Video: Giáo hội có thêm 20 Tân Hồng Y
1. Nhận xét của cha Federico Lombardi về danh sách các tân Hồng Y
Một biến cố lớn vừa xảy ra trong đời sống Giáo Hội, đó là Đức Thánh Cha đã công bố trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 tháng Giêng vừa qua là ngài sẽ vinh thăng Hồng Y cho 20 vị trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của tổng giáo phận Hà Nội.
Trong cuộc họp báo hôm 5 tháng Giêng, cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra với các ký giả những nhận xét sau đây về danh sách các tân Hồng Y.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quy định số Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng là 120 vị, như thế hiện nay “trống” 12 vị trong Hồng Y đoàn. Đức Giáo Hoàng đã vinh thăng hơi vượt quá con số này, nhưng vẫn rất gần, như vậy quy định trên vẫn có thể coi là được tôn trọng.
Các tiêu chí rõ ràng nhất trong việc chọn các Hồng Y lần này là tính phổ quát của Giáo Hội Hoàn Vũ. Mười bốn quốc gia khác nhau được đại diện, trong đó có một số nước hiện nay không có vị Hồng Y nào và cả một số nước chưa từng bao giờ có một Hồng Y. Nếu tính luôn cả 5 vị Tổng Giám Mục và Giám Mục về hưu được vinh thăng lần này thì có đến mười tám nước có tân Hồng Y. Không có vị tân Hồng Y nào từ Hoa Kỳ hay Canada, vì các quốc gia này đã có một số lượng đáng kể, và con số này vẫn giữ ổn định trong suốt năm qua. Riêng Mễ Tây Cơ thì có một tân Hồng Y.
Đáng chú ý là có những quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y, đó là Capo Verde, Tonga, và Miến Điện. Những nước này có các cộng đoàn Giáo Hội nhỏ bé. Đức Giám Mục của Tonga là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Bình Dương; Giáo phận Santiago de Cabo Verde là một trong những giáo phận Phi Châu cổ xưa nhất; Giáo Phận Morelos ở Mễ Tây Cơ là một khu vực đang gặp rắc rối vì bạo lực.
[youtube]fQD9YR-WI-c[/youtube]
Cũng đáng chú ý là chỉ có một tân Hồng Y từ Giáo Triều Rôma. Hiện nay, số các Hồng Y phục vụ tại giáo triều Rôma vẫn còn khoảng một phần tư số các Hồng Y cử tri. Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng có ý định tấn phong Hồng Y cho những vị tổng trưởng các bộ và một số tổ chức quan trọng khác trong giáo triều – như, trong trường hợp này, là Tòa Ân Giải Tối Cao.
Việc chọn các tân Hồng Y lần này xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng không bị ràng buộc với truyền thống của “tòa Hồng Y” – dựa trên những lý do lịch sử ở các nước khác nhau – trong đó vị Tổng Giám Mục của một tòa được hiểu là sẽ “tự động” được tấn phong Hồng Y. Thay vào đó, chúng ta thấy có sự đề cử các Tổng Giám Mục và Giám Mục của những tòa trong quá khứ chưa từng có một Hồng Y nào. Thí dụ như một số toà Giám Mục ở Ý, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Panama …
Đối với các tân Hồng Y đã nghỉ hưu, lời giới thiệu ngắn gọn của Đức Thánh Cha cũng rất đáng lưu ý: “Họ đại diện cho rất nhiều vị giám mục là những người, với một lòng bác ái mục vụ tương tự, đã đưa ra những chứng tá cho tình yêu Chúa Kitô và dân Chúa trong các Giáo Hội địa phương, tại giáo triều Rôma, và trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh”. Các vị được đề cử là một sự công nhận tượng trưng cho tất cả các vị mục tử đã tận hiến đời mình cho Giáo Hội và Tòa Thánh.
Vị trẻ nhất trong số các tân Hồng Y là Đức Tổng Giám Mục Mafi của Tonga (sinh năm 1961), người sẽ trở thành thành viên trẻ nhất của Hồng Y Đoàn.
Vị cao niên nhất là Đức Tổng Giám mục Pimiento Rodriguez, là Tổng Giám mục hiệu toà của Manizales (sinh năm 1919).
2. Đức Hồng Y tân cử của Miến Điện kêu gọi chấm dứt xung đột Phật Giáo và Hồi Giáo
Đức Hồng Y tân cử Charles Maung Bo sẽ đi vào lịch sử như là vị Hồng Y đầu tiên trong lịch sử Miến Điện. Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em, đất nước này chưa từng có một vị Hồng Y.
Quyết định của Đức Thánh Cha đã được chào đón nhiệt liệt tại Miến Điện. Các nhà lãnh đạo tôn giáo khác bao gồm cả Phật giáo và Hồi giáo, đã ca ngợi sự lựa chọn này. Thượng tọa Pyinya Thiha nói rằng ông hy vọng vị tân Hồng Y sẽ là động lực tích cực cho toàn bộ đất nước.
Đa số 50 triệu dân Miến Điện theo Phật giáo. Người Công Giáo chỉ có khoảng 700,000 người.
Phát biểu với thông tấn xã AFP trước tin này, Đức Hồng Y tân cử Maung Bo đã lên tiếng kêu gọi hòa giải quốc gia. Sau một thời gian dài nội chiến và phải sống dưới ách một chế độ độc tài quân phiệt, trong những năm qua Miến Điện đã trải qua xung đột tôn giáo nghiêm trọng giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.
Bạo loạn tại bang Rakhine hồi năm 2012 đã làm thiệt mạng 88 người và khiến hơn 100,000 người phải lánh nạn và 2,528 căn nhà bị đốt. Tình trạng bạo lực sau đó đã lan nhanh sang nhiều vùng khác và sang cả các quốc gia khác tại Nam Á.
3. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11 tháng 2
Trong sứ điệp nhân ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những đau khổ của bệnh nhân, phục vụ, tháp tùng, ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ.
Ngày thế giới các bệnh nhân do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng thiết lập và sẽ được cử hành lần thứ 23 vào ngày 11 tháng 2 tới đây, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là một câu trích từ sách Ông Gióp: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15).
Trong sứ điệp công bố hôm 30 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha quảng diễn chủ đề này và trình bày những hoa trái của sự khôn ngoan tâm hồn. Đây không phải là một kiến thức lý thuyết trừu tượng, nhưng là “một thái độ được Thánh Linh phú vào trong tâm trí của người biết cởi mở đối với đau khổ của anh chị em mình và nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ”.
Đức Thánh Cha lần lượt nói đến:
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là phục vụ anh chị em. “Bao nhiêu Kitô hữu ngày nay đang làm chứng tá, – không phải bằng lời nói, nhưng bằng cuộc sống của họ được ăn rễ trong một đức tin chân thành, – là ‘đôi mắt cho người mù’ và là ‘đôi chân của người què!’. Họ là những người gần gũi các bệnh nhân đang cần được giúp đỡ liên tục, giúp đỡ để tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống. Việc phục vụ này, nhất là khi nó kéo dài trong thời gian, có thể trở thành vất vả và nặng nề. Phục vụ vài ngày thì dễ, nhưng thật khó chăm sóc một người kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, cả khi người ấy không còn khả năng cám ơn nữa. Nhưng đó thực là một con đường lớn để thánh hóa! Trong lúc ấy ta có thể cậy trông đặc biệt vào sự gần gũi của Chúa, và là một nâng đỡ đặc biệt cho sứ mạng của Giáo Hội”.
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là ở với người anh em. Thời gian trải qua cạnh người bệnh là một thời gian thánh. Là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiế mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28)
Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Thánh Linh ban cho chúng ta ơn hiểu được giá trị của sự tháp tùng, nhiều khi trong thinh lặng, khiến chúng ta dành thời giờ cho các anh chị em, nhờ sự gần gũi và phục vụ của chúng ta, họ cảm thấy được yêu thương và an ủi hơn. Trái lại, thật là một sự dối trá lớn lao khi nấp đằng sau những kiểu nói nhấn mạnh rất nhiều về “phẩm chất đời sống”, để làm cho người ta tin rằng những mạng sống bị tổn thương nặng nề vì bệnh tật thì không đáng sống!”
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là ra khỏi chính mình để đi tới người anh em. Thế giới chúng ta nhiều khi quên giá trị đặc biệt của thời gian ở bên giường người bệnh, vì người ta bị vây bủa vì sự vội vã, miệt mài làm việc, sản xuất, mà quên đi chiều kích nhưng không, chăm sóc tha nhân.
– Sự khôn ngoan của tâm hồn cũng là thái độ liên đới với người anh em mà không xét đoán họ. “Đức bác ái cần thời gian. Thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để viếng thăm họ… Đức bác ái chân thành là chia sẻ mà không xét đoán, không chủ trương hoán cải người khác; đức bác ái không có sự khiêm nhường giả tạo, ngấm ngầm tình kiếm sự ủng hộ và hài lòng vì điều thiện đã làm.”
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “cả khi bệnh tật, cô đơn và tật nguyền thắng thế trong đời sống hiến thân của chúng ta, kinh nghiệm về sự đau khổ có thể trở thành nơi ưu tiên để thông truyền ơn thánh và là nguồn mạch để thủ đắc và củng cố sự khôn ngoan của tâm hồn.”
Sau cùng, Đức Thánh Cha phó thác Ngày Thế giới các bệnh nhân cho sự bảo trợ của Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận Đấng Khôn ngoan nhập thể là Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Mẹ. Ngài cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn ngoan cho tất cả các bệnh nhân và những người săn sóc họ.
4. Lễ Hiển Linh tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ mọi người biết tìm kiếm Chúa Giêsu hiện diện nơi các anh chị em bé nhỏ, khổ đau, nạn nhân của chiến tranh, của các tệ nạn khai thác bóc lột trẻ em, tra tấn, buôn bán khí giới, buôn bán người…
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ Hiển Linh cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô sáng thứ Ba 6 tháng Giêng. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục trong giáo triều Rôma.
Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đến cho mọi người, người Do thái cũng như toàn nhân loại, được đại diện bởi ba Đạo Sĩ Phương Đông. Họ đại diện cho tất cả những người kiếm tìm Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để cho Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hướng dẫn nhận ra ánh sáng soi đường để tìm đến với Chúa Cứu Thế qua dấu chỉ khiêm tốn của một trẻ thơ. Ba Đạo Sĩ đại diện cho tất cả những người kiếm tìm Thiên Chúa trong các tôn giáo và trong các triết lý của toàn thế giới, một cuộc kiếm tìm vô tận. Họ làm thành đoàn ngũ những người kiếm tìm Thiên Chúa thuộc mọi thời đại, kiếm tìm ánh sáng thật để đến với Chúa. Trên con đường tìm kiếm ấy ba nhà Đạo Sĩ đã gặp nhiều khó khăn, cám dỗ, tăm tối và thất vọng.
Tuy nhiên, nhờ Thánh Thần gợi ý qua các lời tiên tri trong Thánh Kinh, họ biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bếtlehem, trong thành Đavít. Và họ đã lại ra đi, trông thấy ánh sao và rất đỗi vui mừng. Họ tìm thấy Con Trẻ và Maria, Mẹ Người, rồi qùy thờ lậy Chúa và dâng các lễ vật biểu tượng. Ơn của Chúa Thánh Thần đã giúp họ và hướng dẫn họ nhận ra rằng các tiêu chuẩn của Thiên Chúa rất khác các tiêu chuẩn của loài người; rằng Thiên Chúa không tự biểu lộ ra trong quyền năng của thế giới này, nhưng hướng tới chúng ta trong sự khiêm hạ tình yêu của Người. Như thế các nhà Đạo Sĩ là gương mẫu sự trở về với niềm tin đích thực, bởi vì họ đã tin nơi lòng lành của Thiên Chúa hơn là nơi ánh quang bề ngoài của quyền lực. Hang đá chỉ cho chúng ta một con đường khác với con đường mà tâm thức trần gian thèm muốn: đó là con đường hạ mình của Thiên Chúa, trong đó vinh quang của Người được dấu ẩn trong máng cỏ Bếtlehem, trong thập giá trên đồi Calvario, nơi các anh chị em đau khổ. Xin Chúa cho chúng ta cũng biết bước vào trong mầu nhiệm này như ba Đạo Sĩ, xin Ngài bảo vệ và giải thoát chúng ta khỏi các cám dỗ che dấu các ánh sao giúp chúng ta tiến đến gặp Chúa Giêsu. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng, các tự phụ, các thứ “ánh sáng” giả tạo của chúng ta để chúng ta can đảm tìm Chúa trong sự khiêm nhường của lòng tin và có thể gặp Chúa là Ánh Sáng.
5. Đức Tổng Giám Mục Silvato Tomasi nói Mỹ và Nga không làm gì cho các Kitô hữu bị bách hại
Đức Tổng Giám Mục Silvato Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, than phiền rằng Hoa Kỳ và Liên bang Nga “chỉ nói miệng” mà không làm gì trong thực tế để bảo vệ các tín hữu Kitô bị bách hại ở Trung Đông.
Đức Tổng Giám Mục Tomasi, người Mỹ, năm nay 75 tuổi, thuộc dòng thừa sai Thánh Carlo Borromeo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 3 tháng Giêng đã nói: “Cả Mỹ lẫn Nga đều nói về hòa bình và ủng hộ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông, nhưng cho đến nay không có bước tiến cụ thể nào. Trong lãnh vực này ai cũng biết chỉ có sự can thiệp của quốc tế mới có thể tái lập an ninh và trật tự tại Irak và Siria. Nhưng sự dấn thân của quốc tế bị chặn đứng vì những quyền lợi đối nghịch nhau giữa Mỹ và Nga. Thêm vào đó có những xung đột trong nội bộ Hồi giáo giữa người Shiite và Sunnit cũng như những đối nghịch chính trị nội bộ tại Siria và Irak”.
Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng cho biết Tòa Thánh muốn tìm cách đưa những phe đối tác khác nhau tới chỗ đối thoại với nhau. Ngài nói: “Nếu chúng ta không làm gì để tìm giải pháp hòa bình cho Trung Đông, thì chúng ta sẽ đồng chịu trách nhiệm về sự cáo chung sự hiện diện của Kitô giáo tại Iraq và Syria”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Tomasi, Tòa Thánh có thể có những dự án làm trung gian trong năm mới này. Gần đây, Tòa Thánh đã góp phần tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, và đã đạt được một thành công ngoạn mục về mặt ngoại giao.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục cũng khẳng định rằng “Chúng ta cần phải từ bỏ não trạng theo đó nếu có những khó khăn và vấn đề thì phải dùng con đường xung đột bạo lực để giải quyết chúng. Thực tế có những phương thế khác, cần kiến tạo sự tín nhiệm, để có thể nói chuyện với nhau và tìm những thỏa hiệp có thể được mọi phe chấp nhận”
6. Các Giám mục Thái Lan công bố Năm Thánh cầu nguyện cho Lễ Hiện Xuống mới
Các Giám mục Công Giáo Thái Lan đã tuyên bố “Năm Thánh” nhằm khôi phục lại nhiệt tình Tân Phúc Âm hóa và kỷ niệm 350 năm Công nghị đầu tiên ở Ayutthaya, Thái Lan. Năm Thánh trọng thể sẽ được đánh dấu bằng việc mở Đại Hội khoáng đại đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan với chủ đề: “Các môn đệ của Chúa Kitô sống Tân Phúc Âm hóa”, dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 25 tháng Tư, 2015. Các giám mục đã khai mạc Năm Thánh ở Thái Lan bằng ba hồi chiêng trong thánh lễ trọng thể vào ngày 06/12 vừa qua.
Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã quy tụ tại Lux Mundi, là Đại Chủng viện quốc gia ở huyện Samphran tỉnh Nakhon Pathom miền trung tây Thái Lan. Đức Cha Andrew Vissanu Thanya Anan, Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Thái Lan và là cựu Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, giải thích ý nghĩa của Năm Thánh như sau: “Năm Thánh là thời điểm thích hợp của ân sủng và lòng thương xót để tái khám phá nhiệt tình Phúc âm hóa, đã được các nhà truyền giáo thực hiện có hiệu quả trong quá khứ nhằm phối hợp các nguồn lực để đem lại sức sống mới cho các sứ mạng của Giáo Hội Thái Lan đối với các thách đố đang nổi lên ngày nay”. Ngài nói thêm: “một Lễ Hiện Xuống mới sẽ thúc đẩy Tân Phúc Âm hóa, hội nhập đức tin và văn hóa; và sẽ mang lại động lực giúp đối thoại liên tôn toàn diện trong bối cảnh châu Á”.
Bộ Truyền giáo đã chấp thuận việc cử hành “Đại Hội khoáng đại của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan” vào tháng Tư. Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavier Kriengsak Kovitavanij của Bangkok, Chủ tịch Đại Hội khoáng đại, đã chủ sự Thánh Lễ hôm 06 tháng 12 vừa qua để khai Năm Thánh. Một số chương trình đào tạo đức tin đã được lên kế hoạch cho Năm Thánh, nhất là tập trung vào việc dạy giáo lý và duy trì các Cộng đoàn Kitô nhỏ. Công nghị đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan đã được tổ chức ở cố đô Ayutthaya vào năm 1664. Tòa Thánh Vatican cũng đã phát hành con tem kỷ niệm đánh dấu 350 năm Công nghị Ayutthaya.
Hiện nay, dân số Công Giáo Thái Lan ít hơn 1 phần trăm dân số. Khoảng 95 phần trăm người Thái theo đạo Phật, và nhiều người trong số những người còn lại là người Hồi giáo, làm cho quan hệ liên tôn là một khía cạnh quan trọng của đời sống người Công Giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong 50 năm qua, Thái Lan đã chứng kiến việc thành lập hai Tổng giáo phận Bangkok và Tare-Nongsaeng vào ngày 18 tháng Mười Hai năm 1965 và sau đó đã thành lập sáu giáo phận mới tại Chanthaburi, Ratchaburi, Chiang Mai, Ubonratchathani, Udonthani và Nakhonratchasima.
7. Số các trung tâm phá thai ở Mỹ giảm liên tục trong 5 năm qua
Số lượng các trung tâm phá thai ở Mỹ đã giảm 23% trong 5 năm qua, National Catholic Register cho biết như trên dựa theo các số liệu từ Operation Rescue.
Theo thống kê tính đến cuối năm 2014, chỉ trong một năm qua, 73 trung tâm phá thai ở Mỹ bị đã bị đóng cửa.
Như thế là từ năm 1991, 75% các cơ sở phá thai ngoại khoa trong nước đã đóng cửa.
Tuy nhiên, các phong trào phò sinh ở Mỹ cảnh báo là người ta không nên quá lạc quan về sự sụt giảm này.
Thật vậy, sự sụt giảm số lượng các trung tâm phá thai có thể là do một số yếu tố khác nhau: thứ nhất là do việc sử dụng rộng rãi thuốc phá thai RU-486 thường được gọi hoa mỹ là “viên thuốc sáng hôm sau”, thứ hai là việc thông qua luật mới bắt buộc các trung tâm này phải nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho sản phụ trong tiến trình phá thai.
Các phong trào phò sinh cũng có một tác động không nhỏ. Sue Thayer từng là một bác sĩ phá thai, giờ đây bà hoán cải và kết hợp tích cực với nhóm 40 ngày. Đây là một nhóm phò sinh sẵn sàng cầu nguyện trước các trung tâm phá thai liên tục 40 ngày cho đến khi các trung tâm này đóng cửa. Gần đây, họ đã làm 2 trung tâm tại Knoxville và Storm Lake phải dẹp tiệm.
8. Cảnh sát bắt được người phá hoại hang đá ở Haverhill, Massachusetts
Cảnh sát ở Haverhill, Massachusetts bắt giữ một người phụ nữ vô gia cư hôm 30 Tháng 12, cáo buộc rằng bà này đã tấn công một nhân viên cảnh sát với một cây thánh giá đã được lấy từ một cảnh Giáng sinh bị bà ta phá hoại bên ngoài một nhà thờ Công Giáo địa phương.
Cảnh sát đã bắt giữ người phụ nữ, được xác định tên là Amarella Cermeno, sau khi các nhân chứng nói rằng bà ta đã có viết liên tục những con số “666” – là biểu tượng của Satan- đầy trên các bức tường bên ngoài của một nhà thờ Tin Lành. Bà ta còn tấn công một sĩ quan cảnh sát bằng một cây thánh giá kim loại.
Sau khi điều tra, cảnh sát tìm thấy trên cây thánh giá đã được lấy từ một hang đá thiết kế bên ngoài nhà thờ Thánh Tâm. Cảnh sát nói họ tin rằng tuần trước, tượng Chúa Hài Nhi Giêsu đã bị bà ta lấy đi và thay thế bằng đầu của một con heo mới bị giết.
Cermeno đã từng có tiền án với hàng loạt các tội hình sự.
Trong mùa Giáng Sinh 2014, đã có sự gia tăng những tấn kích nhắm vào các nhà thờ và hang đá Giáng Sinh ở Mỹ và Âu Châu.
Tại thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, sau khi Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp Urbi et Orbi, một phụ nữ người Ukraine trong nhóm Femen cởi áo, để ngực trần chạy trên quảng trường Thánh Phêrô, xông vào hang đá được trưng bày ở quảng trường giựt lấy tượng Chúa hài đồng. Một người cảnh sát đứng gần đó can thiệp kịp thời và giựt lại được tượng Chúa hài đồng.
Hôm 29 tháng 12, thông tấn xã AP cho biết người phụ nữ này tên là Yana Zhdanova, đã được hiến binh trả tự do và bị cấm không được vào lãnh thổ Vatican một lần nữa.
Cũng trong ngày Giáng Sinh, một tên phá hoại đột nhập vào một nhà thờ tại thành phố Douai, bên Pháp, chặt đầu tám bức tượng trong máng cỏ Giáng Sinh. Tờ La Voix du Nord báo cáo rằng cuối tuần trước đó, những kẻ phá hoại phun chữ thập Đức quốc xã vào tường nhà thờ. Để đề phòng phá hoại, ba nhà thờ khác tại thành phố Douai đành phải đóng cửa và chỉ mở ra cho anh chị em giáo dân vào bên trong nhà thờ mỗi khi có thánh lễ.
Tại Bailleul, một thị trấn chỉ có 14,000 dân, tượng Chúa hài đồng bị lấy cắp khỏi máng cỏ Giáng Sinh.
Tại Mönchengladbach, một thành phố có 250,000 dân ở miền tây nước Đức, 5 người trong đó có 4 trẻ em tự xưng là những người Hồi Giáo đã phá rối thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Chúng xông vào nhà thờ la hét những lời tục tĩu với các Kitô hữu đang dự lễ.
Tại Gross-Enzersdorf, một thị trấn ở miền đông nước Áo, nơi có 9,000 dân, một người nhập cư Hồi giáo Ai Cập đã dùng cưa để triệt hạ một cây thánh giá đã hiện diện tại ngôi nhà thờ này trong suốt sáu thập kỷ.
Một tuần trước lễ Giáng sinh, tại El Cerrito, California những kẻ phá hoại đã xịt sơn và vẽ bậy bạ lên máng cỏ Giáng Sinh.
Tại Berwyn, Illinois, một nhóm thanh niên chặt đầu tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse được đặt trong khu vườn của một tu viện trong khi hét lớn “Vạn tuế Satan”.
9. Những chiếc tàu chở hàng đầy người di cư trôi giạt ngoài khơi Ý
Một chiếc tàu thứ hai chở đầy người di cư – dường như bị bỏ rơi bởi thủy thủ đoàn – đang trôi giạt khoảng 64km ngoài khơi bờ biển phía nam của Ý.
Lực lượng không quân Ý đã cử một máy bay trực thăng đến chiếc tàu Ezadeen, mang cờ hiệu Sierra Leone, để thả lính biên phòng và các bác sĩ xuống con tàu này. Báo cáo sơ khởi cho biết trên tầu có 450 người di cư trong đó có nhiều trẻ em.
Chỉ trong một tuần qua, đây là lần thứ hai một câu chuyện tương tự đã xảy ra. Gần 1.000 người di cư, chủ yếu là người Syria, đã đến Ý hôm thứ Tư 31 tháng 12 sau khi một tàu chở hàng chở họ đi đã bị bỏ rơi ở vùng biển Adriatic. Trong năm 2014, Ý đã giải cứu khoảng 170,000 người di cư và người tị nạn trên biển khi họ cố gắng để vào châu Âu.
Câu chuyện này cho thấy sự tuyệt vọng của người Syria. Sau hơn 3 năm nội chiến, những người tị nạn Syria sống đói khát nơi những trại tạm cư đang trải qua một mùa đông khắc nghiệt trong sự hờ hững của thế giới. Họ không còn nhìn thấy tương lai ở Jordan, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ nên chấp nhận liều mạng vượt biển vào Âu Châu.
10. Người leo lên mái vòm Đền Thờ Thánh Phêrô biểu tình có thể bị truy tố
Một công tố viên Vatican dự định truy tố hình sự đối với một người đàn ông người Ý đã nhiều lần trèo qua mái nhà của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để biểu tình chống các chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu.
Marcello di Finizio đã bị giam giữ tại Vatican sau khi bị bắt vào hôm 21 tháng 12, sau khi ngủ qua một đêm trên mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô. Ông cột một đầu dây thừng vào một pho tượng và một đầu kia vào bụng mình để ngủ trên một độ cao đến 80m.
Đây là lần thứ 5 ông đã trèo qua mái nhà, cầm biểu ngữ và yêu cầu sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng trong cuộc chiến chống lại các chính sách của Liên minh châu Âu.
Một công tố viên Vatican sẽ liệt kê chi tiết những phàn nàn chống lại di Finizio, và một thẩm phán Vatican sẽ quyết định liệu ông có phải ra trước một phiên tòa hình sự hay không.
Đầu năm nay, ông trèo lên một cần cẩu tại thành phố Trieste và biểu tình trong suốt 80 ngày, mỗi ngày từ 8h sáng đến chiều, nhưng người ta không chú ý.
11. Canada công bố ngày 02 tháng Tư hàng năm là ngày “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”
Với 44 phiếu thuận và 26 phiếu chống Thượng viện Canada đã thông qua quyết định theo đó ngày 02 tháng Tư hàng năm là ngày “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”
Việc bỏ phiếu đã trở nên căng thẳng vì sự chống đối quyết liệt của Thượng Nghị Sĩ Serge Joyal đưa ra hôm 15 tháng 12. Serge Joyal là Thượng Nghị Sĩ tự do của Quebec. Serge Joyal cho rằng dự luật này nên bị phản đối bởi vì nó đi ngược lại Hiến chương về các quyền và tự do của Canada vào năm 1982.
Lý luận của Serge Joyal dựa trên những hiểu nhầm tai hại về đạo Công Giáo. Ông nói:
“Dự luật này cho phép công nhận pháp lý một hệ thống tư tưởng và nguyên tắc tôn giáo mà thường đi ngược lại một số quyền cơ bản được quy định trong Hiến chương về các quyền và tự do”. Ông ta đưa ra một thí dụ rằng đạo Công Giáo dạy rằng người phụ nữ phải tôn kính người đàn ông như tôn kính Chúa Trời. Thành thử, người phụ nữ không bao giờ được thụ phong linh mục, mà chỉ có người nam mới được.
Thật là đáng kinh ngạc trước những hiểu biết hoang đường như vậy của một ông Thượng Nghị Sĩ Canada.
12. Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho người Brazil nhân dịp 450 năm ngày khai sinh thành phố Rio de Janeiro
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp video cho người dân Brazil nhân ngày kỷ niệm 450 năm thành lập thành phố Rio de Janeiro, là thành phố lớn thứ hai của quốc gia này.
Nhắc tới bức tượng nổi tiếng của thành phố là tượng Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, Đức Thánh Cha đặt ra câu hỏi là Chúa Kitô nhìn thấy gì khi Ngài nhìn xuống thành phố này. Chúa Kitô thấy “vẻ đẹp tự nhiên” cũng như “sự tương phản tạo ra bởi sự bất bình đẳng xã hội rất lớn: sự sang trọng và đau khổ, bất công, bạo lực,” ngài nói trong video được phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra hôm 01 tháng 1.
Brazil đã trải qua những cuộc biểu tình bạo động trong suốt năm 2014. Đề cập đến điều này, Đức Thánh Cha nói:
“Giữa sự thờ ơ ích kỷ và những cuộc biểu tình bạo lực luôn luôn có một lựa chọn khác có thể được: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ, đối thoại giữa người dân với nhà cầm quyền, bởi vì chúng ta đều là người … Mọi người đều có một cái gì đó để góp phần xây dựng một nền văn minh công bình và huynh đệ hơn.”
Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Tôi tin rằng tất cả mọi người có thể học hỏi nhiều từ các ví dụ về lòng quảng đại và tình đoàn kết giữa những người đơn sơ nhất”.
13. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể viếng thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2016
84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội tại quốc gia này đang trải qua nhiều thách đố cam go chủ yếu vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và khuynh hướng duy đời cực đoan do thủ tướng Enda Kenny lèo lái từ tháng Ba năm 2011 đến này.
Tuy là người Công Giáo, ngày 20 tháng 7 năm 2011, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Enda Kenny tấn công Tòa Thánh trong một động thái chưa từng có từ hàng lãnh đạo cao cấp của quốc gia này. Kenny lên án mơ hồ nhưng rất nghiêm trọng rằng Giáo Hội đã cản trở việc điều tra các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ái Nhĩ Lan và đe dọa rằng “các mối quan hệ lịch sử giữa Giáo Hội và nhà nước Ái Nhĩ Lan có thể không được như trước nữa”.
Năm ngày sau đó, Tòa Thánh đã triệu hồi sứ thần Tòa Thánh tại nước này là Đức Tổng Giám Mục Leanza về Vatican như một cử chỉ biểu lộ “sự kinh ngạc, và thất vọng trước những phản ứng thái quá” của Enda Kenny.
Đức Tổng Giám Mục Charles Brown, năm nay 55 tuổi, quê quán ở New York, Hoa Kỳ đã phục vụ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 1994, đặc trách về các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngày 26 tháng 11 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan để thể hiện ý chí của Tòa Thánh giải quyết vấn đề trong công lý và tránh để các chính trị gia nước này biến vấn đề thành một dịp đầu cơ chính trị.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có ý định sang thăm Ái Nhĩ Lan nhưng bị các nhà lãnh đạo nước này cản trở.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 2 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Charles Brown cho biết là giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được lời mời chính thức của các nhà lãnh đạo nước này và Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Ái Nhĩ Lan vào năm 2016. Đó là một cuộc viếng thăm rất được người Công Giáo Ái Nhĩ Lan trông đợi.
14. Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland nhất quyết đưa chủ một tiệm bánh của người Công Giáo ra tòa (8/11/2014)
Bất chấp những thảo luận tại Quốc Hội về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland, ủy ban này trong một tài liệu dày tới 16 trang với những lý luận lòng vòng cương quyết ăn thua đủ với tiệm bánh Ashers Baking.
Ashers Baking Company, một tiệm bánh có quy mô của một thương nghiệp gia đình đã là nạn nhân mới nhất của Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland hồi tháng 11 vừa qua.
Trước đó, vào tháng Năm, 2014, QueerSpace, một tổ chức vận động đồng tính luyến ái ở Bắc Ireland, nơi hôn nhân đồng tính không được công nhận đã đến cửa hàng bánh này để đặt một số bánh trị giá chỉ có 36.5 bảng Anh, trong đó có ghi hàng chữ “Support gay marriage” – “Ủng hộ hôn nhân đồng tính”.
Gia đình người chủ tiệm bánh đã từ chối không làm số bánh này vì những hàng chữ trên đi ngược lại niềm tin của họ. Ủy ban Bình đẳng Bắc Ireland của chính phủ Bắc Ái Nhĩ Lan đã lập tức vào cuộc. Sau khi gửi nhiều thư hăm dọa, ủy ban đã chính thức tuyên bố sẽ truy tố tiệm bánh này vì “phân biệt đối xử” và vì “những thương tổn tâm lý trầm trọng gây ra cho những người đồng tính”
Daniel McArthur, quản lý tiệm bánh nói:
“Gia đình chúng tôi rất hoang mang và chịu một áp lực rất nặng nề. Chúng tôi chỉ là một thương nghiệp nhỏ với quy mô gia đình làm sao lấy đâu ra tiền để tranh cãi, kiện tụng với một cơ quan nhà nước được hỗ trợ dồi dào với nguồn tài chính bất tận từ tiền thuế của người dân.
Hàng ngày chúng tôi còn chịu những kẻ khiêu khích đến đây chửi rủa và lăng mạ nhưng nhà nước không quan tâm bảo vệ chúng tôi.
Asher Baking sẵn sàng phục vụ bất cứ khách hàng nào mặc kệ lối sống tình dục của họ nhưng chúng tôi không muốn bị buộc phải đề cao một chủ trương chống lại niềm tin Kinh Thánh của chúng tôi. Trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi chỉ biết cầu nguyện xin Thiên Chúa chỉ bảo đàng lành cho chúng tôi”.
Tuy nhiên, được sự nâng đỡ của giáo phận và của các phong trào Công Giáo, Asher Baking sẵn sàng chấp nhận cuộc chiến “David và Goliath”.
Giữa những chú ý rộng rãi của giới truyền thông, Quốc Hội đã thảo luận về quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban này một khi vụ kiện thất bại. Ủy ban có lẽ cũng đánh hơi được mình đã đi quá lố nên yêu cầu Asher Baking bồi thường cho một “Mr. Lee” nào đó, là người của QueerSpace đến đặt bánh, vì “những thương tổn tâm lý trầm trọng” của Mr. Lee này. Asher Baking từ chối. Ủy ban xuống nước yêu cầu Asher Baking làm bánh cho “Mr. Lee”. Asher Baking lại từ chối. Bây giờ, ủy ban đưa Asher Baking ra tòa và Asher Baking sẵn sàng ra tòa vì anh Daniel McArthur nói: “Ý Chúa muốn như thế”
15. Tổng thống Sierra Leone kêu gọi toàn quốc ăn chay trong một tuần để cầu nguyện cho đất nước sớm thoát khỏi trận dịch Ebola
Tổng thống Ernest Bai Koroma của Sierra Leone đã kêu gọi đất nước thực hiện một tuần ăn chay và cầu nguyện bắt đầu vào ngày thứ Năm mùng 1 tháng Giêng để trận dịch Ebola sớm kết thúc. Cho đến nay, Ebola đã giết chết hơn 2,700 người tại quốc gia này.
Trận dịch tồi tệ nhất trong lịch sử vẫn đang lan nhanh ở Tây Phi, đặc biệt là ở Sierra Leone, và số lượng các trường hợp tử vong trên toàn cầu được ghi nhận là đã vượt quá con số 20,000 người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho biết hôm thứ Tư 31 tháng 12.
Trong diễn văn đón năm mới, tổng thống Koroma nói bảy ngày cầu nguyện và ăn chay sẽ bắt đầu ngay lập tức. Ông nói: “Hôm nay tôi yêu cầu tất cả công dân khẩn xin ân sủng, lòng thương xót và sự phù trì của Thiên Chúa toàn năng”
Số người chết từ các ổ dịch, chỉ giới hạn ở Tây Phi thôi, đã lên đến 7,905 người, WHO cho biết, sau khi 317 trường hợp tử vong mới được ghi nhận vào ngày 24 tháng 12.
Sierra Leone là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Tây Phi với hơn 9,000 trường hợp nhiễm Ebola và số người nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng.
Tổng thống Koroma cũng cho biết là các trường học đã phải đóng cửa hàng mấy tháng qua để kiềm chế sự lây lan của virus. Ông bày tỏ hy vọng các trường học sẽ sớm được mở cửa trở lại. Nhiều trường học đang được sử dụng như trung tâm tạm giữ những người nhiễm Ebola.
16. Các nữ tu dòng Đa Minh Hoa Kỳ phát hành album mới nhan đề: Kinh Mân Côi, Mầu Nhiệm, Suy Niệm và Âm Nhạc
Sau thành công vang dội của album “Mater Eucharistiae”, nghĩa là Mẹ Thánh Thể, phát hành vào năm 2013, các nữ tu dòng Đaminh Mẹ Maria đã phát hành một album mới mang tên “Kinh Mân Côi: Mầu Nhiệm, Suy Niệm và Âm Nhạc “.
Mẹ bề trên Assumpta Long cho biết:
“Thật là một vinh dự cho tôi để được nói về kinh Mân Côi, trong tư cách một nữ tu dòng Ða Minh. Kinh Mân Côi luôn luôn là một phần không thể thiếu của dòng Đa Minh trong gần 800 năm qua, và cũng là một phần không thể thiếu được của Giáo Hội hòan vũ.”
Thính giả có thể theo dõi những mầu nhiệm trong kinh Mân Côi, được đọc và được hát bởi các nữ tu dòng Đa Minh. Mục tiêu của họ là làm cho kinh Mân Côi trở nên quen thuộc với tất cả mọi người.
Mẹ bề trên Assumpta Long cho biết tiếp:
“Tôi khuyến khích mọi người đọc kinh Mân Côi. Thực sự kinh ấy mang lại ơn ích cho chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết kinh Mân Côi sẽ mang đến cho bạn sự bình an khi bạn chìm đắn trong chiêm niệm. Bạn luôn có thể đọc kinh Mân Côi, cho dù bạn đang lái xe, cho dù bạn đang ở trên một xe buýt hoặc trên máy bay. Nếu bạn thức giấc vào ban đêm hãy chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Chúa chúng ta. “
Các nữ tu Đa Minh của Mẹ Maria, Mẹ của Thánh Thể, là một cộng đồng phụ nữ thánh hiến được hình thành vào năm 1997, với chỉ bốn nữ tu. Bây giờ họ có nhiều hơn 110 chị em ở Mỹ.
