Học hỏi sứ điệp mùa chay 2015: Đừng quên người nghèo
Điểm đặc biệt của năm nay là sự trùng hợp: Mùa chay đã về đang khi mùa xuân đến. Mùa xuân hướng về tương lai, mùa chay là mùa tập luyện để chiến đấu với chính bản thân để có một tương lai tốt đẹp. Đây cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi sứ điệp mùa chay của ĐGH Phanxicô.
Mùa chay là mùa ân sủng (2Cr 6,2). Vì Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta. Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến với mỗi người chúng ta, tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy đến cho chúng ta… thế nhưng, chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang phải chịu… lúc đó chúng ta rơi vào thái độ dửng dưng.
Tội lớn nhất của nhân loại hôm nay là tình trạng vô cảm do lối sống ích kỷ cá nhân và chỉ lo hưởng thụ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn dừng lại trong sứ điệp này là thách đố hoàn cầu hoá sự dửng dưng (lời dẫn vào sứ điệp Mùa Chay 2015).
* Hẳn chúng ta còn nhớ giây phút cảm động nhất của cuộc tông du Philippines: một bé gái hỏi Đức Thánh Cha: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”.
Em cùng với một bé trai 14 tuổi tên là Juan Chura là đại diện cho những trẻ bụi đời đang được viện ‘Tulay ng Kabataan’ nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố cuả xã hội lên Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Santo Tomas.
Sau khi kể hoàn cảnh cuả mình là một bé gái bị bỏ rơi và bị vất ra ngoài lề cuả xã hội. Trong cuộc sống bụi đời ấy em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã sa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm, em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn và nhìn lên Đức Thánh Cha, em đặt câu hỏi:
“Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”
“Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?”
Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.
Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “Và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế?”
Người ta đã phải giỗ em trước khi đưa em lên bắt tay Đức Giáo Hoàng. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.
Hình ảnh một vị Giáo Hoàng cũng rưng rưng nước mắt và em Palomar gục mặt mình vào lòng của Ngài. Hình ảnh đó lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất cuả chuyến Tông Du. (VietCatholic News 18-01-2015). Vì vậy dân Chúa cần canh tân để không dửng dưng và không khép kín vào mình, ĐGH để nghị ba bước suy tư đạt tới sự canh tân:
1. “NẾU MỘT CHI THỂ ĐAU THÌ TẤT CẢ CÁC CHI THỂ KHÁC CÙNG ĐAU” (1 Cr 12,26)
Triển khai thần học của Thánh Phaolô: Chúa Kitô là đầu và tất cả Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Ngài. Tất cả chúng ta có sự liên đới hữu cơ với nhau: “nếu một chi thể đau thì tất cả các chi thể khác cùng đau” (1 Cr 12,26). Ngay cả súc vật cũng biết thương cảm nhau: một con ngựa đau cả tàu bỏ ăn.
Nguồn mạch của lòng yêu mến là Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến chúng ta trước (1 Ga 4,19) đã không tiếc chính Con mình nhưng đã trao nộp người Con ấy vì hết thảy chúng ta (Rm 8,32) cho tội nhân được giao hoà với Ngài (2 Cr 5,18-19), cho họ trở nên con cái Ngài (Ep 9,5).
Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về thân mình duy nhất và trong Chúa, chúng ta không thể dửng dưng với nhau. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta có thể làm được cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình Cứu Độ của Chúa.
Một tình nguyện viên Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản cũng tham gia công tác này. Anh thấy em bé đáng thương này đã vội vàng nhường phần ăn sáng của mình cho em bé. Em đã cúi đầu nhận phần ăn đó với lòng biết ơn. Khi tình nguyện viên đó đi chỗ khác, em đã vội vã chạy lên chỗ bàn để phẩm vật. Được hỏi: Tại sao em không ăn?. Em đã cảm động và nói: “Thưa, vì còn nhiều người đói hơn con”.
2. “EM NGƯƠI Ở ĐÂU?” (St 4,9)
Một câu chuyện thương tâm ngay ở những trang đầu của sách Sáng thế. Đó là câu chuyện Cain và Aben cùng dâng lễ vật. Lễ vật của Aben đẹp lòng Chúa và Chúa đã nhận lời. Cain sinh lòng ghen tức và chính tay ông đã hạ sát em mình. Đức Chúa phán với Cain: Aben, em ngươi ở đâu ? (St 4,9).
Câu hỏi Thiên Chúa hỏi Cain, cũng là câu hỏi Thiên Chúa hỏi cộng đồng nhân loại. Giáo hội trong Hiến Chế Mục Vụ đã lên tiếng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay và nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (MV, 1).
Và công đồng cũng nhắc nhở các linh mục, cũng có thể hiểu cả các tu sĩ nữa: “Tuy mắc nợ với tất cả mọi người, nhưng các linh mục phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài đặc biệt hơn, vì chính Chúa Kitô đã đồng hoá với họ” (LM, 6).
ĐGH nhắc nhở chúng ta và mong ước sao cho các nơi mà Giáo hội hiện diện nơi các Giáo phận, giáo xứ, đặc biệt là các cộng đoàn dòng tu, trở thành hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng. Niềm vui lớn nhất của đời tu là được phục vụ, là đem niềm vui đến cho người khác. Thấy họ được hành phúc, đó cũng là hạnh phúc của mình, lấy niềm vui của người khác là niềm vui của bản thân, vì nếu không vì lí tưởng đó, chúng ta đã không chọn đời sống tu trì.
Hãy ra đi… hướng đến thế giới, đến anh em khó nghèo. Ra đi đến những vùng ngoại biên, vượt qua ranh giới của những bức tường tu viện, hoà mình vào dòng đời, dù có thể ít nhiều sứt mẻ… đó là những lời mời gọi thường xuyên của ĐTC Phanxicô, họ là những thừa tác viên của Chúa, họ là những người sống đời thánh hiến đã can đảm vượt qua những định kiến, mạnh dạn dấn thân vào những ngóc ngách xã hội ngập tràn các nguy hiểm, hoặc tham gia những hoạt động đời thường, để mang Tin Mừng đến cho người khác.
Chúng ta thấy đây là lời mời gọi rất căn bản và có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ dành cho các dòng tu mà còn cho cả thế giới trong bối cảnh hôm nay. Đó là lời mời gọi được dành cho mỗi tu sĩ trong ơn gọi sống tình liên đới với những người nghèo khổ, với thế giới và với tạo vật. Trong đó, mỗi nỗ lực dấn thân của người tu sĩ cần phải thể hiện ba triều kích: nhìn lại quá khứ với lòng thống hối, khiêm nhường và biết ơn; sống giây phút hiện tại với niềm say mê; và nhìn về tương lai với niềm hy vọng. (Tâm thư của ĐGH Phanxicô về năm Đời Sống Thánh Hiến).
3. ANH CHỊ EM HÃY CỦNG CỐ TÂM HỒN
Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta về đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất.
Ngài đề nghị ba phương cách:
a. Cầu nguyện
Cầu nguyện cho những người nghèo, cho những người hoạn nạn khổ đau. Vì những người chúng ta nhớ đến trong lúc cầu nguyện là những người nằm sâu trong trái tim ta. Khi Giáo Hội trần thế cầu nguyện, thì thiết lập một sự hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, lời cầu nguyện bay lên trước thiên nhan Chúa.
Hiện nay có vô vàn anh chị em tu sĩ khắp mọi nơi, không chỉ trong công việc đủ thứ mà ngay trong từng lời cầu nguyện âm thầm, họ vẫn là Tông Đồ Loan Báo Tin Mừng, vẫn là kẻ đang lặng lẽ gửi lời chào mừng hạnh phúc cho con người, cho đời, cho Giáo hội.
Cầu nguyện âm thầm, hay là kéo dài thánh lễ, họ nguyện lấy thân làm Bàn Thờ, tâm là đĩa thánh. Họ đặt lên đĩa thánh là tâm mình, bao nhiêu nỗi đời, bao nhiêu nỗi người, kể cả những đớn đau tội luỵ. Rồi họ dám tin rằng, tất cả, vâng tất cả, kể cả những nhơ nhớp đớn hèn nữa, đều Nên Một với Giêsu, đều biến đổi và biến tan vào sự An Bình Hạnh Phúc trong Giêsu.
b. Bác ái cụ thể
Tiếp đến, chúng ta có thể giúp đỡ nhau bằng những việc bác ái đối với những người ở gần cũng như những người ở xa. Mùa chay là mùa thuận lợi để chúng ta quan tâm tới nhau qua một cử chỉ, dù chỉ là nhỏ bé, nhưng cụ thể nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.
* Chị Maria Nguyễn Thị Vinh, một giáo dân xứ Nam Thái, giáo phận Sài Gòn, suốt 15 năm qua đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm những bệnh nhân AIDS bị xa lánh để tắm rửa, mướn nhà, kiếm việc làm, vệ sinh vết thương, cho uống thuốc, đưa đi chữa bệnh, thậm chí là mai táng khi họ bị căn bệnh thế kỷ đánh gục. Chị tâm sự: tôi may mắn được một số linh mục và bác sĩ hỗ trợ nên có một cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV chủ yếu là giai đoạn cuối. Tôi cũng quy tụ được hơn 10 thành viên mới và hơn nữa, nhóm Tiếng Vọng này còn có cả những anh chị em nhiễm HIV, sau khi được chữa trị thuyên giảm bệnh tật, tình nguyện ở lại giúp những người nặng hơn.
Buổi sáng, chúng tôi chăm sóc những bệnh nhân ở cơ sở. Chiều và tối chúng tôi đến với các bệnh nhân không di chuyển được để chăm sóc, tắm rửa và vệ sinh vết thương cho họ. Mọi thành viên trong nhóm đều làm việc thiện nguyện vì chúng tôi không có nguồn thu.
Cần phải nói thêm là: những người đến với chúng tôi thường là những người không còn nơi nào để đi. Đôi khi họ được đưa đến trong tình trạng mong manh giữa sống và chết hoặc trong một thân xác đã bị hoại tử, hôi thối và kiệt quệ. Họ đến với một mặc cảm nặng nề và bế tắc, nên chúng tôi luôn giữ khuôn mặt và tâm trạng niềm nở, vui vẻ. Vì chỉ có niềm vui mới làm việc được và đem niềm vui đó chia sẻ với những người có HIV và một điều không thể thiếu đó là sự chân thành. Có lẽ nhờ vậy mà 15 năm qua, chúng tôi đã đến với hàng ngàn người, nhưng không gặp một trở ngại nào và hàng ngàn người đã ra đi bên cạnh chúng tôi.
Chị cũng cho biết: thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại thường là vài chục phút đến hơn 1 giờ lúc quá nửa đêm. Rất mệt nhưng tôi vẫn nói chuyện, tư vấn giúp họ vì tôi biết họ không gọi cho tôi sẽ chẳng biết gọi cho ai, khi mà tâm trạng và thể xác đang bất ổn. Nhưng tôi chưa bao giờ coi đó là một sự quấy rối gây phiềm phức (CGDT ngày 12.2.2015, tr.18-19).
c. Hoán cải
Nên nhớ, đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của anh chị em nhắc nhở cho chúng ta tới sự mong manh của cuộc đời, sự lệ thuộc của ta đối với Thiên Chúa và các anh chị em.
Hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn như ĐGH Benêđictô XVI đã nói: “Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với những cám dỗ, cởi mở với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn tới các địa chỉ nghèo khổ và cùng khốn” (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu số 31).
KẾT
Xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa.
Ngài đã mượn một câu trong kinh cầu Trái Tim để kêu gọi: Tôi muốn cùng anh chị em cầu xin Chúa Kitô trong Mùa Chay này: Xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa. Như thế chúng ta sẽ có một trái tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hoá sự dửng dưng.
Đọc lại bản văn Mt 25,31-46. Trong ngày tận thế, Chúa sẽ xét xử về những việc chúng ta làm cho anh em của mình. Đây là bản văn mà thánh nữ Têrêsa Calcutta rất say mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ. Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ. Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện với nhau. Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn. “Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài. Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần cần được yêu thương. Những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê… họ là những người đáng thương cần chúng ta giúp đỡ. Phải xây dựng Nước Trời ngay tại trần gian này. Làm sao để niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trên hành tinh này?