Hãy đi rao giảng Tin Mừng

 

Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Hãy đi rao giảng Tin MừngTôi xin được mở đầu bài suy niệm này bằng cách chia sẻ những ý tưởng với những vị giảng thuyết khác. Tuy nhiên, nếu như quý vị không là một nhà giảng thuyết, xin đừng nghĩ mình không được tính đến – quý vị cũng được mời gọi lắng nghe. Mục sư Fred Craddock, một nhà sư phạm khoa giảng thuyết lừng danh, đề nghị trong cuốn sách nói về giảng thuyết của mình rằng các nhà giảng thuyết bắt đầu diễn giải bản văn qua lần đọc đầu tiên hay đọc “ngây ngô”. Ông khuyến khích chúng ta không dùng các sách chú giải và nghe bản văn như cộng đoàn nghe vậy. Ở bước đầu soạn bài giảng này, chúng ta có khuynh hướng đặt ra các câu hỏi, nêu lên những điều mơ hồ, sự lộn xộn, những cảm xúc cũng như những phản ứng gợi lên trong lần đọc đầu tiên “ngây ngô” này. Việc nghe lần đầu này cho phép có được một lối tiếp cận bản văn mới mẻ và cũng giúp vị giảng thuyết nghe bản văn theo cách mà cộng đoàn sẽ nghe – tức là thô và chưa được gạn lọc. Tôi sẽ vận dụng đề nghị của mục sư Craddock vào bài đọc một hôm nay trích từ sách ngôn sứ Amốt.

Thoạt đầu bản văn làm tôi thấy sốc: có chuyện gì không ổn trong bài đọc này nhỉ? Tại sao tư tế Amasia lại khó chịu với ngôn sứ Amốt? Ta có nên giảng về bài đọc này hay không nhỉ, tôi chắc rằng cử tọa sẽ nghe bản văn và sẽ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả. Phải chăng tôi quá bi quan? Vâng, tôi thú thật rằng chính tôi cũng chẳng biết gì bao nhiêu trong lần đọc đầu tiên.

Chúng ta đang ở thế kỷ VIII trước kỷ nguyên Kitô giáo và ông Amasia là thầy tư tế trong triều đình. Bấy giờ Israel sống trong hòa bình và thịnh vượng, người giàu cảm thấy an tâm. Đây cũng là thời gian của suy thoái, người dân đang quên dần giao ước. Tư tế Amasia chỉ nói với triều đình những gì họ muốn nghe và cùng với nhiều vị khác, ông cũng bỏ Chúa và dựa vào quyền lực triều chính để được an thân. Ông Amốt khi đó là một cậu bé chăn cừu và mặc áo vải sung. Cây sung ở vùng Trung Đông cho trái thô; để ăn được trái, cây phải được chăm sóc tốt. Những ai biết cắt tỉa sẽ giúp cây có trái ngon hơn. (Hình ảnh vị ngôn sứ được ví như thế đó!)

Trái sung cũng là thực phẩm cho người nghèo khó. Vì vậy, ông Amốt không phải là dòng dõi quý tộc và ông cũng không là một ngôn sứ trong đạo Do Thái có tổ chức hẳn hoi. Ông được đẽo gọt thô và là thuộc về nhà Giuđa (1:2). Ngôn sứ Amốt có những thị kiến và trong bản văn hôm nay, khi gặp ông Amasia, các thị kiến này bị gián đoạn. Tư tế Amasia không muốn đuổi ông Amốt ra khỏi thành phố. Ông Amốt phản đối và nói rằng ông không muốn làm ngôn sứ nhưng chính Chúa đã chọn ông. Cũng như ông chẳng có liên quan gì đến các ngôn sứ khác. Sứ điệp của ông phải được đón nhận vì chính giá trị của nó chứ không phải do tính chính thức hay từ một cơ quan công quyền nào. Chúng ta có thể thấy tại sao bài đọc này được chọn cùng với bài Tin Mừng hôm nay – Sứ điệp mới là điều quan trọng – và Thiên Chúa tuyển chọn người mang thông điệp đến cho dân chúng.

Tôi viết những suy niệm này vào ngày tôi đang chuẩn bị lên đường để giảng tĩnh tâm cho một giáo xứ. Bài Tin Mừng làm cho tôi cảm thấy lúng túng khi nhìn những gì tôi đang bỏ vào vali. Khi nghe từ bản văn, tôi không nên lo lắng gì về tiền bạc hay thực phẩm, phải chăng tôi có dư thừa quá mức không? Đi ra sân bay thế nào đây và ai sẽ trả tiền vé cho tôi? Tôi biết rằng thời buổi đã thay đổi rồi; tôi ngồi dán mắt vào máy tính và nhận ra rằng mọi thứ đang thay đổi nhanh quá! Thế nhưng tôi không muốn bỏ qua bài đọc này một cách dễ dàng vì coi nó như thuộc về một thời đại khác, tôi cũng không muốn nói rằng bài đọc này chỉ áp dụng cho những ai vẫn còn đi giảng thuyết. Tất cả chúng ta đều giảng thuyết bằng nhiều các thức khác nhau và mỗi người đều được ban cho “quyền trên các thần ô uế” của thời đại chúng ta.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta đơn giản hóa cuộc sống của mình, hãy tập trung vào tầm quan trọng của sứ điệp của Người và ra đi loan truyền sứ điệp ấy. Biết bao lần chúng ta đã không cầu nguyện nghiêm túc bởi vì chúng ta nghĩ cần phải đọc thêm sách về cầu nguyện hoặc đi học thêm khóa học về suy niệm để học cách thực hành nó? Dĩ nhiên chúng ta không cảm thấy mình giỏi giang đủ để nói với bất cứ ai khác về cầu nguyện. Thế còn những cuộc trò chuyện chúng ta tránh né không đề cập đến an sinh, tôn giáo, trang bị vũ khí cho quân đội, v.v…Phải chăng bởi vì chúng ta cho rằng mình không biết được những chuyện ấy? Nếu quả điều ấy khiến chúng ta im lặng thì mình có thể không dùng nhiều thời gian để xem tivi và chơi trò chơi trên máy tính và có nhiều thời gian hơn cho việc học hành. Điều chúng ta cần phải nhận ra ngay lúc này là mình được ban cho quyền năng trên sự dữ và quyền năng chữa lành để ra đi rao giảng.

