Vinh quang sau Thập Giá
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Tôi quyết định chọn trình thuật Khổ Nạn của Máccô cho cộng đoàn lắng nghe và nhận xét các sự kiện. Với những độc giả chuyên nghiệp, tôi hy vọng trình thuật này sẽ khích lệ cộng đoàn và họ sẽ được trải nghiệm về khả năng biến chuyển của câu truyện. Trong khi đó, về bài giảng của mình, tôi sẽ trích đoạn kế tiếp phần làm phép lá (Mc 11,11), trước khi đoàn rước tiến vào.
Khi Đức Giêsu cùng các môn đệ và những người đi theo đến thành Giêrusalem thì bắt đầu một đoạn mới của Tin Mừng Máccô. Ở Giêrusalem, Đức Giêsu bị các thượng tế và kinh sư chống đối gay gắt, việc Người vào thành là sự khiêu khích đối với họ. Ở đó, Người tiếp tục chuẩn bị cho các môn đệ để các ông tiếp nối sứ vụ của Người sau khi Người từ giã cõi trần.
Lời giải thích của Máccô về việc vào thành khá sinh động; nhưng có chút thận trọng trong những lời khẳng định về Đấng Thiên Sai. Quả thực, chúng ta nhận ra những dấu hiệu của Đấng Thiên Sai. Đức Giêsu làm chủ tình thế. Người cặn kẽ chỉ dẫn về việc tìm con lừa để Người cưỡi vào thành. Khách hành hương không cưỡi ngựa vào thành Giêrusalem, mà họ đi bộ vào Thành Thánh. Lời tiên đoán thích đáng của ông Dacaria (9,9) đã đặt ra ba yếu tố then chốt liên quan đến việc Đấng Thiên Sai vào cổng thành: Đấng đang đến sẽ là Vua của Israel; con vật Đấng Thiên Sai cỡi sẽ là một con lừa mới sinh; dân chúng reo hò mừng rỡ.
Có người thắc mắc làm thế nào buổi lễ có thể thoát khỏi tầm mắt của giới chức trách Rôma, luôn sẵn sàng tiêu diệt những ai có ý đồ giải phóng. Sau khi reo hò vào thành, đám đông giải tán, còn Đức Giêsu tiến vào Đền Thờ với mười hai môn đệ. Người không phải là vị khách hành hương bình thường, nhưng là Chúa của Đền Thờ, Người đến xem xét Đền Thờ để cho thấy ý muốn của Thiên Chúa đang được thực hiện. Người cảm thấy không hài lòng với những gì trông thấy nên hôm sau Người trở lại trục xuất những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ.
Ở điểm này, ý nghĩa những dấu hiệu thuộc Đấng Thiên Sai của ông Dacaria xem ra không chú ý đến các môn đệ. Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ thấy được những nét riêng biệt của mối tương quan với Đấng Thiên Sai: bao gồm cả việc bị nhục mạ và đau khổ. Sau này, khi tất cả các sự việc diễn ra và Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại và nhận thấy việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã luôn dè dặt với những ngụ ý thuộc Đấng Thiên Sai ẩn chứa trong lời nói và hành động của Người, được biết đến trong Tin Mừng Máccô như là “Bí mật của Đấng Thiên Sai”. Ngay cả giờ phút cao điểm này, Người vẫn tỏ ra như chẳng có gì đáng nghiêm trọng. Cảnh tượng vào thành kết thúc êm ả, nhưng chẳng được lâu, vì một đoàn người đông đảo đang tới gần.
Dân chúng nóng lòng dự đoán Đức Giêsu là ai và những gì họ mong đợi Người thực hiện, đó là “triều đại của tổ phụ Đavít sắp đến”. Nhưng Đức Giêsu cho thấy rõ rằng triều đại của Người sẽ đem lại cho Người sự hắt hủi, cái chết và rồi phục sinh trong thành của Đavít. Đức Giêsu muốn vào thành cách khiêm tốn, thay cho các môn đệ và dân chúng có cách hiểu riêng về Người và những gì Người có thể thực hiện cho họ ở Giêrusalem.
Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng bài thánh ca tán dương Thiên Chúa; nhưng điều này vẫn không lay chuyển được quan điểm và những hy vọng sai lầm của dân về Đấng Thiên Sai. Một lần nữa, các môn đệ hiểu sai nguyên do Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Không biết đã bao lần Người nói với các ông rằng Con Người phải chịu đau khổ và phải chết, rồi sẽ phục sinh (8,31; 9,32; 10,32-34)? Các môn đệ chỉ thấy những điều trước mắt là Đức Giêsu và chính các ông giành được chiến thắng và vinh quang. Còn điều Đức Giêsu thấy là con đường dẫn đến đau khổ và cái chết. Vương quyền và vinh quang của Người chỉ đến sau thập giá.
Đức Giêsu không thực hiện những điều dân chúng mong đợi. Nhưng Người sẽ hoàn trọn những gì khách hành hương đến Giêrusalem cầu xin. Khi đến Thành Thánh và Đền Thờ, khách hành hương bày tỏ cho Thiên Chúa biết họ khẩn cầu được giải thoát. Họ mong mỏi một xã hội được cai trị bởi Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Các ngôn sứ diễn tả điều Đấng Mêsia sẽ thực hiện khi Ngài đến, đó là thiết lập một xã hội công bằng và hoà bình. Ngôn sứ Isaia, nói thay cho Người tôi trung của Thiên Chúa, lên tiếng rằng: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức”.
Đó chẳng phải là điều chúng ta hy vọng khi chính phủ mới lên nắm quyền, tỏ lòng thương cảm với những người cần cùng nhất và vảo vệ những kẻ hèn yếu hay sao? Chúng ta hy vọng một trật tự mới tốt hơn trước đây. Con người quyết tâm thắng cử, hoặc lãnh đạo đất nước – để đạt được quyền lực. Các môn đệ của Đức Giêsu không miễn khỏi những tham vọng này; Nhưng Đức Giêsu biết rằng uy lực của Thiên Chúa sẽ ngự trị qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Đó là điều hoàn toàn khác! Đám đông và chúng ta mong chờ những phô trương của sức mạnh. Nhưng Đức Giêsu lại mang đến cho chúng ta thập giá.
Hôm nay, sau khi các cành lá được làm phép và phân phát, chúng ta tiến vào thánh đường. Chúng ta đang thực hiện điều trước đây người ta thường làm, chúng ta đang đi “hành hương”. Nơi đây, chúng ta được cách ly với những sinh hoạt thường ngày, những ước vọng, lề thói và cả những mục đích của mình nữa. Ở đây, chúng ta hoà nhập vào cộng đoàn các tín hữu được liên kết bởi niềm tin vào Đấng đi trước chúng ta và mời gọi chúng ta vác thập giá mình mà theo Người. “Cuộc hành hương” của chúng ta hôm nay nói lên ước vọng đi theo Đức Chúa là vị Thầy của chúng ta, qua hoạt động thân xác.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