Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh!

 

Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh!Kinh Thánh Tân Ước được mở đầu bằng bốn sách Phúc Âm, với bốn tác giả là: thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô, thánh Luca và thánh Gio-an. Mà, như chúng ta được biết, Phúc Âm còn được gọi là Tin Mừng. Và quả thật, qua sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, các thánh sử đã viết lại rất nhiều “tin mừng” cho nhân loại, đúng như thánh sử Luca cho biết: “Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta”. Chính thánh Luca cũng đã nói về mình, rằng: “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra…”(x.Lc 1, 3)

Thật vậy,  sau khi đã “cẩn thận tra cứu”, thánh nhân đã viết ra một  mẩu tin, mà ai cũng phải gọi đó là “tin mừng”, đó là việc Đức Giê-su về Nazarerth, tại đây Người  đã khiến cho “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” và quan trọng hơn cả, Người đã gửi đến cho mọi người một thông điệp, đó là, những gì các ngôn sứ xưa đã nói, thì: “Hôm nay đã ứng nghiệm” (x.Lc 4, 21)

Vâng, “tin mừng” này được thánh Luca ghi lại như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về Galile”. Về Galile, thánh sử  cho biết, “Rồi Đức Giê-su đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng”. Hôm đó, nhằm vào ngày sabat. Chuyện kể tiếp rằng: “Người vào hội đường, như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát”.

Theo Do Thái giáo, ngày  sa-bát là ngày cuối cùng trong một tuần lễ bảy ngày, một ngày đã được: “Thiên Chúa ban phúc lành … và thánh hóa” (Stk 2, 3).

Đến thời Mô-sê, trong cuộc hành trình dẫn đưa dân Do -Thái về miền đất hứa, một lần nữa, tại núi Sinai, Thiên Chúa đã đóng ấn ngày Sa-bát bằng một điều luật trong mười điều Người đã phán cùng Mô-sê rằng: “ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).

Kể từ đó, ngày sa-bát trở thành ngày toàn dân Israel: “dành cho Đức Chúa”. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma”, và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.

Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc là tự nguyện hoặc là được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn. Hôm đó, Đức Giê-su được vinh dự đọc Sách Thánh.

Không thấy thánh sử Luca nói tới, nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ,  tiếng đồn về những điều “Người giảng dạy” và được “mọi người tôn vinh” lọt đến tai ông trưởng hội đường, cho nên, khi thấy Đức Giêsu vào hội đường, với sự ngưỡng mộ, ông ta đã không ngần ngại mời Đức Giêsu lên đọc Sách Thánh.

Hôm đó, họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-saia. Ngài mở ra và long trọng đọc một đoạn có chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt,trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Khi Đức Giê-su đọc xong, bầu khí thinh lặng trong hội đường bị phá vỡ bởi những lời “tán thành và thán phục”. Họ tán thành và thán phục không chỉ bởi “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” mà còn bởi từ trước tới nay, tuy đã nhiều lần được nghe lời ngôn sứ Isaia, nhưng hôm nay, lạ thay! đây là lần đầu tiên họ được nghe một người dám dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

Vâng, đúng là lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm. Thì đây, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Kinh Thánh đã ghi chép lại rằng: từ Caphanaum cho đến miền Giuđê, người ta thấy  “Thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt, và Ngài đã chữa họ” (Mt 4,24).

Người ta còn được chứng kiến Đức Giêsu đã làm phép lạ cho: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…”(Mt 11, 5). Có thể kết luận rằng, Đức Giê-su đã thực thi trọn vẹn thông điệp Người đã loan báo, thông điệp mang tên:  “Tin Mừng cho kẻ  nghèo hèn”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, “kẻ nghèo hèn” này là ai? Vâng, Đức Giê-su, bản thân của Ngài đã sinh ra trong một nơi tầm thường nhất trong xã hội, đó là chuồng chiên. Lớn lên, sống ở Nazareth, là một nơi, như lời Nathanaen nói “làm sao có cái gì hay được”, nói tắt một lời, Ngài chính là hiện thân của “kẻ nghèo hèn”, lúc bấy giờ.

