Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Gn 3,1-5.10;  1 Cor 7,29-31; Mc 1,14-20

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Hãy sám hối và tin vào Tin MừngKính thưa quý vị,

Chúng ta vừa qua Mùa Giáng Sinh và Lễ Chúa Hiển Linh, được nghe trình thuật Đức Giêsu giáng sinh và việc Chúa tỏ mình ra cho các mục đồng và ba nhà đạo sĩ. Chúng ta biết được những câu chuyện này qua các sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu và Luca. Hôm nay, chúng ta bắt đầu chu kỳ bài đọc theo thánh Máccô. Trọng tâm của chúng ta trong suốt năm phụng vụ này sẽ là Tin Mừng Máccô.

Không như Mátthêu và Luca, Máccô không bắt đầu Tin Mừng của mình bằng những câu chuyện về thời thơ ấu của Đức Giêsu mà bằng các lời giảng của Người. Học giả Kinh Thánh người Đức Martin Diebelius, diễn tả điều này như sau: “Ngay từ khởi đầu đã có lời giảng.” Các câu dẫn vào Tin Mừng của Máccô nói về việc ông Gioan rao giảng để chuẩn bị cho Chúa đến. Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta, không qua tiểu sử của Người, mà qua chính lời của Người. “Ngay từ khởi đầu đã có lời giảng.”

Máccô giới thiệu Đức Giêsu không như một người hay làm phép lạ nhưng như một nhà giảng thuyết. Tác giả nhắc chúng ta đây không phải là thời điểm thuận tiện để bắt đầu công cuộc rao giảng. Quyền bính thế gian đã tống ngục ông Gioan và đã nói “Không” với triều đại của Thiên Chúa. Tuy vậy, sứ điệp của Thiên Chúa sẽ không bị khuất phục bởi bất cứ quyền lực nào của thế gian. Thay vào đó, quyền thống trị tối cao của Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử và đấy chính là lời mang đến Tin Mừng cho nhân loại.

Chúng ta có xu hướng muốn thêm thắt vài chi tiết vào câu chuyện Đức Giêsu gọi các môn đệ. Chúng ta dựa vào lối lý luận theo cách nghĩ thông thường của mình. Chúng ta biết rằng những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc đời của mình thường đến sau thời gian dài cân nhắc và tham khảo ý kiến. Thậm chí, hầu hết chúng ta chỉ thay đổi cách dè chừng, mỗi lần một chút thận trọng mà thôi. Nó được thực hiện cách hoàn hảo và không ai có thể phê bình sự hợp lý của chúng ta. Thực tế, có nhiều người, bạn bè, người thân, người quen luôn sẵn sàng cho ta những lời khuyên trong quá trình thay đổi đó.  

Máccô đã bỏ qua những chi tiết mang tính chuẩn bị lẽ ra phải có trong những quyết định của các môn đệ – nghĩa là giải thích tiến trình đi đến quyết định này. Người giảng thuyết cần phải tôn trọng phương thức của Máccô và không cố tìm cách để biến lời đáp trả của các môn đệ tiên khởi thêm “có lý” hơn. Máccô trình bày một câu chuyện ngắn gọn mà hấp dẫn: Đức Giêsu mời gọi – các môn đệ đi theo Người. Vậy chúng ta đã nắm được điểm cốt lõi. Đối với Máccô, làm môn đệ đòi buộc một sự đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu cách quyết liệt và tín thác. Dưới ánh sáng của trình thuật hôm nay, chúng ta, những người môn đệ của Người, được mời gọi hãy để lại phía sau lối sống cũ của mình và bắt đầu cuộc sống mới Đức Giêsu tặng ban và hãy bắt đầu ngay từ bây giờ!

Đây là một câu chuyện về thời gian. Trong Kinh Thánh, thời gian có thể là những gì chúng ta muốn có khi chúng ta hỏi “Mấy giờ rồi?” Ai đó nhìn vào đồng hồ hay điện thoại di động và trả lời chúng ta, “10 giờ 10.” (Vào thời Đức Giêsu, có lẽ người ta sẽ dựa vào vị trí của mặt trời). Nhưng đây không phải là ý niệm duy nhất về thời gian trong các câu chuyện trong Kinh Thánh. Có một thứ thời gian khác trong Sách Thánh. Thuật ngữ cho kiểu thời gian này là “kairos.” Khi mẹ bảo ta, “Đã đến giờ con phải dọn phòng nếu như con muốn ăn tối nay.” Hoặc khi bố bảo, “Tới lúc con phải dọn đi và kiếm việc làm rồi.” Như thế ta hiểu ra rằng – bây giờ là lúc phải hành động rồi!

Thuật ngữ thời gian “kairos” (thời điểm thích hợp) là một khoảnh khắc của ân sủng (thời Chúa thi ân), khi đó ta cần phải hành động. Tin Mừng theo thánh Máccô khởi đầu bằng việc rao giảng về kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa đang hoạt động và mời gọi lời đáp trả từ con người. Đức Giêsu bắt đầu với công bố, “thời kỳ đã mãn.” Thời xưa đã qua rồi, giờ đây là thời đại mới với nhiều khả năng mở ra cho những ai biết đón nhận. Chính vì vậy mà cách diễn tả lời đáp trả của những người được gọi đầu tiên để theo Đức Giêsu của Máccô mới có ý nghĩa. Đức Giêsu gọi – đây là thời khắc Người giao phó (sứ mạng). Họ nghe và lập tức đáp trả. Vậy ai là người đạo diễn cho trình thuật này? Ai là người dẫn dắt cốt truyện? Chính là Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi nhanh chân lên tàu kẻo ta sẽ bị lỡ mất thời khắc đầy ân sủng, chất chứa nhiều khả năng mới cho những ai đáp trả.

Bài đọc trích từ sách ông Giôna thật xứng hợp với bài Tin Mừng hôm nay. Thoạt đầu ông Giôna miễn cưỡng ra đi giảng cho người thành Ninivê (Chương 1-2). Chúng ta đã quen với câu chuyện ông Giôna trong bụng cá. Ông rơi vào tình cảnh đó là vì ông đã từ chối để trở nên một khí cụ cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân thành Ninivê, một dân bị khinh miệt vì họ là kẻ thù của người Do Thái. Thế nhưng Thiên Chúa luôn bền chí và Người đã đưa ông Giôna đến với dân thành Ninivê – với sự hỗ trợ của con cá khổng lồ!

Ông Giôna giảng và người dân đã đáp trả. Đâu là “thời điểm” ở thành Ninivê khi ông Giôna giảng? Đấy chính là thời khắc “kairos”, thời khắc ân sủng của Thiên Chúa, dân thành Ninivê đã nắm lấy và thay đổi cuộc sống của mình. Các môn đệ cũng vậy. Đức Giêsu đến, loan báo triều đại Thiên Chúa gần đến và các ngư phủ này đã đáp trả bằng cách bỏ lại phía sau họ lối sống cũ để đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu.

Tin Mừng Máccô là câu chuyện về Đức Giêsu. Nhưng đây cũng là câu chuyện con người đã đáp trả lại Người như thế nào, bắt đầu với những người được gọi đầu tiên. Câu chuyện bắt đầu tốt đẹp và họ đã đáp trả ngay khi được Người gọi, “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Người sẽ dạy họ những gì Người làm: giảng dạy, chữa lành và xua trừ ma quỷ. Các môn đệ cũng học được rằng, theo Đức Giêsu, họ sẽ trải qua những giây phút khó khăn, nhưng Người cũng sẽ ở bên họ vào những lúc ấy – như lúc Người đã cứu họ khỏi cơn bão đáng sợ. (4: 35-41)

Khi câu chuyện Tin Mừng tiến triển, các môn đệ mới để lộ ra sự thiếu trung thành của mình với Đức Giêsu. Các ông hiểu sai các dấu lạ và lời giảng dạy của Người. Khi Người dạy các ông rằng theo Người sẽ phải chịu đau khổ và chết, các ông đã chống lại (8,30-33). Các ông tranh luận với nhau về thứ bậc và danh vọng (10,35-45). Sau khi dùng bữa cuối, một môn đệ thậm chí đã phản bội Người (14,10) đang khi Người lo buồn đau đớn trong vườn thì các ông khác lại say sưa ngủ. Khi Người bị bắt tất cả đều chạy chốn, ngay cả “tảng đá” Phêrô cũng chối Người. Đức Giêsu gọi những môn đệ đầu tiên và cùng với những “người học trò” này Người bắt đầu cộng đoàn mới của Người. Trình thuật Tin Mừng càng tiến triển cho thấy rõ một điều này: với những đặc điểm quá là con người, các ông sẽ không thể nào làm được gì bởi sức riêng của mình.

Khi chúng ta nghĩ đến sám hối chúng ta thường gán khái niệm này với sự buồn sầu vì tội lỗi của mình. Thế nhưng trong ngôn ngữ của Đức Giêsu sám hối tức là đổi hướng 180 độ, suy nghĩ lại Thiên Chúa là Đấng nào và Người hành động thế nào đối với chúng ta khi chúng ta ở trong tội. “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước vào trong những thế giới của tách biệt và dửng dưng của chúng ta để mời gọi chúng ta hãy tin vào Đức Kitô. Tắt một lời, sám hối đòi hỏi chúng ta hoàn toàn thay đổi đường lối để sống đời của mình quy hướng về Thiên Chúa.

Lời kêu gọi các môn đệ minh họa sự sám hối và tin trong Tin Mừng nghĩa là gì. Tiên vàn, đấy không phải là chuyện chấp nhận giáo thuyết mà là sự chấp nhận gắn đời mình vào Đức Giêsu: làm những gì các môn đệ đã làm – trỗi dậy và theo Đức Giêsu đến tận Thập Giá. Đối với một số người, theo Đức Giêsu có nghĩa là từ bỏ cuộc sống hiện tại của họ và làm sự thay đổi hoàn toàn. Với những người khác, theo Đức Giêsu có nghĩa là vẫn ở lại trong những thế giới của họ cùng với các cấu trúc của nó nhưng sống với một ý thức không bám víu và sẵn lòng thay đổi khi cần thiết. Một lời mời gọi hoán cải còn có nghĩa giúp cho sự thay đổi trở nên dễ dàng hơn trong các cơ cấu bất công và cách thức mà thế giới của chúng ta đang tồn tại.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Để lại một bình luận