để canh tác vườn nho cho Chúa
Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Ở đất nước chúng tôi, ngày càng có nhiều tiểu bang đang mở rộng việc trồng nho và sản xuất rượu vang độc đáo. Các bài đọc trích sách Isaia và Mátthêu hôm nay khắc hoạ hình ảnh vườn nho. Thật thích hợp tại thời điểm này trong năm, khi rất nhiều miền trong nước, nho đang được thu hoạch để chế tạo rượu, và mỗi miền đều khoe chất lượng rượu của miền mình.
Bài đọc thứ nhất soi sáng và giúp cho ta hiểu dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn về vườn nho được Isaia mô tả mang đậm tính thơ ca và kịch nghệ. Xem ra đã đến thời điểm thu hoạch và vị ngôn sứ ca ngợi người bạn của mình đã chăm sóc vườn nho cách chu đáo. Hãy lưu ý những chi tiết tác giả dùng để mô tả việc chăm sóc của một người bạn đối với vườn nho. Người bạn ấy dự đoán: một ngày nào đó anh sẽ thu hoạch những trái nho và thụ hưởng thành quả lao động vất vả của mình…, đó là một loại rượu vang hảo hạng.
Nhưng bài ca kết thúc cách hụt hẫng khi ông chủ chỉ toàn thấy nho dại, rượu ngon không thấy mà chỉ thấy toàn rượu kém chất lượng, trong vườn nho của mình. Ước mơ hội họp tiệc tùng với gia đình, bạn hữu và khách dự tiệc của ông, khi họ nhấm nháp những loại rượu vang chất lượng hảo hạng lấy từ vườn nho của ông, bị tan vỡ.
Hồi kịch đến cảnh tượng vọng gác: người bạn trình bày hoàn cảnh xảy đến cho vườn nho cùng với lời than vãn: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?”. Thế rồi, ngôn sứ Isaia gợi ra cho thính giả thấy quê hương ông trong chính dụ ngôn ấy. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, còn vườn nho chính là Israel. Dân tộc được tuyển chọn làm Thiên Chúa chán ngán, vì vườn nho của Đức Chúa chỉ sản sinh hành động giết chóc, bất công. Tiếng than khóc của người nghèo và của người bị áp bức đã vọng lên tới Thiên Chúa.
Một đôi vợ chồng tôi quen biết đang trải qua thời kỳ khủng khiếp. Người con trai 20 tuổi của họ bị bắt giữ vì nghiện ma tuý. Ông bà tự hỏi: “Chúng tôi đã làm gì sai chứ? Chúng tôi đã nuôi nấng nó hết sức mình, đã hy sinh để nó được ăn học đầy đủ, lại còn lao động vất vả để chu cấp cho nó một gia đình hạnh phúc và no đủ. Thế mà giờ đây nó lại bị tống giam!”
Đáng tiếc là nhiều người trong chúng ta đã hơn một lần nghe câu chuyện này hoặc câu chuyện tương tự như thế. Tôi không thể không so sánh lời than vãn của cha mẹ nói trên với những lời của Thiên Chúa hết mực yêu thương và thất vọng như ngôn sứ Isaia diễn tả. Thiên Chúa muốn điều tốt và làm cho dân mọi điều, nuôi nấng họ, sai phái các ngôn sứ và những thày dạy khôn ngoan để hướng dẫn họ. Chúng ta cảm thấy nỗi thất vọng của bậc cha mẹ yêu thương con cái, như Thiên Chúa tìm kiếm những hoa quả của bình an và công chính, nhưng lại chỉ thấy nho dại từ vườn nho.
Vườn nho trong Tin Mừng hôm nay cũng giống như vườn nho trong bài đọc I; nhưng lúc này, Đức Giêsu xác định đó là Nước Thiên Chúa mà Người đến loan báo cho dân. Người đã vào thành Giêrusalem, nơi người ta chống đối Người gay gắt. Tuần trước, trong dụ ngôn về hai người con trai cho thấy ngay sự chống đối này (Mt 21,28-32), Người kết tội các thượng tế và kỳ mục trong dân vì không đáp trả sứ điệp của Người, trong khi “những người thu thuế và các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.
Các chức trách tôn giáo ngày càng tỏ ra muốn loại trừ Đức Giêsu; còn Đức Giêsu, người con trai được ông chủ vườn nho phái tới, sẽ sớm đối mặt với cái chết. Điều đó thúc đẩy chúng ta đọc bài Tin Mừng hôm nay như một hình ảnh tiêu biểu nữa mô tả sự thất vọng và phê phán của Đức Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái cứng đầu cứng cổ. Nhưng đối với Giáo Hội sơ khai, điều đó đã trở thành quá khứ rồi. Đó không phải là lý do để thánh Mátthêu kể lại dụ ngôn này trong Tin Mừng của ngài. Thành Giêrusalem bị phá huỷ năm 70 CN, còn thánh Mátthêu viết tác phẩm của mình vào khoảng năm 85 CN. Dụ ngôn nói về những người được giao phó chăm sóc vườn nho, và vì thế, ám chỉ đến chúng ta, những người hiện tại đang trông coi các tá điền.
Đó là một dụ ngôn có nhiều yếu tố ẩn dụ và đậm nét Kitô học. Chẳng hạn, Đức Giêsu, giống như người con trai trong dụ ngôn, bị bắt giữ, đưa ra ngoài thành và bị giết chết ở đó. Do đặc điểm ẩn dụ trong dụ ngôn, chúng ta suy ngẫm về lời nói và những hình ảnh chuyển tải sứ điệp cho chúng ta. Dụ ngôn của Đức Giêsu ám chỉ đến bài đọc Isaia, nhưng có điều khác ở đây, thay vì phá huỷ vườn nho, ông chủ trong dụ ngôn của Đức Giêsu đã tru diệt các tá điền sát nhân, bảo vệ vườn nho và giao cho các tá điền khác canh tác.
Dụ ngôn chứa đựng yếu tố hy vọng là bởi vì vườn nho được giao cho “các tá điền khác”. Những người canh tác mới này vừa có đặc quyền phụ trách vườn nho, vừa có trách nhiệm “làm cho vườn nho sinh hoa trái”. Ai sẽ là người quản lý tá điền mới này? Theo Đức Giêsu, trích dẫn Thánh vịnh 118, những quản lý đó sẽ xuất thân từ những người không có thế lực và những người vô danh tiểu tốt và bị loại trừ – một mô tả rõ ràng quyền lãnh đạo và các thành viên của Giáo Hội sơ khai.
Cả chúng ta hiện nay và các thế hệ sau này cũng thế. Mỗi chúng ta là một tá điền, vì đã được giao cho một phần đất trong vườn nho để chăm nom. Có thể chúng ta không giữ các chức vụ trong Toà giám mục có biển hiệu trên cửa “Giám mục”, “Chưởng ấn” hay “Giám đốc ơn gọi”. Nhưng điều đó không miễn cho chúng ta những trách nhiệm trong vườn nho.
Phần đất được giao cho chúng ta xem ra không quan trọng, một mảnh đất nhỏ ở ngoài vườn nho, nhưng bí tích Rửa tội trao cho chúng ta trách nhiệm lớn hơn phần đất ấy. Hãy tưởng tượng danh chúng ta được xướng lên trong Nước Thiên Chúa: Danh ấy gắn liền với nghề nghiệp được mô tả: “Tá điền trong Vườn nho”. Đang khi chúng ta là những người được đón nhận vào vương quốc của Đức Giêsu trong niềm vui mừng, chúng ta cũng là “những tá điền” được giao trách nhiệm canh tác và trổ sinh những hoa quả của vương quốc trong thế giới xung quanh chúng ta. Hoa trái đó là hoà bình và bất bạo động, niềm vui, công bình, lòng biết ơn, sự tha thứ, hoà giải… Đâu là hoa trái cụ thể mà chúng ta được mời gọi làm cho trổ sinh? Ở đâu? Cách nào? và khi nào?
Thực ra, “khi nào” không có nghĩa là thời gian trong tương lai, bởi vì, ngay từ khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần (4,17). Thời gian chăm sóc vườn nho là thời gian hiện tại, và chúng ta không được trì hoãn trách nhiệm đó, hoặc giao trách nhiệm đó cho người khác. “Các giám mục, linh mục, phó tế và các nữ tu có bổn phận thi hành điều đó”. Dụ ngôn cho thấy rõ rằng sắp đến mùa hái nho. Khi nào chúng ta phải thực hiện công việc canh tác trong vườn nho? Thưa rằng ngay bây giờ.
Nếu chúng ta không sẵn sàng làm công việc đó, hoặc nghĩ rằng có thể thay đổi việc mình làm, chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan trong Thánh Lễ hôm nay. Hãy cầu nguyện luôn luôn để biện phân xem đâu là công việc cụ thể của mình, nếu không sẽ tốn nhiều thời gian để thay đổi công việc. Nhờ một tín hữu nào đó khôn ngoan giúp chúng ta phân định.
Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đến loan báo trên trần gian này sẽ không xảy ra cách tình cờ. Chúng ta, những thành phần của Giáo Hội, phải thay đổi trước hết đời sống của mình để thích hợp với những nguyên tắc của Vương quốc (xc. Bài giảng trên núi, Mt 5,1-6,29), và như thế trở thành những nhân chứng của đời sống mới nơi góc vườn nho, chính ở đó chúng ta được sai đi gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa trái cho Đức Chúa.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