Niềm vui bên máng cỏ
Tôi cùng với một tình nguyện viên nữa, hai kẻ cuối cùng rời khỏi ngôi nhà của mái ấm tình thương Tê-rê-sa Can-cút-ta. Chúng tôi vẫy tay tạm biệt về phía những giọng nói ríu rít như chim sẻ của trẻ con, và giọng nói trẻ trung của những thanh niên trai gái, họ đang đứng đầy ngoài sân tiễn biệt đoàn chúng tôi ra về. Ra đến ngoài ngõ, một giọng nói rụt rè chợt vang lên bên tai tôi:
– Chị ơi, người mà chị nói có tên giống như ca sĩ Thanh Sử đang đứng đây đợi chị nè!
Tôi cười:
– Đâu? Sử đâu? Bắt tay chị một cái nào!
Một bàn tay con trai mà mềm mại, chìa ra cho tôi, tôi nắm lấy bàn tay ấy, hẹn hò:
– Cố gắng lên em nhé! Em có giọng hát hay lắm! Hy vọng chị em mình sẽ gặp lại nhau!
Hoàn cảnh đứa con trai đứng tận đầu ngõ để chào tạm biệt, đã theo tôi trên suốt chặng đường về. Tôi hy vọng những lời khích lệ của mình, cũng như cuộc viếng thăm của một số anh chị em khuyết tật Ki-tô Vua chiều nay, sẽ để lại trong tim người thanh niên ấy những rung động, và những rung động này sẽ trở thành một phần nghị lực giúp cho anh quyết tâm rời bỏ quá khứ buồn đau của mình.
Vâng! Có lẽ không riêng gì tôi, mà toàn thể những người có mặt trong chuyến viếng thăm hôm nay của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua đến mái ấm tình thương mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta, tất cả đều xúc động vì những gì diễn ra trước mắt. Người ta mô tả cho tôi hình ảnh một người đàn ông trung niên có dáng người hơi đậm, đang bế trên tay một đứa trẻ bé tẹo, đon đả chạy ra đón chúng tôi, tôi đoán đó là cha Mỹ. Người bạn độc nhãn của tôi vội chạy lại gần để nhìn cho rõ, rồi quay ra nói nhỏ vào tai tôi rằng: “Đúng là cha Mỹ rồi chị ạ!”. Cha Mỹ là người thành lập ra mái ấm, và cũng là người lo toan, chạy chữa, chăm sóc nuôi dưỡng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, những trẻ mồ côi và những người nghiện ngập, những người nhiễm HIV mà cha đã lượm lặt từ gầm cầu đường phố mang về trong những hoàn cảnh não nề và kiệt quệ.
Hôm nay chúng tôi đến thăm cha cùng các con và những người phụ việc của cha, với ước nguyện được chia sẻ và tặng quà Giáng sinh cho họ. Anh chị em chúng tôi lỉnh kỉnh mang theo bánh và nước ngọt, một ít đồ lặt vặt và một số nhạc cụ để cùng ăn và cùng hát cho nhau nghe. Cùng đi với chúng tôi có thầy đồng hành Giuse Đinh Văn Hán,OP. và thầy Giuse Nguyễn Văn Dũng, OP. Tất cả chúng tôi, những người khuyết tật Ki-tô Vua và các con của cha Mỹ ngồi quây quần bên nhau thành một vòng tròn ngay trước sân nhà. Cha giới thiệu với chúng tôi về từng hoàn cảnh của mười đứa trẻ đang sống trong mái ấm Tình Cha, về những cô gái lỡ lầm với những bào thai trong bụng rồi sẽ trở thành “cháu ngoại” của cha. Cha cũng nói về những khó khăn và thách đố mà những bạn trẻ cai nghiện, nhiễm HIV đang phải đương đầu. Người tình nguyện viên của tôi kể lại lời tâm sự của một phụ nữ đang cai nghiện rằng: “Ở đây buồn lắm em ơi! Có các em đến chị vui lắm! Cha Mỹ tốt với chị lắm! Trong những ngày chị cắt cơn, ói mửa tùm lum, ai cũng sợ hãi tránh xa, chính cha đã dọn rửa, đút cho chị ăn từng muỗng sữa và cho chị uống thuốc”.
Thật là một sự kết hợp kỳ lạ giữa chúng tôi, những người mù người què ngồi đàn hát cho những thanh niên trẻ tuổi nghe; và rồi, những con người tật nguyền yếu đuối tưởng đã xế chiều là chúng tôi, bỗng cảm thấy như mình phải có trách nhiệm nâng đỡ các bạn trẻ ấy! Tiếng đàn của những nghệ sĩ Ki-tô Vua (đó là cách gọi của cha Mỹ) đã khiến cho các bạn trẻ ở mái ấm tình thương bớt e dè, họ cũng cầm micro hát sôi nổi không kém gì chúng tôi. Cứ một tiết mục của Ki-tô Vua, lại đến một tiết mục của nhóm Xi-măng (đó là cách cha Mỹ gọi người nhà của cha). Sau mỗi tiết mục văn nghệ, cha đều có những lời khích lệ rất dí dỏm, rất khôi hài, cha đặc biệt khen ngợi những thành viên mà cha quen gọi là các con. Tôi hiểu nỗi lòng của cha. Ngay khi thấy đoàn người khuyết tật chúng tôi xuống xe, bế ẵm dắt díu nhau vào, cha cứ lăng xăng, trên tay bế em bé, miệng thì điều khiển các con đón tiếp khách. Cha nói: “Cha chưa bao giờ xúc động như hôm nay, vì thấy anh chị em khuyết tật đến thăm mái ấm. các anh chị đi lại đã khó khăn, không những đã đến thăm mà còn chia sẻ vật chất với cha…!” Tuy nhiên, cha nói tiếp, dù sao các anh chị vẫn còn có gia đình người thân vòng tay thương yêu. Những người trong mái ấm của cha phải đương đầu với rất nhiều nghịch cảnh, họ bị chính người nhà của họ bỏ rơi, họ bị phân biệt đối xử. Những đứa trẻ nhiễm HIV không được đi học, vì bị bạn bè xa lánh; những người lớn thì gặp phải những khó khăn khi đi xin việc làm, phải chịu áp lực dưới những ánh nhìn xa lánh của cộng đồng xã hội. Các anh chị là những người hạnh phúc, hãy cầu nguyện cho họ. Những người đang sống ở đây với cha đa phần không phải là người Công giáo, nhưng cha dạy cho họ biết chạy đến với Chúa và biết cầu nguyện.
Tôi hiểu nỗi lòng của cha, và chính các anh chị em khuyết tật cũng ghé vào tai tôi nói nhỏ: Đến đây mới biết còn có nhiều người khổ hơn mình. Anh chị em khuyết tật của tôi thường ngày nhút nhát mặc cảm, nay lại trở nên mạnh dạn quay sang hò reo cổ võ cho các bạn trẻ Xi-măng. Tôi chợt chú ý đến giọng hát người con trai đang hát solo bài “Bài Thánh ca buồn”, giọng hát trầm ấm khá truyền cảm, rồi giọng hát ấy chìm khuất vào âm thanh của tập thể (bài nào họ cũng hát tập thể). Nhưng rồi tất cả lại im lặng làm nổi bật lên giọng ca trầm buồn sâu lắng. Khi nốt nhạc cuối cùng của Bài Thánh ca buồn vừa dứt, với nhiệm vụ của một M.C. cho nhóm Ki-tô Vua, tôi phỏng vấn cha Mỹ:
– Thưa cha, thí sinh vừa hát solo trong “Bài Thánh ca buồn” vừa rồi, tên là gì vậy?
Cha dắt chàng thanh niên lại gần tôi, nói:
– Chị cứ hỏi trực tiếp anh này!
Tôi hỏi chàng thanh niên vừa đến trước mặt:
– Bạn tên là gì?
– Em tên Sử!
– Ồ tên bạn giống tên của ca sĩ Thanh Sử, người đã từng đạt giải nhất Tiếng hát truyền hình. Bạn có giọng hát ấm và truyền cảm lắm! Chúng ta đang ở trong một cuộc thi IDOL, theo sự đánh giá của ban giám khảo thì bạn rất xứng đáng với điểm 10, bạn là người hát hay nhất đêm nay. Tôi chúc bạn sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp!
Tiếng vỗ tay nổi lên râm ran như cổ võ tinh thần cho chàng ca sĩ tương lai. Trời đã bắt đầu lạnh, dẫu còn nhiều nghệ sĩ xung phong lên hát, nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Tôi đề nghị với cha Mỹ rằng tất cả mọi người cùng hát bài Hang Bê-lem để chúc mừng Chúa Giáng Sinh sớm, và đây cũng sẽ là bài hát chia tay… Cha Mỹ yêu cầu tất cả chúng tôi hướng về Hang đá, đến bây giờ tôi mới biết rằng ngay trước mặt tôi là một Hang đá với một ngôi sao lớn. Tôi được người ta xoay cho mặt hướng về máng cỏ Chúa Hài đồng. Và tất cả chúng tôi cất cao giọng hát, tôi có cảm giác như mình đang tham dự lễ Giáng sinh trong nhà thờ vậy. Lòng tôi tràn ngập niềm vui như trong một đêm Giáng sinh, nhưng rồi bỗng chùng xuống vì nhớ đến nhiệm vụ của mình là phải đứng ra nói lời chia tay với mái ấm tình thương này.
Thế nhưng, sau bài hát Hang Bê-lem lại xuất hiện một ca sĩ hát vọng cổ, chúng tôi vỗ tay hoan nghênh khích lệ tinh thần cho cô gái bước ra sân khấu. Một giọng ca ngọt ngào không thua gì các nghệ sĩ chuyên nghiệp, đến nửa bài hát, tiết mục đơn ca bỗng trở thành song ca, một giọng ca nam trổi lên cùng hát với đồng đội của mình… Rồi tôi nghe tiếng cười ồ vui vẻ, thì ra Thầy đồng hành của chúng tôi cũng tham gia vào tiết mục. Thầy và nữ ca sĩ vừa hát vừa múa. Cha Mỹ lấy một cành bông trong bình cài lên tóc của Thầy. Các bạn trẻ thấy vậy cũng đua nhau cài hoa lên tóc của hai nghệ sĩ múa… Cả chúng tôi lẫn các bạn trẻ đó có lẽ chưa bao giờ vui như thế, một tình yêu thương như tỏa ấm cả khu nhà. Cảnh chia tay thật là bịn rịn, những cô gái trẻ dắt mấy chị khuyết tật ra xe, luôn miệng nói:
– Các chị xuống chơi với chúng em nữa nhé! Ở đây, buồn lắm, chị ạ! Noel xuống chơi với chúng em nhé!…
Nghe vậy, lòng tôi cảm thấy man mác buồn. Ước chi tôi có thể biến những ước mơ của các bạn trẻ ở đây thành sự thật. Tôi chỉ biết thì thầm với Chúa Hài Đồng trong máng cỏ:
– “Chúa Hài đồng Giê-su ơi! Chúa hãy đến với họ trong đêm Giáng sinh này và ở lại với họ luôn mãi, Chúa nhé!”
21/12/2014
Ngòi bút nhỏ