Có lẽ tất cả chúng ta cần phải thử đơn giản hóa cuộc sống của mình và chứng tỏ rằng khao khát duy nhất của mình là chính Chúa và triều đại của Người trên trái đất cũng như bớt đi các quyền lực khác đang thống trị chúng ta. Có lẽ một lối sống đơn sơ hơn sẽ là một dấu chỉ của “quyền năng trên các thần ô uế”, bởi lẽ chúng ta ý thức rằng lối sống, cách tiêu xài, giải trí và tiêu thụ của mình là cái giá mà các quốc gia nghèo khác phải trả qua việc bán rẻ sức lao động cách vô nhân đạo cũng như tài nguyên thiên nhiên của họ. Một báo cáo của chính phủ nói rằng người Mỹ hoang phí 25% thực phẩm tươi sống chúng ta mua. Vậy một người môn đệ Đức Giêsu sẽ làm gì khi phải đối diện với quá nhiều hoang phí và dư thừa khi chúng ta “cởi bỏ” để loan báo cách sống khác của Người? Việc rao giảng bằng lời cũng như bằng đời sống có lẽ cần phải bới tính mẫu thuẫn mà phải là một lời khẳng định rõ ràng chúng ta là ai và ai là điểm quy chiếu của cuộc đời mình. Nếu chúng ta thực sự dấn thân vì Đức Kitô và vì Tin Mừng thì mình cần phải làm chứng cho chính Người bằng các thay đổi cách sống của mình. Cắt giảm “hành lý thừa cân” sẽ công bố cách rõ ràng hơn thông điệp mà chúng ta được sai đi rao giảng.

Chúng ta nhớ lại câu chuyện người Samari nhân hậu trong Tin Mừng theo thánh Luca. Câu chuyện gợi lên điều gì đó về thế gian nơi Đức Giêsu sai các môn đệ của Người. Đấy là một nơi nguy hiểm đối với những người lữ hành. Tại sao lại phải rời bỏ khung cảnh an toàn của gia đình, làng mạc mà mạo hiểm đi ra với “thế giới rộng lớn và xấu xa”? Đa phần người ta không làm vậy; họ có những thứ họ cần tại nhà. Ấy vậy, Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi. Có lẽ đó là lý do tại sao Người bảo các ông ra đi từng hai người một; các ông sẽ cần nhau để nâng đỡ và bảo vệ nhau. Có ai đó đề nghị rằng hai người nên ra đi để không phải chỉ có một cách nhìn về Đức Giêsu hay sứ điệp của Người được rao giảng. Cả hai cùng nhau sẽ có được sự cân bằng trong việc làm chứng tá. Đức Giêsu mong các môn đệ của mình sẽ được chào đón với lòng hiếu khách vốn có ở Trung Đông. Một khi các ông được đón tiếp ở một nơi nào đó, Người biết rằng chính sứ điệp các môn đệ mang theo chứ không phải các thứ có trong hành lý, hay tiền của sẽ làm cho các ông được hoan nghênh.

Tại sao Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ nhiều thứ vậy?

Cha Robert Waznak, S.S. gợi lại phong tục của người Do Thái. Khi một người nào đó đi vào thánh điện, trước tiên họ phải dừng lại, cởi bỏ các thứ như giày dép, ví rồi khi đó mới được vào. Họ đang đi vào một sự hiện diện linh thánh và các mối quan tâm thường nhật bị gạt ra ngoài. Giờ đây nếu các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải gạt ra bên ngoài những thứ “bình thường”, vậy điều ấy muốn gì nào? Sứ điệp và ơn chữa lành của Người mang lại sẽ là mối bận tâm đặc biệt của người môn đệ Chúa. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Liệu một môn đệ của Người đang trên đường đi giảng thuyết và mang theo ít đồ, trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, ngay cả khi còn đang trên đường, như thể đang ở trong Đền thờ? Phải chăng các căn nhà các ông đến và được các gia đình đón nhận sẽ giống như chính Đền Thờ, một nơi đặc biệt Chúa ngự? Liệu Đức Giêsu sẽ nhắc các môn đệ khi mọi thứ trở nên khó khăn (“bất cứ nơi nào không đón tiếp các con”, gợi lên những lúc khó khăn) thì các ông nên dựa vào Thiên Chúa chứ không dựa vào những thứ các ông mang theo không?

Vì các môn đệ “xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân,” phải chăng đây là một ngày Chúa Nhật thích hợp để giảng về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân? Quý vị sẽ không muốn gạt nội dung của Kinh Thánh và giảng thuyết nặng về phần nội dung đạo lý, nhưng là bước chuyển biến từ phần hai của bài giảng hướng Bí tích như là dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô đang liên lỉ chữa lành trong cộng đoàn, điều này có lẽ sẽ cho thấy được sự thích đáng của bài đọc này trong đời sống của Giáo Hội.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

 

Để lại một bình luận