Người xưa có câu: “Vô tri bất mộ”. Đúng vậy, không biết thật khó để mà yêu. Muốn yêu mến ai, trước tiên phải biết người ấy. Khi nói tới “vô tri bất mộ”, một blogger tâm sự: “Cha tôi là một nhà nho. Khi người còn sinh tiền, một trong những câu tôi thường nghe người dạy tôi: Vô tri bất mộ. Câu nói thâm thúy này xem chừng đã nhiễm sâu vào tâm thức tôi và nó đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc đời tôi suốt hơn sáu mươi năm nay. Suy đi ngẫm lại, tôi thấy trên đời này có nhiều thứ lúc đầu mình chưa biết thì chưa mến mộ, nhưng một khi tôi đã biết, mới đầu chỉ hơi thinh thích, dần dà nhiều lên, rồi mê mẩn và yêu luôn hồi nào như hình với bóng” (nguồn: internet).
Đi vào lãnh vực của niềm tin tôn giáo, sự liên lạc giữa biết (tri) và yêu (mộ) lại càng mật thiết hơn. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, trong một bài giảng, ngài có lời chia sẻ rằng: “Biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa”.
Với chúng ta hôm nay, để biết “giáo lý của Chúa Ki-tô” hay nói ngắn gọn để “biết về Đức Giê-su”, không khó lắm. Chỉ cần chuyên cần học giáo lý, tham dự thánh lễ, đọc Kinh Thánh v.v… cũng có thể biết về Đức Giê-su.
Với người xưa, người cùng thời Đức Giê-su, để biết về Ngài, thì khác hẳn. Khác ở chỗ, để biết về Ngài, phải đến gặp Ngài. Vâng, điển hình là hai người môn đệ của ông Gio-an Tiền Hô, (ông An-rê và Gio-an), để “biết về Đức Giê-su” hai ông đã phải “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người”.(x.Ga 1, 39)
Một trường hợp khác, đó là việc ông Gio-an Tiền Hô muốn “biết” Đức Giê-su thật sự là ai, và ông đã sai những người môn đệ của mình đến gặp Đức Giê-su, gặp là để biết rõ hơn về Ngài. Ông muốn biết Ngài “có thật là Đấng phải đến”, hay không? Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.(x.Mt 11, 2-11)
Vâng, chuyện được ghi lại rằng: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù”. Tại sao ông bị tù? Thưa, là bởi ông ta đã ngăn cản một việc làm xấu xa của vua Hêrôđê. Ông Hê-rô-đê muốn lấy một người phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại chính là “vợ ông Philipphê anh của nhà vua” (x. Mt 14, 3-4). Dù đang ở tù, nhưng ông Gio-an vẫn nhận được nhiều nguồn tin về “những việc Đức Ki-tô làm”.
Ông chợt nhớ lại những gì mình đã thấy về Đức Giê-su ở sông Gio-đan, hình ảnh “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Và những gì mình đã nói, rằng: “Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi… Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”… Ông nhớ mình có lớn tiếng nói: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.
Nhớ, để rồi hôm nay, trong ngục tù tăm tối, phối kiểm những tin tức về việc Đức Giê-su đã làm, con tim ông khắc khoải, một nỗi khắc khoải muốn “biết” Ngài thật sự là ai, không chỉ cho riêng cá nhân ông, mà còn cho các môn đệ của mình.
Nghĩ là làm, ông Gioan “liền sai các môn đệ” đến hỏi Đức Giêsu, rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (x.Mt 11, 3)
Ước mong của ông được toại nguyện. Hôm ấy, Đức Giê-su tuyên bố: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” .
Được sinh ra trong một gia đình cha là tư tế, mẹ là bà Êlizabeth “cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, tất nhiên, ông Gio-an hiểu ngay những lời Kinh Thánh được Đức Giê-su trích dẫn. Vâng, ông hiểu.
Thế nên, chúng ta có thể tin rằng, trong ngục tối, ông Gio-an đã mãn nguyện, mãn nguyện về điều mình đã nói trước đây, thật quá đúng về Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
Tuy Tin Mừng không ghi lại, nhưng có phần chắc, khi những người môn đệ trở lại gặp ông, ông đã khẳng định với họ, rằng: Đức Giêsu “thật là Đấng phải đến”, không còn phải-đợi-ai-khác nữa.
“Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không?” Hay, nói theo cách nói hôm nay, “Đức Giêsu, Ngài có thật là Đấng đã đến thế gian không?”
Là một Ki-tô hữu, chúng ta có tin Đức Giê-su “Đấng phải đến – đã đến?” Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ trả lời là “Tôi Tin”. Vậy, nếu hôm nay, một ai đó, chưa phải là người Ki-tô hữu, đến hỏi chúng ta câu hỏi nêu trên, chúng ta sẽ trả lời thế nào?
Có lẽ, đa phần chúng ta sẽ trả lời rằng: Đúng, Đức Giê-su – Đấng phải đến, đã đến. Ngài “thật đã đến” hơn hai ngàn năm qua. Và hôm nay, chúng tôi đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 2016.
Có lẽ, chúng ta sẽ nói rằng, Ngài sinh ra tại Belem, sau ba mươi năm sống tại Nazareth, Ngài ra đi loan báo Tin Mừng làm nhiều phép lạ v.v… Nói tắt một lời, Ngài đã làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Vâng, đó là những câu trả lời tuyệt hảo. Thế nhưng, sẽ tuyệt hảo hơn nếu câu trả lời đó được trả lời bằng chính cuộc sống của mình.
Hình ảnh Đức Giê-su – “Đấng phải đến – đã đến”, sẽ rạng rỡ hơn, rạng rỡ không phải do những ánh đèn lấp lánh được trang trí nơi hang đá trong ngày lễ Giáng Sinh, nhưng là do những việc làm thiết thực của mỗi chúng ta, trước bàn dân thiên hạ.
Thiên hạ sẽ nhận ra Đức Giê-su – “Đấng phải đến – đã đến”, khi họ mắt-thấy-tai-nghe chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”.
Còn nữa, thiên hạ sẽ nhận ra Ngài thật là Đấng phải đến, khi họ nhận thấy chúng ta là đích thực là những người “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”.
Thưa bạn, bạn cứ thử “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”, tôi tin chắc rằng, người được bạn ủi an, người được bạn yêu mến, sẽ thốt lên với bạn rằng: “Ồ! Đây đích thực là một người Công Giáo”.
Vâng, nói rất dễ, làm mới là khó. Khó, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện, bởi đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su “Mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Giê-su, có khác gì nhận ra Đức Giê-su thật là Đấng phải đến – đã đến, phải không, thưa quý bạn?
Vậy thì, cớ gì chúng ta không đón nhận lời truyền dạy của Đức Giê-su như là một nguồn cảm hứng để nói với Ngài, rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”! Vâng, phải thực thi ý Chúa, vì chỉ có như thế, mọi người mới có thể nhận biết Đức Giê-su, “Đấng phải đến – đã đến”.
Petrus.tran