Các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam – Chết Vì Danh Chúa Giêsu
Ngay từ khi mới nhận hạt giống Đức Tin. Đất Mẹ Việt Nam đã được thuấn nhuần bằng máu các vị Tử Đạo xuất thân trong hàng Giáo Sĩ ngoại quốc cũng như trong hàng Giáo Sĩ bản xứ và trong cộng đoàn Giáo dân Việt Nam. Lời nhận xét của Tertulianô xưa đã thành như di ngôn bất di bất dịch ngàn đời: “Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều Giáo hữu”. Tất cả các vị đã chung vai sát cánh trong lao khổ, trong hy sinh vun trồng thì cũng sát cánh trong cái chết vô cùng anh dũng để làm chứng tá cho Chúa Kitô: “Không có tình yêu nào lớn hơn sự hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Gioan 15,13.)
Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam: bách hại đạo như thế nào?
Theo sử liệu, hạt giống đức tin đã được gieo rắc trên quê hương đất nước chúng ta với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sĩ Inikhu vào năm 1533. Công cuộc truyền giáo mới ở trong giai đoạn khởi đầu mà đã bị thử thách nặng nề với cái chết vì đạo của chân phước Anrê Phú Yên vào năm 1644. Từ đây Giáo hội Việt Nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại, có lúc đẫm máu, qua các thời đại các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt với nhóm Văn Thân.
Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình phạt dã man để khủng bố tinh thần các thánh Tử đạo Việt Nam, nhưng các Ngài đã anh dũng chịu đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa.
Những hình phạt man rợ:
–Bá đao: bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Cách chết này có một vị.
– Lăng trì: chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.
– Thiêu sinh: bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.
– Xử trảm: bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.
– Xử giảo: bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.
– Chết rũ tù: bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.
Kế họach PHÂN SÁP của vua Tự Đức, một kế họach quá sâu độc địa!
Nhưng cũng để cho chúng ta biết rằng trong mọi biến cố lúc nào cũng có bàn tay quan phòng của Chúa, sự khôn ngoan của loài người chỉ là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa.
Kế hoạch Phân Sáp được Vua Tự Đức cho thi hành vào năm 1851 và 1856.
Do sự thi hành kế hoạch Phân Sáp này mà gần 400.000 giáo dân phải bị đi phân sáp, trong đó có từ 50.000 đến 60.000 giáo dân phải chết nơi phân sáp, 100 làng công giáo bị tàn phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 Linh mục Việt nam và 10 giáo sĩ ngọai quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2.000 nữ tu Mến Thánh giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh giá chết vì Đạo. Kế họach phân sáp gồm bốn mặt :
-
Mặt thứ nhất, không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương.
-
Mặt thứ hai, mỗi người công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật.
-
Mặt thứ ba, các làng công giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước.
-
Mặt thứ bốn, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi.
Đây là một kế họach rất sâu độc, nhằm tiêu diệt Giáo hội Việt Nam tận gốc rễ. Nhưng bàn tay Chúa dẫn đưa lạ lùng: các triều đại nhà Nguyễn không còn nữa, mà Giáo hội Việt Nam, hiện nay, vẫn mạnh và vươn lên.
Có nhiều lý do đẫn đến cảnh bách hại: vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị. Trong vòng 300 năm, Hội thánh Việt nam đã dâng cho Chúa một số chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Con số thực sự của các tử đạo tại Việt nam cũng không có được thống kê chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người. Các Thánh tử đạo tại Việt Nam cũng rất đa dạng, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa và ngành nghề xã hội: các Giám mục, Linh mục, Linh mục thừa sai Pháp và Tây ban nha, bên cạnh các Linh mục là chủng sinh, thầy giảng và giáo dân, có những cụ già và thanh niên, binh lính, thầy thuốc, quan chức….
Giáo hội tuy còn non nớt, còn đang trên đà truyền giáo, nhưng ngày 19.06.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 chứng nhân anh dũng và đưa vào niên lịch chung để mừng kính trong toàn thể Giáo hội vào ngày 24 tháng 11 hằng năm là ngày kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm tại Việt nam vào năm 1960.
Các ngài, theo thị kiến của Thánh Gioan, tác giả cuốn Khải Huyền, là những người “tay đang cầm ngành lá chiến thắng… là những người từ những cơn đại họa trở về. Họ giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7,9 và 13,14.) Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hiên ngang lãnh cái chết bằng nhiều hình khổ dã man như:
– 75 vị đã bị xử trảm quyết (bị chém rơi đầu.)
– 22 vị bị xử giảo (bị giây thừng thắt cổ.)
– 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.
– 6 vị bị thiêu sống.
– 5 vị bị lăng trì (bị phân từng mảnh thân thể và bị xẻo từng miếng thịt!)
Kiên cường chịu đựng như trên, có nghĩa là ân sủng Chúa hoạt động trong linh hồn các Thánh trong giờ Tử Đạo đã lên tới mức tột độ: “Tình yêu hùng mạnh như tử thần, lòng ganh tị của tình yêu mãnh liệt như âm phủ, ngọn lửa tình yêu là ngọn lửa hào hùng nung nấu. Tình yêu, dù thác lũ cũng không thể dập tắt, dù hồng thủy cũng không thể nhận chìm” (Diệu ca 8,67.)
PTH (Sưu tầm)