Nhưng ở đây, “kẻ nghèo hèn”, theo Kinh Thánh, đó là “người có tâm hồn tan nát”(x. Is 66). Còn theo tác giả Thánh Vịnh, kẻ nghèo hèn, đối nghịch với ác nhân, tức là “người hiền từ”, Thiên Chúa sẽ cho “đất hứa làm gia nghiệp”. (x.Tv 10-11)

Joel Green, một học giả về Kinh Thánh nói rằng: “kẻ nghèo khó” trong xã hội thời Chúa Giê-su, không nhất thiết là những người nghèo về vật chất, nhưng nó liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau như: giáo dục, giới tính, gia thế, sự trong sạch về mặt tôn giáo, nghề nghiệp v.v… Sự thiếu kém về một trong số những điều đó, có thể được xếp vào hạng “kẻ nghèo hèn”.

Được giao phó sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, Đức Giê-su muốn nói đến những người “thiếu kém”, có thể là thiếu kém vật chất, có thể nghèo khó tâm linh, hãy trông cậy nơi Ngài, trông cậy vào “Hồng Ân của Chúa”.

Và bây giờ là đến chúng ta. Hãy tự hỏi: tôi có phải là “kẻ nghèo hèn” trước mặt Chúa? Có lẽ, trước khi có câu trả  lời, chúng ta hãy cùng xem lại câu chuyện ông Da-kêu.

Vâng, thật vắn tắt, trong vài lời suy niệm của Lm. Vincent Travers. Ngài nói: “Tôi mong muốn bạn ghi nhận điều gì Chúa Giêsu và ông Da-kêu đã thấy. Trước khi gặp Chúa Giêsu, ông Da-kêu nghĩ mình là người giàu có. Giờ đây, ông thấy mình nghèo nàn đến mức nào. Trước đây ông tưởng mình có hết mọi sự. Bây giờ ông thấy mình không có gì đáng giá thật sự”, chắc hẳn giờ đây, chúng ta sẽ có câu trả lời cho mình!  Vâng, tất cả chúng ta đều là những “kẻ nghèo hèn” trước mặt Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trả lời cho riêng ta vẫn chưa đủ, mà còn phải là cánh tay nối dài của Chúa Giê-su, mang “Tin Mừng cho người nghèo” đến với những “kẻ nghèo hèn” khác, đang “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”.

Thật vậy, hãy nhìn xem ngay tại Việt Nam “Tại một số thành phố lớn, (như Đà Nẵng chẳng hạn),  trên những tuyến đường sang trọng mọc lên những tấm biển cấm đánh giày, cấm bán hàng rong, cấm lưu thông các loại xe thô sơ, xe ba bánh, xe đẩy… Để đảm bảo vẻ mỹ quan thành phố, vì sự nghiệp phát triển, đám lê dân ‘trán dồ, răng hô’ không có chỗ trên sân chơi ‘đẳng cấp’ đó. Bức tranh thế giới hiện đại được khắc hoạ bằng những nét thật khốc liệt: Hố ngăn cách ngày càng lớn giữa một thiểu số chiếm hữu phần lớn tài nguyên trong khi đại đa số nhân loại chia nhau phần nhỏ còn lại”(nguồn: 5/phút cho Lời Chúa)

Chúng ta phải làm gì? Phải chăng, nhiệm vụ của chúng ta là hãy nhìn ra Đức Giê-su, qua những con người bị ruồng bỏ đó? Phải chăng là, hãy như người Samaria nhân lành “đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc?” Nói rõ hơn, đặt những con người ấy trên lòng thương xót của ta?

Đừng quên,  Đức Giêsu đã nói “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25, 40)

Thưa, bạn, có quá khó để chúng ta “làm như thế?” Nếu có, bạn và tôi, chúng ta hãy quỳ xuống dưới chân thánh giá Chúa Ki-tô, cùng nhau nguyện, rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa, là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, để chúng con, với lòng hăng say mới, sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho người nghèo, bị áp bức, bị lãng quên” (nguồn: 5/phút cho Lời Chúa)

Đem Tin Mừng đến cho người nghèo, bị áp bức, bị lãng quên… Bạn có biết gì không! “Làm như thế” chúng ta đã tiếp tục nói lên tiếng nói của Đức Giê-su, trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận