Đức Kitô đã chữa lành vết thương chúng ta

Đức Kitô đầy thương tích
Đã chữa lành vết thương chúng ta

Cv 4,32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Đức Kitô đã chữa lành vết thương chúng taTrong một lần thăm nhà gần đây, em gái tôi đưa tôi một bọc nước diệt khuẩn. Cô ấy đề nghị tôi nên dùng nó vệ sinh đôi tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chào và bắt tay với người khác ở cửa nhà thờ sau các nghi thức. Cô ấy bảo tôi “Hãy dùng thường xuyên, nó sẽ giúp ngăn ngừa cảm cúm.” Ngày nọ, trên một chuyến bay, một đôi bạn ngồi kề tôi trên phi cơ chia sẻ cho nhau những giọt chất lỏng tương tự như thế, sau khi xoa nó trên đôi tay, họ bắt đầu ăn xăng-uýt mang theo. Những người nước ngoài chế nhạo dân Mỹ vì sự bận tâm của chúng tôi, bận tâm quá sức đến chuyện vi khuẩn vi trùng. Nhưng, sau khi bị một cơn cảm cúm kéo dài nhiều tuần gần đây, tôi làm tất cả những gì có thể để tránh không bị cảm lần nữa!

Tại sao ta không thể làm sạch các phần còn lại của cuộc sống chúng ta một cách dễ dàng như vậy? Tại sao ta không thể đóng gói các mối quan tâm của mình theo cách mà người ta gói trái cây trong những gói bọc lớp nilông bóng ở siêu thị – và quăng nỗi lo lắng vào thùng rác? Tại sao ta không thể xử trí với cơn bệnh theo cùng một cách thức, thay vì phải khổ sở chịu đựng? Tôi đã chứng kiến người dì yêu quý chết trong bệnh viện với hai chai dịch truyền nối vào cơ thể thông qua các ống cùng tất cả thiết bị y tế khác và sự khó chịu gây ra bởi căn bệnh kéo dài. Có lần tôi giúp cho một người bạn già ngồi vào xe lăn. Bà ta đã 92 tuổi và đôi tay run lẩy bẩy, da tay mỏng và nhiều chỗ sưng tấy. Trong nhà, bà có một bức tranh của mình khi còn là thiếu nữ trong đội chèo thuyền của trường.

Thế còn bọn trẻ của chúng ta thì sao? Bạn của tôi là một nhà tâm lý học và là một người mẹ tốt. Bà ta kể cho tôi, gần đây bà nhận một cuộc gọi trong khi đang đi mua sắm. Đứa con gái 18 tuổi của bà là sinh viên năm thứ nhất đại học, khi đó bạn cùng phòng bước vào phòng và thấy con gái bà đang mấp mé ở cửa sổ tầng 10 của ký túc xá. Người bạn này đã kịp thời ngăn con gái bà lại. Người mẹ vội vã đến đưa con mình từ phòng cấp cứu khoa tâm thần của nhà trường về nhà để điều trị ở một nơi khác.

Có lẽ sự hỗn độn trong cuộc sống chúng ta không tệ đến như vậy ngay lúc này, mặc dù nó có thể như thế một lúc nào đó trước đây. Có lẽ cuộc sống chúng ta chỉ có những điều thông thường hàng ngày như stress, xô bồ, công việc chưa hoàn thành, lịch làm việc bận rộn thái quá và sự tức giận thoáng qua. Chúng ta có thể có một mối tương quan không mấy hoàn hảo với một đứa trẻ, hoặc một người bạn đời cũ. Chúng ta ước mong có thể bỏ những thói quen mà chúng ta đã khổ sở để loại bỏ trong thời gian dài. Hoặc, tìm được phương thuốc hữu hiệu để chữa sự trầm cảm của mình. Bạn không mong có được loại nước diệt khuẩn để vẩy lên cuộc sống của chúng ta và nhờ đó tình trạng hỗn độn sẽ bị đẩy lùi sao?

Kết cục của Đức Giêsu thì hỗn độn – máu, thương tích, mồ hôi, lằn roi, đã đè bẹp và đôi tay và chân bị đâm thủng. Câu chuyện của Người vây lấy chúng ta trong suốt Tuần Thánh và rất chướng tai. Nhưng chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy được an ủi khi mà Thiên Chúa bước vào những thứ của con người cách trọn vẹn như vậy, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi hay sao? Đức Giêsu đã không lạ lẫm với đau đớn, âu lo, thất bại và nỗi cô đơn. Người biết sự phản bội của bạn hữu, và những ước mơ của Người sẽ tan thành mây khói. Người đã mang lấy những vết thương hữu hình và vô hình vì chúng ta.

Trong một cuộc tĩnh tâm gần đây, tôi tán gẫu với một nhóm các bà mẹ. Một người trong số họ vừa mới sinh một đứa con gái sau hai ngày chuyển dạ. Người mẹ kể năm giờ sau cùng là, “khá dữ dội, và giờ cuối cùng là khủng khiếp.” Một bà mẹ khác nói, “tạ ơn Chúa, chúng con đã quên đau đớn.” Vì là một người đàn ông, một linh mục nên tôi không biết gì về những chuyện các bà vừa nói. Một bà lớn tuổi hơn trong nhóm tán thành, “Ồ chắc rồi, các bà quên đi đau đớn sau khi sinh con, nếu không, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thêm đứa trẻ nào nữa.”

