Điều Răn Trọng Nhất

Điều Răn Trọng Nhất

Xh 22,20-26;  Th 1,5c-10; Mt 22,34-40

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Điều Răn Trọng NhấtTôi có treo một bức hình trên tường, món quà của một rabbi. Bức tranh thể hiện cảnh chúc lành cho một cuộn sách Torah được mở ra. Cuộn sách đã cũ và sờn rách, vì vậy mà cộng đoàn lấy nó ra từ hòm thánh và tấm vải phủ đẹp. Họ phục chế lại cuộn sách, nhưng trước khi đặt lại vào hòm thánh, họ chúc lành và dâng hiến cuộn sách. Đây là cách thức họ tiến hành.

Khi cộng đoàn đông đủ trong hội đường, họ mở cuộn sách ra và tụ họp xung quanh. Một số thành viên trong cộng đoàn, đeo găng tay trắng, cầm cuộn sách, các thành viên còn lại xếp vòng tròn xung quanh cuộn sách được mở ra. Vị rabbi, khoác áo choàng tế lễ và tiến vào trong vòng với cộng đoàn, sẽ thực hiện tiến trình dâng hiến cuộn sách trước khi đặt lại vào hòm thánh. Một thành viên trong cộng đoàn nói: “Chúng ta không thể loại bỏ cuộn sách này, nó không phải là đồ cổ, một cuốn sách chết. Đó là Lời Thiên Chúa hằng sống”. Cộng đoàn cũng được dâng hiến cùng với cuộn sách.

Thật ra, tại lối vào của các gia đình Do Thái trong cộng đồng Do Thái, có một biểu tượng hoặc dấu chỉ dâng hiến cho Lời Thiên Chúa, dấu chỉ ấy rõ ràng, gần gũi hơn với gia đình. Đó là mezuzah, một trục lăn được đặt trên trụ cửa của mỗi gia đình. Nó chứa một đoạn Kinh Thánh ở bên trong. Ví dụ như đoạn Kinh Thánh Đức Giêsu trích dẫn một phần ngày hôm nay: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đl 6,4). Khi tôi trưởng thành, tôi thường thấy những người hàng xóm Do Thái hôn tay của họ và sau đó chạm vào mezuzah khi đi cũng như khi về nhà.

Anh chị em Do Thái của chúng ta tôn kính Lời Thiên Chúa như thế này: cộng đoàn thờ phượng quây quần xung quanh bản văn Kinh Thánh, họ hôn bản văn khi về hoặc ra khỏi nhà. Tất nhiên, mazuzah không phải là tấm bùa may mắn cũng không phải người Do Thái hôn nó như một sự mê tín, nhưng như một phần của cộng đoàn, họ mong ước một cuộc sống được hướng dẫn và tăng sức bởi Lời Thiên Chúa trong gia đình và mọi nơi.

Khi được hỏi về giới luật nào trọng nhất, Đức Giêsu đã trích dẫn điều răn cốt lõi của đức tin Do Thái giáo, điều răn này được dán trên khung cửa. Sau đó, Người trích dẫn một giới luật khác, một trong số nhiều giới luật khác nữa trong Cựu Ước và đặt nó cùng với giới luật đầu tiên. Tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa là giới luật đầu tiên và nối kết với nó là yêu thương người thân cận như chính bản thân mình.

Nếu một người ngoại hỏi một người Do Thái: Đâu là hình ảnh Thiên Chúa của bạn? Họ sẽ trả lời: Chúng tôi được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là hình ảnh của Thiên Chúa được tìm thấy nơi mỗi con người. Đây chính là điều mà Đức Giêsu đã ngụ ý trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta chỉ là con người, thì làm sao tôn thờ một Thiên Chúa vô hình trong thế giới, trong cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức đó. Người đã lấy giới luật yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và đặt giới luật này với giới luật yêu mến người thân cận. Như ở một nơi nào đó, Kinh Thánh gợi ý: Nếu anh em muốn yêu mến Thiên Chúa, Đấng anh em không nhìn thấy, thì hãy yêu thương tha nhân mà anh em nhìn thấy. Mỗi người là nơi ngự trị của Thiên Chúa theo “hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được tạo thành.”

Vì đây là một bài giảng, nên vị giảng thuyết cần phải chọn ra một vị thánh được yêu thích, hoặc liên quan đến cộng đoàn địa phương; đồng thời, vị ấy phải cho thấy các ngài yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân như thế nào. Ví dụ: Thánh nữ Rosa Lima, một trong những thánh lớn của Dòng Đa Minh. Ngài sinh ở Lima Pêru năm 1586 và tên là Isabel. Nhưng người ta gọi ngài là Rosa vì vẻ đẹp lạ thường của ngài. Nhiều chàng trai theo đuổi thánh nữ và muốn cầu hôn ngài. Cha mẹ ngài mong muốn một “cuộc hôn nhân tốt đẹp”, một cuộc hôn nhân được sắp đặt, vì họ cần tiền. Rosa ước ao một ngày kia chỉ sống một mình cho Thiên Chúa. Mẫu gương của ngài là thánh nữ Catarina thành Siena (một phụ nữ khác cũng thuộc Dòng Đa Minh). Thánh nữ đã trải qua ba năm cầu nguyện liên lỉ dưới cầu thang trong nhà cha mẹ ngài. Bắt chước thánh Catarina, Rosa đã đến sống trong một túp lều nhỏ trong vườn và dâng hiến mình để cầu nguyện liên lỉ. Hãy nhớ rằng “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.

Như thánh Catarina, Chúa Kitô đã thôi thúc Rosa và ngài đã thực thi lòng thương xót với người nghèo, người bản xứ và nô lệ. Thêm vào đó, ngài không chỉ bày tỏ mối bận tâm đến tội lỗi của mỗi con người mà còn đến tội lỗi của cả xã hội. Người Tây Ban Nha đã xâm chiếm và đàn áp dân bản địa. Rosa đã yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức lực và ngài yêu mến bằng cách dành hết tâm trí để yêu mến tha nhân. Giống như chúng ta quy tụ với nhau trong phụng vụ, Rosa đã để cho Lời Chúa bao bọc lấy mình và cũng như thể ngài đang ôm hôn lấy Lời và được Lời ấy hướng dẫn đi đến phục vụ tha nhân và rồi trở về với Lời.

Tôi chọn thánh Rosa Lima, một vị có liên quan đến thánh Catarina, không phải vì các ngài là những tu sĩ dòng Đa Minh, nhưng là để minh chứng rằng cuộc sống của bất cứ vị thánh nào cũng luôn đặt cả con người mình theo giáo huấn của Đức Giêsu. Các ngài cho chúng ta thấy Ân sủng Thiên Chúa có thể hoạt động bên trong chúng ta như thế nào, và chúng ta, chỉ là những con người, cùng với sự hiện diện Thiên Chúa, có khả năng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và yêu thương người thân cận như chính mình.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất Hành cho thấy Thiên Chúa luôn quan tâm đến những người khốn khổ nhất trong xã hội. Bài đọc được chọn ngày hôm nay có nguồn gốc từ một đoạn trong sách Xuất Hành được gọi là “sách Giao ước”, cuốn sách là một lời giáo huấn về đạo đức xã hội, không dựa vào lề luật, nhưng dựa vào lòng thương cảm. Với những ai đang túng thiếu, luật vốn thực hiện những hành động nào đó vẫn không đủ để bảo vệ họ.

Bởi vì người Itsrael đã trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa khi họ là những nô lệ bên Ai Cập và khi đi trong sa mạc, thì đến luợt họ, họ cũng phải thương xót những người túng nghèo tương tự như vậy. Luật lệ của họ là để phản ánh lòng trắc ẩn mà họ nhận được. Đơn cử như họ nhớ lại rằng trước đây họ là ngoại kiều ở Ai Cập, thế nên họ cũng không được làm điều xấu đối với khách lạ trên đất của họ.

Thông tin về tình hình biên giới trong những ngày gần đây cho thấy những hoàn cảnh thê lương của những người phải rời bỏ gia đình vì nghèo đói và bạo lực để tìm nơi trú ngụ trong đất nước chúng ta. Những người xa lạ và dân nhập cư trong những vùng đất xa xôi bị tổn thương do người ta lạm dụng. Họ phải bỏ lại gia đình, văn hóa và môi trường thân quen. Chạy thoát khỏi quê hương và tìm kiếm nơi an toàn. Xét về nhiều mặt, họ cũng giống như người Itsrael ở Ai cập xưa, là những người ngoại kiều trong một đất nước xa lạ và hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiếu khách của những người bản xứ là chính chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

           

Để lại một bình luận