Hãy đi làm vườn nho…
“Hứa…” là gì? Thưa, theo tudien.com, nghĩa là: “Nhận sẽ làm gì tuy có khó khăn”. Còn theo tự điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa, thì: hứa, là nói với ai đó, với ý thức tự ràng buộc mình, sẽ làm điều gì đó theo yều cầu mà người đó đang cần.
Hứa… Vâng, trong cuộc sống giao tế hàng ngày, chúng ta không thể không sử dụng đến lời hứa. Có thể nói rằng, từ lúc bình minh cho tới lúc hoàng hôn, có ai trong chúng ta lại không một lần thốt lên một lời hứa. Ví dụ, trước khi đi làm, hứa chiều nay, sau giờ tan sở sẽ dẫn con đi ăn, đi chơi . Hoặc, hôm nay hứa với bạn hàng sẽ giao hàng đầy đủ và đúng giờ v.v… .
Hứa, hay có thể gọi là hứa hẹn, nó có một sức mạnh khủng khiếp. Nó có thể đem đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. Tiếc thay, không ít người đã không biết sử dụng lời hứa. Đôi khi, có thể là vô tình và cũng có khi do cố ý, con người đã làm tổn thương nhau chỉ bằng một lời hứa.
Tại sao lời hứa có thể làm tổn thương nhau? Thưa, bởi vì, lời hứa đó được sử dụng như là một phương cách để tránh phải đối đầu, để đối phó tình thế, để trốn tránh trách nhiệm, hoặc để làm vui lòng nhau, và trăm ngàn lý do khác nữa.
Chính vì sử dụng những lời hứa hẹn như là những phương cách nêu trên, cho nên, những lời hứa đó đã trở thành “cái bẫy”, một cái bẫy làm tổn thương hơn là đem đến niềm hy vọng, sự tin tưởng. Chính “cái bẫy” đó, nó làm cho lời hứa hẹn trở thành lời “hứa hão, hứa cuội, hứa lèo, hứa hươu, hứa vượn v.v…”
Đối với Đức Giê-su, những kẻ “hứa hão, hứa cuội, hứa lèo, hứa hươu, hứa vượn v.v…”, nói tắt một lời, những kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên”, Ngài mạnh mẽ lên án họ là “kẻ giả hình”, và để mọi người có thể nhận ra chân dung kẻ giả hình, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn, dụ ngôn mang tên “Hai người con”.
Vâng, dụ ngôn đã được thuật lại rằng “Một người kia có hai con trai”. Một hôm, ông ta đến gặp hai người con, kẻ trước người sau, vào bảo với hai con của ông rằng : “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (x.Mt 21, 28)
Với người con thứ nhất, chuyện kể rằng: “Nó đáp: Con không muốn đâu!”. Rồi khi “Ông đến gặp đứa thứ hai và cũng bảo như vậy”. Nó đáp, rất trịnh trọng, rằng : “Thưa ngài. Con đây!”. Nếu câu chuyện dừng tại đây, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng nhận xét rằng, người con thứ hai, chắc chắn “sẽ đi làm vườn nho”.
Thế nhưng, sự thật thì ngược lại. Người con thứ nhất, không “hứa” nhưng sau đó, “lại đi”. Tại sao anh ta lại đi? Thưa, là bởi, khi anh ta “nghĩ lại” lời nói của mình với người cha, anh ta “hối hận” (Mt 21, …29). Vâng, anh ta hối tiếc về lời nói quá phũ phàng với người cha. Cuối cùng, anh ta vâng lời người cha “nên lại đi” làm vườn nho
Còn người còn thứ hai thì sao! Thưa, phải đặt lại tên cho anh ta là “anh ba hứa”. Vâng, cứ tưởng rằng, với lời nói trịnh trọng “Thưa Ngài”, anh – ba – hứa, một cách nào đó, đã hứa với người cha của anh ta qua hai tiếng “thưa vâng”. Cứ tưởng rằng, khi anh-ba-hứa nói: “con đây” có nghĩa là cha bảo gì con sẽ tuân lệnh. Hóa ra, “con đây”… con chính là “con ma nhà họ Hứa”, con đến chỉ là để “trình diện” với cha thôi! Chuyện đi làm vườn nho ư! Để con “xem lại”, cuối cùng anh ta “không đi”…
Hôm đó, sau khi cho mọi người biết thái độ của hai người con, Đức Giê-su đã đưa ra một câu hỏi, hỏi rằng “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Như một cuộc đố vui có thưởng, không đợi tới ba mươi giây, cũng không cần “quyền trợ giúp”, họ đã trả lời rằng: “Người thứ nhất”.