Vâng, tôi nghĩ rằng, thật là vĩ đại khi các bà mẹ quên đi nỗi đau. Tôi sẽ chẳng bao giờ có được em trai hay em gái nếu như mẹ tôi quyết chẳng bao giờ kinh qua trải nghiệm đó một lần nữa! Tuy nhiên, giờ đây Đức Giêsu đã phục sinh. Tôi không muốn Người quên đi đớn đau. Tôi không muốn một Đức Kitô chống vi khuẩn, sạch sẽ và vô trùng, chải chuốt – cách thức một số bức tranh mô tả Người sau khi sống lại. Các bức họa này làm cho Người trông như thần linh, như thể bác sĩ thẫm mỹ phẫu thuật cho Người và loại bỏ những vết thương khó coi. Tôi không muốn Đức Kitô xa rời khỏi kinh nghiệm này của thế giới, có quá nhiều đau khổ nơi đây đến nỗi chúng ta cảm thấy bất lực. Thật an ủi khi biết rằng Người không lạ lẫm với những nỗi đau đó và những vết thương của Người là một lời nhắc nhớ thường xuyên và là mối dây liên kết liên lỉ giữa chúng ta với Chúa phục sinh.

Những vết thương của Đức Giêsu trước mắt các môn đệ nhắc nhớ chúng ta rằng Người hằng nhớ đến những gì con người chúng ta kinh qua và Người ở với chúng ta khi chúng ta phải mang lấy thập giá của mình. Thánh Tôma được mời gọi chạm đến vết thương của Người. Nhưng Đức Giêsu làm điều ngược lại. Người chạm đến và chữa lành những vết thương của ta và cho những vết thương ấy một ý nghĩa. Một mặt, tổn thương và đau đớn là điều tất cả chúng ta đều phải trải qua. Mặt khác, có ai đó đã sống và lắng nghe câu chuyện của chúng ta, và giờ đây liên kết với chúng ta để đảm bảo với ta rằng không có đau khổ nào là lãng phí, vô nghĩa và không có khả năng mang lại sự sống mới cho chúng ta.

Nỗi đau, sự ghét bỏ và những va chạm trong cuộc sống có thể khơi lên nhiều ngờ vực trong tâm trí chúng ta – nghi ngờ chính chúng ta và nghi ngờ cả Thiên Chúa. Tôi vui mừng vì thánh Tôma đã ở đó vì chúng ta. Ngài đã mang lấy tiếng xấu, nhưng ngài dám lên tiếng nói điều mà đôi khi chúng ta lưỡng lự không dám nói, “Đức Kitô ở đâu trong tất cả mớ hỗn độn này?” Trong trình thuật hậu phục sinh hôm nay, Đức Giêsu mời gọi Tôma, “Hãy xỏ ngón tay ngươi vào đây và xem tay Thầy, hãy đặt bàn tay của ngươi vào cạnh sườn Thầy, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Hôm nay chúng ta nài xin Đức Giêsu thương tích chạm đến những vết thương của chúng ta, những vết thương trần trụi, rõ ràng, cũng như những vết thương chúng ta che đậy và dấu diếm ngay với những người biết chúng ta rất rõ.

Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại cho chúng ta, “Nhờ quyền năng mạnh mẽ, các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã phục sinh, và Thiên Chúa ban cho các ông được dồi dào ân sủng.” Chúng ta biết “quyền năng mạnh mẽ” đó từ đâu đến, khi bắt đầu sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Giêsu phục sinh đã hướng dẫn các môn đệ của Người chờ đợi ân sủng từ Thần Khí. “Gioan đã làm phép rửa bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa thôi, tất cả anh em sẽ được thanh tẩy trong Thánh Thần” Sau lời hứa của Đức Giêsu, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đang tụ họp.

Thần Khí ban cho các Kitô hữu tiên khởi sức mạnh để làm chứng. Nhưng Thần Khí không phải là một món quà gắn vào chúng ta, giống như một bàn tay hay cánh tay thêm vào để trợ giúp chúng ta thêm chút ít. Không, Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đang bị thương tích bởi sự phản bội Chúa và sau đó được chính Người chữa lành, khi Người đến với họ sau khi phục sinh. Chắc chắc ký ức về những thất bại của họ vẫn còn đó, những vết thương vẫn “thấy được” đối với họ. Phải chăng đấy không là điều đã mang đến cho họ xác tín để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh? Họ đã bội phản Đức Chúa và sứ mạng của Người, nhưng Đức Kitô phục sinh thổi hơi Thần Khí của Người trên họ, trên những vết sẹo và những vết thương để đổi mới họ. Vậy còn ai lại không muốn loan truyền về công trình tạo dựng tuyệt vời mới mẻ được Đức Kitô phục sinh truyền thổi trên chúng ta?

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận