Bài ca người khuyết tật Ki-tô
Bạn sẽ thắc mắc và đặt ra những câu hỏi “Tại sao lại có cái tên là Bài Ca Người Khuyết Tật Ki-Tô?” và “Người Khuyết tật thì có gì vui để mà ca với hát chứ?” Đối với hầu hết những người khỏe mạnh lành lặn và một số người khuyết tật tự cho mình là “người khổ nhất trên đời”, thì có lẽ đúng là “Người khuyết tật chẳng có gì vui để mà ca hát! Nhưng chúng tôi, những người khuyết tật mang danh Ki-tô Vua, thì ngay cả trong những lúc đau họng khàn hơi, chúng tôi vẫn rất muốn ca hát, dù biết mình hát chẳng hay ho gì. Bởi vì chúng tôi muốn hát cho nhau nghe, muốn hát cho đời thêm sức sống, và muốn hát cho đời xanh hy vọng, bạn ạ! Nếu không tin, mời bạn cứ thử ghé thăm Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua vào một buổi sinh hoạt thường kỳ nào đó, chúng tôi sẽ hát cho các bạn nghe:
Về đây bên nhau, ta cùng chia sớt vui buồn. Về đây bên nhau, cho nhau tình thương mến. Về đây bên nhau, dâng Cha niềm tín thác. Chúng con đây tật nguyền, chắc Chúa thương thật nhiều, chúng con tin là như thế! Về đây bên nhau, ta nguyện trao hết tâm tình. Buồn vui, thương đau, cho nhau lời ủi an. Về đây bên nhau, dâng Cha niềm tín thác…”
Đó là những ca từ của bài hát: “Bài Ca Người Khuyết Tật Ki-Tô”, mà một người mù đã cao hứng hát lên một cách xuất thần, khi trong lòng cô dạt dào cảm xúc. Vì cô không phải là một nhạc sĩ, nên cô đã thâu âm lại giọng hát của mình, và gởi cho một người bạn của cô ở tít bên kia nửa vòng trái đất, và anh đã dựa vào file âm thanh đó, mà viết thành bản nhạc cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua. Từ đó, nó trở thành bài hát thân quen của anh chị em khuyết tật Ki-tô. Và mỗi khi hát lên giai điệu của bài hát, họ đã bày tỏ niềm tin của họ đối với Thiên Chúa.
Không chỉ hát những bài hát mang tính chất tâm linh như: Bài ca Người khuyết tật Ki-tô, Hãy thắp sáng lên, Con đường Giêsu, Ngôi nhà của chúng ta, Yêu bằng tình loài người…; anh chị em khuyết tật còn hát cho nhau nghe những bản tình ca như “Thì thầm mùa xuân”, Thu ca… Một chị đã ngoài sáu mươi, cháu ngoại đùm đề, vẫn còn say sưa hát bài “Người tình ngoại đạo”, bạn ạ!
Bởi đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, bởi ý thức được rằng họ luôn có Chúa đồng hành trên con đường lữ thứ trần gian, mà những anh chị em khuyết tật Ki-tô này sống rất lạc quan yêu đời. Tất nhiên, không phải mọi thành viên trong Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua đều đã cảm nhận được điều đó, vẫn còn một số anh chị em sống thu mình trong mặc cảm tự ty. Chính vì vậy mà anh chị em khuyết tật đã tìm đến với nhau, để được cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, và cùng nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Ngoài những buổi sinh hoạt thường kỳ, một số anh chị em khuyết tật Ki-tô còn quy tụ lại để cùng với nhau đọc kinh cầu nguyện nài xin “Lòng Chúa Thương Xót”. Đó là một nhóm nhỏ gồm 8 người mù và 5 người què liên kết nhau thành một đường dây liên lạc qua điện thoại. Đã ba tháng nay, cứ mỗi 3 giờ chiều họ cùng nhau đọc kinh “online” trên mạng lưới điện thoại miễn phí của G.mobil. Họ đọc kinh “online” vì lý do chẳng có ai đưa họ đến nhà thờ để cùng đọc kinh với cộng đoàn. Họ cảm thấy rất vui vì được đọc kinh chung với nhau, mặc dầu sóng điện thoại chập chờn trật vuột, họ vẫn níu lấy nhau trong tình huynh đệ. Ngay cả đọc kinh qua điện thoại, buổi đọc kinh của họ cũng vang vang tiếng hát, và chẳng thiếu tiếng đàn. Tiếng đàn ghi-ta lúc rõ lúc mờ, họ cũng chẳng câu nệ ai hát sai hát trật nhịp. Tất cả đều vì Chúa Ki-tô Vua, một Thiên Chúa làm vua trong đau khổ của họ.
Tản mạn những điều trên đây, người viết bài này muốn thay mặt cho anh chị em khuyết tật của mình bày tỏ lòng tri ân đến những người đã luôn âm thầm dõi theo những hoạt động của Huynh đoàn chúng tôi, và đã hết lòng nâng đỡ chúng tôi. Tri ân vị ân nhân đã tặng chúng tôi những cây đàn ghi-ta, tri ân nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiển cùng nhóm bạn Viết Cho Nhau với muôn vàn cảm kích!
12/1/2015
Ngòi bút nhỏ