Gia Thất Thánh: tràn ngập hai tiếng yêu thương

 

Gia Thất Thánh: tràn ngập hai tiếng yêu thương

Gia Thất Thánh: tràn ngập hai tiếng yêu thươngHôm thứ năm vừa qua, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng Lễ Giáng Sinh.  Nếu có ai hỏi, lễ Giáng Sinh là lễ gì? Vâng, có phần chắc mọi tín hữu Công Giáo đều trả lời rằng, đó là lễ kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

 Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Đúng, nhưng chưa đủ, phải nói thêm rằng, “vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

 Sẽ rất là tự nhiên, nếu có ai hỏi, tại sao… tại sao “Người xuống thế” không như một “tôn ngộ không” được sinh ra từ một tảng đá ma thuật, hấp thụ tinh hoa của vũ trụ trời đất, nhưng lại “xuống thế” bằng hình hài một hài nhi được sinh ra trong một máng cỏ tại Belem? Thưa, câu trả lời, đó là: cũng chỉ vì “gia thất hai tiếng yêu thương”.

“Gia  thất” Vâng, Thiên Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia thất hoàn thiện, một gia thất tràn ngập hai tiếng yêu thương. Đó là gia thất nguyên tổ Adam-Eva.

Than ôi! Gia thất nguyên tổ, sau khi phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, hai tiếng yêu thương đã không còn. Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, Adam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Mất đi sự gắn bó, gia thất nguyên tổ mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, gia thất nguyên tổ trở thành một bãi chiến trường;  để rồi nơi đó kết thúc là một án mạng, người anh Cain đã giết chết em mình là Abel.

Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia thất”, người ta thường tự hỏi, “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac)

Vâng, đó là chuyện của con người, với Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh chép, Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14).  Thế nên, “Người” không thể để cho gia thất là đường đưa tới địa ngục. Vì thế,  gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa nhớ đến một cách đặc biệt, chính trong một gia thất “gia thất Na-da-rét”, Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một “Ngộ Không huyền thoại” với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng bằng hình hài một hài nhi, được sinh ra tại Belem, trong một gia đình, người Mẹ là một Trinh Nữ tên  Maria với người cha tên là Giuse. Một gia thất mà hôm nay chúng ta gọi là  “Gia Thất Thánh”.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua Gia thất Thánh: Maria-Giuse và Giê-su, đã được công bố ngay vào ngày hài nhi Giê-su được tiến dâng cho Thiên Chúa. Người công bố không ai khác hơn là ông Si-mê-ôn và bà Anna.

Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Thiên Chúa.

Hồi đó, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn, “Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ở trên ông”. Chính Thánh Thần đã “linh báo cho ông biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Ki-tô của Đức Chúa”.

Và quả thật, hôm đó, hôm  Gia Thất Thánh lên Giê-ru-sa-lem, không phải là chuyện “hên xui” nhưng do “Thần Khí thúc đẩy”, ông Si-mê-ôn cũng lên Đền Thờ. Chuyện kể rằng: “Vừa lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông liền ẫm lấy Hài Nhi trên tay…”

Kinh Thánh có chép “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Vâng, hôm đó, ông Si-mê-ôn không còn khắc khoải, không còn khắc khoải bởi vì giấc mộng của ông, nay đã thành sự thật, một sự thật đem lại cho ông nỗi vui mừng khôn tả, sự thật đó  được ông lớn tiếng nói rằng: “Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).

Ánh sáng đó, vinh quang đó  ông thấy, ông thấy từ nơi Hài Nhi mà ông đang ẵm trên tay. Ông chúc phúc, những lời chúc phúc đậm dấu ấn của nhà tiên tri, rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…” Chưa hết, ông còn nói tiên tri về bà Maria, rằng  “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x.Lc 2, …35).

Có một người đàn bà  tên là Anna. Chuyện kể rằng: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc…”.

Hôm đó, sau một ngày “làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền” Gia Thất Thánh trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Câu chuyện chép lại rằng “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (x.Lc 2, 40)

Vâng,  Gia Thất Thánh quả là một gia thất đúng nghĩa “gia thất hai tiếng yêu thương”.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh Gia Thất và đó là lý do vì sao phần Phụng Vụ Lời Chúa được trình bày qua trích đoạn Tin Mừng Luca (2, 22-40),  trích đoạn mô tả một phần sinh hoạt của một gia đình, gia đình  Gia Thất Thánh.

Với phần trích đoạn hôm nay, có bao giờ chúng ta tự hỏi, Tin Mừng Luca,  còn có nhiều trích đoạn khác, cũng nói về sinh hoạt gia đình của Gia Thất Thánh, hay hơn, ý nghĩa hơn, tại sao Giáo Hội lại chọn phần trích đoạn này, một trích đoạn toàn phải nghe những từ ngữ không vui, như: “ngã xuống , đứng lên, chống báng”, chưa hết, còn cả những từ ngữ nghe qua cũng phải giật thót tim, cũng phải u buồn sầu não, như: “lưỡi gươm… đâm thâu tâm hồn” v.v…?

