Sau khi Tối cao pháp viện bãi bỏ phán quyết cho phá thai cách đây 49 năm, hôm thứ Sáu 24 tháng Sáu vừa qua, và xác nhận quyền lập pháp của các tiểu bang về vấn đề phá thai, các tín hữu Công giáo tại Mỹ ý thức rằng thách đố được đề ra bây giờ là trợ giúp các phụ nữ và làm việc để nghị viện mỗi bang đề ra những đạo luật bảo vệ các thai nhi.
Nữ bác sĩ Peggy Hartshorn, Chủ tịch “Hội Nhịp tim quốc tế” (Heartbeat International), một tổ chức Kitô chuyên trợ giúp các phụ nữ gặp khó khăn trong thời kỳ thai nghén. Hội có hơn 3.000 chi hội tại 65 quốc gia, trong đó có 1.700 chi hội tại Mỹ. Bà nói: Nhiều nghiên cứu cho thấy có những phụ nữ cảm thấy bị thúc giục phá thai. Nếu họ được săn sóc, giúp đỡ thì có thể họ dễ giải quyết xung đột nội tâm về vấn đề này và thấy có một con đường khác với việc phá thai. Họ cảm thấy được giải thoát khi không phải chọn lựa con đường phá thai. Có thể trong giai đoạn đầu họ cảm thấy cần phá thai, nhưng đi sâu hơn vào tâm tư, họ thấy họ không muốn làm như vậy. Sự trợ giúp của chúng tôi nhắm nâng đỡ các phụ nữ trong tình trạng khó khăn ấy. Chúng tôi cống hiến sự nâng đỡ về tâm lý, mục vụ và xã hội.
Theo bà bác sĩ Hartshorn, cũng cần để ý đến ảnh hưởng của luật pháp trên tín ngưỡng của dân chúng. Ảnh hưởng này thật lớn. “Tôi đã thấy phán quyết năm 1973 của Tối cao Pháp viện Mỹ về vấn đề phá thai và việc ban hành luật về phá thai tại tất cả các bang đã thay đổi thái độ của dân chúng. Trước đó hầu hết người Mỹ đều nghĩ phá thai là điều xấu. Giờ đây với phán quyết mới, Hội của chúng tôi có thể cạnh tranh với công nghệ phá thai bằng cách sử dụng mọi tài nguyên và năng lực, tăng cường gấp đôi các cố gắng để thăng tiến và bảo vệ sự sống”.
(Kai 27-6-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA