Đức Thánh cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền và đại diện nhân dân Irak

 

Sau khi nghi thức tiếp đón đơn sơ tại phi trường quốc tế của thủ đô Baghdad, Đức Thánh cha Phanxicô lên xe đi đến dinh tổng thống Irak, cách đó 21 cây số.

Tiếp đón chính thức tại Phủ tổng thống

Đức Thánh cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền và đại diện nhân dân IrakKhi đến Phủ tổng thống lúc 3 giờ chiều, Đức Thánh cha đã được tổng thống Barham Qassim đón tiếp chính thức theo nghi thức ngoại giao, với quốc thiều Vatican và Irak. Ngài được hai em bé tặng hoa, trước khi tiến vào thư phòng của tổng thống để hội kiến riêng.

Tổng thống Barham Salih Qassim năm nay 61 tuổi (1960), nguyên là một kỹ sư tiến sĩ tại Anh quốc và từng làm thủ tướng của chính quyền miền tự trị Kurdistan ở miền bắc Irak. Ngày 2/10 năm 2918, ông được bầu làm tổng thống Irak, chiếu theo qui định: tổng thống nước này là người Kurdes, trong khi thủ tướng là người Arập Irak.

Gặp gỡ chính quyền và các đại diện xã hội

Sau cuộc hội kiến với tổng thống và chào thăm gia đình của ông, Đức Thánh cha được mời sang phòng khánh tiết để gặp gỡ khoảng 150 nhân vật gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, giới doanh nhân, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của Irak.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Sau lời chào mừng Đức Thánh cha của tổng thống Barham Qassim, Đức Thánh cha đã có bài diễn văn tại đây.

Sau khi cám ơn tổng thống và chào thăm các vị lãnh đạo Công giáo, các đại diện Kitô và Hồi giáo, Đức Thánh cha nhắc đến thảm trạng Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của đất nước và người dân Irak và nói:

Nỗ lực ra khỏi đại dịch

“Cuộc viếng thăm của tôi diễn trong thời kỳ cả thế giới đang tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, không những gây thiệt hại cho sức khỏe của bao nhiêu người nhưng còn làm suy thoái những khả năng xã hội và kinh tế vốn đã bị suy yếu và bất ổn. Cuộc khủng hoảng này đòi phải có những nỗ lực chung từ phía mỗi người để thực hiện bao nhiêu bước cần thiết, trong đó có sự phân phối công bằng các vắcxin cho tất cả mọi người. Nhưng không đủ: cuộc khủng hoảng này trước tiên là một lời mời gọi “hãy xét lại các lối sống của chúng ta [..], ý nghĩa cuộc sống của chúng ta” (Ft 33). Vấn đề ở đây là ra khỏi thời kỳ thử thách này được tốt đẹp hơn trước; xây dựng một tương lai trên những gì liên kết, thay vì trên những gì phân rẽ chúng ta”.

Đau khổ của nhân dân Irak – kêu gọi hòa hợp

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “Trong những thập niên qua, Irak đã chịu những thảm trạng chiến tranh, tai ương khủng bố và những xung đột phe phái, thường dựa trên một chủ trương cực đoan không thể chấp nhận sự sống chung hòa bình giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác nhau, những ý tưởng và văn hóa khác biệt. Tất cả những điều đó đã đưa chúng ta đến chết chóc, tàn phá, đổ vỡ vẫn còn tỏ tường trước mặt, và không những chỉ ở trên bình diện vật chất mà thôi: những thiệt hại càng sâu đậm hơn nếu chúng ta nghĩ đến những vết thương trong tâm hồn của bao nhiêu cá nhân và cộng đoàn, đang cần nhiều năm trời mới có thể chữa lành. Và nơi đây, trong số bao nhiêu người đã chịu đau khổ, tôi không thể không nhắc đến những người Yazidi, những nạn nhân vô tội của những hành vi man rợ điên rồ và vô nhân đạo, họ bị bách hại và bị giết vì tôn giáo của họ, và chính căn tính cũng như sự sống còn của họ cũng bị lâm nguy. Vì thế, chỉ khi nào chúng ta biết nhìn nhau, – dù những khác biệt của chúng ta, – như những phần tử của cùng một gia đình nhân loại, thì chúng ta mới có thể khởi sự một tiến trình hữu hiệu trong việc tái thiết và để lại cho các thế hệ mai sau một thế giới tốt đẹp, công bằng và nhân bản hơn. Về vấn đề này, sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và chủng tộc, vốn là đặc tính của xã hội Irak từ ngàn năm nay, là một tài nguyên quí giá cần tận dụng, chứ không phải là một chướng ngại cần loại bỏ. Ngày nay, Irak được kêu gọi chứng tỏ cho tất cả mọi người, đặc biệt tại Trung Đông, rằng những khác biệt, thay vì tạo nên các xung đột, chúng phải góp phần vào sự hòa hợp trong đời sống dân sự.

