Đức Thánh Cha và Hòa Thượng Tăng Thống Phật Giáo Thái Lan đề cao mối tương quan thân hữu và kính trọng từ lâu giữa Tòa Thánh Giáo Hội Phật Giáo tại nước này.
Sáng ngày 21/11/2019, sau khi gặp chính quyền Thái tại dinh chính phủ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến ngôi Chùa nguy nga, Ratchabophit Sathit, cách đó hơn 3 cây số để viếng thăm Hòa Thượng Somdej Phra Maha Muneewong, Tăng thống Phật Giáo Thái Lan.
Chùa Ratchabophit và Đức Tăng Thống
Chùa Ratchabophit được Vua Rama V của Thái xây cất cách đây 150 năm (1869) theo truyền thống của Hoàng gia Thái, nghĩa là mỗi vị vua phải có một ngôi chùa riêng. Kiến trúc bên trong chùa vừa có tính chất truyền thống của Thái và có những nét của các nhà thờ chính tòa lớn theo kiểu gô-tích ở Âu Châu. Chùa Ratchavophit cũng có một phần ở phía tây là nghĩa trang hoàng gia, giữ tro cốt của các thành phần hoàng gia có liên hệ mật thiết với Vua Rama V. Chính tại chùa này, ngày 10-5 năm 1984, thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã gặp gỡ Hòa Thượng Tăng thống thứ 18 của Phật giáo Thái trong cuộc viếng thăm của ngài tại Á châu.
Đến Chùa Ratchabophit lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được vị bí thư của Đức Tăng Thống đón tiếp và mời vào Chùa để gặp Đức Tăng thống thứ 20 của Phật giáo Thái Somdej Phra Maha Muneewong.
Chức vụ Tăng Thống do Vua Rama I thành lập hồi năm 1872 với nhiệm vụ điều khiển Hội Đồng Tăng Già tối cao, thăng tiến Phật Giáo, giám sát tất cả các cấp bậc trong Phật giáo toàn quốc, làm sao để giáo huấn của Đức Phật và các nghi thức do Hội đồng Tăng Già thiết lập được tuân hành.
Đức Tăng Thống hiện thời năm nay 92 tuổi (1927), bắt đầu tu từ năm 10 tuổi, tốt nghiệp Phật học tại Đại học Phật giáo Mahamakut ở Thái và đâu cao học sử học và khảo cổ tại Đại học Banaras Ấn giáo bên Ấn độ. Cách đây 2 năm, ngài được Vua Rama X bổ nhiệm làm Tăng Thống Phật Giáo Thái Lan.
Lời chào mừng Đức Thánh Cha của Đức Tăng Thống
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Tăng Thống Somdej Muneevong gọi cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là một biến cố lịch sử, nối tiếp cuộc viếng thăm cách đây 35 năm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng nhắc đến quá trình tương quan giữa Thái Lan và Tòa Thánh, từ cuộc viếng thăm của Vua Rama V tại Vatican và được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tiếp kiến hồi năm 1897.
Đức Tăng Thống nói: “Đường xa không phải là một chướng ngại cản trở tương quan gần gũi của chúng ta. Đức Phật đã dạy: “Những người không hại bạn mình đều được tôn trọng ở mọi nơi và những người không hại bạn mình sẽ được giải thoát khỏi mọi kẻ thù”. Đức Thánh Cha đã du hành từ rất xa để viếng thăm Vương quốc Thái Lan này. Ngài rất tử tế và lịch sử đến viếng thăm tôi với một tâm hồn đầy tình bạn chân thành. Tôi chỉ muốn đáp lại thiện ý của Ngài gấp trăm lần”.
Đức Tăng Thống của Thái Lan nói với Đức Thánh Cha rằng: “Với lòng từ bi yêu thương, mà ngài luôn quan tâm quý chuộng, như một dấu chỉ quyền bính và với những hành vi bác ái, qua đó ngài sử dụng, để không bao giờ làm hại những người bạn, ước gì ngài được sống lâu như một trong những vị lãnh đạo tôn giáo được quý chuộng, vì các anh chị em đồng đạo của ngài…”
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Đáp từ Đức Tăng Thống Phật giáo Thái Lan, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay được ghi trong hành trình quý chuộng và nhìn nhận nhau, đã được các vị tiền nhiệm của chúng ta khởi xướng. Theo vết các ngài, tôi muốn thực hiện cuộc viếng thăm này để gia tăng không những sự kính trọng nhưng cả tình bạn giữa các cộng đoàn chúng ta….
“Khi chúng ta có cơ hội nhìn nhận và quý chuộng nhau, thì cả trong những khác biệt, chúng ta cũng cống hiến cho thế giới một lời hy vọng, có khả năng khích lệ và nâng đỡ những người luôn bị tổn hại vì chia rẽ. Những cơ hội như thế này nhắc nhở chúng ta rằng thật là một điều quan trọng khi các tôn giáo ngày càng tỏ ra là những ngọn đèn pha hy vọng, vì tăng tiến và bảo đảm tình huynh đệ”.
Và Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn tái khẳng định sự quyết tâm của bản thân và toàn thể Giáo Hội Công Giáo củng cố một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng để phục vụ cho hòa bình và an sinh của dân tộc Thái. “Nhờ những trao đổi giữa các sinh viên đại học, giúp hiểu biết nhau hơn, cũng như giúp cho việc chiêm niệm, thực thi lòng từ bi thương xót và phân định, là những điều chung đối với các truyền thống của chúng ta, chúng ta có thể tăng trưởng trong tình “láng giềng gần gũi” tốt đẹp. Chúng ta có thể cổ võ giữa các tín hữu chúng ta sự phát triển những dự án mới về từ thiện bác ái, có khả năng tạo nên và gia tăng những sáng kiến cụ thể trên con đường huynh đệ, nhất là đối với những người nghèo nhất, và bảo vệ căn nhà chung của chúng ta bị thương tổn rất nhiều. Như thế, chúng ta sẽ góp phần hình thành một nền văn hóa cảm thương, huynh đệ, gặp gỡ tại đây cũng như ở các nơi trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng con đường này tiếp tục mang lại nhiều hoa trái dồi dào”.
Sau phần trao đổi trên đây, Đức Thánh Cha và Hòa Thượng Tăng thống còn nói chuyện riêng, và ngài ký vào sổ vàng lưu niệm, trước khi tiến ra khuôn viên chính ở bên ngoài. Tại đây ngài chụp hình chung với một nhóm 35 tăng sĩ thuộc Wat Pho, tức là Chùa Bồ Đề mà ngài đã có dịp tiếp đón tại Vatican trong một buổi tiếp kiến chung.
Sau các cuộc gặp gỡ trên đây, lúc quá 11 giờ, Đức Thánh Cha đến thăm nhà thương Công Giáo Thánh Louis, gặp gỡ các nhân viên y tế và các bệnh nhân, người khuyết tật.
G. Trần Đức Anh, O.P.