17. Vatican ra mắt chiến dịch để nói lên mối quan tâm của phụ nữ, thế mạnh, và những thách đố
Để thực sự lắng nghe phụ nữ. Đây là mục đích của một chiến dịch mới của Tòa Thánh mang tên “Cuộc sống của phụ nữ”.
Chiến dịch này được đưa ra bởi Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, để nhìn vào những điểm mạnh và những thách thức người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay phải đối mặt. Tất cả mọi thứ từ đức tin của họ cho đến những chuyện trong đời thường của một người phụ nữ .
Đức Ông Melchor Sanchez De Toca Alameda, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa cho biết:
“Chiến dịch này là thể theo lời mời gọi công nhận vai trò của phụ nữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thậm chí nó còn đi xa hơn vì nó phản ánh một ơn gọi của thời đại chúng ta là đem lại cho phụ nữ những vai trò và vị trí xứng đáng.”
Tòa Thánh kêu gọi các phụ nữ trên thế giới chia sẻ những mối quan tâm, hy vọng và kinh nghiệm của họ bằng cách đăng tải một đoạn video ngắn hay những hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội, dưới hashtag là #Lifeofwomen.
Đức Ông Melchor Sanchez De Toca Alameda cho biết thêm:
“Chúng tôi đang nhìn thấy một sự thay đổi có một ảnh hưởng trực tiếp đối với phụ nữ và văn hóa, vì vậy Hội đồng nghĩ rằng cách tốt nhất là tạo cơ hội cho phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm của họ thông qua hình ảnh và những câu chuyện.”
Trong một cuộc họp sẽ được tổ chức vào tháng Hai, một số câu chuyện cảm động nhất sẽ được chia sẻ với các Giám Mục và Hồng Y, để tiếp tục thảo luận về vai trò và vị trí của phụ nữ trong thế kỷ 21.
18. Các biện pháp an ninh được tăng cường trong dịp lễ Giáng sinh của Chính Thống Giáo Coptic
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 2 tháng Giêng cho biết là các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Coptic Ai Cập đã gặp gỡ các quan chức chính phủ để lập kế hoạch bảo đảm an ninh cho lễ Giáng sinh của Chính Thống Giáo Coptic, sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohammed Ibrahim nói rằng chính phủ đã hợp tác với Chính Thống Giáo Coptic tăng cường lịch trình tuần tra cảnh sát xung quanh các nhà thờ vào thời điểm có các nghi thức đón Giáng sinh.
Cuối tháng 12, các cơ quan an ninh Ai Cập đã phá vỡ một đường giây bắt cóc các tín hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo để đòi tiền chuộc mạng. Trong khi đó, từ đầu tháng 12, những người Hồi Giáo quá khích tại Ai Cập đã bắt đầu đăng tải nhiều lời kêu gọi khuyến khích việc tấn công các nhà thờ Kitô Giáo, nhất là tại các vùng có đông các tín hữu Kitô. Các lời nhắn trên Internet cũng thề sẽ trả thù bất cứ người Hồi Giáo nào giúp các Kitô hữu cử hành Mùa Giáng Sinh.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho hay: tại Ai Cập trong những ngày gần tới Lễ Giáng Sinh, internet thường được sử dụng để đe doạ tấn công các cộng đồng Kitô Giáo địa phương, nhất là tại Minya, Alexandria và Fayyum nơi các nhóm duy Hồi Giáo có liên hệ với Salafis và Huynh Đệ Hồi Giáo được coi là mạnh nhất.
Các đe doạ lần này có tính nghiêm trọng đến nỗi các nhà học thuật có thế giá phải lên tiếng tố cáo chúng. Amna Nosseir, một giáo sư tôn giáo và triết học và là khoa trưởng Phân Khoa Hồi Giáo Học tại Đại Học al-Azhar cho rằng những khẩu hiệu bài Kitô Giáo và những đe dọa chống lại họ nhân dịp Lễ Giáng Sinh chỉ là một phản bội đối với Hồi Giáo chính tông, và kêu gọi “người Kitô Giáo và người Hồi Giáo” bảo vệ các nhà thờ để các Kitô hữu Ai Cập cử hành phụng vụ của họ trong hòa bình. Ngay Fawzi al-Zafzaf, nguyên chủ tịch Ủy Ban Thường Trực Đối Thoại với Tòa Thánh, cũng cho rằng việc khích động hận thù tôn giáo chỉ có thể phát xuất từ “các kẻ thù của Quê Hương” vốn bác bỏ Hồi Giáo chân chính. Ông cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ thích đáng và mở các cuộc điều tra nghiêm chỉnh để tìm ra thủ phạm của những lời đe dọa này.
Những động thái quá khích của duy Hồi Giáo khiến Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa lên tiếng. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập đã dẫn tới việc vi phạm các thế cân bằng liên tôn và liên sắc tộc từng là đặc điểm của Trung Đông trong nhiều thế kỷ qua.
“Ngày nay, các lực lượng cực đoan và quá khích đã thò đầu ra và, khoác danh nghĩa tôn giáo, họ đã phạm nhiều tội ác trầm trọng: giết người, chặt đầu, xúc phạm các nơi thánh, triệt hạ các nhà thờ”.
“Kitô hữu ngày nay là nhóm tôn giáo bị bách hại hơn hết tại Trung Đông, họ bị đặt vào thế bị diệt chủng trên thực tế”.
(nguồn: Vietcatholic)