Lạy Chúa! Con chẳng đáng…

 

Lạy Chúa! Con chẳng đáng…“Người ơi nào mau tới thờ lạy Chúa. Đồng thanh họp chung tiếng hát ca khen;  Cảm mến ơn Chúa ban, tràn lan cho trần gian. Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.

Này đây Ta ban cho thân xác Ta làm của ăn.  Máu Ta, Ta ban cho làm của uống.  Này ai ai ăn Ta, uống máu Ta trong tin yêu,  thì sẽ sống, sẽ sống mãi muôn đời liên”.

Đây là trích đoạn bài thánh ca mang tên “Phút Linh Thiêng”. Và, chắc hẳn không một tín hữu Công Giáo nào lại không biết đến bài thánh ca này. Vâng, một bài thánh ca nói về “Bí Tích Thánh Thể”, một Bí Tích, như lời truyền dạy của Giáo Hội, là “để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh Giá, và để ban Mình Máu Đức Giê-su hiện diện trong hình bánh rượu, làm của nuôi linh hồn ta”.

Lời truyền dạy này, phải chăng là do Giáo Hội Công Giáo tự ý đặt ra? Thưa không, mà là do  Đức Giê-su truyền dạy cho các tông đồ, và các tông đồ truyền dạy lại cho Giáo Hội.

Thật vậy, thánh Phao-lô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, dạy rằng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. 1Cor 11, 23-25)

Thật ra, ngoài tông đồ Phao-lô, còn có ba người khác, đó là: thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Luca. Các ngài cũng có ghi chép lời truyền dạy của Đức Giê-su. Và, đặc biệt hơn cả, đó là tông đồ Gio-an,  ngài đã ghi lại rõ ràng tất cả những gì Đức Giê-su nói về “Mình Thầy và Máu Thầy”, một Bí Tích  mà Người sẽ thiết lập, để ban cho nhân loại.

Vâng, những gì Đức Giê-su tuyên bố, đã được tông đồ Gio-an ghi lại như sau: Hôm ấy, Đức Giêsu trở về Ca-phac-na-um. Nói tới Ca-phac-na-um, có thể nói rằng, đây là nơi hưởng được nhiều điều tốt đẹp từ Đức Giê-su.

Nếu như với lần xuất hiện trước kia, Ngài đã để lại nơi đây dấu ấn của một vị “danh y”, một danh y đã chữa lành một kẻ bại liệt,  thì hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho cả Ca-phac-na-um sốt lên, sốt lên bởi Ngài đã công bố một bản “phác đồ điều trị” cho những “bệnh nhân” nào  muốn có sự sống đời đời. Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, lời truyền dạy đầu tiên mà Đức Giê-su công bố đó chính là ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Thật vậy, trong cuộc đàm luận cùng ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu đã tỏ bày rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa, qua Con của Người,  là Đức Giê-su, cũng đã có lời tuyên bố đầy chí tình, rằng: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.

Sự sống đời đời và sống dồi dào, với Đức Giê-su, tất nhiên không do được nuôi dưỡng bởi  thứ “lương thực mau hư nát”, nhưng do được nuôi dưỡng bởi “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho”.

“Con Người” là ai? Và, thứ lương thực thường tồn bởi đâu mà có? Vâng, hôm đó, trong hội đường, Đức Giê-su đã cho mọi người câu trả lời, một câu trả lời mà không một người Do Thái nào có thể chấp nhận được, Ngài tuyên bố, rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”…

Có thể nói, lời tuyên bố này đã đưa Đức Giêsu vào tình trạng “bị chối từ”, ngay cả với những kẻ đã từng đi theo Ngài. Xưa nay, có bánh nào từ trời xuống ngoài “man-na”! Và có ai đã dám nói, ngoài Đức Giê-su đã dám nói, rằng: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và, bánh tôi bạn tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

Nhiều lời tranh luận của người Do Thái vang lên. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Và dẫu cho “nhiều môn đệ của Người nói: lời này chướng tai quá!”, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên bố “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.

Hôm đó, bất chấp những lời xầm xì phản đối của người Do Thái, Đức Giê-su chấm hết thông điệp của Ngài bằng lời khẳng định, rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy… Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (x.Ga 6, 58)

Như lời tông đồ Gio-an đã ghi lại, thì, những điều được trình bày trên đây: “đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phac-na-um” (x.Ga 6, 59).

Và, đó là lý do, mà hôm nay, Giáo Hội tiếp tục chuyển giao đến với mọi người tín hữu thông điệp đã được Đức Giêsu công bố khi xưa, thông điệp rằng: “Ta là Bánh trường sinh – Ta là Bánh bởi trời – Ta là Bánh hằng sống”.

Hôm nay, Giáo Hội – qua Bí Tích Thánh Thể – vẫn tiếp tục “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra…”,  trao cho chúng ta và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn”.

Hôm nay, Giáo Hội – qua Bí Tích Thánh Thể – vẫn tiếp tục “cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn…”, trao cho chúng ta và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Có lẽ chúng ta sẽ không nói gì thêm nữa về lời Đức Giêsu đã phán “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Bởi vì “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Và, như có lời nói rằng: “Biết điều đó thì khác xa với những ai đã nếm được điều đó”. Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình: Tôi có đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi, rằng “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” hay không? (x.Cn 9, 5)

Câu trả lời là của mỗi chúng ta? Thế nhưng, đừng quên, Kinh Thánh có lời mời gọi: “Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người” (x.Tv 33, 9). Và, nói theo ngôn ngữ của Thánh Lễ hôm nay, thì: “Phúc thay ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

“Phúc thay ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Vâng, đúng là có phúc, phúc được hưởng sự sống muôn đời. Thế nhưng, làm sao để biết được rằng ta “có phúc”, khi ta “dự tiệc Chiên Thiên Chúa”?

Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được” (x.1Cor 10, 21)

Đúng vậy, chúng ta không thể vừa mới “Ăn uống Mình và Máu Đức Giêsu”, sau đó lại thâu đêm suốt sáng “không say không về” bên những em vũ nữ thân gầy, ở một quán bar, vũ trường nào đó. Làm như thế, chúng ta không thể “có phúc”. Làm như thế, thánh Phao-lô nói: “Hay là ta muốn làm cho Chúa ghen tương?”

Muốn được “có phúc” khi dự tiệc Chiên Thiên Chúa ư! Thưa, thánh Phaolô có lời khuyên: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan”. Sau đó, thánh nhân khuyên tiếp rằng: “Hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc…”. Cuối cùng, ngài nói: “Hãy thấm nhuần Thần Khí”.(Ep 5, … 18)

Làm sao để biết rằng, ta thấm-nhuần-Thần-Khí? Thưa, rất giản dị, đó là lúc ta thấm nhuần “hoa trái Thần Khí”, đó là: hoa trái bác ái, hoa trái nhẫn nhục, hoa trái từ tâm, hoa trái nhân hậu, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Khi ta thấm nhuần hoa trái Thần Khí, thưa Bạn, Bạn có biết điều gì xảy ra trong ta? Thưa, ta có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x.Gl 2, 20).

“Đức Ki-tô sống trong tôi”… Vâng, đó chính là lúc ta cảm nghiệm được sự “dịu ngọt”, sự dịu ngọt mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua “Con của Người” là Đức Giê-su Ki-tô, một Giê-su đã phán hứa: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (x.Ga 6, 57)

Thưa bạn, bạn có tin lời Đức Giê-su phán hứa? Nếu tin… vâng, chúng ta hãy đến bàn tiệc Thánh Thể và cùng nhau nguyện rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.

Vâng, “Lạy Chúa, con chẳng đáng…”

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận