Như hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi
Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Thiên Chúa không dễ gì bỏ rơi chúng ta. Đó là những gì ngôn sứ Giêrêmia nói với chúng ta hôm nay. Thiên Chúa đã lập giao ước với dân Người tại núi Xinai (Xh 31,18). Giao ước đã được khắc vào hai tấm bia đá; một sự cam kết giữa Thiên Chúa và dân Israel. Sự che chở của Thiên Chúa tùy thuộc vào sự trung thành của dân với giao ước. Các ngôn sứ, như ngôn sứ Giêrêmia, luôn kêu gọi dân trở về với Thiên Chúa bất cứ khi nào họ rời bỏ mối tương giao với Người.
Ngôn sứ Giêrêmia đã thấy những sai phạm của dân và trách mắng họ lòng chai dạ đá. “Nhưng lòng dân này thật ngoan cố, lì lợm; chúng tự tách rời và bỏ đi luôn” (Gr 5,23). Họ có Lề Luật, nhưng giao ước của họ với Thiên Chúa phải được đào sâu hơn nữa; nó phải tuôn trào từ trái tim khao khát.
Hôm nay chúng ta nghe những lời tiên báo của ngôn sứ Giêrêmia về giao ước mới của Thiên Chúa với dân Người. Không giống như trước đây, giao ước này không còn được khắc ghi trên bia đá nhưng là vào lòng dạ của mỗi người. Với Lề Luật được ghi vào tâm khảm, mỗi người sẽ tự động thực thi ý Chúa. Họ sẽ sống những đòi hỏi của giao ước một cách cụ thể, không phải là từ những gì đã được viết ra nhưng là tuôn trào từ tâm hồn luôn hướng về Chúa.
Xưa kia, những đòi hỏi của giao ước phải được truyền đạt cho từng thế hệ. Tuy nhiên giờ đây, giao ước hứa rằng sẽ có một người thầy mới, đó chính là Thiên Chúa. “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của ta”.
Thiên Chúa dường như vẫn còn đang ghi vào lòng dạ con người. Họ thuộc về mọi dân tộc, tôn giáo và quốc gia khác nhau. Có bao nhiêu người tốt chúng ta đã từng biết hoặc nghe, họ là những người đã dành trọn cuộc đời của mình để phục vụ tha nhân? Chẳng hạn như các bác sĩ và y tá đã đến Châu Phi để giúp các bệnh nhân bị nhiễm Êbôla. Những người này đã từ bỏ quê nhà êm ấm và sự nghiệp vững vàng của mình; họ đã bất chấp cả mạng sống của mình để đến với những con người đã mất hết niềm hy vọng. Một số người đã hành động vì niềm tin tôn giáo, số khác thì không. Điều gì đã khiến họ sẵn sàng hy sinh như thế? – Chính Thiên Chúa, Đấng đã khắc ghi vào lòng dạ chúng ta Lề Luật của Người, biến đổi họ.
Đó có phải là sợi dây liên kết giữa bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng không? Phải chăng Thiên Chúa cũng đã ghi khắc vào con tim của những người Hy Lạp đến với ông Philipphê và xin rằng, “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp ông Giêsu?” Người ta nghĩ rằng thánh Gioan đã viết Tin Mừng này ở Êphêxô, vào khoảng năm 70 sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Êphêxô là thành phố phồn thịnh, một trung tâm buôn bán, học thức, chính trị và tôn giáo. Nhưng đây cũng chính là nơi mà những Kitô hữu tiên khởi bị bách hại và tử đạo. Thậm chí một số người trong Giáo Hội đã phản bội những thành viên trong cộng đoàn của mình; nhưng những người khác vẫn kiên trung với niềm tin và sau đó đã lấy mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin ấy. Vì những đau khổ của họ thường là hệ quả của việc tuyên xưng niềm tin Kitô giáo, nên không lạ gì khi thánh Gioan thường xuyên đề cập đến những khổ đau người Kitô hữu phải chịu ở đời này và vinh quang đang chờ đợi họ ở đời sau. “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Rõ ràng thánh Gioan không đơn thuần đề cập đến một hiện tượng trong nông nghiệp.
