Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côi

 

Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côi

 

10 năm qua, đôi vợ chồng nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái ấy đã cưu mang hàng trăm đứa trẻ mồ côi, tự tay chôn cất và xây mộ cho hơn 11 nghìn hài nhi xấu số.

Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côi

Những đứa trẻ bị bỏ rơi được ông Phúc cưu mang

Những con số giật mình

Người đàn ông này nói ngay khi tôi tìm đến với ông, lúc ông đang ở nghĩa trang hài nhi của mình: “Tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm 2 việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi!”. Hơn 10 năm nay, không chỉ lặng lẽ đi nhặt xác hài nhi về chôn cất mà ông Tống Phước Phúc (SN 1976, ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) còn cưu mang nhiều số phận cơ nhỡ. “Một sinh linh dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, tôi lập nghĩa trang Đồng Nhi làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đang tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình”, ông Phúc tâm sự.

Theo chân ông Phúc đến nghĩa trang Đồng Nhi (ở núi Hòn Thơm thuộc thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), chúng tôi đi qua những con dốc ngoằn ngoèo, dân cư thưa thớt, lên những bậc đá dọc sườn đồi mới đến nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Trước mắt chúng tôi là những ngôi mộ xếp thành từng dãy dài nằm sát nhau, trên mỗi mộ đều cắm một bông hoa hồng bằng nhựa nhiều màu sắc. Ông Phúc cho biết: “Khu đất này rộng khoảng 5.000m2, tôi mua năm 2004 để làm nghĩa trang cho các cháu. Tôi là thợ xây đã nhiều năm nên cứ theo kinh nghiệm mà xây nghĩa trang chứ không có bất cứ bản vẽ thiết kế nào. Các cháu còn quá nhỏ, nên tôi đặt vào hũ sành rồi chôn, sau đó dùng xi măng xây kín lại!”.

 

Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côi

Vừa dẫn chúng tôi đi xem từng dãy mộ, ông Phúc vừa kể lại những kỷ niệm buồn của mình: “Hồi ấy trong lúc chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, cùng phòng đẻ với vợ tôi có cô sinh viên năm 2 đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ta lẻn bỏ đi mất hút. Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho cháu bé xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận. Tôi mang xác đứa trẻ về nhà liệm xong, sau đó đi khắp vùng ven thành phố tìm đất trống, cuối cùng tôi tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm chôn cất. Vài ngày sau tôi tìm đến chủ nhân đám đất rồi mua lại để làm nghĩa trang”, ông Phúc kể. Từ đó, hài nhi bất hạnh có nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư… Những ngày sau đó, ông còn đến các bệnh viện trong thành phố xin họ cho mang các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Lúc đầu, nhiều bác sĩ nghi ngờ nên không cho ông nhận, sau đó ông phân tích cũng như đưa giấy tờ liên quan của mình ra, đồng thời dẫn họ đến nghĩa trang để xem thì họ mới tin.

Đến nay nghĩa trang Đồng Nhi này đã chôn gần 11.000 hài nhi và không còn chỗ để chôn nữa. Rồi những đêm trăn trở, ông không muốn những hài nhi tiếp theo lại bị vứt bỏ nên lặn lội về huyện Diên Khánh tìm đất mua để chôn cất hài nhi. Với số vốn ít ỏi ông tích cóp được từ công việc xây dựng của mình, ông cũng mua được khoảng đất trống nằm trên sườn đồi xã Diên Lâm (cách nhà ông gần 30km) rồi thuê người khai hoang để làm nghĩa trang.

Biết ông Phúc có lòng nhân ái chôn cất hài nhi nên những đêm, có những bà mẹ tội lỗi đã lặng lẽ bọc xác bé trong chiếc khăn tìm tới bỏ lại trước cửa nhà ông rồi đi mất hút. Ông tâm sự: “Có nhiều đêm mưa, chuông cửa liên tục réo, vội vàng mở ra thì thấy một hài nhi đã hình thành đầy đủ hình hài, những lúc như thế tôi cảm thấy như nghẹn đắng trong cổ họng. Là con người thì yêu thương những linh hồn bé nhỏ kể cả khi chúng đã qua đời, không nên vứt bỏ chúng. Biết đâu những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian, những nặng nợ kiếp người, những hằn thù nhỏ nhen”.

Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côi

Nghĩa trang Đồng Nhi, nơi chôn cất gần 11.000 hài nhi vợ nuôi hàng trăm đứa trẻ mồ côi

Chưa dừng lại ở đó, ông còn xin các bệnh viện, khi gặp các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho ông hoặc động viên họ đến nhà ông để ông được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra. Có lần, ông Phúc đến tận bệnh viện dẫn về một cô sinh viên mang bầu tháng thứ 6, đang có ý định vứt bỏ con về nhà mình. Trong lúc hai người đi qua bãi đất vắng cạnh Đại học Nha Trang, thì thấy một túi ni lông màu đen, ông liền giở ra xem và chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở nhưng đôi mắt bé mở to nhìn chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin. Ông liền đưa đến bệnh viện nhưng đến nơi thì hài nhi đã tắt thở. Tận mắt chứng kiến cảnh đó, cô sinh viên đi bên ông đã bỏ hẳn ý định hút bỏ cái thai 6 tháng của mình, rồi đến nhà ông nương nhờ.

Nhiều cô gái lỡ sinh đẻ nhưng không muốn nuôi đã ẵm đến bỏ trước nhà ông Phúc, ông giữ lại nuôi và xem như con của mình. Cũng từ đó ông thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc. Đến nay trong căn nhà nhỏ của ông có 18 đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa lớn nhất sinh năm 2005, đứa nhỏ nhất sinh năm 2012, tất cả đều được vợ chồng ông cùng mấy cô cháu gái chăm bẵm và xem như con của mình. Điều đặc biệt, những đứa trẻ cơ nhỡ này được ông Phúc đặt với 2 cái tên, con trai tên Vinh, con gái tên Tâm, tất cả đều lấy họ Tống Phước, chữ lót là quê quán hoặc tên của người mẹ. Chẳng hạn như cô con gái lớn ông đặt Tống Phước Vĩnh Tâm, chữ Vĩnh là quê của người mẹ trẻ 17 tuổi ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang. Cháu Vĩnh Tâm cho biết: “Bố bảo đặt tên chị em tụi cháu là Vinh và Tâm là mong muốn con trai được sống vinh, con gái thì luôn có trái tim yêu thương con người. Bố còn bảo, gắn quê quán hoặc tên mẹ của tụi cháu để sau này mẹ con dễ nhận nhau”.

Lập ra mái ấm mang tên mình, ông Phúc không chỉ cưu mang những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ mà còn giúp đỡ cả những bà mẹ trẻ lỡ lầm để những mầm sống mong manh có cơ hội được làm người. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô sinh viên trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác… những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy. Ông Phúc cam kết: “Có sinh có dưỡng thì tốt, nhưng nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ cho nhận lại con!”. Mỗi khi nhắc đến những đứa con bé bỏng của mình, ông Phúc như trẻ lại, mắt ánh lên niềm tự hào. Ông cho biết: “Bước qua cái tuổi tứ tuần rồi, tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm hai việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có lẽ vì thế nên gia tài lớn nhất của vợ chồng tôi ngoài 2 đứa con đẻ là 18 đứa con nuôi bụ bẫm thế này cùng cả trăm đứa trẻ đã được về với cha mẹ chúng. Nhìn chúng nó lớn khôn mỗi ngày, vợ chồng tôi mừng lắm”.

Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm trẻ mồ côiNói về việc làm của ông Phúc, bác sỹ Nguyễn Nam, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cảm kích cho biết: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm, có những hôm nửa đêm nghe có người báo thấy hài nhi bị vứt bỏ mãi dưới huyện Vạn Ninh (cách TP Nha Trang 70km), anh Phúc vẫn chạy xe đi nhận về để an táng. Ở đây, tôi chứng kiến nhiều cô gái đến nạo phá thai nhưng qua lời khuyên của anh Phúc, các cô đã từ bỏ ý định phá thai. Khi sinh con, không có điều kiện nên nhiều cô để lại con cho ông Phúc nuôi, rồi lặng lẽ đi lấy chồng và có khi sau đó vài năm lại quay về nhận con”.

Việc làm cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm động viết thư khen và khẳng định: “Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh”.

Chia tay ông Phúc, chúng tôi tự nhủ lòng hãy bước nhẹ lại, sống chậm hơn để chiêm nghiệm một điều tưởng như bình thường nhưng bấy lâu nay có nhiều người quên lãng, rằng thật hạnh phúc khi được làm người.

Theo An ninh Thủ đô

Để lại một bình luận