Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…
Ngày 26/05/2014 vừa qua, toàn thể nước Mỹ kỷ niệm ngày chiến sĩ trận vong. Ngày lễ này được tổ chức với mục đích để ghi nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến, những quân nhân đã hy sinh cho tổ quốc Hoa Kỳ. Hôm đó, quốc kỳ Mỹ được để rủ cho đến trưa ngày thứ hai theo giờ địa phương. Nhiều người dân Mỹ tới viếng thăm các nghĩa trang và các đài kỷ niệm. Tại các nghĩa trang trên toàn quốc, người thân, bạn bè của những quân nhân đã ngã xuống tới cắm cờ tưởng nhớ họ.
“Tưởng nhớ” những người đã “ngã xuống” cho tổ quốc, vâng, đó là một việc phải làm. Khi nói tới tưởng nhớ, Chúa Nhật tuần này, ngày 16/11/2014, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có một cuộc “tưởng nhớ”, đó là, tưởng nhớ những người đã “ngã xuống” cho niềm tin – “niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô”, và theo truyền thống , các vị này, chúng ta gọi họ là các Thánh Tử Đạo Việt Nam .
“Tử Đạo là gì?” Thưa, là , chấp nhận hy sinh, ngay cả tính mạng của mình, cho niềm tin mà mình đã tin theo. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tin vào Chúa Giêsu, đã trung thành theo Chúa Giêsu, đã sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì tuyên xưng niềm tin của mình.
Có rất nhiều hình phạt cho họ. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết. Án nhẹ nhất, đó là khắc lên trên trán hai chữ “tà đạo” . . .
Thật ra, trước những sự tàn bạo đó, không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những chuyện này đã được Đức Giêsu tiên báo trong những ngày Ngài còn tại thế, rằng: “Anh em hãy coi chừng… người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24, 4-…9).
Xưa, trong một lần lên Giêrusalem, khi loan báo về cái chết của Người, một cái chết để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã phán rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Và ngày nay, các thánh tử đạo Việt Nam đã vâng theo lời truyền dạy của Thầy Giê-su, sẵn sàng “chết đi”. Chết đi để trở thành những ““Martyr”, những Martyr của niềm tin và tình yêu thương.
Như Roma vào những thế kỷ đầu, với ba trăm năm bách hại, Việt Nam vào những thế kỷ sau cũng lãnh chịu ba trăm năm, trải qua sáu triều đại: Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Có rất nhiều “Martyr” ở khắp nơi trên thế giới, với những Martyr Việt Nam, cũng vào khoảng hàng trăm ngàn người, trong số đó, có 118 vị chính thức được tôn phong.
Được tôn phong là bởi các ngài đã hy sinh bản thân mình, sống đúng như lời Thầy Giê-su giảng dạy, rằng “không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) .
“Hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Vâng, đơn cử đó là tấm gương của ba người: linh mục Gioan Đạt – thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đỉnh Viên.
Với linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”.
Với thừa sai Gagelin Kính, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.
Còn với linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (*)
Qua những chứng từ trên, có thể nói rằng, các thánh tử đạo Việt Nam đã để lại cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về một đời sống đức tin và sự trung tín.
Vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay toàn thể Giáo Hội kính cẩn tưởng nhớ đến các ngài, tưởng nhớ không bằng cách “để cờ rủ”, nhưng là đồng thanh cất lên tiếng ca “Dâng về Thiên Chúa”, những người con ưu tú của Giáo Hội, là những người đã “anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu” (**)
**
Lịch sử Ki-tô giáo đã hơn hai ngàn năm có lẻ. và cũng như xưa, ngày nay, đâu đó vẫn còn không ít người Ki-tô hữu, chỉ vì trung thành với niềm tin vào Chúa, họ đã phải chịu tử vì đạo.
Thì đây, tại Trung Đông, nhóm phiến quân ISIS quá khích, đi tới đâu, họ đã và đang ép buộc, cưỡng bức, thậm chí giết hại những người Công Giáo, cũng như các giáo phái khác tại Syri, Irak. Họ buộc các tín hữu Ki-tô giáo bỏ đạo. Họ bắt tất cả những người dưới quyền kiểm soát của họ theo đạo Hồi (thuộc nhóm quá khích), nếu không tuân lệnh, những người đó phải rời bỏ quê hương, hoặc sẽ bị giết một cách dã man.
