Đức Thánh cha gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo Irak tại Ur

 

Hoạt động thứ hai của Đức Thánh cha Phanxicô sáng ngày 6/3/2021 là cuộc gặp gỡ liên tôn tại cổ thành Ur.

Sau 50 phút bay, Đức Thánh cha đã tới phi trường Nassiriya và được giáo quyền cùng chính quyền địa phương tiếp đón. Từ đây, ngài dùng xe đi tới cổ thành Ur, cách đó 5 cây số rưỡi.

Ur của người Canđê

Ur là một trong những cổ thành quan trọng nhất của đế quốc Sumeri xưa kia, cách trung tâm Nassiriya 24 cây số. Xưa kia đây là kinh đô của đế quốc này, trải rộng trên toàn miền Mesopotamia. Ur có từ 4.000 năm trước Công nguyên.. Ngày nay, di tích thành Ur chỉ còn lại những khu vực khảo cổ. Theo truyền thống, tại đây Abraham, tổ phụ của nhiều người, đã nói với Thiên Chúa lần đầu tiên, như được thuật lại trong sách Sáng thế đoạn 11 (11,28–31). Ur cũng được coi là nơi sinh của vị Tổ phụ của các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo. Thiên Chúa gọi Abraham hãy giã từ quê hương, và tất cả gia sản, để đi tới xứ Canaan.

Gặp gỡ liên tôn

Tại Ur, lúc quá 11 giờ 20 phút, Đức Thánh cha đã dự cuộc gặp gỡ liên tôn cùng với 150 người thuộc các tôn giáo. Trên lễ đài chính, có hơn 20 vị lãnh đạo tôn giáo khác, Đức Thánh cha đã chào thăm mỗi người trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ và cầu nguyện, giữa cánh đồng quanh đó là những di tích cổ thành.

Cuộc gặp gỡ mở đầu với bài thánh ca, và một đoạn sách Sáng thế về Abraham, do một linh mục hát lên, rồi tới một đoạn kinh Coran cũng được đại diện Hồi giáo hát.

Chứng từ

Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của hai người trẻ, rồi đến một phụ nữ theo đạo Sabea mandea, sau cùng là chứng từ của một tín hữu Hồi giáo.

Hai thanh niên là Dawood Ara, 19 tuổi, Kitô hữu từ thành Bassora và anh Hasan Salim, người Hồi giáo, cũng 19 tuổi và sinh tại Bassara. Hai người cùng lớp học.

Cả hai đã làm việc bán phần để có tiền trả học phí. Họ thuê một cửa tiệm ở trung tâm thành phố Bassora để bán quần áo, cả hai được gia đình liên hệ khích lệ. Hai người làm việc với nhau và tổ chức các hoạt động phòng ngừa Covid-19, tuy không cùng một tôn giáo. Hai thanh niên cầu mong những người khác cũng sống cùng kinh nghiệm như vậy.

Tiếp lời hai thanh niên, bà Rafah Husein Baher, một nữ tín đồ đạo Sabea Madea, kể lại kinh nghiệm đau thương khi con cái, anh em và họ hàng của bà phải trốn chạy trong sự hãi. Bà được nhiều người bạn ở Irak giúp đỡ như trong một gia đình duy nhất. Tại Bassora, có một người Sabeo Mandeo tên là Najy đã mất mạng để cứu gia đình người láng giềng Hồi giáo. Khủng bố đã vi phạm phẩm giá thánh thiêng của dân chúng, và bà nói với Đức Thánh cha rằng cuộc viếng thăm của ngài tại Irak có nghĩa là miền Mesopotamia còn được tôn trọng và ngưỡng mộ. Cuộc viếng thăm của ngài là một chiến thắng của các nhân đức, là một biểu tượng lòng quí chuộng của người Irak..

Một chứng từ khác là của Giáo sư Ali Zghair Thejeel, sinh tại Ur, một thành với hơn 6.000 năm lịch sử, và hiện ông là một giáo sư đại học. Ông cho biết đã khuyến khích dân chúng đến viếng thăm Ur và được cha Imad Albana, thuộc giáo hội Canđê ở Bassorah khuyến khích và gửi một đoàn 30 người đến viếng thăm Ur, và từ đó có nhiều tín hữu khác đến hành hương tại đây. Ông cũng gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo và chức sắc Công giáo, các giám mục và linh mục. Tất cả đều cố gắng cổ võ các đoàn hành hương đến đây và họ cử hành thánh lễ tại thành phố lịch sử này.

Ông ca ngợi Giáo hội Irak đối xử đồng đều với tất cả mọi người, bất phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Ông cũng cộng tác với Caritas Irak để cung cấp thuốc men và lương thực cho nhiều thành phố khác, ngoài thành Nassiriya.

