Cuộc sống mai hậu
Kn 3,1-9; Rm 5,5-11; Ga 6,37-40
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Hồi còn bé, tôi nghe người ta, mỗi khi nhắc đến người đã khuất đều nói: “Xin họ được an nghỉ”. Những lời này được bộc lộ với sự thành tâm nguyện xin, ngay cả nơi những người mà rất hiếm khi cầu nguyện. “Xin họ được an nghỉ”. Đôi khi chúng ta cũng thốt ra những lời ấy như một sự an ủi đối với những người phải chịu đựng đau đớn kéo dài. “Xin cho bà ấy được nghỉ yên,” – dường như với hàm ý rằng “bà ấy thực sự đã được mãn nguyện rồi.”
Một người bạn của gia đình tôi sống ở viện dưỡng lão 14 năm. Bà ấy bị liệt do rối loạn chức năng não. Bảy năm cuối đời, bà phải nằm liệt giường và đón nhận mọi sự chăm sóc. Bà chỉ có thể xòe ra và nắm tay lại. Gần đây, khi cùng với chị gái đến thăm bà, tôi nhận thấy kể từ lần ghé thăm, tình trạng sức khỏe của bà xấu đi rất nhiều. Tôi thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đưa bà về quê hương, và xin cho bà được nghỉ ngơi trong bình an”.
Chúng ta mong muốn những người đã ra đi tìm được sự bình an, nhất là những người phải chịu đau đớn kéo dài, những người bị giết trong cuộc chiến và xung đột tôn giáo, những người sống trong nghèo khổ tủi nhục, những người vô gia cư với cuộc sống lang thang đường phố, và những người bị căn bệnh ung thư tàn phá. Thiếu may mắn thì chúng ta cũng có thể thêm tên mình vào danh sách này. Chúng ta biết rất nhiều người chết quả là một sự giải thoát cho họ “Xin họ được nghỉ yên….muôn đời”. Nhưng ngay cả những người đang sống bình an đây, rồi cũng sẽ đối diện với cái chết vào một ngày nào đó.
Quý vị còn nhớ dụ ngôn ông phú hộ xây các kho thóc lớn hơn để tích trữ hoa màu đầy tràn chứ? Nhưng Thiên Chúa phán với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Ai trong chúng ta cũng phải chết. Ngày lễ hôm nay tưởng nhớ những người đã ra đi trước, đồng thời nhắc nhớ chúng về cái chết của riêng mỗi người. Những người chết đi về đâu? Họ đã thấy gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi nhắm mắt lìa đời để rồi bước vào cuộc sống đời sau?
Kinh Thánh không nói gì về tiện nghi trên thiên đàng. Các nghệ sĩ, đủ mọi trình độ, đã họa lên bản phóng tác của mình về những gì đang chờ đợi chúng ta sau khi chết đi. Các bức họa của họ có màu sắc rực rỡ với vô số thiên thần và con người xung quanh ngai của Đấng Tối Cao. Khi các nhạc sĩ nỗ lực viết nên “điệu nhạc thiên quốc”, họ thường thêm vào đàn hạc, kèn trum-pét và trống định âm ấn tượng. Có phải đó là những gì chúng ta sẽ nghe trên thiên đàng không? Nhưng Kinh Thánh lại nói với chúng ta: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2,9).
Chúng ta, những con người bình thường, cùng với những nghệ sĩ đó, sẽ tiếp tục thử tưởng tượng xem cuộc sống sắp tới sẽ như thế nào, điều đó là tự nhiên thôi. Chúng ta thậm chí còn muốn có một cuốn sách trong bộ Kinh Thánh, bên cạnh cuốn Khải Huyền, mô tả tất cả viễn cảnh thiên đàng dành cho chúng ta. Nhưng đã không có cuốn sách như thế. Vì thế chúng ta phải quay trở lại với Kinh Thánh, tựa như các bài đọc hôm nay không đưa ra một hình ảnh hay âm thanh nào ghi nhận cuộc sống sắp tới là gì, nhưng cung cấp cho chúng ta những điều để chúng ta cột chặt niềm hy vọng của mình vào đó.
Tác giả sách Khôn Ngoan không mô tả bức tranh thiên đàng. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi tin tưởng “linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa”. Chúng ta biết những gì thường xảy ra với “người công chính” ở cuộc sống này. Họ phải chịu đựng những hệ quả của những hành động và lời nói chính trực của mình. “Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt là vì cuộc sống công chính của họ”. Nhưng người công chính có Thiên Chúa là động lực và sức mạnh cho họ. Thiên Chúa ra tay che chở khi họ chịu thử thách ở cuộc sống này và dẫn đưa họ đến cuộc sống mai hậu. Họ ở “trong bàn tay Thiên Chúa”. Đau khổ của họ nơi thế gian này sẽ có giá trị cho họ trong cuộc đời sau, ở đó họ sẽ chiếu sáng và “như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy”. Nếu đã sống cuộc đời thánh thiện, họ sẽ giống như những tia sáng và ánh lửa bốc cháy và chiếu rọi chúng ta khi chúng ta, giống như họ, bước theo đường công chính của Thiên Chúa.
Đối với sự suy luận thuần túy, niềm tin của chúng ta vào đời sống mai hậu và sự phục sinh thân xác là hoàn toàn không có ý nghĩa. Kính viễn vọng Hubble được Nasa giới thiệu vào năm 1990. Nó bao quát được trái đất và có được tầm nhìn về vũ trụ vượt quá mọi thứ chúng ta có trên hành tinh này. Kính viễn vọng có thể thấy tầm xa cách đây khoảng 10-15 tỉ năm ánh sáng. Tầm nhìn sâu xa nhất về vũ trụ thì xa đến như thế. Nó cho thấy chi tiết về vũ trụ, chưa bao giờ được hình dung trước đó và khám phá ra được nhiều thứ chưa bao giờ biết cho đến ngày nay. Chẳng hạn, kính viễn vọng Hubble có thể xác định niên đại của vũ trụ khoảng 13-14 tỉ năm (có thể sai sót khoảng 1 hay 2 tỉ năm); nó giúp khám phá sức mạnh huyền bí được gọi là “năng lượng bí ẩn”, các nhà khoa học nghiên cứu xem dãy ngân hà được hình thành thế nào, nhờ kính viễn vọng Hubble. Nhờ lượng thông tin mà kính viễn vọng Hubble cung cấp mà hơn 10.000 bài báo khoa học đã ra đời.
Kính viễn vọng Hubble hướng tầm quan sát đến những hố sâu nhất của vũ trụ mà vẫn chưa phát hiện ra dấu vết của “cổng thiên đường”. Tuy vậy, tác giả sách Khôn Ngoan viết vào khoảng năm 60 tr. CN, đã có thể nói cho chúng ta biết về tình trạng của những người đã khuất – và những gì đang chờ đợi chúng ta. Nhà khôn ngoan cho chúng ta biết những điều mà không một kính viễn vọng, không một quyền lực nào có thể nói cho chúng ta về những người thân yêu đã qua đời của chúng ta: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa”. Như thế, chẳng phải chúng ta có thể yên tâm và chắc chắn rằng “Họ đã yên nghỉ” sao?
Thật an ủi khi biết rằng những người đã chết do các cuộc khủng bố, cách mạng, tranh chấp nội bộ, chiến tranh tôn giáo, dịch Ebola,… đang được hưởng “an bình” và sự chở che của Thiên Chúa. Như thế, trong niềm tin, lời cầu nguyện của chúng ta: “xin họ được nghỉ yên” có được sự bảo đảm.
Lời Chúa hôm nay là một phần diễn từ Bánh Sự Sống trong Tin Mừng Gioan, tiếp theo sau việc hóa bánh ra nhiều. Đức Giêsu hứa rằng những ai “thấy Người Con” (tin vào Người Con) sẽ có sự sống đời đời. Tin Mừng Gioan thường dùng thì hiện tại để cho thấy rằng sự sống đời đời khởi sự ngay từ bây giờ cho những ai tin vào Đức Giêsu. Quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể và đón nhận Bánh Sự Sống là chúng ta tham dự vào sự sống đời đời – cuộc sống vinh phúc ấy đang dành cho những người đã được nuôi dưỡng bởi cùng một lương thực thần thiêng và đã ra đi trước chúng ta.
Cách đây vài năm trong một Thánh lễ, một người vô gia cư tiến lên rước Thánh Thể. Sau khi nhận lấy Thánh Thể trên tay, ông ta quay lại những người phía sau, để biểu lộ niềm xác tin của mình vào Thánh Thể như một bảo chứng cho tương lai. Rồi ông rước Mình Thánh và trở về chỗ ngồi. Đó là những gì tôi tin Đức Giêsu đã hứa cho chúng ta trong Thánh Lễ này. Một ngày nào đó chúng ta sẽ liên kết với Người, liên kết với nhau và với những người ra đi trước chúng ta. Thánh Thể cho chúng ta tham dự vào cuộc sống đó ngay từ bây giờ và bảo đảm rằng cuộc sống ấy sẽ đi đến thành toàn
Điều đó sẽ xảy ra thế nào? Và ở đâu? Tôi không biết và kính viễn vọng Hubble cũng sẽ không giúp trả lời cho câu hỏi “ở đâu?” Nhưng tôi tin nó sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta, những người đang quy tụ quanh Bàn Tiệc Thánh Thể, bởi vì tôi tin vào lời hứa mà hôm nay một lần nữa tôi lại được nghe: Chúng ta “ở trong tay Thiên Chúa” và Đức Giêsu sẽ hoàn trọn những gì Người đã hứa. Người sẽ làm cho chúng ta trỗi dậy trong ngày sau hết. Tôi cũng tin những gì Đức Giêsu nói hôm nay: ngay từ bây giờ tôi đang có sự sống đời đời, một cuộc sống thâm sâu khởi đầu với sự sống mới trong Đức Kitô và sẽ kết thúc tại nơi tụ họp đông đảo các linh hồn của những người công chính. Đó là “nơi” Hubble không thể thấy, nhưng chúng ta tin có nơi đó.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