Hãy dọn sẵn tâm hồn để Chúa đến
Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
“Cuối cùng thì bạn cũng đã đến!” Đó là câu nói với một người mà chúng ta đã phải đứng ở một góc đường chờ đợi. Sự mong chờ thêm nôn nóng nếu chúng ta gặp phải thời tiết xấu hay đang trong giờ cao điểm mọi người chen lấn nhau. Chúng ta nhìn đồng hồ, rảo mắt qua lại, tự hỏi rằng không biết người ấy sẽ đến bằng gì, đi bộ ư? Đến từ hướng nào nhỉ? Đi bằng taxi, xe buýt hay ô tô? Làm gì mà lâu đến thế? Mặt trời đang xế bóng và nhiệt độ đang thấp dần. Chờ đợi và thắc mắc khiến mọi thứ thêm trầm trọng vì sự bực dọc của chúng ta. Những gì làm tăng nỗi thất vọng và những nghi ngờ còn mang đến nhiều câu hỏi khác. Chắc họ quên buổi hẹn này rồi? Chúng ta có nhớ lộn giờ hay địa điểm không nhỉ? Chúng ta có nên kéo cổ áo lên để tiếp tục chờ đợi hay trở về nhà? Chúng ta cố gọi cho họ và chỉ nghe thấy câu trả lời tự động mà thôi! Giờ phải làm gì? Và khi cuối cùng họ cũng đến, chúng ta chào đón họ bằng những lời đại thể như : “Cuối cùng thì bạn cũng đã đến! Sao mà lâu vậy?”
Bài đọc ngôn sứ Isaia hôm nay trích từ “Isaia đệ nhị” (chương 40-45), được viết vào khoảng cuối thời kỳ dân Israel bị lưu đày sang Babylon (550 tCn). Phần đầu của sách Isaia (chương 1-39) tuyên bố rõ ràng rằng, nếu dân Israel không chịu thay đổi lối sống, họ sẽ phải chịu một kết cục thê thảm. Và sự việc đã xảy ra như thế. Quân Babylon đã phá hủy Israel và bắt dân thành làm nô lệ. Họ đã phải sống kiếp nô dịch; và trong lầm than, họ bắt đầu nghi ngờ Thiên Chúa của mình. Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Isarel? Bao giờ Người mới đến cứu họ? Điều gì đã khiến mọi sự kéo dài lâu đến thế ?
Bài đọc hôm nay mở đầu phần hai của sách ngôn sứ Isaia. Phải chăng đây là sứ điệp hy vọng mang đến niềm an ủi những người đang phải sống kiếp nô lệ? Nếu dân Israel tin vào lời của vị ngôn sứ thì quả đúng như vậy. Ngược lại, những năm tháng đau khổ cũng có thể khiến họ yếm thế và hoài nghi lời của Isaia. Có lẽ chúng ta có cùng tâm trạng hoài nghi giống dân Isarel xưa kia khi phải chán nản chờ đợi và tự hỏi không biết chúng ta có nghe lầm thông tin về cuộc hẹn của mình hay không. “Họ đã nói gì với tôi? Họ đáng tin đến mức nào? Chắc họ quên rồi? Còn tôi thì phải đứng đây, bực mình và bối rối !” Ngôn sứ Isaia tái khẳng định với những kẻ bị lưu đày rằng Thiên Chúa không quên họ dù họ có nghi ngờ Người. Thiên Chúa không bỏ mặc họ, dù họ đầy tội lỗi và bất trung.
Chúng ta hãy lắng nghe vị ngôn sứ khi thấy mình đang ở một góc đường chờ đợi ngay vào lúc này trong cuộc đời mình. Những lời của Isaia không khiến mọi sự được giải quyết ngay lập tức. Nhưng những lời đó thực sự khích lệ chúng ta thêm niềm hy vọng. Xét cho cùng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên chúng ta. Người biết những nỗi đau của chúng ta, nên Người ban những lời trìu mến và bảo đảm: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta…”
Lý do đầu tiên của sự an ủi này chính là Thiên Chúa đã tha thứ cho dân và Người đang đến với họ. Thiên Chúa mau đến để tha thứ và chữa lành. Một đại lộ đã được dọn sẵn, những con đường đã được san bằng, các thung lũng đã được lấp đầy – Thiên Chúa đang hối hả đến với chúng ta. Vì một lý do nào đó, có thể chúng ta phải chờ đợi lâu hơn, nhưng chúng ta đừng bao giờ từ bỏ hy vọng khi dựa vào những lời khích lệ của vị ngôn sứ và nương tựa vào niềm hy vọng mà lời ấy mang lại.
Giả thiết là chúng ta đang phải đợi ai đó ở một góc đường, giờ đã trễ, ánh đèn đang mờ dần và nhiệt độ ngày càng thấp. Cứ cho là chúng ta đang có những nghi ngờ liệu rằng mình có đến đúng chỗ và đúng ngày giờ hay không. Hay người mà chúng ta đang đợi sẽ không đến, nhưng khi đó có người mà chúng ta tin tưởng đến và bảo chúng ta rằng: “Tôi có thể đảm bảo với bạn là anh ta sẽ tới đấy. Đừng bỏ đi, cứ hãy sẵn sàng”. Và đó là công việc của thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là người đi trước Đấng Mêsia; một người được Thiên Chúa trao quyền để dọn đường cho Người.
Theo niên đại, Tin Mừng Máccô là quyển đầu tiên trong các sách Tân Ước. Những lời mở đầu sách công bố một sự “khởi đầu” (giống như sách Sáng Thế: ‘lúc khởi đầu…’). Thánh Máccô báo hiệu rằng Thiên Chúa đang thực hiện một điều gì đó mới mẻ với sự quang lâm của Đức Kitô – một kỷ nguyên mới, một giao ước mới và một dân mới đang được hình thành. Thế giới này đang mắc kẹt trong những khuôn mẫu cũ kỹ, tội lỗi, phá hoại, và Thiên Chúa đã quyết định làm một điều gì đó thật mới. Cái khởi đầu mới mẻ này sẽ không chấm dứt. Những ai chấp nhận Đức Giêsu trong kỷ nguyên mới mà Người giới thiệu, cuối cùng sẽ có được sức mạnh để phá tan những định mệnh chết chóc trong cuộc đời mình. Những lề thói cũ kỹ và những con đường gồ ghề không còn tiếp tục giới hạn được chúng ta. Đức Giêsu Kitô đã khởi sự một điều gì đó mới mẻ cho chúng ta và Ngài sẽ “rửa chúng ta trong Thánh Thần”, ngõ hầu chúng ta sẽ luôn có được một đời sống mới nhờ cuộc quang lâm của Người.
Thánh Máccô bắt đầu bằng việc tuyên bố: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Không có bất kỳ giới hạn nào trong những tin vui mà Đức Giêsu đến để công bố qua lời và hành động của Người. Chúng ta sẽ tiếp tục được nghe Tin Mừng Máccô mỗi Chúa Nhật trong năm phụng vụ mới mà chúng ta đã bước vào bằng Mùa Vọng này. Chúng ta lắng nghe thánh Gioan, người đi trước, công bố cuộc quang lâm của Đấng mà chúng ta hằng mong đợi. Vì Gioan là chứng nhân đáng tin cậy nhất, nên chúng ta hãy đáp lại lời công bố của ngài bằng cách dọn lòng của mình.
Thánh Gioan kêu gọi sám hối, không chỉ những tội này tội kia mà chúng ta đã phạm. Sám hối là một cuộc thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải thay đổi đường lối suy nghĩ và tái định hướng cuộc sống của mình. Thánh nhân mời gọi chúng ta xưng thú tội lỗi. Sự sám hối không đưa Thiên Chúa đến ngay trong cuộc đời chúng ta, thay vào đó, nó làm gia tăng nhận thức và khiến tri giác của chúng ta trở nên bén nhạy để biết được điều gì sắp xảy đến. Thánh Gioan quả quyết với chúng ta rằng Đức Kitô đang đến để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ trong chúng ta, và sự sám hối dọn sạch những bộn bề, lộn xộn trong tâm hồn, giúp chúng ta tự do để đón nhận Người vào thời khắc Người thực sự quang lâm.
Thánh Gioan đã chuẩn bị cho dân đón tiếp Đức Kitô bằng việc làm phép rửa cho họ tại sông Giođan. Nhưng chúng ta đã chịu phép rửa rồi. Vậy chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị cho một “khởi đầu” mới trong Đức Kitô? Chúng ta có thể canh tân niềm tin phép rửa của mình: trong suốt những ngày đầu của Mùa Vọng này, chúng ta tái cam kết sẽ chú tâm hơn đến Lời Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Thể, là ân sủng biến đổi chúng ta “dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