Tử vì đạo không phải một thực tế mà các thế hệ Kitô hữu đầu tiên phải sợ hãi. Trong chuyến viếng thăm lần này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới vùng Trung Mỹ, tiêu điểm một lần nữa lại được nhắm đến những người Kitô hữu trung thành đã làm chứng bằng chính mạng sống mình trong những thập niên gần đây. Theo dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ nâng đức Tổng Giám mục Oscar Romero, giám mục tử đạo của El Salvador, lên bậc hiển thánh khi người đến thăm đất nước này. Đức Tổng Giám mục đã bị các điền chủ giàu có và tập đoàn quân phiệt sát hại, vì họ coi người là một tên cộng sản. Giờ đây, họ sẽ phải gọi người là thánh Oscar Romero. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi… ”
Ngày 12 tháng 2 kỷ niệm 10 năm vụ giết hại sơ Dorothy Stang, người dấn thân bênh vực không mệt mỏi cho dân nghèo Brazil hơn 30 năm qua. Chị đã bị chống đối và đe doạ từ những điền chủ độc ác, những người này đã chặt phá rừng nhiệt đới Amazon rồi xua đuổi những người nông dân ra khỏi đấy. Đang khi những kẻ ám sát tiến đến chị trên một con đường hẻo lánh, chị đã lấy quyển sách Kinh Thánh ra và đọc lớn tiếng đoạn Tám mối phúc. Chúng bắn chị. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi…”
Bộ phim “Selma” nhắc nhở chúng ta về những người nam nữ anh dũng đã diễu hành với tiến sĩ King từ Selma đến Montgomery cách nay 50 năm. Nhiều người trong số họ là linh mục, tu sĩ nam nữ và các giáo hữu từ khắp nước Mỹ đã tham gia vào đoàn diễu hành đó. Một số bị cảnh sát đánh đập vào ngày 7 tháng 3 năm 1955, “ngày Chúa Nhật Máu”, ở Edmund Pettus Bridge. Cũng trong tháng đó, trong số những người xuống đường vì quyền dân sự, mục sư James Reeb, mục sư Hội thánh Phổ quát Độc vị đã bị sát hại. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi…”
Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau. Kẻ chịu tử đạo là người biết chấp nhận những hy sinh và đau đớn vì muốn trung thành với Đức Kitô và đường lối của Người. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình vác thập giá và bước theo Người. Nhiều khi chúng ta phải chịu đau khổ và mất mát vì những thử thách Chúa gửi đến. Tôi có thể trao tặng gì nữa cho những người đang thiếu; điều gì tôi sẽ không làm trong công việc và trong đời sống xã hội vì niềm tin của tôi; tôi dành bao nhiêu thời gian và các nguồn lực của mình cho giáo xứ và cộng đoàn; tôi sẽ bênh vực ai khi những người bạn của tôi lại dán nhãn và chụp mũ tha nhân; tôi sẽ từ bỏ điều gì để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình…?
Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy cái giá phải trả khi trung tín với thánh ý Chúa. “Con biết nói gì đây? Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”.
Bài Tin mừng hôm nay mở đầu bằng lời thỉnh cầu của mấy người Hy Lạp với ông Philípphê, một môn đệ của Đức Giêsu. “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu.” Họ đâu muốn gặp người đại diện, song là muốn gặp chính Đức Giêsu bằng xương bằng thịt. Trong Tin Mừng Gioan, “gặp” tượng trưng cho việc đón nhận đức tin. Thánh Gioan cho rằng những người ngoại đang mong muốn “gặp”, tin vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu dành cả cuộc đời mình chỉ để phục vụ cho dân Người (x.Rm 15,8). Những người Hy Lạp xin gặp Đức Giêsu biểu trưng cho toàn thể dân ngoại. Làm sao mà họ có thể tin vào Đức Giêsu? Đức Giêsu nói, “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giêsu không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt như chúng ta đây. Qua tác vụ, lời và thành tựu của cộng đoàn Kitô hữu xưa cũng như nay, người ta sẽ đến và “gặp” được Đức Giêsu
Năm 1982, thần học gia và nhà giảng thuyết lỗi lạc dòng Tên, Walter Burghardt, cho xuất bản một quyển sách bài giảng vơi nhan đề là: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu: Những Bài Giảng Từ Đỉnh Đồi”. Trong phần giới thiệu, ông nói rằng mỗi tòa giảng cần phải được khắc câu này: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”, bởi vì câu trích này nhắc cho những nhà giảng thuyết biết đó chính là sứ mạng của họ, tức là giúp cho người nghe “gặp”, tin vào Đức Giêsu.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