có chúng ta.

Có chúng ta. Đừng bỏ lỡ cơ hội mà hãy đi. Hãy đến và nói: Thưa Chúa, này con đây. Con đây. “Con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7).

Petrus.tran