Mục tử chính danh
Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Theo truyền thống, ngày hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Dường như ở mỗi giáo xứ tôi đã đến giảng đều có một hình ảnh trên kính màu, tranh vẽ hay tượng Chúa Chiên Lành. Có một Hội dòng mang tên Chị Em Chúa Chiên Lành, được thành lập nhằm phục vụ, chăm sóc thiếu nữ và phụ nữ; và những bệnh viện và khu nhà ở cho người vô gia cư mang tên Chúa Chiên Lành. Hình ảnh Đức Kitô như Vị Mục Tử Nhân Lành nói với mỗi người chúng ta – từ học giả Kinh Thánh đến nông dân ít học trong một giáo xứ thôn quê ở Hondurad. Bức tượng sớm nhất về Đức Kitô (thế kỷ IV) được tìm thấy trong các hang toại đạo ở Rôma, mô tả Người là một chàng chăn chiên trẻ tuổi, vác trên vai một con chiên. Hơn nữa, một hình ảnh đã quá quen thuộc với mọi người thì dễ bị lãng quên, mất đi giá trị hay bị xem nhẹ.
Những hình ảnh về Chúa Chiên Lành thì thanh tịnh và thường được đặt trong khung cảnh đồng cỏ xanh tươi, còn cuộc sống của một người chăn chiên vào thời Đức Giêsu không có gì ngoài vẻ êm đềm và đẹp như tranh. Chăn chiên là một nghề nguy hiểm và mạo hiểm. Người chăn chiên sống trên những cánh đồng cùng với đàn chiên của mình. Không cần phải tưởng tượng nhiều để hình dung ra diện mạo của họ và nghĩ đến mùi của họ! Bởi họ đến rồi lại đi, dẫn dắt đàn chiên từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác, họ không thuộc về một cộng đồng nào. Vì thế, họ luôn bị nghi ngờ. Nếu một cái gì đó bị thất lạc, thì những người thợ chăn chiên lang thang là những người bị nghi ngờ đầu tiên. Vì tiếng xấu này, nên lời chứng của họ trước tòa không được chấp nhận. Đức Giêsu, Đấng tự gọi mình là “Mục Tử Nhân Lành”, có lẽ là một sự ô nhục đối với những người quyền thế trong xã hội, cách riêng là những vị lãnh đạo tôn giáo và những người dân có học. Thế thì ngày nay, Người gọi chính mình là gì? Phải chăng là một người nhập cư bất hợp pháp tốt bụng?
Trong Cựu Ước, thợ chăn chiên là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ những người lãnh đạo dân Chúa. Họ thường không làm tròn trách nhiệm của mình và trở nên biến chất. Thiên Chúa trách cứ những người lãnh đạo bất tài và đầy tội lỗi, được chỉ định lên chăn dắt đoàn dân. Trước sự thất bại của các người lãnh đạo, Thiên Chúa quyết định nhận lấy vai trò chăn dắt. “Vì thế Đức Chúa nói: Chính Ta sẽ chăn dắt và chăm sóc chiên của Ta.” (Ed 34,11). Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ví thợ chăn chiên xấu xa của Israel như “người được thuê mướn” đã bỏ rơi đàn chiên khi nguy hiểm gần kề, bỏ mặc chúng trong cơn nguy khốn.
Việc hướng dẫn luôn là một trách nhiệm nặng nề. Thử hỏi bất kỳ ai trong ban hành giáo; một giám mục địa phận; giáo lý viên hay bậc cha mẹ, những người đang nỗ lực lôi kéo những đứa con đã lớn khôn đi lễ – “Tất cả là vì con cháu!”
Chúng ta đã chẳng làm được gì để xứng đáng với những gì Đức Giêsu đã làm cho chúng ta – và Người tiếp tục làm cho chúng ta. Chủ thể của đoạn văn là Đức Giêsu Mục Tử. Người là nhân vật chủ đạo. Chúng ta là đối tượng lãnh nhận những gì Người trao ban. Thoạt đầu, đàn chiên không nhận thấy mình cần giúp đỡ. Nhưng Vị Mục Tử đã nhận ra và Người ra đi để đưa chúng ta về. Chúng ta nghe tiếng vị chủ chăn khi: một đoạn Kinh Thánh nói với ta; vợ hoặc chồng, hay bạn thân, khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta dường như bị mất phương hướng hay nhầm lẫn; một người bạn trêu chọc ta và sau đó, khi ngẫm nghĩ về những gì đã được nói, ta ngừng lại để suy nghĩ thấu đáo hơn; một chuyên viên tư vấn giúp ta đương đầu với vấn đề chúng ta đã phớt lờ; một vần thơ hay một cuốn phim chạm tới đáy lòng ta,… Vào những lần như thế và nhiều những lần khác nữa, ta nhận ra rằng Vị Chủ Chăn đã ra đi tìm kiếm chúng ta, đang gọi tên ta và cho ta thấy con đường về nhà, từng bước một. Ngay cả trước khi ta nhận ra mình cần được cứu chữa, Vị Chủ Chăn đã biết tới, và Người đang trên đường đến với chúng ta.
Đức Giêsu thách thức những ai có trách nhiệm mục vụ, hay bất cứ ai – thừa tác viên có chức thánh hay thừa tác viên giáo dân. Chúng ta phải trở nên một người chủ chăn đầy trách nhiệm, hướng dẫn đàn chiên Đức Kitô; chịu trách nhiệm làm người đại diện cho đàn chiên Chúa. Đức Giêsu mong muốn rằng, nhờ chúng ta, chiên của Người sẽ nghe thấy tiếng Người. Ở bang Texas, một trong nhưng hình ảnh mang tính biểu tượng là “chàng cao bồi” chăn giữ đàn bò khắp các thảo nguyên. Họ đi theo sau đàn súc vật. Nhưng những người chăn chiên thì khác, họ đi trước đàn chiên, nói chuyện với chúng đang khi chúng bước đi. Người chăn chiên đi đầu. Bất cứ nơi đâu Vị Mục Tử đi, đàn chiên theo sau, lắng nghe âm thanh quen thuộc nơi tiếng của vị chủ chăn.
Đó dường như chính là khía cạnh của việc chăn chiên mà Đức Giêsu muốn nói tới khi Người gọi chính mình là Vị Mục Tử Nhân Lành. Người nói Người biết chúng ta và chúng ta biết Người. Mối tương quan giữa vị chủ chăn và đàn chiên đưa đến cho chúng ta ý tưởng nào đó về mối tương quan của chúng ta với Đức Giêsu. Người mô tả mối tương quan đó cũng mãnh liệt và khăng khít như mối tương giao mà Người có với Cha của Người. Không gì có thể phá vỡ mối tương quan đó. Khi đàn chiên đi lạc, Vị Mục Tử của chúng ta ra đi tìm kiếm chúng ta. Người không bỏ rơi chúng ta, cho dù điều đó đòi hỏi cả mạng sống của Người. “Tôi sẽ hy sinh tính mạng vì đàn chiên.”
Sứ vụ truyền giáo mà Đức Giêsu trao cho chúng ta là chúng ta phải trung thành với ơn gọi của mình như những kẻ đại diện của Người. Làm sao chúng ta có thể nói lời của Người cho đoàn chiên nếu chính chúng ta không chú tâm lắng nghe và đón nhận? Chúng ta nỗ lực nghe tiếng gọi của Vị Mục Tử để có thể loan truyền lời ấy đến cho Giáo Hội và thế giới của chúng ta đang cần. Vì thế, chúng ta đặt bản thân mình trong trạng thái lắng nghe khi chúng ta: đọc Kinh Thánh và để cho Lời uốn nắn con người mình; tạo cho mình một không gian tĩnh lặng; đọc thứ gì đó có thể làm phong phú tinh thần; có cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với người khôn ngoan; lắng nghe tiếng người nghèo; thinh lặng trước những kỳ quan của thiên nhiên…
Điều đó cũng bao gồm cả việc học hành và suy ngẫm, một phương thế khác mà Vị Mục Tử Nhân Lành nói với chúng ta. Sau khi chúng ta, những người nghe, thực hiện điều này, chúng ta trở thành những người diễn thuyết. Chúng ta “phá tan thinh lặng” để nói lên lời – như một nhà giảng thuyết, giáo lý viên, phụng vụ viên, nhạc sĩ, giáo viên, bậc cha mẹ…
Nhưng, ai có thời gian cho tất tất cả việc lắng nghe suy ngẫm này? Trong thế giới ồn ào và điên cuồng của chúng ta ngày nay, không một ai thực sự làm như thế. Đó là lý do vì sao chúng ta phải phá vỡ lề thói đó, dành chút thời gian để nghe tiếng gọi của Vị Mục Tử trong tâm hồn mình, vì Người muốn nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng không chỉ với chúng ta, mà còn qua chúng ta Vị Mục Tử đến với đoàn chiên được giao phó cho chúng ta chăm sóc.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