Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh hiện đại. Chúng ta đang sống trong một thời đại chỉ cần một cái chạm, con người đã có thể biết điều gì đang xảy ra trên thế giới. Sự tiến bộ của khoa học không chỉ tạo ra một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, mà còn giúp con người sống thọ hơn trước kia.
Thế nhưng, càng văn minh hiện đại, khoa học càng tiến bộ, con người lại càng thấy cái chết luôn chờ chực bên cuộc sống của mình. Con người đã sản xuất được vũ khí giết người hàng loạt. Con người đã chế tạo ra bom nguyên tử, bom hạt nhân v.v…Thử hỏi xem, nếu Kim Jong Un nổi khùng lên với một cú nhấn nút, và Donald Trump trả đũa, thế giới này sẽ đi về đâu! Nổ tung lên thôi.
Trước mối hiểm họa này, có bao giờ chúng ta tự nhủ mình rằng: Phải chăng, hôm nay, tôi chỉ còn một ngày để sống? Vâng, nếu quả thật chỉ còn một ngày để sống… vậy thì tôi sẽ làm gì?
Với câu hỏi này, đã có rất nhiều câu trả lời, bi quan lẫn lạc quan. Hoài An, tác giả ca khúc “nếu chỉ còn một ngày để sống”, khắc khoải thốt lên rằng: “Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha… Nếu chỉ còn một ngày để sống. Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người. Nâng ta lên qua bước đời chênh vênh…”
Thế còn chúng ta, là một Ki-tô hữu, nếu chỉ còn một ngày để sống… tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ thổn thức: “…Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi thay đi giữa hừng đông…” như Hoài An đã thổn thức!!
Thổn thức như thế, cũng tốt thôi. nhưng mới chỉ là thổn thức hướng về thân phận của ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải làm hơn thế nữa. Phải làm một cái gì đó hướng đến tha nhân, và nhất là quy hướng về Thiên Chúa.
Hướng đến tha nhân và hướng về Thiên Chúa, đó là điều Đức Giê-su thực hiện thường ngày. Nói cách khác, một ngày trong đời của Ngài, là một ngày hướng về Thiên Chúa và tha nhân.
Một ngày trong đời của Đức Giê-su được khởi đầu như thế nào? Thưa, Ngài “cầu nguyện”. Thật vậy, hãy nghe thánh sử Mác-cô thuật lại rằng: “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng,và cầu nguyện ở đó”.
Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết, cầu nguyện quan trọng như thế nào. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê su có nói: “Đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.”
Trở lại câu chuyện của Đức Giê-su. Khởi đầu cho một ngày, Đức Giê-su hướng về Thiên Chúa, qua việc cầu nguyện, tiếp đến Ngài không quên hướng đến tha nhân.
Hướng tới tha nhân như thế nào? Thưa, Đức Giê-su “viếng kẻ liệt”. Thật vậy, Tin Mừng thánh Mác-cô kể: Một hôm, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Thấy Đức Giêsu, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội, họ “nói cho Người biết tình trạng của bà”. Nghe thế, Đức Giê-su, “…lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay…”. (Mc 1, 31).
Chỉ một “cái chạm” của Đức Giêsu, người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.
Hướng tới tha nhân, Đức Giê-su không chỉ hướng đến thân nhân của các môn đệ, nhưng còn hướng đến tất cả mọi người. Chuyện kể tiếp rằng: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Hôm đó, dù mặt trời đã lặn, Đức Giê-su vẫn tiếp tục “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ..”(x.Mc 1, 34)
Đừng quên, Ngài còn làm một việc rất quan trọng, đó là: rao giảng Tin Mừng. Thánh sử Mác-cô cho biết: Sau khi làm phép lạ chữa lành và trừ quỷ, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ mình rằng: “Chúng ta hãy đi… đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.
Vâng, một ngày trong đời của Đức Giê-su là thế đó. Thế còn, với chúng ta thì sao? Nếu ta chỉ còn một ngày để sống… Nói cách khác, một ngày trong đời của tôi, tôi sẽ làm gì? Chúng ta sẽ làm gì cho một ngày trong đời của ta?
Chúng ta sẽ sống và làm như Đức Giê-su! Thưa, đúng vậy. Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng được gọi là môn đệ của Đức Giê-su, thế nên, việc sống và làm như Ngài đã sống và làm, là điều phải đạo.
Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: khởi đầu cho một ngày trong đời của tôi, tôi có hướng-về-Thiên-Chúa, qua việc nguyện cầu?
Hãy nhớ rằng, việc cầu nguyện của ta không đem lại cho Thiên Chúa điều gì cả, trái lại, nó đem lại cho ta nhiều ơn ích. Ơn ích đầu tiên, đó chính là “sự bình an”.
Thánh Phao-lô có sự trải nghiệm này, và ngài đã chia sẻ cho cộng đoàn Phi-lip-phê: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô”(x.Pl 4, 6-7)
“Được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô” thì, có khó khăn nào xảy ra trong cuộc đời ta, mà ta không vượt qua được, phải không, thưa quý vị!
Hướng về Thiên Chúa mà không hướng về tha nhân thì coi như chúng ta chưa sống và làm như Đức Giê-su,chưa thực thi lệnh truyền của Ngài: “Anh em phải yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.
Hướng về tha nhân, nếu là những tha nhân đau yếu bệnh tật, không nhất thiết chúng ta phải là một bác sĩ để chữa trị họ, chỉ cần một tâm hồn yêu thương, đến viếng thăm, tỏ lòng biết “yếu với những người yếu” để chia sẻ nỗi yếu đau, để an ủi và cuối cùng là để cảm thông.
Hướng về tha nhân, nói chung, hướng về bất cứ ai, không nhất thiết chúng ta phải cho họ tiền bạc, của cải v.v… nhưng là chỉ cần một cử chỉ, cử chỉ khiêm nhường, hiền lành, một nụ cười, một lời cảm ơn khi cần phải cảm ơn, một lời xin lỗi khi cần phải xin lỗi v.v…
Cuối cùng, một ngày trong đời của chúng ta sẽ vô nghĩa, nếu ta không theo gương Thầy Đức Giê-su “đến các làng xã chung quanh… để rao giảng tại đó”.
Khi chúng ta nghe, phải đi đến “các làng xã chung quanh”, đừng nghĩ rằng chúng ta phải đi xuống Hốc Môn, Bà Điểm, Bình Chánh hay một nơi xa xôi nào đó. Làng-xã-xung-quanh chính là gia đình, là hàng xóm láng giềng, là nơi ta làm việc, là những người mà ta gặp gỡ hàng ngày.
Đừng nghĩ rằng chúng ta phải “rao giảng” bằng những lời lẽ cao siêu, những lời lẽ mà chỉ có những thần học gia, những lý luận gia mới có thể thực hiện được.
Chỉ cần… chỉ cần sống tốt lành để làm gương sáng trước bàn dân thiên hạ. Bởi, như người ta thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.
Hãy nhớ, với sứ vụ “rao giảng Tin Mừng”, thánh Phao-lô nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng…”. và, Lm. Đa minh Nguyễn Đức Thông DCCT nói: “Không rao giảng Tin Mừng, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt”.
Có phần chắc, không ai trong chúng ta, muốn mình là kẻ bại liệt, dù chỉ là bại liệt trong một ngày. Không muốn bại liệt ư! Vậy thì, không gì tốt hơn là hãy xem một ngày trong đời của Đức Giê-su như là mẫu mực cho một ngày trong đời của chính mình.
Nói tắt một lời, hãy sống và làm theo gương Đức Giê-su.
Petrus.tran