Người-thứ-nhất, vâng, ngay hôm đó, khép lại dụ ngôn, Đức Giê-su đã cho mọi người biết chân dung của những kẻ được ví là “người con thứ nhất”, họ chính là “những người thu thuế và những cô gái điếm”, họ chính là những người “vào Nước Thiên Chúa trước”. Họ là những người “nói chín làm mười”. Tiêu biểu trong số họ, chính là “cán gộc” ngành thuế tên là Da Kêu, một con người đã dám đem “phân nửa tài sản … cho người nghèo, và sẽ đền gấp bốn” cho những ai đã bị ông ta chiếm đoạt tài sản.
Da-kêu đã “phản tỉnh”. Ông ta đã “hối hận” như người con thứ nhất trong dụ ngôn đã hối hận. Nói cách khác, ông ta đã vâng nghe lời mời gọi “hãy đi làm vườn nho”, ông ta “hứa là làm”. Qua tấm gương Da-kêu, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu gọi “những người thu thuế và những cô gái điếm …” là những người đã “tin” vào con đường “công chính”.
Còn người con thứ hai! Vâng, họ chính là những ngài biệt phái và kinh sư, những “quan lớn” thượng tế và kỳ mục. Vâng, họ tự hào là những nhà lãnh đạo tôn giáo, họ chính là “dân riêng”, là đội quân ưu tú của Đức Chúa Trời, thừa sự nhiệt thành và sự tận hiến. Họ “không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như (những) tên thu thuế…”(Lc 18,11).
Thế nhưng! Thật đáng tiếc, khi Thiên Chúa phán, qua miệng lưỡi Gioan Tẩy giả, rằng : “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết… Ngài chính là Chiên Thiên Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 26, 29). Họ nghe và hiểu nhưng “vẫn không chịu hối hận mà tin” (Mt 21, …32).
Thưa bạn, bạn có Kinh Thánh không? Nếu có, chúng ta hãy mở ra, (Mt 21, 28-32), hãy chậm rãi mà đọc, đọc và tự hỏi: “Tôi là ai? Là nhân vật nào trong dụ ngôn hai-người-con?“
Chúng ta sẵn sàng “đi làm vườn nho”? Hay chúng ta là một bản sao của người con thứ hai, đáp lời mời gọi “Thưa Chúa, con đây… Con là Hồng, là Huệ, là Ngoan, là Hiền v.v… nhưng rồi lại không đi?”
Thật ra, đã là một Ki-tô hữu, đương nhiên, chúng ta đang là một người thợ trong “vườn nho Giáo Hội”. Thế nên, câu hỏi mà chúng ta tự hỏi sẽ không còn là “tôi là ai, là nhân vật nào trong dụ ngôn”! Câu hỏi của chúng ta sẽ lệ thuộc vào vai trò của chúng ta trong vườn nho ấy.
Ví dụ, vai trò của tôi trong vườn nho là một người chồng, hoặc một người vợ, tôi và em đã “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. ‘Hứa’ yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”. Thế nhưng, có những lúc “đời buồn vui”, có những khi gặp “sương mù và giá lạnh”… tôi hoặc em, có vì thế mà cất tiếng ca, ca rằng “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”?
Còn rất nhiều ví dụ. Ví dụ vai trò của tôi trong vườn nho là một tu sĩ, là một linh mục… Thế nhưng, có những lúc “đời buồn vui”, có những khi gặp “sương mù và giá lạnh”… tôi có muốn rút lại lời thề hứa, hứa “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”?
Đưa ra những ví dụ nêu trên, không phải là để chúng ta “lo sợ”, nhưng là để chúng ta “cảnh giác” và tự hỏi rằng: làm thế nào để tôi vững vàng đi vào vườn nho trong vai trò của mình.
Về nan đề này, Lm. Jude Siciliano, OP có lời khuyên, rằng: “Người con thứ nhất có hoàn thành bổn phận mà cha nó yêu cầu hay không? Dụ ngôn hôm nay thật lạ vì nó không cho ta biết điều đó. Điều Đức Giêsu muốn nói không phải là mức thành công mỹ mãn cho bằng nhắm đến sự sẵn lòng đáp lại lời mời gọi phục vụ. Có lẽ ước muốn phục vụ của chúng ta là những gì Thiên Chúa mong chờ và chính ước muốn đó và những cố gắng của chúng ta tạo ra một khoảng trống cho Thiên Chúa bước vào và khỏa lấp mọi thiếu hụt”.
Vâng, vấn đề là “sự sẵn lòng” của ta, là “ước muốn” của ta, là “một khoảng trống cho Thiên Chúa bước vào và khỏa lấp mọi thiếu hụt”, mọi lo lắng của ta. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê có thêm lời khuyên, ngài khuyên rằng: “Hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su”. Tâm tình đó chính là “sự phó thác – Lạy Cha, con xin phó thác”
“Lạy Cha, con xin phó thác”, Vâng, một lời cầu nguyện giúp chúng ta “liên kết với Đức Ki-tô”, một sự liên kết đủ giúp chúng ta vững tin đáp lời mời gọi, lời mời gọi của Chúa, rằng “con hãy đi làm vườn nho”.
Petrus. tran