Xin thưa, qua trích đoạn bài Tin Mừng hôm nay, chỉ cần một chút suy tư, chúng ta có thể nhận ra, Giáo Hội muốn gửi đến cho mọi người tín hữu một thông điệp, rằng: trong cuộc sống gia đình “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có cả sương mù và giá lạnh nữa”.(Louis Evely)

Thật vậy, hôm nay mừng lễ Thánh Gia Thất, có ai trong chúng ta lại không nghĩ đến “gia thất” của chúng ta? Nghĩ đến gia thất, không ai trong chúng ta mà không khỏi thổn thức, thổn thức vì có gia thất nào mà không hơn một lần bị “sương mù và giá lạnh” bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội cổ võ cho một “nền văn hóa sự chết”, có gia thất nào mà không có người “ngã xuống” – ngã xuống chỉ vì đã để cho hồn mình lạc vào những thú vui trần tục, đắm chìm vào những đam mê chóng qua?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội lớn tiếng truyền bá chủ nghĩa vô thần, có gia thất nào mà không đối diện sự  “chống đối”, chống đối nhau chỉ vì bất đồng niềm tin?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội trọng vật chất và coi đó như là thước đo sự thành đạt, có gia thất nào mà không có thành viên  bị “sương mù và giá lạnh” – sương-mù-ích-kỷ, giá-lạnh-tranh-chấp bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội chữ “tín” như là một thứ xa xỉ, có gia thất nào mà không hơn một lần bị sương-mù-phản-bội, bị giá-lạnh-ghen-tuông bao phủ?

Xưa, Gia Thất Thánh có bị “sương mù và giá lạnh”, có bị  “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn” thì cũng là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Còn ngày nay, gia thất chúng ta, nếu có bị “sương mù và giá lạnh”, nếu có bị  “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu” là vì  chúng ta chưa sống đúng “ theo luật Mô-sê”, một giới luật hôm nay chúng ta gọi là “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời”.  Mà “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời” nào có khó gì đâu ngoài việc “Mến Chúa – Yêu Người”. 

Là một Ki-tô hữu, đừng… đừng bao giờ chúng ta hỏi rằng, tôi phải “mến Chúa” như thế nào đây! Hãy nhớ lại xem, xưa kia, Đức Giê-su há chẳng đã nói  rằng: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (x. Mc 12, 29).

Hôm nay, Đức Giê-su – Người cũng sẽ nói với chúng ta, rằng “Nghe đây, hỡi những người Ki-tô hữu, Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.

Thế còn “yêu người” thì sao? Thưa Bạn, có lẽ chúng ta hãy nghe lời gợi ý của Lê Hựu Hà, qua nhạc phẩm “Yêu đời – Yêu người”. Vâng, anh ta đã gởi đến chúng ta lời gợi ý, rằng: “Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người. Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài. Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời. Dù là lời nghe chua cay, dù là lời thoáng qua tai”.  “Yêu người” như thế, phải chăng, cũng có thể được coi là cách chúng ta thực thi lời Thiên Chúa đã truyền dạy, rằng “Ngươi phải yêu người thân cận  như chính mình”? (Mt 22, …39)

Vâng, lời “gợi ý” và lời “truyền dạy” nêu trên, quả là “khó nuốt” đối với thân phận phàm trần như chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta không cố gắng mà “nuốt” thì, chẳng có một chút hy vọng nào, gia thất của chúng ta  sẽ là một gia thất an lành, hạnh phúc.

Còn nếu chúng ta sẵn sàng “nuốt”, nói rõ hơn, nếu chúng ta sẵn sàng thực thi lời “gợi ý” và lời “truyền dạy” nêu trên, có phần chắc, gia thất chúng ta sẽ là một gia thất hạnh phúc và bình an, có phần chắc, gia thất chúng ta sẽ là một gia thất hạnh phúc với đầy đủ niềm vui “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25, 1).

Thưa Bạn, bạn và tôi có ao ước gia thất mình hạnh phúc với đầy đủ niềm vui nêu trên? Nếu chúng ta thật sự  ao ước… gia thất chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa của hạnh phúc. Điều hạnh phúc nhất, đó là,  nếu có ai hỏi, gia thất bạn thế nào! Lúc đó, chúng ta sẽ chẳng ngần ngại  lớn tiếng trả lời: Tạ ơn Chúa, gia thất của tôi… Vâng, một gia thất tràn ngập “hai tiếng yêu thương”.

Petrus.tran

Để lại một bình luận