Là người Ki-tô hữu, chúng ta có nghĩ, mình là một công dân Nước Trời? Vâng, có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ cho rằng, đây là một câu hỏi thừa. Thừa là bởi, một người Ki-tô hữu, là người tin vào Chúa Giê-su, đã được rửa tội và được lãnh nhận các phép Bí Tích, tất nhiên được gọi là con cái Chúa, không là công dân Nước Trời thì là công dân của ai!
Đúng, suy nghĩ như thế không sai, nhưng chưa đủ. Muốn được là một công dân Nước Trời, Đức Giê-su còn có một lời khuyên dạy, rằng: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.
Nói tới trẻ em ư! Vâng, đó là thành phần luôn được Đức Giê-su ưu ái và quan tâm đến, Ngài luôn dùng hình ảnh trẻ thơ như là tiền đề cho những lời giáo huấn về cách sống của một công dân Nước Trời.
Thật vậy, vào một dịp Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um, Ngài đã “đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông” như là một hình ảnh sống động, để dạy các ông một bài học: Ai là người lớn hơn hết trong Nước Trời. (x.Mc 9, 30-37)
Như chúng ta biết, trong cuộc sống thường nhật, có ai mà không muốn mình có được chức tước, địa vị cao trong xã hội. Chả vậy, Nguyễn Công Trứ , một nhà quân sự và cũng là một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử cận đại của Việt Nam, đã có thơ rằng: “Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.
Vậy đó, chính vì “phải có danh gì”, nó đã nảy sinh một cuộc tranh cãi kịch liệt giữa các người môn đệ của Đức Giê-su.
Chuyện kể rằng: Sau biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor với sự chứng kiến của Phêrô, Giacôbê và Gioan, và sau khi chữa lành một người bị quỷ ám, các môn đệ đã cùng với Thầy của mình rời khỏi đó và đi băng qua miền Galilê.
Tại đây, một lần nữa, Đức Giê-su dạy các môn đệ về việc “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Lời dạy dỗ này “các ông không hiểu”. Không hiểu, nhưng “các ông sợ không dám hỏi lại Người” (x.Mc 9, 32)
Trước lời tiên báo sinh ly tử biệt của Đức Giê-su, nếu bạn là môn đệ của Ngài lúc đó, bạn sẽ phản ứng thế nào? Phải chăng là sẽ cất lên tiếng hát não nề, rằng: “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây. Tiếng buồn vang trong mây”?
Vâng, với suy nghĩ của người đời, đúng là “tiếng buồn vang trong mây” khi biết tin một Giê-su đầy quyền uy, vừa mới “biến đổi hình dạng” trên núi cao, một Giêsu vừa mới “quát mắng tên quỷ…” khiến cho quỷ thét lên trước quyền phép của Ngài… thế mà sẽ phải “đi chết” sao!
Với các môn đệ năm xưa, các ông đã không cất tiếng hát. Suốt cuộc hành trình về Ca-pha-na-um, trong thinh lặng, các ông có nhiều dòng suy nghĩ khác nhau, chính những dòng suy nghĩ khác nhau đó, đã dẫn đưa các ông đến một cuộc tranh cãi kịch liệt. Các ông tưởng rằng, Đức Giê-su không biết gì về chuyện này. Nhưng, bé cái lầm, Đức Giê-su biết hết. Thế nên, Ngài đã hỏi các ông: “Dọc đường , anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Mười hai môn đệ với hai mươi bốn con mắt nhìn nhau. Chuyện kể tiếp rằng: “Các ông làm thinh… ”, làm thinh “…vì khi đi đường các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (x.Mc 9, 34).
Về chuyện này, thánh Mát-thêu nói rõ hơn, rằng: Các ông cãi vã về việc “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời”.(x.Mt 18, 1)
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, các môn đệ xưa đã “lời qua tiếng lại” với nhau như thế nào?
Phải chăng, ông Mát-thêu đã nói: “Tôi là một tay cán bộ thuế vụ. Tiền vào như nước. Thế mà tôi đã bỏ hết để theo Thầy Giê-su. Vậy, có gì ngăn cản tôi không là người lớn nhất trong Nước Trời”?
Phải chăng, Giacôbê và Gioan nói: “Tại sao không là chúng tôi. Chúng tôi đã được nhìn thấy Thầy biến hình đầy uy nghi”?
Phải chăng, Phê-rô sẽ nói: “Ồ không, người lớn nhất trong Nước Trời chính là tôi. Tôi… tôi đã được chính Ngài Giê-su trao cho chìa khóa Nước Trời, kia mà”?
Còn chúng ta? Phải chăng, chúng ta sẽ nói: chính là tôi, vì tôi đã đóng góp cho việc xây trung tâm này, xây giáo đường kia… hàng chục triệu “K”, kia mà?
Tất cả chỉ là phỏng đoán. Và điều… điều chúng ta cần biết, đó là thái độ và lời dạy bảo của Đức Giê-su như thế nào.
Muốn làm người lớn hơn cả ư! Muốn làm người đứng đầu ư! Vâng, Đức Giêsu đã đưa ra một quan điểm hết sức bất ngờ, ngược lại với tất cả những gì mà các ông, cũng như người đời hôm nay, nghĩ đến.
Người-đứng-đầu, theo quan điểm của Đức Giêsu, phải là người dùng-đôi-tay-để phục vụ. Người-lớn-nhất, theo quan điểm của Đức Giêsu, phải là người dùng-con-tim để hành động.
Hôm đó, Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x. Mc 8, 35).
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Và quả thật, Ngài đã làm điều này trong bữa tiệc ly. Đó là ngày thứ năm, ngày nay, chúng ta gọi là thứ năm tuần thánh.
Hôm đó, “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”(x.Ga 13, 4-5).
Mười hai người môn đệ, đứng đầu là Phê-rô, đầy kinh ngạc, lên tiếng “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”
Đức Giêsu là Chúa, là Thầy, là vị cứu tinh, là người lãnh đạo và là tất cả của các ông. Ôi! Tại sao Ngài tự hạ mình xuống, trở thành người thấp hèn nhất, bằng cách làm một công việc thuộc về hạng tôi đòi hèn hạ nhất sao?
Vâng, Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng về vấn đề lãnh đạo. Ngài đã bỏ rơi quyền lực của một người đứng đầu. Ngài đã nói với Phê-rô “Nếu thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.
Phê-rô, cũng như tất cả các môn đệ còn lại, phải chấp nhận, phải đầu hàng. Và rồi, khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su nói: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (x.Ga 13, 13-14).
Cuối cùng, để đóng ấn cho một dấu ấn mới về việc “ai là người lớn nhất trong Nước Trời”, Đức Giê-su long trọng tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi”.
Tất cả những gì xảy ra trong đêm thứ năm đó như là một thông điệp, một thông điệp đã được chính Đức Giê-su loan báo trước đó, rằng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
Ở trong Nước Trời, phục vụ chính là quyền hành. Người-Phục-Vụ chính là “người lớn nhất trong Nước Trời”.
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9, 35).
Tuy thánh sử Máccô không nói gì về phản ứng của các môn đệ sau lời tuyên bố của Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thể tin rằng, sau này, các môn đệ đã hiểu và đã hối tiếc vì đã gây ra một cuộc tranh chấp quyền lực giữa các ông.
Thật vậy, nếu các ngài không hiểu và không hối tiếc thì, sau này, thánh Giacôbê, như là một đại diện cho nhóm mười hai, đã không lớn tiếng chỉ trích rằng: “Nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại…”.
Sau đó, thánh nhân nhấn mạnh: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có đủ thứ xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3, 16).
Và lịch sử Giáo Hội đã cho thấy, ngoài các vị tông đồ tiên khởi, sau này, có không ít hậu duệ của các ngài cũng đã biết “cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi… đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân… và lấy khăn thắt lưng mà lau”, cho nhiều người khác, cách này cách khác, điển hình như Thánh Phanxicô thành Assisi và ngày nay là đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.
Hôm nay, là đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải tiếp tục công việc của Đức Giê-su vào hôm Thứ Năm Tuần Thánh, công việc “cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi… đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân… và lấy khăn thắt lưng mà lau”, cho nhiều người khác.
Có thể lúc ban đầu chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn. Thế nhưng, cứ thử… cứ thử mỗi ngày chúng ta thực hiện “một chút thôi”.
Bất cứ quyền hành nào chúng ta đang có, hay bất cứ năng khiếu tự nhiên và ân sủng nào chúng ta được Thiên Chúa ban cho, chỉ cần chia sẻ “một chút thôi”… một chút thôi, cho người khác. Vâng, đó là cách chúng ta tiếp tục công việc của Đức Giê-su, công việc “phục vụ” một cách duyên dáng theo đúng “bài” Ngài đã dạy hôm thứ năm tuần thánh.
Vâng, chắc chắn, đây là một công việc khó thực hiện. Đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu của ta không dễ dàng chút nào. Nó đi ngược lại bản năng của con người, bản năng “cái tôi” của mình.
Thế nhưng, vì là một Ki-tô hữu, vấn đề không phải là dễ hay khó, vấn đề là tôi có nhìn nhận mình là “kẻ được sai đi” hay không? Chính việc xác định mình là “kẻ được sai đi”, nó giúp cho chúng ta ý thức được cuộc sống của mình luôn là “ngày thứ năm tuần thánh”.
Và khi ý thức được cuộc sống của mình luôn là “ngày thứ năm tuần thánh”, vâng, chẳng có điều gì ngăn cản chúng ta “cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi… đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân… và lấy khăn thắt lưng mà lau”, cho nhiều người khác, tùy theo hoàn cảnh cuộc sống của mình.
Hãy tin, chính việc làm này, chúng ta sẽ được Đức Giê-su, vào ngày trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài sẽ gọi tên ta và nói , “Này bạn, bạn là người lớn nhất trong Nước Trời”.
Petrus.tran