Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Tư Tuần Thánh

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Đừng Để Cho Chúa Kitô Bị Phản Bội

Tôi không che mặt chống lại sỉ nhục và phỉ nhổ. (x.Is 50: 4-9)
Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà dáp lại lời con. (x.Tv 68)
“Họ trả hắn ba mươi đồng bạc.
Và từ lúc ấy hắn tìm cơ hội để phản bội Người”. (x.Mt 26: 14-25)

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Tư Tuần ThánhỞ đây chúng ta hãy tìm hiểu diễn tiến các sự kiện theo khía cạnh con người. Trong một cuộc họp của Nghị viện, người ta đã quyết định sẽ giết Đức Giêsu Nazareth. Họ lợi dụng việc Người có mặt tại Giêrusalem vào dịp lể vượt qua. Giuđa, một người trong nhóm Mười hai, phản bội Chúa Giêsu lấy ba muơi đồng bạc, bằng cách chỉ chỗ để người ta bắt Người. Họ bắt Chúa Giêsu và điệu Người đến Nghị viện. Trước câu hỏi của vị thượng tế: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết, ông có phải là Đấng Kitô con Thiên Chúa không?”, Chúa Giêsu trả lời: “ông đã nói rồi đó” (Mt 26: 63-64; xc. Mc 14:62; Lc 22:70). Nghị viện thấy lời tuyên bố này là phạm thượng rõ ràng, nên họ quyết định kết án Người phải chết (Mc 14: 64). Tuy nhiên, Ngị viện không thể thực thi án phạt ấy nếu Toàn quyền Rôma không đồng ý.. Bản thân Philatô cho rằng Chúa Giêsu vô tội và ông ta mấy lần tỏ ra điều đó. Sau khi những phản kháng đã yếu ớt trước áp lực của Nghị viện, cuối cùng ông phải nhượng bộ vì sợ thất sủng trước hoàng đế Caesar, lại càng sợ vì đám đông dân chúng, bị những người ủng hộ việc loại trừ Chúa Giêsu xúi giục, bây giờ đòi đóng đinh Người. “Đóng đinh nó vào thập giá”. Vậy là Chúa Giêsu bị lên án tử bằng cách đóng đinh.

[youtube]roavTi3kNHA[/youtube]

Trách nhiệm lịch sử đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu là nơi những người đã được nêu tên trong các sách tin mừng, ít là một phần. Chính Chúa Giêsu đã nói như thế khi trả lời Philatô ở công đường: “Kẻ trao nộp tôi cho ông thì nặng tội hơn” (Ga 19:11). Ở chổ khác Người nói: “Con người đến như đã viết về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người! Thà nó đừng sinh ra thì tốt hơn” (Mc 14:21; Mt 26:24; Lc 22:22). Chúa Giêsu ám chỉ những người khác nhau, bằng những cách khác nhau, sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Người: Giuđa, các đại diện Nghị viện, Philatô và những người khác…Trong bài giảng sau lể Hiện xuống, Simon Phêrô đã lên án các vị lãnh đạo Nghị viện về tội giết Đức Giêsu: “Các ông đã đóng đinh và giết chết Người nhờ tay kẻ vô luật” (Cv 2:23).

Tuy nhiên, việc tố cáo này không vượt qua phạm vi những người thực sự có trách nhiệm. Công đồng Vatican II khẳng định: “Mặc dù giới chức cầm quyền Do Thái và những người theo sự hướng dẫn của họ đã gây áp lực khiến Chúa Giêsu phải chết, nhưng không phải là tất cả mọi người Do Thái vào thời đó, cũng không phải những người Do Thái ngày nay có thể bị kết tội trong cuộc khổ nạn của Người” (Nostra Aetate, 4)

Đối với lương tâm những cá nhân liên quan, chúng ta phải nhớ lại những lời Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ,  vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Những lời này vang vọng trong một bài giảng khác của Phêrô sau lể Ngũ tuần: “Thưa anh em, bây giờ tôi biết rằng anh em đã hành động vì vô minh, và những người lãnh đạo anh em cũng vậy” (Cv 3:17). Thật là một sự dè dặt trước mầu nhiệm lương tâm con người, dù là trong trường hợp tội phạm nặng nhất trong lịch sử, tội giết Chúa Kitô!

Noi gương Chúa Giêsu và thánh Phêrô, cho dù là khó mà phủ nhận trách nhiệm của những người đã cố ý thực hiện cái chết của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải nhìn sự việc trong ánh sáng kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, kế hoạch này đòi hỏi Con yêu dấu của Người dâng hiến chính mình làm lễ vật đền tội cho nhân loại. Trong cái nhìn cao hơn này, chúng ta nhận thức rằng, vì tội lỗi chúng ta, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Kitô trên thập giá; tất cả chúng ta, vì tội lỗi mà đã góp phần gây ra cái chết của Chúa Kitô như là lễ vật chuộc tội chúng ta.

Tiếp kiến chung, 28-09-1988
+ Đức Gioan Phaolo II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

Để lại một bình luận