Các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa ở Calcutta, giúp lương thực cho 40.000 gia đình nghèo tại nhiều khu vực thuộc thành phố có gần 15 triệu dân cư.
Đức cha Thomas D’Souza, Tổng giám mục Calcutta sở tại, nhận định rằng “thật là một trợ giúp lớn dành cho dân chúng tại Howrah, là một trong khu vực nghèo nhất tại địa phương. Nữ tu Prema, Bề trên Tổng quyền của dòng, cũng đích thân đi trao các gói thực phẩm gồm gạo, đường, bột, rau quả, và đậu cho những người nghèo, người thất nghiệp và những người nhập cư, nạn nhân của tình trạng giới nghiêm vì coronavirus.
Từ ngày 24/3/2020 vừa qua, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ra thông cáo, chính phủ Ấn Độ đã phong tỏa dân chúng và ngưng các hoạt động công nghệ, thương mại và chuyên chở. Hàng trăm triệu người Ấn bị mất công ăn việc làm và lương bổng, không có lương thực cũng chẳng có nơi trú ngụ. Nhiều người trong số các nạn nhân ấy là những người di cư, từ miền quê về thành thị để tìm công ăn việc làm và nay không thể trở về làng quê của họ.
Linh mục Dominic Gomes, Tổng đại diện giáo phận Calcutta, nhận định rằng: “Các nữ tu thừa sai bác ái là những người đi hàng đầu, ở giữa những người nghèo nhất vì tình trạng cách ly. Điều các chị làm là một công tác nhân đạo rất lớn đối với những người không được trợ giúp và bị quên lãng”.
Từ khi bắt đầu cuộc cách ly và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 31/5 tới đây, nhiều nhà dòng của các nữ tu thừa sai bác ái đang trợ giúp thực phẩm cho dân nghèo tại các khu xóm tồi tàn, các khu ổ chuột ở rất xa thành Calcutta. Các chị đi xe tải đến các khu vực khác nhau và có một xe cứu thương đi theo để kịp giúp đỡ trong trường hợp có người bị bệnh. Sau khi phát lương thực xong từ khu vực này, các chị đi đến vùng khác.
Tuyên bố với hãng tin Asia News, truyền đi ngày 20/5/2020, Đức Tổng giám mục D’Souza cho biết trong những ngày này, nhiều giáo phận đang cử hành tuần lễ Laudato sì, tên Thông điệp của Đức Thánh cha Phanxicô về vấn đề bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, để suy tư về những thay đổi khí hậu và những viễn tượng môi sinh học toàn diện, nhưng do tình trạng cách ly hiện nay, “chúng tôi rất bị giới hạn. Quan tâm trước mắt của chúng tôi là làm sao giúp đỡ tất cả những người nghèo này, những người thất nghiệp và di dân… Đồng thời, chúng tôi cũng đang chuẩn bị vì cuồng phong Amphan đang thổi tới đây, ở vùng vịnh Bangala với vận tốc 185 cây số giờ. Hằng triệu người sẽ bị di tản tại Ấn Độ và Bangladesh”.
Theo Đức Tổng giám mục D’Souza, “cuồng phong Amphan này cũng có liên hệ tới Thông điệp Laudato sì, vì đó là một dấu hiệu về hậu quả tàn hại do các hoạt động của con người gây ra cho môi trường. Những hoạt động như phá rừng bừa bãi, dùng khí đốt cho công nghệ, làm ô nhiễm, hâm nóng trái đất, tạo nên những thay đổi khí hậu, càng làm cho các cuồng phong thêm tàn hại hơn”.
(Asia News 20-5-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.