Video: Lễ Vọng Phục sinh tại Giêrusalem và Vatican

 

Video: Lễ Vọng Phục sinh tại Giêrusalem và Vatican

 

Video: Lễ Vọng Phục sinh tại Giêrusalem và VaticanLúc 7h30 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.

Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.

 

[youtube]JspNhARm6gE[/youtube]

 

Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có khâm sứ Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Giuseppe Lazzarotto, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.

Đức Thượng Phụ đã làm phép lửa và nến Phục sinh tại ngôi mộ trống.

Sau các bài đọc chuông nhà thờ đã được kéo rộn rã trong khi cộng đoàn cùng hát Kinh Vinh Danh.

Tin Mừng Phục sinh cũng đã được tuyên đọc trước ngôi mộ trống.

Kết lễ, cộng đoàn đã hát vang bài Alleluia và vỗ tay chúc mừng Phục sinh cho các vị trong đoàn đồng tế.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong khi đó tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dẫn đầu một đoàn rước bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước sẽ diễn ra trong bóng tối, chỉ được chiếu sáng bởi một cây nến tại bàn thờ.

Giảng trong thánh lễ Vọng Phục Sinh Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay là một đêm canh thức. Chúa không ngủ; Đấng Canh Thức đang dõi nhìn dân Người (xem Tv 121: 4), để đưa họ thoát vòng nô lệ và mở ra một thông lộ dẫn đến tự do.

Chúa đang tiếp tục canh thức và, với sức mạnh của tình yêu Ngài, Chúa đang đưa dân Người qua Biển Đỏ. Ngài cũng đưa Chúa Giêsu qua vực thẳm của cái chết và cõi âm.

Đây là một đêm canh thức cho các môn đệ của Chúa Giêsu, một đêm của nỗi buồn và sợ hãi. Họ khóa kín mình trong nhà Tiệc Ly. Tuy nhiên, những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ vào rạng sáng ngày Chúa Nhật để xức dầu thơm cho xác Chúa Giêsu. Lòng họ rối bời và tự hỏi lẫn nhau: “Làm sao chúng ta vào được? Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng đây là dấu chỉ đầu tiên của biến cố vĩ đại này: tảng đá đã lăn ra một bên rồi, và cửa mộ mở toang!

“Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16:5). Những người phụ nữ là những người đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu tuyệt vời này, ngôi mộ trống; và họ là những người đầu tiên đi vào…

“Bước vào ngôi mộ.” Thật là tốt cho chúng ta, vào đêm vọng này để suy tư trên kinh nghiệm của những người phụ nữ, một kinh nghiệm đang vang lên trong chúng ta. Bởi vì đó là lý do tại sao chúng ta đang hiện diện ở đây: để bước vào, bước vào vào mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện với lễ vọng tình yêu của Ngài.

Chúng ta không thể sống Mùa Phục sinh mà không bước vào mầu nhiệm này. Mầu nhiệm ấy không phải là điều gì đó thuộc về tri thức, một điều gì đó chúng ta chỉ biết tới hoặc đọc qua… Đó là điều gì đó nhiều hơn, nhiều hơn rất nhiều!

“Bước vào mầu nhiệm này” là khả năng tự hỏi, chiêm niệm; là khả năng lắng nghe sự im lặng và nhận ra những tiếng thì thầm nhỏ bé giữa sự im lặng tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x 1 Các Vua 19:12).

Bước vào mầu nhiệm này đòi hỏi đó chúng ta không sợ thực tại, nghĩa là chúng ta đừng tự nhốt chính mình, đừng chạy trốn khỏi những gì chúng ta không hiểu, đừng nhắm mắt lại trước các nan đề hoặc phủ nhận chúng, đừng lờ đi những câu hỏi của chúng ta…

Bước vào mầu nhiệm này nghĩa là vượt ra ngoài vùng thoải mái của riêng chúng ta, vượt ra khỏi sự lười biếng và sự thờ ơ đang giữ chúng ta lại, và vươn ra tìm kiếm chân lý, cái đẹp và tình yêu. Đó là tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa, một câu trả lời không dễ cho những câu hỏi đang thử thách đức tin của chúng ta, lòng trung thành của chúng ta và chính sự hiện hữu của chúng ta.

Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần đến khiêm tốn, cần đến sự khiêm nhường hạ thấp mình xuống, đi xuống khỏi ngai của cái “tôi” quá tự hào của chúng ta, và các giả định của chúng ta; một sự khiêm tốn để không còn coi bản thân mình là quá quan trọng, trong khi nhận ra chúng ta thực sự là ai: là những tạo vật có những điểm mạnh và điểm yếu của nó, và chỉ là những tội nhân cần đến sự tha thứ. Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần sự khiêm nhường là sự bất lực, sự từ bỏ những ngẫu tượng của chúng ta… nói tắt một lời, chúng ta cần biết tôn thờ. Nếu không có sự tôn thờ, chúng ta không thể bước vào mầu nhiệm này.

Những người phụ nữ là môn đệ của Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta tất cả những điều này. Họ tiếp tục canh thức trong đêm đó, cùng với Mẹ Maria. Và Đức Mẹ giúp họ không đánh mất đi niềm tin và hy vọng. Kết quả là, họ không còn là những tù nhân của sự sợ hãi và nỗi buồn, nhưng khi tia nắng đầu tiên của bình minh ló dạng họ đã đi ra ngoài mang theo dầu thơm của họ, lòng họ đã được xức dầu với tình yêu. Họ ra đi và tìm thấy ngôi mộ mở tung. Và họ đã đi vào. Các bà đã canh thức, vươn ra và bước vào mầu nhiệm. Cầu xin cho chúng ta có thể học hỏi được từ các bà để canh thức cùng Thiên Chúa và với Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, để chúng ta cũng có thể bước vào Mầu Nhiệm dẫn từ sự chết đến sự sống. Amen

(Vietcatholic)

 

Để lại một bình luận