Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Thiên Chúa Luôn Muốn Hòa Giải Với Chúng Ta
Người con hoang đàng là một người con rất người.
Mê mẩn vì cám dỗ xa rời người cha để sống cuộc sống độc lập của mình; thất vọng vì sự trống rỗng bởi ảo tưởng đã từng thu hút anh ta; cô đơn, bị khinh miệt, bị bóc lột khi cố gắng xây dựng một thế giới cho chính mình; bị dằn vặt nghiêm trọng, thậm chí trong cơn khốn cực thẳm sâu, bởi ước muốn quay trở về hiệp thông với cha mình. Giống như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa trông chờ đứa con quay về, ôm lấy nó khi nó đến nơi và ra lệnh mở tiệc mừng cuộc gặp gỡ mới, trong cuộc gặp gỡ này, người ta ăn mừng sự hòa giải.
Yếu tố đáng chú ý nhất của dụ ngôn là lễ hội của người cha và thái độ đón nhận yêu thương của ông đối với đứa con quay trở về; đó là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn sẵn sàng tha thứ. Chúng ta phải nói ngay; hòa giải chủ yếu là món quà của Cha trên trời.
Nhưng dụ ngôn cũng còn vẽ ra hình ảnh của người anh cả. Anh từ chối tham dự bữa tiệc. Anh ta trách mắng người em vì đã ăn chơi phóng đãng, anh cũng cằn nhằn người cha vì đã đón nhận thằng con hoang đàng, trong khi chính anh ta, một con người điều độ và lao động cật lực, trung thành với cha và với gia đình, lại chẳng được vui vầy với bạn bè. Đây là dấu hiệu cho thấy anh ta không hiểu được lòng nhân từ của người cha. Tới mức quá chắc chắn về chính mình và những đức tính tốt của mình, ghen tị và kiêu căng, lòng đầy cay đắng và giận dữ, người anh này không hoán cải và không được hòa giải với cha và với em mình, nên bữa tiệc đã không hoàn toàn là mừng cuộc xum họp và tìm lại được.
[youtube]V3-gXfTLdXM[/youtube]
Con người – mọi người – cũng là người anh cả. Sự ích kỷ khiến con người ghen tị, cứng lòng, che mắt và đóng cửa lòng khỏi người khác và khỏi Thiên Chúa. Lòng nhân từ và thương xót của người cha khiến anh ta tức giận; đối với anh ta, hạnh phúc của người em được tìm thấy có một dư vị cay đắng. Do đó chính anh ta cũng cần phải hoán cải để được hòa giải. Hòa giải và sám hối 5, 6.
Người cha trong dụ ngôn hôm nay đã yêu thương không điều kiện và không giới hạn. Ông không phải là một người cha bóc lột con mình hay hành hạ con mình, lạm dụng con mình hay không muốn cho anh ta trưởng thành, tiếc thay, điều này có thể xảy ra trên trần gian do sự yếu đuối của con người. Biết rằng con cái mình tội lỗi, giới hạn và khuyết điểm, Cha trên trời vẫn yêu thương chúng như chúng là. Khi chúng trở về với Người, cho dẫu là vì những lý do ích kỷ như người con hoang đàng, chỉ nghĩ đến mình chứ đâu có nghĩ đến cha, Người vẫn đón nhận chúng với niềm vui lớn lao, truyền lệnh mặc cho chúng những chiếc áo đẹp nhất, đeo nhẫn vào ngón tay, đi giầy vào chân, và sửa soạn một bữa tiệc linh đình. Chỉ có người nào mà trái tim đã khô cằn vì tội lỗi, bị che phủ bởi tính ích kỷ và bởi những đam mê phóng đãng, mới có thể kháng cự lại tình yêu của người và tiếp tục sống trong sự cố chấp và trong tội lỗi, từ khước bắt đầu tiến trình hoán cải cần thiết cho người thực sự mong muốn gặp lại Chúa Cha. Vì thế chúng ta hãy nghe lời van xin của thánh Phaolô: “Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa” (2Cr 5:20).