Để xứng đáng dự tiệc Nước Trời

 

Hãy thay đổi đời sống để xứng đáng dự tiệc Nước Trời

Is 25,6-10;  Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-10

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Để xứng đáng dự tiệc Nước TrờiTôi quen biết một cặp vợ chồng sắp cưới. Tối thứ sáu vừa rồi, họ đưa cha mẹ đi phố – mẹ của chàng trai và bố mẹ của cô gái. Nhưng họ không đi xem phim hay đi ăn tối. Họ đến hiệu bánh để chọn bánh cưới. Họ ngồi vào bàn, thử các mẫu bánh cưới và bình luận về mỗi loại bánh họ ăn thử, giống như những người sành sỏi vậy. Sau mỗi lần ăn thử loại bánh nào đó, họ uống một chút nước rồi lại thử loại khác. Họ thử khoảng năm, sáu cái và rồi cùng nhất trí với nhau chọn một cái họ thích nhất. Giờ thì họ đã có chiếc bánh cưới. Quý vị hãy hình dung xem, và tôi dám chắc rằng nhiều người trong số quý vị đây đã có kinh nghiệm về điều đó (kinh nghiệm mà tôi không có), mất bao lâu về việc quyết định và lên kế hoạch cho những thứ khác nữa liên quan đến cưới hỏi như: thiệp mời, hôn lễ, địa điểm đãi tiệc, chọn tiệc cưới, danh sách khách mời, chỗ ngồi, món ăn, hoa, âm nhạc, v.v..

Tất cả những điều trên giúp chúng ta tìm hiểu dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, công việc chuẩn bị cho lễ cưới thông thường của chúng ta không rầm rộ, hoành tráng như công tác chuẩn bị cho lễ cưới hoàng gia đã được miêu tả trong dụ ngôn; việc chuẩn bị bao gồm “bò tơ và thú béo!” Tạ ơn trời vì những thứ đó không có trong danh sách chuẩn bị cho lễ cưới ngày nay!

Hãy nhớ lại bối cảnh của dụ ngôn hôm nay. Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, nơi diễn ra những xung khắc giữa Người và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Thay vì giữ thái độ kín đáo, dè dặt, Đức Giêsu đối chất với họ bởi lẽ họ đã chống lại sứ điệp Tin Mừng của Người. Chủ Nhật tuần trước, chúng ta đã nghe dụ ngôn ngay trước bài hôm nay nói về những tên tá điền xảo quyệt canh giữ vườn nho, những tên sát nhân này đã giết các đầy tớ của ông chủ, và sau đó giết luôn đứa con trai của ông (21:28-32). Các thượng tế và kỳ mục hẳn không quên: Đức Giêsu kết án họ thiếu trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo Dân Chúa. Tin Mừng tuần trước kết thúc với câu: “Khi nghe dụ ngôn Người kể, các thượng tế và Pharisiêu hiểu là Người nói về họ”.

Trong dụ ngôn tiếp theo hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục chỉ trích gắt gao. Dụ ngôn có tính ẩn dụ, một lần nữa lại nhắm vào những đối thủ của Người. Dụ ngôn cho họ biết lý do để phản tỉnh và thay đổi cách họ nghĩ về Người. Nhưng điều mong đợi ấy đã không xảy ra. Dụ ngôn khiến lòng họ trở nên chai đá hơn, và kết quả là sẽ có một kết cục bi thảm dành cho Đức Giêsu. Họ sẽ giống như những tên tá điền sát nhân trong dụ ngôn trước, những người này đã bắt đứa con trai, tống ra khỏi thành và giết đi. Có nhà chú giải nói rằng lời lẽ của Đức Giêsu trong dụ ngôn này là “một cách tốt tự đưa mình đến chỗ chết ”.

Ở Giêrusalem, Đức Giêsu ngày càng gặp phải nhiều sự chống đối từ phía các nhà lãnh đạo Do Thái. Chúng ta hãy nhớ lại, như đã phân tích ở tuần trước, Mátthêu không nói về việc Thiên Chúa loại bỏ dân Do Thái. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa không làm như thế (Rm 9-11). Đức Giêsu theo cách thức của các ngôn sứ, những người đã rao giảng sự phê phán đối với dân Israel, nhất là giới lãnh đạo vì đã không tuân phục Lời Thiên Chúa. Mátthêu viết cho Giáo Hội sơ khai bao gồm phần lớn là những người Do Thái thuở xưa. Sứ điệp của Người là một thách đố đối với họ và đối với những ai bây giờ đang nắm giữ những vai trò lớn nhỏ trong Giáo Hội. Dụ ngôn là một lời cảnh báo được thốt ra từ một Đấng yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta là những môn đệ của Người. Các ngôn sứ không chỉ trích vì sự thù ghét, nhưng vì yêu thương những người đang nghe sứ điệp.

Phần cuối của bài Tin Mừng là một dụ ngôn thứ hai. Thật vậy, người giảng thuyết có quyền chọn bài ngắn hơn (Mt 22, 1-10). Nhưng nếu chúng ta chọn đọc luôn cả phần thứ hai, thì phần này mang đến cho ta một thông điệp tiếp nối phần thứ nhất.

Sau tất cả những nỗ lực mời mọi người tham dự tiệc cưới cho con trai của mình, nhà vua thấy có những người đến tham dự nhưng không mặc y phục lễ cưới. Những người này có thể là những thành viên của cộng đoàn Kitô hữu, vào thời thánh Mátthêu hay thời đại chúng ta, những người có thái độ sai lầm, hoặc là con cái Giáo Hội nhưng không sống đời chứng tá tông đồ của mình. Họ có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu, nhưng hầu như chẳng làm gì sau lời “xin vâng” ban đầu ấy.

Cho dẫu Thiên Chúa đang giang rộng đôi tay đến với những người bị loại trừ, đói rách, nghèo khổ, nhưng một người đáp trả bằng thái độ vô cảm, thờ ơ. Trong Giáo đoàn của thánh Mátthêu, những kẻ tỏ thái độ này bao gồm cả những người Do Thái và dân ngoại trở lại. Thiên Chúa không chỉ trông đợi họ có một thái độ đúng đắn đối với Đức Giêsu, mà còn đòi hỏi họ đáp lại bằng việc thay đổi đời sống. Giáo Hội phải trung thành với ơn gọi ban đầu và tiếp tục nếp sống cộng đoàn để phản chiếu đời sống của Thầy mình.

Để xứng đáng dự tiệc Nước Trời“Y phục lễ cưới của bạn đâu?” Đây là câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta. Cuộc sống của chúng ta không chỉ là việc tham dự Thánh Lễ, cho con chịu phép Rửa tội, Thêm sức và tổ chức lễ cưới ở nhà thờ. Chúng ta không đến tham dự tiệc cưới mà không hề có thay đổi gì, vẫn như lúc ban đầu khi được mời dự tiệc. Một khi đã vào bữa tiệc, chúng ta không thể nói rằng ta đã làm đủ rồi và mọi thứ đã đâu vào đấy. Chúng ta cần phải đáp lại những ơn lành đã lãnh nhận bằng chính đời sống được biến đổi.

Mở rộng nghĩa của dụ ngôn, có lẽ vượt qua cả giới hạn mà người kể nhắm đến, mặc y phục chỉnh tề tham dự lễ cưới là chuyện của cả đời người. Có lẽ chúng ta không hoàn toàn ngay chính và chuẩn bị đầy đủ cho cuộc quang lâm của Chúa. Chúng ta vẫn đang cố gắng “trang phục chỉnh tề” bằng cuộc sống chúng ta đang sống; cách chúng ta đối xử với những người đang trên “các ngả đường”, tức là những người ngoài, những người không được thừa nhận. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa muốn đến với chúng ta, trước đây vốn là những kẻ ở ngoài, nay có cơ hội trở thành khách dự tiệc cưới.

Dụ ngôn là một câu chuyện về ân sủng. Con người có thể chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không loại bỏ con người. Bữa tiệc đã được dọn sẵn, Thiên Chúa đi tìm và chia sẻ niềm vui với chúng ta. Xét cho cùng, lời mời không phải là giảng giải dài dòng, nhàm chán, kể tội quá khứ, và nghe khiển trách. Đó là lời mời gọi từ Thiên Chúa nhân lành và Người Con của Ngài. Chính Chúa Con rất mong muốn chúng ta tham dự bữa tiệc đến nỗi đã hiến dâng chính mình vì chúng ta để thuyết phục chúng ta nhận lời mời và đến tham dự tiệc cưới.

Bằng nhiều cách, lời mời gọi vượt lên trên những gì chúng ta đang sở hữu: chúng ta nghe lời mời và đáp trả khi chúng ta nỗ lực cải thiện đời sống hôn nhân của mình; trưởng thành trong tình bạn; tìm hiểu và tham dự những buổi nói chuyện về những chủ đề quan trọng; đáp trả lại sự thôi thúc cầu nguyện; tình nguyện phục vụ những người nghèo khổ; giúp đỡ các giáo dân trong giáo xứ; tham gia chương trình tĩnh tâm… Tham dự thánh lễ hôm nay, chúng ta một lần nữa đã đáp lại lời mời gọi đó. Chúng ta đến với bữa tiệc Con Chiên tìm sự giúp đỡ để hoàn thành việc mặc y phục lễ cưới của mình. Chúng ta nhận lời mời và muốn mặc y phục xứng hợp. Y phục lễ cưới của chúng ta sẽ trở nên rạng ngời đối với những người khác, thể hiện qua lối sống như những người tham dự tiệc cưới của Chúa chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

           

Để lại một bình luận