Dòng Phanxicô tại Thánh Địa đang mừng kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô Assisi và vua Hồi giáo Ai Cập Malek al-Kamel hồi năm 1219, trong thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá lần thứ năm.
Cuộc gặp gỡ này được coi là một trong những cử chỉ hòa bình ngoại thường nhất trong lịch sử đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo.
Sau vài lần cố gắng mà thất bại, thánh Phanxicô và một số anh em cùng dòng lên một tàu chiến và cũng là thương thuyết để tới cảng Thánh Gioan Acri, ở mạn bắc Palestine, nay là thành phố Acri của Israel, với ý định gặp vua Hồi giáo Ai Cập. Cuộc gặp gỡ có lẽ đã diễn ra trong cuộc ngưng chiến giữa tháng 8 và tháng 9 năm 1219, tại cảng Damietta, thuộc vùng đồng bằng sông Nilo, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 200 cây số về hướng bắc. Tại đây cháu của Vua Hồi giáo Saladino đã tiếp các tu sĩ Phanxicô rất lịch sự, bất chấp sự can ngăn của các quần thần. Các tu sĩ Phanxicô cũng được tặng quà nhưng các thầy từ chối vì tuân giữ lời khấn thanh bần.
Để kỷ niệm biến cố này, dòng Phanxicô tại Thánh Địa tổ chức các sinh hoạt với chủ đề “800 năm cuộc hành hương hòa bình của Thánh Phanxicô tại Thánh Địa: 1219-2019”.
Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, nói rằng: “Thánh Phanxicô đã đến đây như một người lữ hành và chứng nhân hòa bình. Người lưu lại đây cho đến năm 1220, rồi trở về Italia. Thánh nhân đã vượt qua các biên cương chiến tranh, vượt lên khuôn khổ xung đột giữa các nền văn minh, hành động theo sự soi sáng của Chúa, khiến người xác tín có thể có một cuộc gặp gỡ huynh đệ giữa mọi loài thụ tạo với nhau. Sứ điệp này vẫn còn giá trị ngày nay vì đối thoại là đi gặp gỡ tha nhân không nuôi dưỡng một thành kiến nào, với niềm an bình trong tâm hồn, với ý thức rằng trước hết đó là một cuộc gặp gỡ với một con người, vượt lên trên tín ngưỡng của họ”. (Vatican News 30-9-2019)
G. Trần Đức Anh, O.P.