Sống chung huynh đệ

Đức Thánh cha cũng xác quyết rằng: “Cuộc sống chung huynh đệ cần sự đối thoại kiên nhẫn và chân thành, được công lý và sự tôn trọng luật pháp bảo vệ. Đó không phải là một công tác dễ dàng, nó đòi phải cố gắng vất vả và dấn thân của tất cả mọi người để vượt thắng những cạnh tranh và đối nghịch, nói với nhau đi từ căn tính sâu xa nhất mà chúng ta có, căn tính là con cái của cùng một Thiên Chúa duy nhất và là Đấng Tạo Hóa (N.A 5). Dựa trên nguyên tắc đó, Tòa Thánh, tại Irak cũng như các nơi khác, không ngừng kêu gọi chính quyền liên hệ hãy dành cho tất cả các cộng đoàn tôn giáo sự công nhận, tôn trọng, các quyền và sự bảo vệ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện theo chiều hướng đó và liên kết với những người nam nữ thiện chí để những cố gắng như vậy tiếp tục mưu ích cho đất nước này”.

Tình liên đới

Cũng trong diễn văn trước chính quyền và đại diện các tầng lớp xã hội Irak, Đức Thánh cha đề cao tinh thần liên đới trong xã hội, liên đới với các nạn nhân của bạo lực, bách hại và khủng bố, nỗ lực kiến tạo những cơ hội cụ thể về mặt kinh tế, giáo dục, cũng như săn sóc thiên nhiên… Ngài đặc biệt nhắc đến nạn tham nhũng rất mạnh tại Irak và nói:

Bài trừ tham nhũng

“Trong tư cách là các vị lãnh đạo chính trị và ngoại giao, quí vị được kêu gọi thăng tiến tinh thần liên đới huynh đệ. Cần chống lại tai ương tham nhũng, lạm dụng quyền thế và nạn bất hợp pháp. Nhưng vẫn chưa đủ, vì đồng thời còn cần xây dựng công lý, làm tăng trưởng sự lương thiện, minh bạch và củng cố các cơ chế đặc trách về các vấn đề đó. Như thế, sự ổn định có thể gia tăng và phát triển một nền chính trị lành mạnh, có khả năng cống hiến cho tất cả mọi người, đặc biệt những người trẻ, – rất đông đảo tại nước này – hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Cổ võ hành động theo con đường của Chúa

Đức Thánh cha cho biết ngài đến Irak “như một người thống hối cầu xin ơn tha thứ từ Trời Cao và từ các anh chị em vì bao nhiêu tàn phá và những tàn bạo. Ngài nói: “Tôi đến đây như người lữ hành hòa bình, nhân danh Chúa Kitô, vị Vua Hòa Bình. Chúng ta đã cầu nguyện dường nào trong những năm qua cho hòa bình tại Irak! Thiên Chúa luôn lắng nghe! Nghĩa vụ của chúng ta là lắng nghe Chúa, bước đi theo những con đường của Chúa. Võ khí hãy im tiếng! Cần ngăn chặn sự lan tràn võ khí ở đây cũng như mọi nơi khác! Hãy ngưng những lợi lộc phe phái, những lợi lộc bên ngoài, chẳng quan tâm gì đến dân chúng địa phương. Cần dành tiếng nói cho những người xây dựng hòa bình! Lắng nghe những người bé nhỏ, nghèo túng, thường dân, muốn được sống, làm việc, cầu nguyện trong an bình. Hãy chấm dứt bạo lực, cực đoan, phe phái, bất bao dung! Cần dành chỗ cho mọi công dân muốn cùng nhau xây dựng đất nước này, trong đối thoại, trao đổi chân thành và thẳng thắn, xây dựng…. Trong những năm qua, Irak đã tìm cách đặt nền tảng cho một xã hội dân chủ. Điều quan trọng trong chiều hướng này là đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo, cũng như bảo đảm các quyền căn bản cho mọi công dân. Không ai bị coi như công dân hạng nhì”.

Kêu gọi cộng đồng quốc tế

Đức Thánh cha cũng đề cao vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc thăng tiến hòa bình tại đất nước Irak và toàn vùng Trung Đông. Ngài nói: “Chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột dài tại nước Siria láng giềng, đã 10 năm trôi qua rồi, những thách đố ngày càng gọi hỏi toàn thể gia đình nhân loại. Nó đòi một sự cộng tác trên bình diện hoàn cầu để đương đầu với cả những chênh lệch kinh tế và các căng thẳng ở các miền đang đe dọa sự ổn định của các lãnh thổ này” …

G. Trần Đức Anh, O.P.

Để lại một bình luận