Theo tin tức được lưu truyền trên mạng lưới điện báo, một bé gái Công Giáo mới 2 tuổi đã bị phiếm quân ISIS chặt đầu trước mặt bà mẹ và những người thân của cháu. Cuộc thảm sát đó được thực hiện gần bên cạnh một thánh đường. Hôm đó, nhiều người Kitô hữu buộc phải đổi sang Hồi giáo, nếu không, họ sẽ cùng chung số phận như em bé gái.
Sự bách hại vẫn còn xảy ra, cho đến ngày tận thế. Đừng quên, Đức Giêsu đã chẳng nói rằng: “Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22, 31).
Có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Nhưng chắc chắn chúng ta vẫn bị Sa-tan, cũng như con cái của nó, “sàng sảy” cách này cách khác.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, hôm nay, cái mà Sa-tan luôn đem ra “sàng sảy” chúng ta, đó là cái gì? Phải chăng, đó chính là sự trung tín? Phải chăng, đó là sự trung thành với với nhiệm vụ đã được giao, với những lời thề hứa?
Đúng vậy, ngày nay, sự trung tín như thể là một món quà quý hiếm. Sự trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa như thể biến mất khỏi thế gian.
Hằng ngày, không biết bao nhiêu lần, chính người thân yêu ta hại ta, chính người đồng nghiệp ta hại ta, bởi, chỉ vì họ bất trung, bất tín, bởi, chỉ vì họ không trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.
Mỗi ngày, chúng ta nghe không biết bao nhiêu vụ “ly dị”. Những hành động phụ bạc xảy ra chóng mặt khiến chúng ta không thể không nhớ đến lời ngôn sứ Mi-kha: “Kẻ hiếu trung đã biệt dạng khỏi xứ, không còn người lương thiện chốn dương gian. Tất cả đều đợi dịp gây đổ máu, người này đặt lưới dò hãm hại người kia” (Mk 7, 2)
Thế nên, tử đạo, với chúng ta hôm nay, không phải tử đạo giống như người xưa, nào là bị chém đầu, phân thây, tùng xẻo v.v… nhưng là tử đạo trong cuộc sống thường ngày, bằng một đời sống trung tín, bằng một đời sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.
Hôm nay, chúng ta cảm nghiệm gì khi tưởng nhớ đến các thánh tử đạo Việt Nam? Nên chăng, hãy cảm nghiệm rằng, là một Ki-tô hữu, như người đầy tớ được chủ gọi đến “giao phó của cải của mình” trước khi sắp đi xa. (x Mt 25, 14-30), chúng ta cũng được”ông chủ Giê-su” giao phó những gì Ngài đã và đang giao phó. Vâng, hôm nay, có thể ông chủ Giê-su sẽ giao phó cho ta “năm yến, hai yến, hoặc một yến”.
Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta chức vụ Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận, ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, hứa “sống độc thân vì Nước Trời”? Hay ta lại “tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau” chiêm ngắm một mỹ nhân nào đó, để rồi trong một phút yếu lòng, ta rơi vào thảm cảnh “hồn lỡ sa vào đôi mắt em” đầy hối tiếc!
Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta thiên chức làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Ta nhận hay ta từ chối? Về chuyện này, đương nhiên là nhận, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phải không thưa quý vị!
Vâng, nếu nhận, ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”? Hay chỉ vì một chút “đời buồn vui” ta lại cất tiếng ca “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”?
Có thể ông chủ Giê-su trao cho ta nhiệm vụ là một bác sĩ, là một lương y. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận, ta có sống trung thành với lời thề , lời thề Hypocrat: “…Người yếu đau, bệnh tật
phải cứu chữa tận tình, không tư lợi cho mình, luôn đề cao y đức…”? Hay chỉ vì “…những đồng tiền quái đản, đã quật ngã được anh… anh tặc lưỡi làm liều – phong bì đưa bao nhiêu, anh vẫn còn thấy ít!”, để rồi “anh ngoảnh mặt làm ngơ, trước nỗi đau người bệnh”? (***)
Còn… còn rất nhiều nhiệm vụ (yến bạc), ông chủ Giê-su sẽ giao phó cho chúng ta. Vấn đề của chúng ta, đó là, khi “ông chủ (Giê-su) đến tính sổ và thanh toán sổ sách”, chúng ta có thể chứng minh rằng, “tôi đã gây lời được năm nén, hai nén”, nói rõ hơn, rằng “tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” mà ông chủ đã giao phó hay không?
Hay chúng ta lại than thở rằng “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vay. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn yến bạc của ông dưới đất” rồi!
Vâng, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, bao năm qua, là một Ki-tô hữu, là người “đầy tớ của Đức Giê-su”, với những gì Ngài đã giao phó cho tôi, tôi có làm cho “sinh lời” hay tôi đã đem “chôn” dưới đất?
Đem chôn ư! Ôi! ta không sợ ông chủ Giê-su sẽ gọi ta là “tên đầy tớ vô dụng” sao? Ta không sợ bị “quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” sao?
Các thánh tử đạo Việt Nam, có phần chắc, các ngài đã không “đem chôn những yến bạc” mà ông chủ Giê-su đã giao phó. Các ngài đã sinh lời, việc sinh lời đó được minh chứng qua sự trung tín và lòng trung thành trong đức tin của các ngài, nó được đóng ấn bằng chính việc tử vì đạo của các ngài.
Trở lại sự kiện ngày lễ chiến sĩ trận vong. Vâng, ngoài việc tưởng niệm, nó còn là ngày bắt đầu cho mùa nghỉ hè tại Hoa Kỳ. Và theo truyền thống, đây là ngày có những mặt hàng “sale” đặc biệt. Và tất nhiên, người dân nói chung, không bỏ qua cơ hội này để mua sắm, một sự mua sắm rất hữu ích cho những ngày nghỉ hè, những buổi picnic hay những buổi họp mặt thân hữu.
Thế còn ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta thì sao? Ngoài việc tưởng niệm, chúng ta nên chăng, coi lại xem hành trang đến gặp ông chủ Giê-su “thanh toán sổ sách” còn thiếu những gì để mà mua sắm?
Vâng, hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có món quà “đức tin”, tin vào ông chủ Giê-su, rằng, Người không phải là một “người hà khắc”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có nóm quà “trông cậy”, trông cậy vào ông chủ Giê-su, rằng Người là Đấng giải thoát ta khỏi những “thủ hạ của Sa-tan được sai đến vả mặt (ta)”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có món quà “đức mến”, một nhân đức giúp ta thi thố nhiệm vụ ông chủ Giê-su giao phó một cách ngoạn mục?
Nếu chúng ta còn thiếu những “món hàng nhân đức” nêu trên, hãy đến gian hang mang tên Giê-su mà mua sắm. Không cần tiền bạc, chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn nguyện cầu như thánh Phao-lô đã nguyện cầu rằng: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này”, sau ba lần nguyện cầu, thánh nhân xác định, rằng: Đức Giê-su “Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cor 12, 7-9).
Với ơn của Chúa, ơn có đức tin, đức cậy và đức mến, đó chính là giáp sắt, là khiên mộc để chúng ta, như lời thánh Phao-lô khẳng định, rằng: “nhờ đó, (chúng ta) sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 5, 16)
Một khi “mọi tên lửa của ác thần bị dập tắt”, hãy tin, sẽ chẳng còn trở ngại nào ngăn cản chúng ta “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”.
“Sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”, đó chính là cách tốt nhất cho cuộc sống “tử vì đạo” hôm nay.
Thưa Bạn… Bạn và tôi, chúng ta hãy nhìn lại chính mình mà tự hỏi, tôi có noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”?
Đừng quên, lối sống này, chính là lối sống đã được ông chủ Giê-su khen tặng, rằng “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (x. Mt 25, 22).
Petrus.tran
*****
(*) “Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam” – Lm PX. Đào Trung Hiệu. OP.
(**) “Bài ca ngàn trùng” – Lm Kim Long.
(***) Thơ Lê Trường Hưởng.