Ông hứa với Đức Thánh cha sẽ tiếp tục công việc, hoạt động cho hòa bình, an ninh, tình huynh đệ và cuộc sống chung hòa bình tại thành phố này.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Trong diễn văn sau các chứng từ, Đức Thánh cha đã đi từ nơi mọi người đang hiện diện, quê hương của Tổ phụ Abraham để nêu bật những điểm chung của các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo, từ đó có ơn gọi sống và đối xử với nhau như anh chị em. Đức Thánh cha nói:

Quê hương của Tổ phụ Abraham

“Nơi được chúc phúc này đưa chúng ta trở lại căn cội, trở về nguồn mạch hoạt động của Thiên Chúa, sự khai sinh các tôn giáo chúng ta. Tại đây, nơi Abraham Tổ phụ chúng ta đã sống, dường như chúng ta trở về nhà. Tại đây, Abraham đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, đã khởi hành từ đây cuộc hành trình thay đổi lịch sử. Chúng ta là thành quả của ơn gọi và hành trình ấy. Thiên Chúa bảo Abraham hãy ngước mắt nhìn trời và đếm các vì sao (Xc St 15,5). Trong các vì sao ấy, Abraham đã thấy lời hứa về dòng dõi của mình, thấy chúng ta. Và hôm nay, chúng ta, người Do Thái, Kitô và Hồi giáo, cùng với những anh chị em thuộc các tôn giáo khác, chúng ta tôn kính tổ phụ Abraham và làm như ngài: chúng ta hãy nhìn trời và tiến bước trên mặt đất”.

Đức Thánh cha lần lượt quảng diễn hai hành động trên đây và rút ra những hệ luận thực hành. Ngài nói:

Hãy nhìn lên Trời Cao

1. Chúng ta hãy nhìn trời. Khi chiêm ngắm trời sau bao ngàn năm, cùng các vì sao xuất hiện. Chúng soi sáng những đêm tăm tối nhất để cùng nhau chiếu sáng. Trời ban cho chúng ta một sứ điệp hiệp nhất: Đấng Tối Cao trên chúng ta mời gọi chúng ta đừng bao giờ phân rẽ khỏi người anh em ở cạnh chúng ta… Nếu chúng ta muốn bảo tồn tình huynh đệ, chúng ta không thể không nhìn Trời Cao. Chúng ta, là dòng dõi của Abraham và đại diện các tôn giáo khác nhau, trước hết chúng ta cảm thấy vai trò này, đó la giúp đỡ anh chị em chúng ta hãy nhìn lên và cầu nguyện với Trời Cao. Tất cả chúng ta đều cần điều này, vì chúng ta không đủ cho chính mình. Con người không phải là toàn năng, tự mình không thể thành công. Nếu gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, rốt cuộc ta sẽ thờ lạy những sự vật trần thế…. Trong thế giới ngày nay, người ta thường quên Đấng Tối Cao hoặc trình bày một hình ảnh méo mó về Ngài, các tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, chứng tỏ tình phụ tử của Chúa bằng tình huynh đệ giữa con người với nhau.

Chống lạm dụng tôn giáo

Từ nơi nguồn mạch đức tin, từ phần đất này của Tổ phụ Abraham của chúng ta, chúng ta hãy quả quyết Thiên Chúa là Đấng Thương Xót và sự xúc phạm, phạm thượng nặng nhất chính là làm ô danh Chúa khi ghét bỏ người anh em. Đố kỵ, cực đoan và bạo lực không nảy sinh từ tâm hồn đạo đức, nhưng đó là những điều phản bội tôn giáo. Và chúng ta không thể im lặng khi những kẻ khủng bố lạm dụng tôn giáo. Đúng hơn, chúng ta có nghĩa vụ phải đánh tan những hiểu lầm. Chúng ta đừng để cho ánh sáng của trời cao che phủ bằng mây mù oán ghét!

Lên án chiến tranh và khủng bố

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha nhắc đến nạn khủng bố, chiến tranh và bạo lực mà Irak đã phải trải qua, đặc biệt là những người Yazidi đã bị bách hại, họ khóc thương cái chết của nhiều người nam, hàng ngàn phụ nữ, thiếu nữ và trẻ em bị bắt cóc và bán đi như nô lệ và phải chịu bạo hành về thể lý và cưỡng bách cải đạo.

Ngài cũng nói đến nạn khủng bố lan tràn ở miền bắc Irak, phá hủy các gia sản tôn giáo quí giá, trong đó có các nhà thờ, đan viện, nơi thờ phượng của các cộng đoàn khác nhau. Nhưng trong đêm đen ấy đã có những vì sao chiếu sáng. Như các bạn trẻ Hồi giáo thiện nguyện giúp sửa sang lại các nhà thờ và đan viện, kiến tạo tình thân hữu huynh đệ trên những đổ nát của oán ghét, có những tín hữu Kitô và Hồi giáo đang cùng nhau tái thiết các Đền thờ Hồi giáo và nhà thờ Kitô.

Bước đi trên trái đất

2. Sang đến điểm thứ hai: Chúng ta hãy bước đi trên trái đất. Đức Thánh cha nói: Mắt hướng nhìn trời không làm chia trí, nhưng khích lệ Abraham tiến bước trên mặt đất, thực hiện một hành trình, qua dòng dõi, đi tới mọi nơi. Hành trình của Tổ phụ Abraham là một cuộc xuất cư, đòi những hy sinh. Tổ phụ đã phải rời bỏ quê hương, nhà cửa và gia đình. Nhưng khi từ bỏ gia đình như thế. Abraham trở thành tổ phụ của một gia đình các dân tộc. Cả chúng ta cũng xảy ra tương tự; Trong hành trình, chúng ta được kêu gọi bỏ những liên hệ và ràng buộc, khép kín chúng ta trong các nhóm riêng, ngăn cản chúng ta đón nhận tình thương vô biên của Thiên Chúa và nhìn thấy nơi tha nhân những người anh chị em. Đúng vậy, chúng ta cần ra khỏi chính mình, vì chúng ta cần nhau.

Tránh tự cô lập, xa cách tha nhân

Đức Thánh cha cũng nhận định rằng: Đại dịch cho chúng ta hiểu rằng “không ai tự cứu thoát một mình” (Ft 54). Nhưng vẫn luôn có cám dỗ xa cách người khác, mạnh ai nấy lo và rốt cuộc thái độ này mau lẹ đưa tới “tất cả đều chống lại nhau” và tình trạng này còn tệ hơn là đại dịch. Giữa những bão tố, sự cô lập không cứu thoát chúng ta, chúng ta sẽ không tự cứu thoát bằng sự chạy đua võ trang và thiết lập những tường thành, vì chúng càng làm cho chúng ta xa cách và giận dữ hơn.

Con đường hòa bình

“Con đường mà trời cao chỉ cho chúng ta chính là con đường khác, đó là con đường hòa bình. Con đường này, nhất là trong bão tố, đòi chúng ta cùng chèo về một hướng. Thật là điều không xứng đáng, trong khi tất cả chúng ta bị thử thách vì đại dịch, nhất là tại đây các xung đột đã tạo nên bao nhiêu lầm than, có người chỉ tham lam nghĩ đến chuyện làm ăn của mình. Sẽ không có hòa bình nếu không có chia sẻ và đón tiếp, không có công lý đảm bảo công bằng và thăng tiến cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những người yếu thế nhất. Sẽ không có hòa bình nếu không có những dân tộc giúp đỡ các dân tộc khác. Sẽ không có hòa bình bao lâu còn những liên minh này chống lại những liên minh khác, chỉ gia tăng chia rẽ. Hòa bình không đòi kẻ thắng người bại, nhưng là những anh chị em, tuy có những hiểu lầm và vết thương quá khứ, tiến bước từ xung đột đến đoàn kết.

Cầu nguyện

Cuộc gặp gỡ liên tôn được tiếp nối với kinh nguyện của các con cái Abraham dâng lên Thiên Chúa Toàn năng, là Đấng dựng nên con người và yêu thương gia đình nhân loại. Một linh mục đã xướng lên những ý nguyện bằng tiếng Arập:

“Chúng con là con cái Tổ phụ Abraham, thuộc Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, cùng với những người thuộc các tín ngưỡng khác và người thiện chí, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Abraham như người cha chung trong đức tin, người con nổi bật của phần đất cao thượng và quí mến này.

“Chúng con cảm tạ Chúa vì tấm gương can đảm, bền chí và đại đảm, quảng đại và hiếu khách của cha chung của chúng con. Đặc biệt, chúng con cảm tạ Chúa vì niềm tin anh dũng của Abraham, được tỏ ra qua sự sẵn sàng sát tế con để vâng theo lệnh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa vì khi chúc phúc cho tổ phụ Abraham của chúng con, Chúa biến tổ phụ thành một phúc lành cho mọi dân tộc.

“Lạy Thiên Chúa của Tổ phụ Abraham và là Chúa của chúng con, chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, hoạt động trong sự thiện, một đức tin mở tâm hồn chúng con cho Chúa và mọi anh chị em chúng con, một niềm hy vọng không thể dập tắt, có khả năng nhận thấy khắp nơi lòng trung tín của Chúa đối với những lời Chúa hứa… Xin biến mỗi người chúng con thành nhân chứng về sự chăm sóc yêu thương của Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt những người tị nạn và di tản, những người góa bụa và mồ côi, người nghèo và bệnh nhân.”

Trong lời nguyện, mọi người cũng hiệp ý cầu xin Chúa ơn an bình và ánh sáng cho những người quá cố, đặc biệt các nạn nhân bạo lực và chiến tranh, xin giúp đỡ các chính quyền, và giúp chúng con chăm sóc trái đất, xin nâng đỡ đôi tay chúng con trong việc tái thiết đất nước này…

Cuộc gặp gỡ kết thúc với bài thánh ca. Đức Thánh cha còn chụp hình lưu niệm với các vị lãnh đạo tôn giáo, trước khi trở lại phi trường Nassiriya để đáp máy bay trở lại thủ đô Baghdad, và về Tòa Sứ thần để dùng bữa và nghỉ trưa.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Để lại một bình luận