Kẻ làm lớn phải là người phục vụ

Kẻ làm lớn phải là người phục vụ

Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Kẻ làm lớn phải là người phục vụThuở nhỏ, tôi thường xem những trận đấu vật chuyên nghiệp qua màn hình tivi trắng-đen cùng với ông tôi. Tối nọ, tôi tình cờ xem được một trận đấu vật khi đang dò kênh, tôi ngừng lại và hồi tưởng về những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi thật sự ấn tượng khi đấu sĩ chuyên nghiệp đã thay đổi quá nhiều so với lúc tôi còn nhỏ. Bây giờ, màn hình tràn ngập màu sắc với những pha trình diễn ngoạn mục. Khi tên các đấu sĩ được xướng lên, họ bước xuống từ một dải dốc dài, tràn ngập những ánh đèn và pháo lửa sáng chói. Nhạc trổi lên mạnh mẽ, hoà cùng tiếng kèn tiếng trống rền vang. Quả là thay đổi khá nhiều so với những gì tôi còn nhớ.

Nhưng một cách nào đó, cuộc vật lộn giữa quá khứ và hiện tại cũng như thế. Qua dáng vẻ và cử chỉ của các đấu sĩ, quý vị vẫn có thể nói ai là người hùng và ai là kẻ hung ác. Đám đông ngay tức khắc biết ai tốt ai xấu – và ngày nay, các đấu sĩ có thể là nữ. Khi thì reo hò, khi thì phản đối những đấu sĩ họ ưa thích. Khi trận đấu bắt đầu, người hùng bị đánh nhừ tử, hoặc đại loại như thế – trông rất giả tạo. Sau đó, như thể được thần linh cứu giúp, đấu sĩ ấy đứng dậy, lấy lại sức mạnh và tiến đến hạ gục đối thủ. Chẳng biết từ đâu, dường như người hùng yếu thế được ban cho món quà là sự sống và sức mạnh mới để đánh bại kẻ hung ác. Tất nhiên đây chỉ là màn kịch và trò diễn mà thôi. (theo tôi được biết, có một trường kịch nghệ ở Manhattan dành cho các đấu sĩ để hoàn thiện kỹ thuật diễn xuất của mình). Khi người hùng “nạn nhân” vực dậy trên sàn đấu, tiến về phía đối thủ và kết thúc trận đấu, tôi và ông tôi liền la lên, “Hạ gục hắn đi!”

Hình ảnh trận đấu chợt loé lên trong trí khi tôi đọc bài Tin Mừng hôm nay. Trong suốt Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu luôn chiến đấu với sự dữ và cái chết. Đó hẳn là một trận đấu vật; không phải là loại giả tạo trên truyền hình, nhưng là cuộc chiến một mất một còn với những địch thủ thực thụ và hùng mạnh. Người đương đầu với tội lỗi và tử thần vây quanh mình và với các nhà lãnh đạo tôn giáo vốn khước từ sứ điệp của Người. Quyền lực tử thần đã đến gần Người. Chẳng hạn như, cách đây hai tuần, nhiều người trong chúng ta đã nghe câu chuyện về Ladarô. Chúng ta thấy Đức Giêsu khóc tại mộ của bạn mình khi Người đối diện với quyền lực tử thần đã gây bao đau khổ và mất mát cho những kẻ Người yêu mến – cũng như cho chính bản thân Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan nói rằng Đức Giêsu “biết rõ rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người…”. Sau đó, Gioan kể tiếp: Đức Giêsu “đứng dậy và rời bàn ăn”. Tôi nhớ những trận đấu trên truyền hình và tôi tự hỏi, đây có phải là một trong những khoảnh khắc phân thắng bại chăng? Phải chăng Đức Giêsu sẽ sử dụng quyền năng Người được Thiên Chúa ban để đánh bại đối thủ? Người sẽ kể tên và trừng trị những kẻ phản bội? Người sẽ đánh bại quân đội Rôma? Liệu Người sẽ xông vào đền thờ và đuổi hết mọi đối thủ tôn giáo và những kẻ không tin Người? Liệu Người sẽ phá vỡ khuôn mẫu trước đó khi Người kiên nhẫn dạy dỗ các môn đệ, giải tán họ rồi quy tụ nhóm môn đệ tài giỏi và lanh lợi hơn? Đức Giêsu sẽ làm gì khi Người đứng dậy rời bàn ăn với tất cả những quyền năng đang sẵn có?

Người đã hoàn toàn khiến các môn đệ kinh ngạc, và ngày nay tiếp tục khiến chúng ta kinh ngạc. Người đứng dậy và rửa chân cho các môn đệ. Giả như chúng ta có được quyền năng như Người, đó hẳn không phải là cách các ông hay chúng ta sử dụng tất cả những quyền năng ấy. Làm sao chúng ta biết được? Bởi vì đó không phải là cách quyền năng được sử dụng trong thế giới chúng ta: các quốc gia thống trị lẫn nhau; một nhóm chủng tộc thanh trừng đối thủ của mình; một tôn giáo tuyên bố sự trổi vượt trên những tôn giáo khác; một số cha mẹ, bằng lời nói cũng như việc làm, đã dạy con cái mình phải thành công bằng mọi giá; một vài đấng bậc trong Giáo Hội thiếu đối thoại trong những vấn đề gây tranh cãi; những nhà bình luận tin tức tranh nhau nói trong các buổi trò chuyện trên truyền hình; các doanh nghiệp thâu tóm đối thủ yếu hơn… Dường như khi các quốc gia, tổ chức, tôn giáo và cá nhân nắm giữ quyền lực, các nhóm khác phải rùng mình mà thốt lên: “Than ôi, đã đến lúc rồi!” – và đành cam chịu hệ quả. Nắm giữ quyền lực không hẳn là một điều xấu, và cuộc đời Đức Giêsu và trích đoạn Tin Mừng hôm nay là những ví dụ điển hình cho cách thức sử dụng quyền lực vì ích lợi và hạnh phúc cho người khác. Cách Người sử dụng quyền lực cũng là một gương mẫu cho chúng ta.

Tôi có những người bạn làm việc cho một nhóm thiền định. Họ sử dụng hạn từ “thực hành” để nói đến bài tập thiền định hàng ngày của họ. Họ dành nửa tiếng đồng hồ để định tâm mỗi sáng và mỗi tối. Đó chính là “thực hành” của họ và họ thực hiện nó đều đặn đã được vài năm. Họ cố gắng hỗ trợ lối “thực hành” này bằng những phương thức khác. Họ mở nhạc chiêm niệm trong nơi họ ở; thỉnh thoảng tham dự các buổi toạ thiền của nhóm; đọc các sách về thiền… Nói cách khác, họ nuôi dưỡng việc thực hành căn bản của họ bằng một lối sống thích hợp. Nhưng, trong khi họ có thể thay đổi lịch trình và những việc họ làm vào những giờ khác trong ngày, họ vẫn trung thành với lịch trình thiền của mình. Đó là việc “thực hành” cơ bản của họ.

Hãy chú ý đến hạn từ họ sử dụng – “thực hành”. Nó khiến cho người cầu toàn giảm bớt áp lực về việc họ làm, họ không cần phải thực hiện chúng một cách hoàn hảo. Họ có thể kiên nhẫn và khoan dung khi để mọi thứ qua đi hoặc khi họ không cảm thấy sự thiền định không đạt được mức độ như họ muốn. Họ có thể nói: “Tôi không phải là chuyên gia, tôi chỉ là người mới chập chững tập thiền. Tôi chỉ thực hành, có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ thực hành đúng. Ngày ấy, tôi sẽ thiền cách dễ dàng và tốt hơn – nhưng lúc này đây tôi vẫn đang thực hành.”

Có thể áp dụng câu chuyện rửa chân ngày hôm nay ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta cùng dự Bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu cùng với các môn đệ Người và chúng ta nghĩ đến bí tích Thánh Thể. Tin Mừng Nhất Lãm cũng có trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nên Gioan không cần phải lặp lại trình thuật ấy nữa. Thay vào đó, ngài trình thuật việc rửa chân và khi làm như vậy, ngài liên kết nó với bí tích Thánh Thể. Từ giờ trở đi, chúng ta, các môn đệ của Đức Giêsu, không thể nghĩ về bí tích Thánh Thể mà không nghĩ đến mẫu gương và giáo huấn của Người về việc rửa chân. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói với các ông, “…anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

Trước khi chúng ta quá chú trọng vào hành động và nghĩ về những gì phải làm, chúng ta hãy suy ngẫm về ý nghĩa của việc rửa chân đối với mỗi người chúng ta. Trước hết, nó nhắc nhớ ta rằng ta là kẻ nhận lãnh. Bằng việc rửa chân cho các tông đồ, Đức Giêsu đã hành động như người đầy tớ khiêm hạ, trao ban mạng sống mình mà phục vụ tha nhân. Xét như là một Giáo Hội, chúng ta là chính mình nhờ việc Đức Giêsu đã trao ban chính mình. Việc rửa chân nhắc chúng ta rằng phép rửa đã liên kết chúng ta với Đức Giêsu và cái chết của Người. Người đã giành lại sự sống cho ta, điều chúng ta không thể làm được nhờ sức riêng của mình. Phép rửa giúp chúng ta kết hiệp với đời sống đó, “nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Giờ đây, với một đời sống mới, ta lắng nghe giáo huấn của Đức Giêsu “anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi hy sinh đời mình để phục vụ tha nhân – và ta bắt đầu thực hành đời sống ta đã lãnh nhận. Ta học “sự thực hành” này từ chính Người. Và tất nhiên, giống như bất kỳ một “thực hành” nào, có lẽ chúng ta sẽ không đạt được mức độ hoàn hảo, nhưng vẫn luôn kiên trì thực hành.

Thánh Thể là “thực hành” căn bản nhất cho các môn đệ Đức Giêsu; nó là trung tâm của đời sống tâm linh chúng ta và là điều chúng ta luôn hướng về. Đó không chỉ là việc chúng ta tham dự bí tích Thánh Thể, nhưng còn vì việc rửa chân, chúng ta cần cố gắng đem ra thực hành bằng cách phục vụ tha nhân. Ta cố hành động hướng đến thế giới như Đức Giêsu đã hướng đến chúng ta, bằng cách trở nên chứng nhân trung thành của Người và phục vụ tha nhân, dù có phải hy sinh mạng sống mình. Liệu chúng ta đã thực thi điều đó hoàn hảo chưa? Thưa rằng chưa. Đó là lý do tại sao ta hướng về bí tích Thánh Thể và tiếp tục thực hành trong đời sống hàng ngày điều chúng ta học được từ bí tích Thánh Thể.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận