Mầu nhiệm Thập Giá

Mầu nhiệm Thập Giá

Is 52,13-53; Hr 4,14-16.5,7-9; Ga 18,1-19.42

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Mầu nhiệm Thập GiáSao chúng ta chỉ dành các trình thuật Thương Khó cho tuần này nhỉ? Thưa rằng, theo phụng vụ thì đó là thời gian thích hợp cho các trình thuật Thương Khó. Thế nhưng có bao giờ tự chúng ta đọc các bài Thương Khó hay không, hay chúng ta chỉ đọc trong vài nhóm học Kinh Thánh nho nhỏ – có thể đọc vào tháng 11 hay tháng 7 hay không? Chúng ta đáp lại rằng, “Không, vì đó là câu chuyện hết sức ảm đạm”. Dù chúng ta đọc các trình thuật Thương Khó trong tuần này và khi đến Lễ Phục Sinh, chúng ta lại để dành cho năm sau. Nhưng câu chuyện Thương Khó, dù u sầu, vẫn là Tin Mừng, tin vui cho chúng ta, trong bất cứ mùa nào hay thời điểm nào của năm. Hôm nay, chúng ta đọc trình thuật Thương Khó theo thánh Gioan. Trình thuật này khá dài. Người giảng sẽ bị cám dỗ bỏ qua bài giảng. Xin đừng. Hôm nay chỉ cần giảng ngắn gọn, nhưng cần thiết phải có bài giảng.

Đang khi Đức Giêsu là người bị bắt giữ, xét xử và bị đóng đinh vào thập giá, những người còn lại trong câu chuyện bị sa ngã. Ông Phêrô chối không biết Đức Giêsu; các chức trách tôn giáo, biết rõ hơn, trao nộp Đức Giêsu và buộc Người phải chết; dưới sức ép, tổng trấn Philatô đành nhượng bộ, ông sợ hãi và muốn bỏ qua vụ việc; binh lính nghe theo lệnh hành hình một người vô tội. Trong khi đó, những kẻ không có quyền lực, những diễn viên phụ trong vở kịch, lại là những người trung thành. Họ là những người ở cùng với Đức Giêsu dưới chân thập giá.

Hôm nay, chúng ta nhận thấy tất cả những người xem ra không có quyền lực đều là những người có mặt tại buổi lễ. Chẳng có ai khác ngoại trừ những người trung thành theo Đức Giêsu, đó là thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơlôpát, bà Maria Mácđala và môn đệ Đức Giêsu thương mến. Nhưng họ không bỏ mặc người đang đau đớn và hấp hối. Họ ở lại bên cạnh Người vào những giờ sau cùng. Nhiều người trong chúng ta nóng lòng muốn giải quyết các vấn đề; tìm ra giải pháp cho những hoàn cảnh khó khăn; chuyển một cuộc kinh doanh thất bại thành một cuộc kinh doanh có lợi; khống chế được cú giao bóng tennis; đánh bại một đối thủ điền kinh; chấm dứt một hợp đồng kinh doanh lớn; tốt nghiệp hạng ưu trong lớp; loan báo cho mọi người biết chúng ta có một sinh viên danh dự trong trường trung học… – những người đứng ở các ngã tư đang lãng phí thời gian nơi người không thể nào thành đạt. Đối với những ai đo giá trị cuộc sống mình bằng thành tích và những công việc kinh doanh thành công thì điều gì có thể gây cản trở? Thưa rằng một khi đánh mất căn tính, họ không thể cứu vãn được nữa. Dưới thập giá, chúng ta được nhắc nhớ rằng cuối cùng chúng ta không thể tự cứu mình khỏi những “thách đố” thật sự, đó là tội lỗi và sự chết, để có thể đạt đến cuộc sống hạnh phúc. Đấng có thể cứu chúng ta đã chiến thắng, liên kết tất cả những nạn nhân vô tội của thế gian và tất cả những ai trải qua cái chết khinh miệt.

Tuy nhiên, những người thức canh dưới chân thập giá ắt hẳn là nguồn an ủi cho Đức Giêsu. Vượt qua những cái nhìn chòng chọc của những khán giả bàng quan hay căm ghét, Đức Giêsu nhìn xuống những người đang ở bên cạnh Người. Người rất quan tâm họ và đến giờ hấp hối, Người bày tỏ sự quan tâm đối với những ai còn ở lại. “Thưa bà, đây là con của bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Quý vị hãy tưởng tượng xem, khi quý vị nhìn xuống từ thập giá, đang hấp hối và trông thấy khuôn mặt của những người thân yêu. Quý vị không nghĩ rằng họ là những người được Thiên Chúa gửi đến cho Người sao? Quý vị không nghĩ rằng Người đã trông thấy những vẻ mặt an ủi và cảm thấy không còn bị bỏ rơi hay sao?

Bởi thế hôm nay, chúng ta ca ngợi những ai đã canh thức với người hấp hối; những người được Thiên Chúa sai đến:

– vợ chồng và gia đình của những người đang hấp hối vì bệnh ung thư

– các y tá trực đêm dành giờ nghỉ của mình để ngồi canh bệnh nhân đang hấp hối

– những vị khách đến thăm các gia đình có người mắc bệnh giai đoạn cuối

– gia đình, bạn bè và khách lạ bên ngoài những phòng hành quyết

– giáo sĩ và các thừa tác viên mang Mính Thánh Chúa cho bệnh nhân

– cha mẹ của những đứa trẻ đang hấp hối

– các bậc cha mẹ thuộc thế giới thứ ba trông nom trẻ nhỏ gầy yếu vì không đủ ăn và thiếu chăm sóc y tế

Và không chỉ trông thấy những người canh thức kể trên, chúng ta còn thấy Thiên Chúa hiện diện nơi họ. Hôm ấy Thiên Chúa đứng dưới chân thập giá nơi những con người trung thành này. Khi một người bước vào phòng ngồi canh người đang hấp hối, thì Thiên Chúa cùng vào với người ấy – Người đưa tay nắm lấy tay của người cùng khổ; lấy khăn ướt lau nhẹ lên trán họ; cho uống một ngụm nước; chỉnh lại gối đầu; gọi y tá đang trực chích thuốc cho họ khi cơn đau nổi lên; mang đến những món ăn được nấu ở nhà; mở hộp đựng Bánh Thánh để chúc lành và cho hiệp lễ.

Trình thuật Thương Khó theo thánh Gioan nói chung.

Người giảng nên chú ý những gì khiến trình thuật của Gioan có tính độc đáo. Trong Tin Mừng Gioan, cuộc Khổ Nạn tỏ lộ “vinh quang” của Đức Giêsu (12,23). Khi người ta đưa dấm lên miệng Đức Giêsu, Người nói: “Thế là đã hoàn tất”. Những lời sau cùng của Đức Giêsu công bố sự chiến thắng, Người đã hoàn trọn lời Kinh Thánh, thi hành ý muốn của Chúa Cha. Đức Giêsu uy nghi trong trình thuật Khổ Nạn của Gioan. Người có quyền năng của Thiên Chúa và kết hiệp với Thiên Chúa trong mối tương quan không thể chia lìa. Gioan để cho Đức Giêsu vác thập giá; Đức Giêsu vẫn mạnh mẽ dù giờ chết sắp đến. Gioan bỏ qua cảnh hấp hối trong khu vườn và dành đến hai chương nói về cuộc chạm trán giữa Đức Giêsu với ông Philatô – cuộc đối đầu giữa thế quyền và Thần quyền. “Nước tôi không thuộc thế gian này”.

Trong trình thuật của Gioan, Đức Giêsu là tư tế; hãy nhớ rằng áo choàng của Đức Giêsu không có đường khâu (19,24), giống áo choàng của tư tế. Quý vị có bao giờ chú ý đến hình ảnh Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá mà vẫn tỏ ra thanh thản hay không? Thực tế về hình ảnh Đức Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá là cảnh tượng trái ngược; nhưng những thánh giá này truyền tải chân lý như được thấy qua cái nhìn của Gioan. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu chịu đóng đinh thuộc dòng dõi vương giả và tư tế. Người là Con Thiên Chúa và Gioan cho thấy vẻ vinh quang của Người. Dù thế, khi đứng trước cảnh tượng Phục Sinh, những khán giả chúng ta chỉ có thể noi gương “ông Tôma cứng lòng” mà thưa lên rằng, “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Lời kể của Gioan gợi lại câu trả lời này trong vai trò là nhân chứng đáng tin cậy đứng dưới chân thập giá.

Chúng ta cũng sẽ thốt lên câu trả lời tương tự ngay cạnh giường của một người môn đệ trung thành đang hấp hối. Khi một người canh thức người đang hấp hối và chứng kiến người đó bày tỏ niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa cho đến lúc chết – chúng ta biết đây còn hơn cả quyết tâm của con người. Vì này ngay cả người bàng quan cũng nhận thấy, nơi vẻ mặt nhợt nhạt của người đang hấp hối, quyền năng của Thiên Chúa – và chúng ta cũng thốt lên, “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi”.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận